Phước báu là gì? Phước đức có bị hết hay không?
Pháp Giới 4 tháng trước

Phước báu là gì? Phước đức có bị hết hay không?

Phước báu hay phước đức là gì, ở đâu? Ta hay nghe phước dày, phước mỏng vậy phước đức có bị hết hay không? Mời quý vị đọc bài viết dưới đây để biết thêm.

1. Phước báu là gì?

Phước báu hay phước đức là quan niệm đặc thù của Đông Phương. Đối với Tây Phương thì chỉ có gia tài, sự nghiệp, di sản để lại cho con cháu chứ không có chuyện phước báu hay phước đức.

Quan niệm “phước báu hay phước đức” đã trở thành gần như đời sống tâm linh, gắn chặt với lối suy nghĩ và cuộc sống của con người Việt Nam và Trung Hoa. Người Việt Nam ta ai cũng mong cầu phước đức, lo vun trồng phước đức và rất sợ vô phúc.

Chúng ta hãy xem người đời và tục ngữ, ca dao nói:

  • Có phúc mặc sức mà ăn.
  • Phúc đức tại mẫu.
  • Phúc như Đông Hải (Phúc nhiều và to lớn như Biển Đông)
  • Phước chủ lộc thầy.
  • Phúc bất trùng lai.
  • Vô phúc đáo tụng đinh.
  • Người trồng cây cảnh người chơi. Ta trồng cây phúc để đời cháu con.
  • Khi chúc tụng nhau người ta chúc Phúc, Lộc, Thọ. Có Lộc, có Thọ mà vô Phúc thì cũng vất đi. Làm quan lớn, giàu có, quyền thế nhưng vợ con chết hết, cô quả cô độc thì cũng là vô phúc.
  • Khi gia đình gặp tai nạn khốn khó hoặc con cái bất hiếu chúng ta nói “Nhà vô phúc”
  • Đang giàu có, quyền thế (bây giờ gọi là đại gia, đại tư bản) bỗng nhiên bị truy tố ra tòa, kết án có khi tịch thu gia sản, tử hình người, người đời nói “phước đức hết rồi”.
  • Nhà giàu có sang trọng quyền thế, con gái con trai hư hỏng, phá nát của cải của cha mẹ, gây tiếng xấu cho gia đình …người đời gọi đó là nhà vô phúc.
  • Con cái không đến nỗi nghèo đói, đuổi mẹ già ra ngoài đường sống như một kẻ ăn mày, người đời gọi đó là “bà mẹ bạc phước”.

Vậy phước đức là gì?

Dường như “phước đức” là một lực thiêng liêng, vô hình chi phối hạnh phúc, khổ đau của con người. chính vì thế con người mới cầu xin phước đức. Thế nhưng suy nghĩ và phân tích tới nơi tới chốn, dù là lực vô hình, chúng ta có thể nhìn rõ hình ảnh của phước đức như sau:

  • Sống thọ, mạnh khỏe, không chết đâm chết chém, tử hình. Khi già chết có gia đình con cái quây quần chung quanh gọi là có phúc.
  • Gia đình dù giầu dù nghèo, con cái nên người, có vợ có chồng, nghề nghiệp đàng hoàng, biết hiếu thảo với cha mẹ là nhà có phúc.
  • Gia đình ba đời cháu con đỗ đạt, ra làm quan, tiếng thơm để lại đó gọi là đại phúc.
  • Đang lao vào con đường hư hỏng, được quý nhân hoặc thiện tri thức giác ngộ cho, bỏ con đường xấu như gái điếm, trộm cắp, xì-ke ma túy, lường đảo, giang hồ đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê… để trở lại con đường lương thiện là có phúc.
  • Nghèo mạt rệp tính lao vào đường trộm cắp hoặc tự tử chết, được thiện tri thức hay người tốt chỉ bảo cho rồi lấy lại niềm tin, cố gắng vươn lên rồi có một cuộc sống bình thường…đó là có phúc.
  • Con gái nhà nghèo nhưng nết na, chịu thương chịu khó, lấy được chồng đàng hoàng, có địa vị, có cơ sở làm ăn, người đời nói “Con nhỏ đó thật có phước” hoặc “Kiếp trước chắc nó có tu.”
  • Vợ chồng dù giàu nghèo, sống hòa thuận với nhau là có phúc. Gây gổ, đánh đập, giết hại hoặc ly dị nhau là vô phúc.
  • Anh em hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau là có phúc. Anh em chia lìa hận thù là vô phúc.
  • Bệnh tưởng chết, gia đình chuẩn bị mua áo quan, may đâu gặp được thầy được thuốc, bệnh hết, người đời gọi là “phước mà qua khỏi”.
  • Tai nạn thảm khốc, người ta chết hết mà mình sống, người đời gọi đó là “đại phước”.
  • Một đất nước yên lành, không chiến tranh, không khủng bố, ít thiên tai, dù giầu dù nghèo cũng là “phước báu”.
Xem Thêm:   Pháp môn niệm Phật, quan trọng nhất là kiến lập tín tâm

Nói tóm lại “phước đức hay phước báu” chính là những điều tốt lành đến cho bản thân hay gia đình mình, xa hơn cho một cộng đồng, cho một đất nước.

2. Phước đức có bị hết?

Thường khi có vận may đến với mình ta thấy mọi thứ quá dễ dàng nên chẳng trân trọng, ta chẳng biết mình có phước sâu dày đến đâu, cứ đang sung sướng thì cứ thế sử dụng, đến lúc hết phước, mình cần kiệm, chắt chiu cũng đã muộn màng.

Ví dụ điển hình là những nghệ sĩ có tài năng, tiếng tăm nhờ phước lớn từ kiếp trước nhưng họ không giữ gìn, tiêu xài quá nhiều phước của mình bằng việc ăn chơi, sa đọa, đến cuối đời phước âm lại rơi vào cảnh nghèo khó, bệnh tật, không chốn dung thân,…

Có những ông hoàng, bà chúa thời phong kiến khi xưa. Nhưng tại sao hầu hết các triều đại phong kiến đều kết thúc với những cái chết nhục nhã, lẩn trốn và kiệt quệ. Bởi vì hầu hết các triều đại vua chúa, cuối cùng đều đắm chìm trong rượu và đêm ngày ở bên các cung tần mỹ nữ.

Được làm người thực ra đã là phước lớn vì so với loài động vật chúng chẳng có quyền chọn lựa nhiều như chúng ta, thậm chí sinh mạng đôi khi còn bị chúng ta quyết định.

Có thể nói, ai phước lớn thì càng có nhiều quyền chọn lựa, như người giàu họ có quyền, có tiền trong tay, tha hồ có nhiều lựa chọn. Trong khi ai đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì lấy tiền đâu ra mà kén cá chọn canh.

Người nhiều phước còn được nhiều người lắng nghe, tin tưởng, vậy nên khi nào thấy mình ít được lắng nghe thì nhớ tỉnh thức để hiểu rằng mình đang có phước mỏng.

Có người sinh ra trong nhung lụa, có người mở mắt đã là ăn xin, khi sinh ra con người chẳng thể chọn được. Đó là phước báo. Phước báo có tuần hoàn, có tăng trưởng và có tiêu diệt.

Nhưng vì thế chớ vội mừng, đừng vội dùng quyền của mình mà ép người, vì đó là phước bị hao hụt, hãy dùng tình thương, sự đức độ của mình để đối đãi với người.

Hãy bớt nhờ người giúp, ép ai đó làm theo ý mình để tránh tổn đi phước báu của mình nếu không muốn sau này làm gì cũng thất bại mới nhận ra phước báu đã tiêu tan từ bao giờ.

Thế nên mới có chuyện có những người đi phẫu thuật thẩm mỹ để mong có dung nhan đẹp hơn nhưng kết quả là nhan sắc xuống dốc hoặc bị tử vong, vì họ không biết rằng mình đã dùng sạch hoặc âm phước của mình chỉ vì hành động đấy.

Vì thế, phước đức sẽ có ngày hết lúc nào không hay. Do đó, làm người đừng cố dùng hết phước thay vào đó hãy tìm cách để tạo phước cho mình và mọi người.

Phước báu là gì? Phước đức có bị hết hay không?

3. Dấu hiệu của người dày phước đức

Nếu có những dấu hiệu sau, bạn hãy yên tâm vì cuộc đời nhất định sẽ an yên, hạnh phúc.

Lúc khó khăn luôn có lối thoát

Một người sẽ gặp không ít khó khăn trở ngại trong cuộc sống, và nếu tìm ra được lối thoát nhanh chóng như: xuất hiện tình huống thuận lợi bất ngờ hoặc có người trợ giúp (quý nhân giúp đỡ) thì người đó chắc chắn có phúc nhờ tích đức từ tiền kiếp.

Đem lại điều may mắn cho người khác

Nếu nhiều người được hưởng may từ bạn, chứng tỏ bạn là người rất có phước. Ví dụ như khi đi chợ, một hàng quán đang ế, bạn vừa mua hàng thì có nhiều người khác đến mua theo. Như vậy là phước của bạn đang ảnh hưởng cho người chủ hàng quán đó. Ai đó đang kém may mắn mà giao du với bạn và được may mắn, người đó hưởng phước từ bạn ảnh hưởng sang.

Xem Thêm:   Lợi ích khi trì tụng Kinh Trường thọ diệt tội hộ chư Đồng Tử đà la ni

Luôn tai qua nạn khỏi

Nhiều khi, nhẽ ra bạn bị một hạn nặng nào đó, nhưng không hiểu sao những người khác bị còn bạn chỉ bị nhẹ thậm chí là không.

Ví dụ như trong một vụ tai nạn tập thể, nhiều người khác bị thương nặng hoặc mất mạng, nhưng bạn chỉ bị xây xát qua loa. Hoặc có dịch bệnh bùng phát, rất nhiều người bị mắc mà bạn vẫn vô sự. Bạn đang hưởng phước nên được bảo hộ.

Có nhiều bạn bè quý mến

Người có phước lớn cũng là người có nhiều bạn tốt. Khi gặp khó khăn, sẽ không ít người sẵn lòng ra tay tương trợ bạn. Đó là do phước của bạn đem lại.

Làm việc thường thành công

Bạn kinh doanh, làm việc công sở hay làm bất cứ việc gì cũng đều thuận lợi, may mắn.

Có được người bạn đời lý tưởng

Một người có phước lớn sẽ là người gặp được người bạn đời hết lòng vì họ. Nếu thiếu phước, vợ hoặc chồng sẽ không hết lòng với bạn như vậy. Hãy biết trân trọng phước đức từ tiền kiếp của mình.

Con cái ngoan ngoãn, giỏi giang

Người có phước lớn chắc chắn sẽ có được những đứa con ngoan, biết nghe lời, có hiếu với cha mẹ.

Có thân tướng đẹp đẽ

Người có phước thường có ngoại hình cân đối, có khuôn mặt dễ coi, thân tướng trang nghiêm.

Ít khi ốm đau

Người có phước sẽ sống thọ và có sức khỏe tốt. Những thứ vặt vãnh như cảm cúm, ho hắng… ít khi chạm tới bạn được. Đơn giản vì phước đức đã giúp bạn có được điều này.

Tin sâu nhân quả

Đây là điểm quan trọng đối với người có phước báo lớn. Người tin vào nhân quả sẽ sống thiện lương và hành xử đúng Chánh Pháp. Làm như thế càng tích thêm phước đức cho bản thân.

4. 10 cách sanh phước

Bố thí

Phước phát sanh do cho hay dâng tặng những vật mà mình sở hữu. Có hai thành tố tạo nên công đức bố thí: tác ý thí và vật thí. Chính tác ý thí mới đem lại phước báu đời sau chứ không phải là vật thí. Vật thí chỉ trợ giúp cho tác ý thí thêm mạnh hơn, bén nhạy hơn mà thôi.

Ta nên suy gẫm những lợi ích của bố thí và biết ơn người thọ thí. Vì có người thọ thí thì phước thiện ta mới thành tựu trọn vẹn. Nhất là phải khéo léo để cho tâm hoan hỷ trong việc phước thiện cả ba thời: Ý định làm việc lành bố thí khi mua sắm chuẩn bị trước khi hiến tặng; lúc đang hiến tặng; sau khi làm việc thiện thì vui thích đã làm được việc thiện và thường nhớ lại giây phút đó.

Giữ giới

Phước phát sinh do tuân giữ ngũ giới (cố ý tránh xa: Sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, dễ duôi uống rượu và các chất say), bát quan trai giới (gồm ngũ giới cộng thêm ba giới là tránh xa: sự ăn sái giờ; sự múa hát, thổi kèn đờn, xem múa hát nghe đờn kèn, trang điểm, thoa vật thơm, dồi phấn và đeo tràng hoa; tránh xa chỗ nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp). Giữ giới sẽ đảm bảo sự an toàn cho chúng sanh, không gây khổ đau cho người khác và dễ phát sanh các tâm vô lượng như lòng từ, lòng bi mẫn, sự hoan hỷ.

Hành thiền

Phước phát sinh do đào luyện tâm để trở nên trong sạch và cao thượng. Thiền gồm hai loại chính là thiền định và thiền quán.

Cung kính

Phước phát sinh do biết cung kính những bậc xứng đáng được cung kính. Bậc xứng đáng được cung kính như những bậc có giới đức, bậc có định, có tuệ, cha mẹ, thầy tổ, các bậc lớn tuổi…. Biết cung kính tăng là những bậc đang mang màu cờ sắc áo của các bậc giải thoát.

Phục vụ

Phước phát sinh do giúp đỡ người khác trong cách thiện phước. Đến chùa làm công quả, giúp đỡ người khác, hộ độ chư tăng, chăm sóc người khác… thì phước báu cũng sẽ trổ sanh.

Xem Thêm:   Nghi thức lạy sám hối 108 lạy tại gia đơn giản dễ nhớ, dễ thực tập

Hồi hướng phước

Phước phát sanh do chia phần phước mình đã tạo cho người khác. Thật ra thì người thí vẫn nhận trọn vẹn phần công đức của chính mình đã làm theo đúng luật nhân quả, nhưng do tâm trong sạch mong muốn gia quyến, những người khác hoặc chư Thiên cũng được phần phước báu như chính mình. Chính tâm cao thượng đó phát sinh làm tăng trưởng phước của người thí. Ngay sau những thời hành thiền hay sau ngày thọ bát quan ta nên hồi hướng đến ông bà cha mẹ đã quá vãng, cửu huyền thất tổ… để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Tùy hỷ phước

Phước phát sinh do tâm hoan hỷ trước việc thiện của người khác. Phật tử Nam Tông thường tỏ sự hoan hỷ trước sự hồi hướng của người khác bằng cách tán thán: ‘sàdhu! Sàdhu! Lành thay’.

Bà con quyến thuộc của vua Bình Sa Vương trong thời Đức Phật Phussa, do ác nghiệp trộm phần thực phẩm dâng cho chư tăng mà phải trải qua thời gian vô cùng lâu dài chịu đói khát, chịu lạnh, thiếu y phục, nơi trú ngụ. Nửa đêm khuya than khóc vì chẳng có ai hồi hướng phước cho chúng. Vua liền tác bạch với Đức Phật và được Ngài dạy cho cách hồi hướng đến thân bằng quyến thuộc. Sau buổi cúng dường đến chư tăng, khi được vua hồi hướng, các ngạ quỷ phát sinh tâm hoan hỷ trước phước thiện của vua, liền thoát kiếp quỷ đói.

Thính pháp

Phước phát sinh do lắng nghe chân diệu pháp của Đức Phật. Những lời giáo huấn cao quý của Đức Phật được các bậc có trí giảng giải, sau khi nghe rồi thì: Được hiểu thêm những điều hay, nếu đã nghe rồi thì càng hiểu sâu hơn, dứt được các mối nghi ngờ trước sự hay biết mông lung không rõ ràng, có được chánh kiến, hiểu đúng, chính xác không sai lầm, đức tin và trí tuệ tăng trưởng, tâm trở nên trong sạch.

Thuyết pháp

Phước phát sinh do với tâm trong sạch cung kính thuyết giảng, dạy bảo những lời huấn từ cao quý của Đức Phật. Hoặc với tâm cung kính hội đàm thân mật về Pháp bảo, trao tặng các sách, ấn tống CD về Phật học cũng là pháp thí. Phước phát sinh do bố thí pháp sẽ thù thắng hơn mọi hình thức bố thí khác.

Chánh kiến

Phước phát sinh do việc sửa cho thẳng ngay, chính xác một quan điểm. Phải nghe nhiều, học cho thấu đáo, suy nghiệm kỹ càng, nhận thức chân lý và hành theo chân lý đó, sẵn sàng từ bỏ những điều sái quấy mê tín dị đoan các chấp thủ sai lầm trước đó. Có đức tin chân chánh rằng: Có hành vi thiện, có hành vi ác; có quả tốt hay xấu do hành vi thiện hay ác gây ra; bởi có nhân nên có đời này, có đời sau; có chư thiên, phạm thiên; nếu có người khéo thực hành chánh pháp thì sẽ chứng đạt được thiền, thần thông, chứng đạo, chứng quả và niết-bàn.

Tất cả chúng sanh khi chấm dứt thọ mạng của mình đều phải theo nghiệp thiện hay ác đã gieo trong đời sống. Tất cả mọi tài sản, con cháu ruộng vườn đều phải để lại mà không ai có thể đem theo được. Nếu làm ác thì chắc chắn gặt quả khổ, chuyên hành thiện thì sẽ gặt quả an vui. Đó là quyền tự do lựa chọn của mỗi người.

Người hằng hành thiện trong hiện tại thường được an vui, ngủ được an vui, thức được an vui, thường thọ sanh ở những cõi trời có nhiều phúc lạc, nếu thọ sanh ở cõi người cũng thường sinh ở những gia đình giàu có danh giá, đạt được nhiều may mắn, an lạc cũng như là bóng không rời hình vậy. Và cuối cùng, các phước thiện sẽ hộ trì cho người vượt thoát mọi tai họa, đạt tuệ giác ngộ niết-bàn tuyệt đối trong ngày vị lai.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

57 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog