Thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là một trong những thần chú quan trọng trong đạo Phật Đại Thừa, thần chú đại diện cho sự hoàn hảo của trí tuệ, sự khôn ngoan siêu việt.
1. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là ai?
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cũng được gọi là Mạn Thù Thất lỵ, có nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường. Diệu Đức được hiểu là mọi đức đều tròn đầy.
Thủa xưa, Ngài là con thứ ba của vua Vô Trách Nhiệm có tên là Thái tử Vương Chúng. Ngài cúng dường Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sinh nên được hiệu là Văn Thù Sư Lợi. Sau khi Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài phải trải vô lượng hằng hà sa số kiếp về sau, thì Ngài sẽ thành Phật ở thế giới thanh tịnh Vô Cấu Bảo Chi thuộc về bên phương Nam, hiệu là Phật Văn Thù.
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật… như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca.
Ngài có lúc thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, còn có lúc đóng vai người điều khiển chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư. Ngài thấu hiểu Phật tính bao gồm cả ba đức: Pháp thân, Bát Nhã và Giải thoát cho nên trong hàng Bồ tát Ngài là thượng thủ.
Là vị Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thường được miêu tả với dáng dấp trẻ trung ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen. Biểu tượng đặc thù của Ngài là trên tay phải, dương cao lên khỏi đầu, là một lưỡi gươm đang bốc lửa. Nó mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ nầy sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận và đưa con người đến trí tuệ viên mãn.
Trong khi đó, tay trái của Ngài đang cầm giữ cuốn kinh Bát nhã trong tư thế như ôm ấp vào giữa trái tim. Đây là biểu trưng cho tỉnh thức, giác ngộ. Đôi khi, chúng ta cũng thấy tay trái của Ngài cầm hoa sen xanh, biểu thị cho đoạn đức. Có nghĩa là dùng trí tuệ để dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn. Nói một cách khác là Bồ tát không phải người ẩn nơi non cao rừng thẩm, hoặc sống trong cảnh thanh tịnh u nhàn, mà là người sống chung đụng với quần chúng, lăn lộn trong đám bụi trần để cứu độ chúng sinh, nên có lúc họ ra làm vua, có lúc làm quan, cũng có khi làm kẻ tật nguyền nghèo khổ… Tuy sống trong dục lạc dẫy đầy, mà Bồ tát vẫn giữ tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm như người đời. Đó là nhờ trí tuệ dứt sạch tham ái, viên thành đoạn đức.
Chiếc giáp Ngài mang trên người gọi là giáp nhẫn nhục. Nhờ nó nên các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân. Nó có thể che chở cho Ngài vẹn toàn tâm từ bi do đó bọn giặc sân hận oán thù không thể nào lay chuyển được hạnh nguyện của Bồ tát. Bồ tát không bao giờ rời chiếc giáp nhẫn nhục bởi vì nếu thiếu nó thì họ không thể nào thực hiện được tâm Bồ đề.
Nói về Phật giáo Á Châu, thì Ngũ Đài Sơn bên Trung Quốc được xem như là nơi trụ tích của Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Ngũ Đài Sơn thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây và có năm ngọn núi quần lại với nhau là Đông đài, Tây đài, Nam đài, Bắc đài và Trung ương đài. Phong cảnh rất thanh tú với hồ nước lung linh, những dòng sông trong veo uốn khúc cộng thêm những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như những bức tranh thủy mặc, nên từ lâu được coi là chốn bồng lai tiên cảnh, trú xứ của những vị Tiên theo truyền thuyết Trung Hoa. Kinh Hoa Nghiêm nói rằng:
Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát trụ lại ở núi Thanh Lương phía Đông Bắc và hiện đang thuyết pháp cho chư Bồ tát nghe. Mà núi Thanh Lương sau nầy được ám chỉ là núi Ngũ đài. Vì thế mà vào đời nhà Đường (736 sau T.L) có vị Thiền sư Đạo Nhất, một vị cao tăng, đã thực hiện một chuyến hành hương trên Ngũ đài sơn. Sư gặp một một lão tăng cưỡi trên mình một con voi trắng ở phía đối diện. Lão tăng nói ngày mai sẽ gặp được Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, nói xong thì lão tăng biến mất. Sư quá đổi vui mừng và suốt đêm nghĩ lại chùa Thanh Lương, trung tâm của núi Ngũ đài. Sáng hôm sau vào lúc tinh mơ, Sư đã thức dậy, một mình nhắm hướng Tây lên núi. Sư lại gặp vị cưỡi con voi trắng hôm qua và vị tăng khuyến khích sư tiếp tục đi lên núi.
Khi sư đi về hướng Tây Bắc, đi qua một cây cầu thì Sư thấy một dinh thự hùng vĩ trang nghiêm như một tu viện, tất cả đều bằng vàng. Sau đó Sư gặp lại vị lão tăng và không còn nghi ngờ gì nữa, Sư biết chắc vị lão tăng kia chính là Văn Thù Sư Lợi Bồ tát hóa hiện. Sư mừng đến độ choáng váng phải một lúc sau Sư mới hoàn hồn tỉnh lại. Nhân cơ hội nầy Sư đã tham vấn về những khúc mắc trong Phật pháp và Bồ tát cũng ân cần hỏi han về tình trạng Phật pháp ở quê hương Sư. Từ giã Bồ tát bước đi chừng trăm bước, Sư ngoái đầu nhìn lại, tất cả đều biến mất. Sư Đạo Nhất đem tất cả những điều chứng kiến được tâu trình lên vua Đường Huyền Tôn. Nhà vua rất thu hút bởi chuyện nầy nên sai thiết lập ngôi Kim Cát Tự. Đây là ngôi chùa vĩ đại được kiến trúc theo mô hình mà Sư nhớ lại được hoàn tất vào cuối thế kỷ thứ 8.
2. Ý nghĩa và lợi ích khi tụng niệm thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Manjushri mantra) là một trong những thần chú quan trọng trong đạo Phật Đại Thừa, thần chú đại diện cho sự hoàn hảo của trí tuệ, sự khôn ngoan siêu việt. Điều này tượng trưng cho khả năng sử dụng sự khôn ngoan của Bồ tát để vượt qua bất kỳ ảo tưởng và đau khổ nào mà chúng sinh phải trải qua.
a. Thần Chú là gì?
Thần Chú là lời nói bí mật của chư Phật có thể gọi là Mật ngôn hay Phật ngôn, lời nói đặc biệt này chỉ có các đức Phật trong mười phương nghe biết mà nó không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của các chúng sinh. Những ai muốn chư Phật, chư Bồ Tát trong mười phương gia hộ những khổ đau của cuộc đời chỉ cần hành trì Thần Chú được chỉ dẫn sẽ được chư Phật, chư Bồ Tát cứu giúp.
Cách đây hơn 2.500 năm, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sinh ra ở Ấn Độ, thời đó ngôn ngữ được dùng là tiếng Sanskrit (tiếng Phạn). Vì vậy thần chú mà chúng ta trì tụng hầu hết đều là tiếng Sanskrit, chỉ 1 số ít được trì bằng ngôn ngữ Tây Tạng [Tibetan].
Khi trì chú, chúng ta nên để cho tâm được tập trung nhưng vẫn giữ trạng thái thật thư giãn, thả lỏng và không nghĩ tới bất cứ điều gì khác. Chỉ cần tập trung tâm cho việc trì tụng thần chú. Nên nhớ rằng, dù tu tập theo phương pháp gì đi nữa thì điều quan trọng nhất luôn được đề cập và nhấn mạnh trong Phật giáo vẫn là nên làm những điều thiện và luôn tránh xa điều ác.
Thần chú mang lại cho chúng ta sự bình tĩnh, tự tại, thăng bằng và thoải mái khi gặp khó khăn. Khi trì tụng thần chú, chúng ta nên giữ cảm giác tích cực, hoan hỷ và cống hiến, hồi hướng công đức ấy cho tất cả chúng sinh được giác ngộ và an lạc, như là một hành động từ bi cao cả. Những người hành trì Phật giáo đều có tụng các Thần chú trong các thời khóa nhằm mục đích tiêu trừ nghiệp chướng, thêm được phúc lành, tăng trưởng Bồ đề tâm.
b. Ý nghĩa thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ tát
“Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi – Om A Ra Pa Ca Na Dhih”
Đây là thần chú của sự khôn ngoan, trí tuệ hoàn hảo, một yếu tố quan trọng giúp chúng ta vượt trên tất cả các ảo tưởng của vô minh, giúp chúng ta nhìn thấy thế giới này rõ ràng nhất và chân thật nhất.
Om: Hoặc Aum là một âm tiết thường thấy trong các thần chú Phật giáo, một âm tiết thiêng liêng và huyền bí bắt nguồn từ Ấn Độ giáo nhưng hiện nay phổ biến trong cả Phật giáo, Ấn Độ giáo, đạo Sikh, đạo Jain và truyền thống Tây Tạng Bön. Được xem là lời nói của chư Phật, phản ánh nhận thức của vũ trụ xung quanh, ý nghĩa từ Om là “Tâm trí tôi cởi mở với những chân lý tiếp theo.”
Ah: Thể hiện sự hiểu biết trực tiếp về bản chất của sự vật và hiện tượng.
Ra: Thể hiện sự hiểu biết về sự trống rỗng từ quan điểm của các tổ sư đạo Phật Nguyên Thuỷ. Những giáo lý sâu xa về sự trống rỗng của Phật giáo Nguyên Thuỷ là thích hợp cho những học viên có vấn đề về sự hiểu biết “trống rỗng” trong bản chất cuối cùng của nó.
Pa: Đại diện cho thiền định. Có 2 loại thiền cơ bản: Thiền không khái niệm (không suy nghĩ) và khái niệm (tư duy). Điều này dẫn đến lý tưởng rằng, tất cả các Pháp đều đã được “giải thích theo nghĩa tối cao.”
Tsa: Thể hiện tầm quan trọng của Niết bàn và Luân hồi. Bản chất chính xác của cả luân hồi và niết bàn là tánh không. Nhưng nếu chúng ta không hiểu chính xác bản chất của luân hồi, nó sẽ biểu lộ cho chúng ta dưới 3 dạng khổ đau. Điều này có nghĩa là sự phát sinh và chấm dứt của sự vật hiện tượng không thể được hiểu hoàn toàn, bởi vì trên thực tế, không có sự xuất hiện và chấm dứt.
Na: Thể hiện nghiệp (hành động). Tóm lại, tất cả những đau khổ mà chúng ta trải nghiệm là kết quả của các hành động không đạo đức trong quá khứ (nghiệp xấu) và tất cả những kết quả hạnh phúc của chúng ta từ những hành động đạo đức trước đây của chúng ta. Có 2 loại nghiệp căn bản: nghiệp tập thể và nghiệp cá nhân. Chúng ta cần phải hiểu rằng, với mỗi hành động của lời nói, thân thể và tâm trí của chúng ta, chúng ta đang gieo những hạt giống cho những trải nghiệm tương lai của chúng ta.
Dhi: Điều này thường được giải thích là “sự hiểu biết” hoặc “sự phản chiếu”. Những tia sáng phát ra từ âm tiết này sẽ làm đầy cơ thể vật chất của bạn và thanh lọc tất cả nghiệp xấu, bệnh tật và chướng ngại.
Tóm lại, quan điểm đúng giúp chúng ta nhận ra đường đi chính xác. Thiền định là phương pháp thực hành tốt nhất, thông qua đó chúng ta sẽ phát triển một sự hiểu biết sâu sắc về con đường giác ngộ, dẫn đến những thay đổi trong tâm trí và cảm xúc của chúng ta. Hành động kết hợp với trí tuệ hoàn hảo mang lại cho chúng ta khả năng để giúp chúng sinh một cách hiệu quả nhất.
c. Lợi ích khi tụng niệm thần chú Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi
Lợi ích khi niệm thần chú Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là không thể bàn cãi, rất mạnh mẽ, nó giúp chúng ta hiểu rõ về sự hiểu biết và ảo tưởng của chúng ta, để nâng cao kỹ năng học tập, tranh luận, viết lách, trí nhớ và trí tuệ.
Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, các hành giả nên tụng niệm thần chú này 100, 21, hoặc ít nhất là 7 lần một ngày. Trong lần lặp lại cuối cùng nên đọc thần chú to hơn, âm tiết cuối cùng là Dhi, nên được ngân dài.
Đây là một thực hành hàng ngày mà chúng ta nên làm ở nhà. Điều đầu tiên chúng ta nên làm sau khi thức dậy là rửa miệng, sau đó niệm lời cầu nguyện này cho Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Om Ah Ra Pa Tsa Na Dhi nhiều lần nhất có thể. Điều này cực kỳ có ích, thần chú sẽ giúp chúng ta gia tăng sự khôn ngoan để bắt đầu một ngày mới.
Một người thông minh chưa bao giờ học qua trường lớp nào cũng có thể hiểu được ý nghĩa trong những văn bản mà anh ta đọc qua, nhưng đó có thể là một sự hiểu biết hời hợt. Anh ấy chỉ hiểu được những gì trong cuốn sách ghi, chứ không phải là những ý nghĩa sâu sắc thực sự đằng sau nó. Cần một sự khôn ngoan rất đặc biệt cho điều này, giống như sức mạnh trí tuệ mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi có được.
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!