Pháp Giới 9 tháng trước

Nghi thức tụng Chú Lăng Nghiêm và Thập Chú file PDF

Thời công phu khuya thường tụng Chú Lăng Nghiêm và Thập Chú. Dưới đây là nghi thức đọc tụng Chú Lăng Nghiêm và Thập Chú bạn có thể tham khảo.

1. Lợi ích nhiệm màu của thần Chú Lăng Nghiêm

Thần chú Lăng Nghiêm có vị trí quan trọng trong Phật giáo, được đưa vào thời khóa công phu khuya, trì tụng mỗi ngày. Thần chú này được tin tưởng rằng có công năng và diệu dụng không thể nghĩ bàn, giúp hành giả tiêu trừ ma chướng để an trụ đại định, phá tan si ám để thành tựu trí tuệ, công đức.

Thần chú Lăng Nghiêm vi diệu không thể nghĩ bàn. Từ đầu đến cuối, mỗi câu đều là pháp môn tâm địa của chư Phật, mỗi câu có mỗi công dụng, mỗi chữ có mỗi điểm thâm áo vi diệu, tất cả đều có thần lực không thể nghĩ bàn. Chỉ cần tụng niệm một câu, một chữ, một hội (một đệ) hoặc toàn bài chú cũng đều khiến cho trời rung đất chuyển, quỷ thần khóc lóc, yêu ma lánh xa, ly mị độn hình. Ánh hào quang trên đảnh nhục kế của Đức Phật biểu thị cho thần lực của thần chú Lăng Nghiêm. Tức là chú có khả năng phá trừ tất cả màn đêm tăm tối và khiến cho hành giả thành tựu tất cả công đức lành.

Nếu thọ trì thần chú Lăng Nghiêm thì tương lai nhất định sẽ thành Phật, chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nếu thường trì tụng chú này thì sẽ tiêu trừ nghiệp chướng trong bao đời tiền kiếp. Đó là diệu dụng của chú Lăng Nghiêm.

Duyên khởi từ sự tích nàng Ma-đăng-già dùng tà thuật khiến cho Tôn giả A-nan mất tự chủ, mê muội đến độ suýt mất phạm hạnh. Nhờ Phật phương tiện bảo Bồ-tát Văn Thù tuyên thuyết thần chú giúp A-nan thoát nạn ma nữ (Kinh Thủ Lăng nghiêm). Sau đó, Phật khai ngộ về chơn tâm khiến cho A-nan sạch hết trần cấu mê lầm, tu tập đạt đến giác ngộ.

Xem Thêm:   Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa PDF – HT Thích Thanh Từ dịch

Trong thiền môn, tín niệm trì tụng thần chú Lăng nghiêm sẽ hóa giải ái nghiệp, phá tan các chướng ngại trên đường tu khá phổ biến. Tuy vậy, nếu diễn dịch thành “Người trì chú Lăng nghiêm thì không thể có vợ. Hoặc có vợ rồi mà trì chú này cũng sẽ dẫn tới ly dị” như một loại bùa chú khiến gia đình ly tán là một sai lạc nghiêm trọng, vừa không đúng với ý kinh lại vừa không phù hợp với tính nhân bản của Phật giáo.

Tất cả mười phương chư Phật đều xuất sinh từ thần chú Lăng Nghiêm. Mười phương các Đức Như Lai đều nương chú này mà thành tựu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Các ngài ứng thân nhiều như số hạt bụi của các cõi nước để chuyển bánh xe pháp, giáo hóa chúng sinh, thọ ký cho chúng sinh trong mười phương, cứu độ chúng sinh thoát khổ, khiến cho tất cả chúng sinh đại – tiểu – quyền thừa đều được giải thoát. Tất cả các Ngài đều nương vào oai lực của tâm chú Lăng Nghiêm. Nếu muốn chứng đắc quả A La Hán thì phải tụng chú này thì mới tránh khỏi ma sự.

2. Thập Chú là gì?

Thần Chú – lời nói đặc biệt này chỉ có các Đức Phật nghe biết mà không phải là thứ ngôn ngữ thường tình của chúng sinh, cho nên những Mật ngôn này người phàm phu không thể nào hiểu rõ. Muốn chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ những khổ đau chỉ cần hành trì Thần Chú sẽ được linh ứng theo sở cầu.

NHƯ Ý BẢO LUÂN VƯƠNG ĐÀ LA NI

Xuất Xứ: Như Ý Tâm Đà La Ni Kinh. Nội dung kinh này nói về Bồ tát Quán Tự Tại được sự chấp thuận của Đức Phật liền tuyên thuyết Vô Chướng Ngại Quán Tự Tại Liên Hoa Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni. Đức Phật lại bảo: Nếu người nào tụng chú này 1 biến thì trừ được tội, qua được tai nạn, thành tựu sự nghiệp. Còn nếu ngày nào cũng tụng 108 biến thì sẽ có cảm ứng khiến thấy được thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà và núi Bổ Tát La nơi Bồ tát Quán Thế Âm cư ngụ, khỏi đọa vào đường ác.

Xem Thêm:   Ăn chay có được ăn trứng, uống sữa hay không?

TIÊU TAI CÁT TƯỜNG THẦN CHÚ

Xuất Xứ: Kinh Xí Thạnh Quang Đại Oai Đức Tiêu Tai Cát Tường Đà La Ni. Thần chú tiêu trừ các tai nạn, thành tựu việc cát tường. Một trong 4 Đà La Ni thông dụng trong Thiền lâm, cũng là pháp Tức Tai trong Mật giáo. Thần chú này xuất phát từ Kinh Xí Thạnh Quang Đại Oai Đức Tiêu Tai Cát Tường Đà La Ni và Kinh Đại Oai Đức Kim Luân Phật Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu Diệt Nhất Thiết Tai Nạn Đà La Ni.

CÔNG ÐỨC BẢO SƠN ÐÀ LA NI

Xuất Xứ: Kinh Ðại Tập. Nếu người tụng chú này một biến, công đức cũng bằng như lễ Ðại Phật Danh kinh bốn vạn năm ngàn bốn trăm biến. Lại như chuyển Ðại Tạng 60 vạn 5 ngàn 4 trăm biến. Tạo tội quá mười cõi sát độ, đọa vào A Tỳ địa ngục chịu tội, kiếp hết lại sanh nơi khác để chịu tội. Niệm chú này một biến, tội kia đều được tiêu diệt, không còn đọa vào địa ngục, khi mạng chung quyết định vãng sanh Tây phương thế giới, được thấy Phật A Di Ðà, thượng phẩm thượng sanh.

PHẬT MẪU CHUẨN ĐỀ THẦN CHÚ

Xuất Xứ: Phật Mẫu Chuẩn Đề Đà La Ni Kinh. Người trì tụng thần chú này đủ chín chục muôn biến, có thể diệt được các tội thập ác, ngũ nghịch, tiêu trừ tai nạn, bịnh hoạn, tăng nhiều phước thọ.

THÁNH VÔ LƯỢNG THỌ QUANG MINH VƯƠNG ĐÀ LA NI

Xuất xứ: Thánh vô lượng thọ quyết định quang minh vương Như Lai đà la ni kinh.

DƯỢC SƯ QUÁN ĐỈNH CHÂN NGÔN

Xuất Xứ: Kinh Dược Sư. Nếu ai có bịnh chi, chỉ chuyên nhứt tâm đọc thần chú này 108 biến để chú nguyện vào ly nước sạch rồi uống thì các bệnh đều tiêu trừ. Còn người nào chuyên tâm trì tụng trọn đời thì được không đau ốm, đến lúc mạng chung được vãng sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly bên Đông Phương của Phật Dược Sư.

QUAN ÂM LINH CẢM CHÂN NGÔN

Xuất Xứ: Kinh Trang Nghiêm Bảo Vương. Phật bảo Trừ Cái Chướng Bồ Tát rằng: Sáu chữ Ðại Minh Ðà La Ni này khó được gặp gỡ, nếu có người nào được sáu chữ Ðại Minh Vương đây, thì người đó tham, sân, si, độc không thể nhiễm ô. Nếu đeo mang trì giữ nơi thân, người đó cũng không nhiễm trước bịnh ba độc. Chơn ngôn này vô lượng tương ưng, với các Như Lai mà còn khó biết, huống gì Bồ Tát làm thế nào biết được. Ðây là chỗ bổn tâm vi diệu của Quán Tự Tại Bồ Tát.

Xem Thêm:   Ngũ nhãn là gì? Đại lược về Ngũ nhãn

THẤT PHẬT DIỆT TỘI CHÂN NGÔN

Xuất xứ : Đại phương đẳng đà la ni kinh. Đây là bài chú của bảy đức Phật đã nói từ những đời quá khứ. Thần chú này hay diệt được các tội tứ trọng, ngũ nghịch và được vô lượng phước, nếu thành tâm trì tụng.

VÃNG SINH TỊNH ĐỘ ĐỘ ĐÀ LA NI

Xuất xứ: Kinh niệm Phật ba la mật. Người chuyên tụng chú này được Phật A Di Đà thường ngự trên đỉnh đầu ủng hộ, hiện đời an ổn, khi mạng chung được tuỳ ý vãng sinh.

THIỆN NỮ THIÊN CHÚ

Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, cũng gọi Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, ghi lời của Bà Công Ðức Thiên, cũng gọi là Thiện Nữ Thiên nói và tự giới thiệu với đại chúng trong pháp hội: “Nơi phía Bắc có núi Tu di, ở giữa núi có vị Thiên chủ là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, làm chủ một kinh thành tên A-Ni Mạn Ðà; giữa thành có một công viên tên là Công Ðức Hoa Quang; trong công viên ấy lại còn có một khoãnh vườn nữa rất sung túc tên là Kinh Tràng, vì công viên có lối kiến trúc bằng bảy thứ ngọc báu rất tốt, đó là chổ của tôi (Thiện Nữ Thiên) thường cư trú.

Thiện Nữ Thiên chính là một trong những hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát, thị hiện đứng trong hàng chư Thiên phát nguyện hành Bồ tát đạo, là một trong những vị Hộ pháp hộ trì cho những ai phát tâm thực hành hạnh nguyện Bồ tát lợi tha ở cõi ta bà nầy.

Mời quý bạn đọc Nghi thức tụng Chú Lăng Nghiêm và Thập Chú tại file PDF dưới đây.

Xem màn hình rộng

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

219 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog