Nguồn hạnh phúc
Pháp Giới 3 tuần trước

Nguồn hạnh phúc

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

GNO – Đức Phật đã miêu tả một số loại hạnh phúc, xếp chúng theo thứ tự từ cái tầm thường nhất cho đến cái cao thượng nhất.

Hạnh phúc thấp kém của sự bám víu

Đức Phật xếp gần như tất cả những gì mà phần đông chúng ta gọi là hạnh phúc vào loại thấp nhất. Ngài gọi đó là “hạnh phúc của dục lạc”. Chúng ta cũng có thể gọi nó là “hạnh phúc của những điều kiện dễ chịu” hay “hạnh phúc của sự bám víu”.

Nó bao gồm tất cả những thứ hạnh phúc thế tục chóng qua có được từ sự đắm chìm trong dục lạc, những sự thỏa mãn thân xác và vật chất: hạnh phúc được sở hữu của cải, áo quần thời trang, xe mới, nhà sang; sự hưởng thụ từ việc được nhìn cảnh đẹp, thưởng thức âm nhạc, món ăn đồ ngon, và những cuộc chuyện trò thú vị; sự thỏa mãn vì có tài hội họa, chơi đàn, hay những thứ đại loại như thế; và hạnh phúc đến từ việc chia sẻ một cuộc sống gia đình đầm ấm.

Bhante Henepola Gunaratana

Bhante Henepola Gunaratana

Chúng ta hãy nhìn thấu đáo hơn về hạnh phúc của dục lạc. Trạng thái thấp kém nhất của nó là sự hoàn toàn đắm chìm trong ngũ dục (tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ). Tệ nhất là khi quá đắm chìm trong trạng thái này có thể đưa đến sự trụy lạc, đồi bại và lệ thuộc. Có thể dễ dàng nhận ra rằng sự đắm chìm trong ngũ dục không phải là hạnh phúc, vì trạng thái khoái lạc nhanh chóng qua đi, và còn có thể để lại cho người ta một cảm giác chán chường, hối tiếc.

Đức Phật đã dạy rằng khi con người trưởng thành về mặt tâm linh, họ sẽ hiểu rằng trên đời có nhiều thứ cao quý hơn là ngũ dục. Ngài dùng hình ảnh của một đứa bé yếu đuối bị trói buộc bởi những sợi dây mong manh ở năm điểm: hai cùm tay, hai cẳng chân, và cổ họng. Cũng giống như năm sợi dây này – ngũ dục – có thể trói buộc một đứa bé nhưng không thể làm gì đối với người trưởng thành, vì họ có thể dễ dàng bứt thoát ra, vì thế một người có chánh niệm sẽ không bị dính mắc vào ý nghĩ muốn chìm đắm trong ngũ dục, để họ có thể sống một cuộc đời có ý nghĩa và hạnh phúc.

Xem Thêm:   Phân ban Hoằng pháp đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tổ chức khóa tu tại tỉnh Đắk Nông

Tuy nhiên, có những hạnh phúc thế tục vượt trên các dục lạc tầm thường. Như là thú đọc sách, xem phim, hay những hình thức giải trí khác nhằm làm phấn chấn tinh thần. Hay những niềm vui thế tục cao cả như là giúp đỡ người, duy trì một gia đình hạnh phúc, nuôi dưỡng con cái, cũng như kiếm sống một cách lương thiện.

Đức Phật cũng nhắc đến một vài loại hạnh phúc được chấp nhận hơn. Đó là cảm giác hạnh phúc, tự tại bạn có được khi sở hữu những vật chất, của cải đã được tạo ra bằng chính sức lao động lương thiện, khó nhọc của mình.

Bạn sẽ tận hưởng tài sản của mình với một lương tâm trong sáng, không sợ bị trả thù hay xâm hại. Tốt hơn thế nữa là hạnh phúc của việc vừa hưởng thụ của cải bạn đã kiếm được một cách lương thiện, đồng thời chia sẻ nó với người khác. Một loại hạnh phúc tự tại đặc biệt khác nữa đến từ việc nhận ra rằng ta hoàn toàn không nợ bất cứ gì, đối với bất cứ ai (Kinh Tăng chi bộ II [4] VII.2).

Phần đông chúng ta, ngay cả những người có ý thức nhất cũng coi những điều này như là cốt lõi của một cuộc sống đạo đức. Thế thì tại sao Đức Phật coi chúng như thuộc về loại hạnh phúc thấp kém nhất? Vì chúng phụ thuộc vào những điều kiện lý tưởng. Mặc dầu không thoáng qua như những khoái lạc nhất thời của ngũ dục, và ít tổn hại nặng nề đến hạnh phúc dài lâu, nhưng chúng không bền vững.

Chúng ta càng dựa vào chúng, càng chạy đuổi theo chúng, và cố gắng bám víu chúng thì chúng ta càng thêm khổ đau. Nỗ lực của chúng ta sẽ tạo nên tâm lý bực dọc, đau khổ và cuối cùng chứng tỏ rằng chúng vô ích; không thể tránh được sự thay đổi của hoàn cảnh. Dầu ta có làm gì đi nữa, ta cũng bị tổn thương. Còn có những nguồn hạnh phúc cao cả hơn, vững bền hơn.

Nguồn hạnh phúc cao thượng

Một trong những nguồn hạnh phúc này là “hạnh phúc của sự xả ly”, một loại hạnh phúc tâm linh đến từ việc theo đuổi một điều gì đó vượt lên trên những niềm vui thế tục. Một thí dụ quen thuộc là niềm vui đến từ việc buông bỏ tất cả mọi lo lắng trong đời sống thế tục và theo đuổi đời sống độc cư ở những nơi thanh tịnh để theo đuổi việc phát triển tâm linh. Nguồn hạnh phúc đến từ sự nguyện cầu, các nghi lễ tôn giáo và sự phát sinh tín tâm trong tôn giáo cũng thuộc về loại hạnh phúc này.

Xem Thêm:   Tham, sân, si, mạn, nghi là gì? Cách giảm như thế nào?

Tâm rộng rãi là một hình thức xả ly mạnh mẽ. Chia sẻ một cách rộng rãi những gì ta có, và nhiều hình thức khác của xả ly, đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Mỗi khi biết buông bỏ, ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ đó suy ra nếu ta có thể buông bỏ hoàn toàn sự bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian, thì sự buông bỏ rộng lớn này sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn là những hành động xả ly không thường xuyên.

Cao thượng hơn sự buông bỏ vật chất là “hạnh phúc của việc buông bỏ các tâm lý bực bội”. Loại hạnh phúc này phát sinh một cách tự nhiên khi ta rèn tâm buông bỏ một cách nhanh chóng những sân hận, ham muốn, bám víu, ghen tỵ, kiêu hãnh, nghi hoặc và các tâm lý bực bội khác mỗi khi chúng phát sinh. Dập tắt ngay khi chúng vừa phát sinh giúp tâm không vướng mắc, đầy hỷ lạc, trong sáng. Tuy nhiên không có gì bảo đảm rằng các uế nhiễm này sẽ không xuất hiện trở lại và không quấy nhiễu tâm ta.

Tâm rộng rãi là một hình thức xả ly mạnh mẽ. Chia sẻ một cách rộng rãi những gì ta có, và nhiều hình thức khác của xả ly, đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Mỗi khi biết buông bỏ, ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Từ đó suy ra nếu ta có thể buông bỏ hoàn toàn sự bám víu vào bất cứ điều gì trên thế gian, thì sự buông bỏ rộng lớn này sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn là những hành động xả ly không thường xuyên.

Tốt hơn nữa là những niềm vui và hạnh phúc vi tế trong các trạng thái thiền định sâu lắng. Trong những trạng thái này sầu não không thể phát sinh. Tuy những trạng thái định này có thể siêu việt và mạnh mẽ, nhưng chúng vẫn có một yếu điểm lớn: cuối cùng thì hành giả cũng phải xả thiền. Vì vạn pháp là vô thường, nên ngay chính các trạng thái thiền định sâu lắng cũng phải chấm dứt.

Xem Thêm:   Mê tín dị đoan tác hại khôn lường

Nguồn hạnh phúc cao thượng nhất

Hạnh phúc cao thượng nhất là niềm hỷ lạc đạt được qua các mức độ giác ngộ. Ở mỗi mức độ, gánh nặng cuộc đời được giảm nhẹ đi, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự giải thoát, hạnh phúc to lớn hơn. Giai đoạn cuối cùng của giác ngộ, sự giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các trạng thái tâm tiêu cực, mang đến cho ta nguồn hạnh phúc tuyệt vời, không gián đoạn. Đức Phật khuyên chúng ta phải tập buông bỏ những bám víu vào các loại hạnh phúc thấp kém và tập trung tất cả nỗ lực của chúng ta vào việc tìm ra chính cái hạnh phúc cao nhất, đó là sự giác ngộ.

Nhưng Đức Phật cũng khuyến khích chúng sinh hãy phát huy đến cao độ hạnh phúc của họ ở bất cứ mức độ giác ngộ nào mà họ có thể đạt đến. Đối với những ai không thể nhìn thấy gì hơn là hạnh phúc dựa trên dục lạc, Ngài đưa ra những lời khuyên nghiêm chỉnh để họ tránh xa các phiền não thế tục và giúp họ tìm được nguồn hạnh phúc thế tục tối ưu nhất, thí dụ, bằng cách vun trồng những đức tính đưa đến sự thành công vật chất hay đời sống gia đình yên ấm.

Đối với người có ý hướng cao hơn muốn được tái sinh vào những cõi thanh tịnh, Ngài chỉ cho họ phương cách để đạt được mục đích đó. Đối với những vị muốn đạt được mục đích cao nhất của sự giác ngộ viên mãn, Ngài dạy họ làm thế nào để thành tựu điều đó. Nhưng dầu theo đuổi bất cứ loại hạnh phúc nào, chúng ta cũng phải thực hành theo con đường của Bát chánh đạo.

Bhante Henepola Gunaratana

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Trích dịch từ Eight Mindful Steps to Happiness: Walking the Buddha’s Path)

Nguồn: https://giacngo.vn/

Xin Thường Niệm : Nam Mô A Di Đà Phật

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog