Cận tử nghiệp là nghiệp vừa được tạo tác ra bằng tư tưởng trước lúc sắp chết. Ý nghiệp này rất mạnh và vô cùng quan trọng vì nó quyết định hướng tái sinh, dù là hướng thiện hay hướng ác.
1. Cận tử nghiệp là gì?
Cận tử nghiệp là nghiệp vừa được tạo tác ra bằng tư tưởng trước lúc sắp chết. Ý nghiệp này rất mạnh và vô cùng quan trọng vì nó quyết định hướng tái sinh, dù là hướng thiện hay hướng ác.
Chữ nghiệp là dịch từ chữ Karma (Sanskrit) hay Kamma (Pàli), có nghĩa là hành động có tác ý của thân, khẩu, ý. Các hành động không có tác ý thì chỉ là hành động mà không được gọi là nghiệp. Tác ý ấy chính là hoạt động của hành uẩn hay tư tâm sở. Tác ý là thiện, hoặc ác, hoặc phi thiện phi ác. Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy các đệ tử tại gia và xuất gia, phải thường xuyên quán sát về nghiệp: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.
Nghiệp có bốn loại chính. Đó là:
Cực trọng nghiệp (Garukakamma): như tội ngũ nghịch giết cha, mẹ, A-la-hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật chảy máu. Nghiệp này còn gọi là vô gián nghiệp.
Cận tử nghiệp (Ásannakamma): là nghiệp tạo ra hay nhớ nghĩ lúc lâm chung. Nghiệp này rất quan trọng vì nó chi phối đến việc tái sinh.
Tập quán nghiệp (Acarikakamma): là chính những hành động trở thành tập quán tác thành cá tính con người. Tập quán nghiệp tốt có thể giúp con người hoan hỷ khi chết và ngược lại.
Tích lũy nghiệp: là các nghiệp còn lại. Nghiệp này như chỗ chứa đựng các nghiệp của một chúng sinh.
Trong một cuộc đời có nhiều nghiệp thiện ác lẫn lộn. Vậy khi kết thúc đời sống, loại nghiệp nào dẫn đi tái sinh? Thông thường, tập quán nghiệp nào mạnh thì sẽ sống dậy mãnh liệt nhất trước lúc chết, do đó có nhân tố mạnh quyết định nơi tái sinh.
Tuy nhiên, cận tử nghiệp là nghiệp vừa được tạo tác ra trước lúc chết (nghiệp thiện hoặc bất thiện) là yếu tố quyết định cảnh giới tái sinh. Khi có sự kiện của cận tử nghiệp quyết định cảnh giới tái sinh, thì hẳn nhiên những tâm niệm sau cùng giữ vai trò quyết định. Điều này nói lên rằng với một người có tu tập, thường hành chánh niệm tỉnh giác sẽ giữ được phần chủ động trong việc tái sinh. Nếu sự tỉnh giác sau cùng trước lúc chết đủ mạnh đoạn trừ tham ái (dục ái, hữu ái và vô hữu ái) thì có thể giải thoát nghiệp ngay tại chỗ.
Kinh sách kể có người tích lũy nghiệp thiện từ nhiều kiếp đến nay, bất thần trong cơn mê muội vào giờ phút lâm chung, thấy có người xúi dục họ làm điều ác (cận tử nghiệp ác). Trong trường hợp này cận tử nghiệp không chi phối được hướng đi tái sinh mà là do quyết định của tập quán nghiệp tức tích lũy nghiệp lành của họ nhiều và mạnh đưa họ đến cõi lành.
Lại cũng có người làm nhiều điều ác, đáng lý phải đọa vào các cảnh giới xấu, nhưng gần chết họ làm lành, tâm họ luôn nghĩ tưởng đến điều lành, kể cả vào giây phút lâm chung, nên không bị đọa vào cảnh giới xấu. Cho nên nói làm ác khi chết nhất định đọa vào cảnh giới ác, làm thiện nhất định lên cõi trời, là không đúng hẳn. Vì tuy họ có làm ác nhưng lúc gần chết cận tử nghiệp thiện họ quá mạnh có thể đưa họ đến cõi thiện.
Còn có những trường hợp tuy làm nhiều điều thiện, nhưng khi gần chết họ nổi sân hung dữ, lúc đó cận tử nghiệp ác có thể hướng họ đến các cảnh giới xấu. Vì vậy, cận tử nghiệp cũng như tích lũy nghiệp đều rất quan trọng và kinh sách nhà Phật khuyên chúng ta không phải chỉ tu khi tuổi sắp già, đang già hay sắp chết, mà nên tu ở mọi giai đoạn của đời người, luôn luôn giữ thân, khẩu, ý lành, từ lúc còn trẻ trung mạnh khỏe cho đến tận cuối kiếp người.
Trước lúc lâm chung mà được đức Phật khai thị thì chắc chắn chúng ta sẽ được tái sinh về cõi an lành, không những người chết được nhiều lợi ích mà còn những người khác nghe được lời khai thị đó cũng được những lợi ích nhất định như chứng pháp nhãn thanh tịnh, vào quả dự lưu… Đó chính là những lợi ích của người có đầy đủ duyên lành với đức Phật.
Còn bây giờ, đức Phật đã nhập Niết bàn thì đã có chư Tăng. Các vị ấy tu tập theo lời đức Phật dạy, luôn làm những điều lành cho chính mình và cho mọi người. Lúc còn sống, chúng ta phải theo chư Tăng tu học lời Phật dạy, luôn làm lành lánh dữ. Đó chính là những hành trang cần thiết cho một kiếp sống của một con người.
Do đó, trước lúc lâm chung, gia đình có thể mời được chư Tăng đến tụng kinh, niệm Phật và khai thị cho người sắp chết thì đó chính là một nhân duyên to lớn để cho người sắp mất có được sự bình an, lòng tin, tỉnh thức.
Hằng ngày chúng ta tích lũy nhiều việc thiện, giữ gìn năm giới cấm thì chắc chắn lúc lâm chung, cận tử nghiệp của ta sẽ nhớ những điều thiện nhiều hơn và sẽ được tái sinh về cảnh giới an lành.
Còn hằng ngày, chúng ta luôn làm những việc bất thiện thì lúc lâm chung, cận tử nghiệp sẽ nghiêng về những việc bất thiện và sẽ đi theo nghiệp ấy tái sinh về một trong ba nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh để trả nghiệp.
Nhất là đối với người con Phật chúng ta, dù tại gia hay xuất gia, luôn luôn khắc sâu từng lời dạy của đức Phật để lấy đó làm tư lương và hành trang cho chính mình và cho gia đình, mọi người lấy đó để học hỏi và tu tập.
2. Cận tử nghiệp đáng sợ vô cùng
Có một nữ cư sĩ thọ Bồ-tát giới là bà X, trì trai hơn 30 năm. Nửa đời sau của bà toàn là ăn chay, lễ Phật. Sau khi bà qua đời, người nhà đến chùa mời sư Nhân Ba Thiết tụng kinh hồi hướng công đức cho bà. Đương nhiên ngài rất vui vẻ nhận lời.
Tối đó sư Nhân Ba Thiết bỗng thấy một cảnh tượng rất lạ: có một con heo nái, đẻ mười mấy heo con, lông toàn màu trắng. Trong số đó có duy nhất một con heo giữa lưng có một khoanh đen. Dù thấy vậy nhưng Nhân Ba Thiết không để ý lắm.
Hôm sau người nhà bà X lại đến bái kiến Nhân Ba Thiết thưa rằng:
– Mẹ con ăn chay nhiều năm nay, đã thọ Bồ-tát giới, tâm lại rất tốt, vậy sau khi bà mất rồi, sẽ sinh về đâu? Chẳng biết có về cõi cực lạc của Phật A Di Đà không?
Sư Nhân Ba Thiết đáp:
– Để tối nay ta xem cảnh mộng ra sao đã.
Đêm đó, Nhân Ba Thiết cũng thấy y hệt hôm trước, “Con heo đó” ở trong cái chuồng xây gạch nơi làng Ngư ôn gần đây, thấy rất rõ ràng.
Ngày thứ ba anh con trai bà X đến hỏi thăm, Nhân Ba Thiết không tiện nói rõ, chỉ hỏi:
– Mẹ ngươi trước khi mất, có điềm gì không?
Con trai bà thưa:
– Dạ không, lúc gần đi thì bà hôn mê, không có trối trăn gì.
Nhân Ba Thiết nói:
– Thế thì không tốt lắm.
Rồi Sư nghĩ thầm: ‘Thông thường đệ tử Phật tu tinh tấn luôn có dự liệu, hiểu biết sáng suốt. Một người cả đời ăn chay như bà X, tâm tính tốt, ưa giúp người, lại siêng cúng dường chùa. Giây phút qua đời vì sao lại có thể đầu thai làm súc sinh chứ? Lý nào như vậy?”
Sư Nhân Ba Thiết không tiện nói gì với con trai bà X. Chỉ căn dặn:
– Anh hãy quay về điều tra, hỏi thăm cả nhà xem mẹ anh có nói gì trước khi mất không? Bởi vì trước lúc mất, bà vẫn có thời gian tĩnh, chắc chắn đã từng nói ra, từng nhắc đến điều gì đó, chẳng hạn như những gì bà mong muốn thực hiện mà chưa làm được nên cứ ôm ấp mãi trong lòng. Anh hãy về nhà hỏi thử xem?
Anh con trai vâng lời về nhà điều tra. Mới biết buổi tối trước khi mất ba ngày, vợ anh đến chăm sóc bà, nghe bà cứ nói mãi:
– Đem con heo đó làm thịt đi, nhanh lên!
Bà cứ nói tới nói lui như vậy hoài. Sau đó mới mất.
Nghe quyến thuộc kể lại, Sư Nhân Ba Thiết nói:
– Như vậy thì rõ rồi, ta có thể xác định, bà ấy hôm nay rơi vào cảnh giới này, hoàn toàn là do lòng cứ ôm giữ mãi tà niệm.
Thế là sư Nhân Ba Thiết bảo thân quyến bà X:
– Cách nhà các ngươi khá xa có một làng tên Ngư ôn, có một gia đình nuôi heo. Tại đó có con heo nái vừa mới sinh một lứa heo, khoảng mười mấy con. Các người tới sẽ thấy có một heo con rất đặc biệt khác hẳn. Hãy mau mua nó về, ta sẽ quy y cho nó.
Ông chưa dám nói thẳng ra đó chính là hậu thân của mẹ họ.
Bọn họ đi tìm ba ngày thì đến Ngư ôn, và gặp heo con màu lông y như sư Nhân Ba Thiết tả. Kỳ lạ hơn nữa là heo con vừa nhìn thấy họ thì chạy tới tỏ vẻ mừng rỡ thân thiện. Thấy thái độ con heo, Thân quyến bà X không ai bảo ai đều tự hiểu và thầm đoán đây chắc là mẹ mình. Dù không nói ra nhưng họ rất buồn. Họ nhanh chóng mua con heo đem về chùa, thỉnh Nhân Ba Thiết quy y cho nó.
Quy y xong, các con bà bàn bạc muốn đem nó về nuôi. Nhân Ba Thiết bảo:
– Không được, đã quy y rồi, cần phải đem nó đến thâm sơn phóng sinh.
Các quyến thuộc đều lo sau khi phóng sinh, nó sẽ bị các loài thú hung dữ khác ăn thịt.
Nhân Ba Thiết nói:
– Không lẽ các ngươi muốn nó ở trong súc đạo hoài sao?
Người nhà bèn đem nó đi phóng sinh, phóng sinh rồi chẳng mấy chốc thì nó chết. Heo mất xong, thì sinh vào cõi người.
Nhân Ba Thiết nói: – Đây là một bài học cho các ngươi cảnh giác, mặc dù cả đời niệm Phật ăn chay, nhưng nếu cứ nói lời tà kiến, ôm mãi tâm bất chính không buông thi cực kỳ nguy hiểm cho giây phút cận tử và bản thân sẽ phải đền trả cho ác niệm của mình. Tà niệm có thể khiến đương sự bị quả báo dội ngược, khởi niệm muốn hại người hay vật như thế nào, thì bản thân sẽ bị hại trước tiên. Vì sao mẹ các ngươi trước khi chết, cứ đòi đem heo đi giết? Bởi trong tâm bà cứ ôm mãi một điều, mong rằng lúc cháu trai trưởng kết hôn, bà sẽ làm y theo tập tục của dân Đài Loan là giết heo mổ dê, tổ chức tiệc cưới linh đình. Đây chính là tâm nguyện bà luôn ôm ấp, đeo mang và muốn thực hiện cho hôn lễ của cháu nội.
Do nguyện vọng này vẫn chưa thực hiện được, vì cháu nội chưa kết hôn mà bà đã chết, nên ý tà còn lưu trong lòng mãi. Vì vậy mà phút hấp hối ý tưởng nào trong đầu có mạnh nhất sẽ dẫn bà đi thọ sinh vào cảnh tương ứng với tâm. Khi gần chết lòng bà toàn sát niệm hưng thịnh, bà không hề tha thiết niệm Phật A Di Đà mong ngài tiếp dẫn, trong đầu toàn là tâm háo sát, khao khát muốn giết heo. Niệm này ôm ấp đến chín mùi, tà niệm này đã át hết công đức và thiện niệm cả đời của bà, dẫn đến kết quả bà phải đầu thai làm heo và phải trả báo cho ý niệm háo sát của mình.
Rồi sư Nhân Ba Thiết kết luận:
– Một đời niệm Phật ăn chay, do không buông tà kiến, mà bị đọa. Cận tử nghiệp rất đáng sợ. Các ngươi phải cẩn thận, cảnh giác!
Trích: Báo ứng hiện đời tập 2: Cư sĩ Quả Khanh – Hạnh Đoan dịch
3. Khi lâm chung nên làm các việc gì?
Con người ngay lúc mới sinh ra cũng là lúc đã quyết định vận mạng cái chết, vì thế sinh chưa hẳn là vui chết cũng chưa hẳn là buồn. Theo quan điểm của Phật giáo mà nói, người nào nếu không vượt ra ngoài cảnh giới sinh tử đều là hạng người đáng thương đáng xót vậy.
Người tin Phật học Phật ngày thường có làm được chút Phật sự nào, đến khi lâm chung có thể nhờ sức tu hành đó mà sau khi chết có thể vượt ra ngoài sinh tử khổ đau, vãng sinh về Tịnh độ chư Phật.
Con người sau khi chết thần thức sẽ đi về đâu? Có ba sức mạnh quyết định việc họ có thăng lên hay giáng xuống trong cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc như sau:
Tùy trọng: Tùy theo nghiệp nặng nhất trong các việc thiện ác bản thân đã tạo mà đi đầu thai.
Tùy tập: Tùy theo tập khí mà thường ngày bản thân khó diệt trừ mà đi đầu thai trong hoàn cảnh đồng loại tương dẫn.
Tùy niệm: Tùy theo ý niệm sau cùng khi lâm chung của bản thân mà đi đầu thai trong sáu đạo hoặc vãng sinh Tịnh độ của chư Phật.
Do các nguyên nhân như thế, Phật giáo chủ trương con người nên bỏ các việc ác, làm các điều lành, cần dứt trừ thay đổi các tập khí không tốt, cần chú trọng vào các tâm niệm thường ngày, cho đến mỗi niệm mỗi niệm không quên Phật, Pháp, Tăng Tam bảo, niệm niệm nên đem các công đức mà bản thân đã tạo, làm tư lương để hồi hướng cầu vãng sinh về cảnh giới Tịnh độ của chư Phật.
Công phu học Phật, chủ yếu là nương vào sự tu hành thường ngày, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, cúng dường bố thí, lễ sám tụng kinh, tạo phước xã hội. Giả sử như người nào thường ngày chẳng có sự tiến nhập Phật pháp nhưng đến khi lâm chung vẫn có cách thức cứu bạt họ, đó là căn cứ vào đạo lý “Tùy niệm vãng sinh”. Chúng ta khuyên họ một lòng niệm Phật, khuyên họ nên buông bỏ tất cả mọi duyên cần phải không nên sợ chết, không nên tham luyến gia đình bà con và tài sản sự nghiệp, không nên để tâm cuồng ý loạn mà một lòng niệm Phật, niệm sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” không để gián đoạn.
Nếu bệnh tình quá nặng không đủ sức niệm Phật thì ở trong tâm niệm thầm, gia đình nếu thật sự có tâm thương yêu lúc đó không nên ở bên người hấp hối lộ nét bi sầu than khóc, điều đó chỉ làm cho người chết tăng thêm sự thống khổ đọa lạc Tam đồ mà thôi. Đồng thời gia đình nên hợp sức với người trợ niệm cao tiếng niệm Phật, khiến cho tâm của người bệnh dung hợp với tiếng niệm Phật khẩn thiết chí thành. Nếu được như thế, người bệnh sau khi chết sẽ được vãng sinh về Tịnh độ của chư Phật. Nếu thọ mạng của họ chưa hết cũng có thể nhờ công đức niệm Phật mà họ sớm được khỏe mạnh phước thọ ngày một tăng trưởng.
Người bệnh khi sắp mạng chung nằm hoặc ngồi, nằm ngửa hay nằm nghiên đều nên tùy theo ý thích của bản thân họ. Nếu khi họ đã hôn mê nhưng chưa chấm dứt hơi thở, chớ nên thấy họ sức yếu mà tiêm thuốc hoặc tắm rửa hay lau chùi cơ thể để tránh việc tăng thêm phiền não thống khổ cho họ, ảnh hưởng không tốt đến việc đầu thai sau khi chết.
Sau khi người bệnh chấm dứt hơi thở chỉ cần nơi thân họ còn một chút hơi nóng là thần thức của họ vẫn đang còn ở thể xác, gia đình phải đợi qua tám giờ đồng hồ mới được tắm rửa thay quần áo. Nếu hỏa táng ít nhất cũng phải sau hai mươi bốn giờ đống hồ.
Con người sau khi chết nếu ai không siêu phàm nhập Thánh, theo lẽ thường mà nói là người đó trở thành vong linh.
Theo Tâm Hướng Phật/Th!