Ý nghĩa sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật là gì?
Pháp Giới 12 tháng trước

Ý nghĩa sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật là gì?

Sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật có nghĩa là gì? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Ý nghĩa sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật

Hồng danh: Là từ ghép Hán Việt gồm hai từ Hồng và Danh ghép lại mà thành.

Hồng có nhiều nghĩa như sau:

– Nghĩa thứ nhất là: Cả, lớn. Như hồng lượng 洪量 lượng cả, hồng phúc 洪福 phúc lớn.

– Nghĩa thứ hai là: Hồng thủy 洪水 nước lụt, thường gọi tắt là hồng.

– Nghĩa thứ ba là: Mạch hồng 脈洪 mạch chạy đùn đùn như nước lên gọi là mạch hồng.

Danh: là chỉ danh xưng (tên); khi chỉ địa vị thì là chức danh, khi chỉ nơi chốn thì là địa danh… Ở đây ta hiểu theo nghĩa danh xưng tên gọi.

Tóm lại: Hồng danh là chỉ cái danh xưng, là tên nổi tiếng nhất, lớn nhất, cao tột nhất, cao cả nhất mà không có ai có thể sánh bằng. Sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật là cao cả nhất, vĩ đại nhất không có gì hơn.

Tại sao lại nói là cao cả nhất vì nếu ta phân tích ra thì thấy: “Nam Mô” là từ Hán dịch ra chữ Việt tức là quy y, tức nghĩa là “nương tựa”, hoặc “trở về”, “trao mạng” cho… Ở đây là nói chúng ta nương tựa vào đức Phật A Di Đà, quy y Ngài và trao thân mạng cho Ngài.

Chữ “A” là từ Hán dịch ra tiếng Việt là “Vô”.

Chữ “Di Đà” dịch ra tiếng Việt là “Lượng”.

Chữ “Phật” dịch ra tiếng Việt là “Giác”.

Vậy câu Nam Mô A Di Đà Phật nghĩa là trở về nương tựa với bậc Vô Lượng Giác! Đây là từ trên mặt chữ mà giải thích ý nghĩa.

Chữ “A Di Đà” dịch ra là “Vô Lượng” thì nên biết đức A Di Đà Phật có vô lượng danh xưng và vô lượng nghĩa vi diệu. Chứ không phải chỉ là Vô Lượng Giác hay Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang thôi đâu!

Xem Thêm:   Địa ngục Vô gián là gì? Những tội báo bị đày xuống địa ngục Vô gián

Trong Kinh Vô Lượng Thọ có nêu ra có 12 danh hiệu của đức Phật A Di Đà như là:

  1. Vô Lượng Quang Phật.
  2. Vô Biên Quang Phật.
  3. Vô Ngại Quang Phật.
  4. Vô Đối Quang Phật.
  5. Diệm Vương Quang Phật.
  6. Thanh Tịnh Quang Phật.
  7. Hoan Hỷ Quang Phật.
  8. Trí Tuệ Quang Phật.
  9. Nan Tư Quang Phật.
  10. Bất Đoạn Quang Phật.
  11. Vô Xưng Quang Phật.
  12. Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật.

Vậy 12 danh hiệu nêu trên chỉ về cái công đức, trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà nếu đem kể thì đến ngàn kiếp cũng không cùng tận.

Kinh A Di Đà Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích Đại sư nói rất hay, ngài nói rằng: “Đức Phật A Di Đà có vô lượng danh, nghĩa chứ chẳng phải chỉ có ý nghĩa Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang thôi đâu! Vô Lượng đây là cái gì cũng là vô lượng, vô biên cả, như hạnh nguyện, thần thông, diệu dụng… Cái gì cũng đều là vô lượng cả!” -“Quảng Tịnh”!

Ý nghĩa sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật là gì?

2. Danh hiệu A Di Đà Phật – Pháp bảo số một của thế xuất thế gian

Đại Sư Thiện Đạo ở trong Pháp Sự Tán nói: Hoằng thệ đa môn thiên về niệm Phật là gần nhất, cho nên mỗi mỗi nguyện đều là niệm Phật vậy. Lời này là thật không phải giả. Danh hiệu Di Đà không thể nghĩ bàn, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn, danh hiệu biểu pháp không thể nghĩ bàn, lợi ích của danh hiệu không thể nghĩ bàn, danh hiệu thực sự nói không hết được!

Thiên kinh vạn luận đều từ một câu danh hiệu này mà lưu xuất ra. Không những Thế Tôn 49 năm thuyết tất cả pháp, thế xuất thế gian đại Thánh đại Hiền, đại Thánh là Phật, đại Hiền là Bồ Tát. Họ là thánh nhân của thế gian, sở tu, sở ngộ, sở chứng, sở giáo của họ, không có gì không phải là từ danh hiệu Di Đà mà lưu xuất ra. Vì sao vậy?

Quí vị phiên dịch danh hiệu ra ý nghĩa tiếng Trung thì rõ ràng thôi. A Di Đà Phật nghĩa là gì? Vô lượng giác. Quí vị xem trong đây ngài nói là nhất chánh giác. Nhất chánh giác không phải chính là vô lượng giác sao? Từ trong vô lượng giác mà lưu xuất ra. Chính là nhất chánh giác thiện xảo trang nghiêm, tức là nhất chánh giác lưu nhập.

Xem Thêm:   Những duyên nghiệp khảo đảo gây chướng ngại cho người tu

Chúng ta đối với câu danh hiệu này không hiểu biết, cũng không biết câu danh hiệu này có liên quan gì đến bản thân mình. Cho nên xếp nó qua một bên không quan tâm để ý đến, không biết đó là bảo vật, là pháp bảo số một của thế xuất thế gian, Phật pháp trân bảo của tất cả thế xuất thế gian, đều từ một câu danh hiệu này mà lưu xuất ra.

Quí vị có thể tin được không? Lúc nào mới có thể thực sự tin tưởng được? Lúc quí vị đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, quí vị liền tin tưởng. Chưa đến giai đoạn này, quí vị vẫn không tin tưởng, đến giai đoạn này thì tin tưởng triệt để thôi. Vì sao vậy? Cảnh giới quí vị thân chứng, quí vị chứng đắc rồi, cho nên “thiên tiêu niệm Phật tối vi tân”, câu nói này hay biết bao! …

Ngay trong đời này, không nên mê mờ nữa, về sau đời đời kiếp kiếp, ai thân nhất với ta? Niệm Phật là thân nhất. Niệm Phật, cha mẹ của ta, tổ tông của ta ở trong đó sao? Ở trong đó, không sai tí nào.

Vô thỉ kiếp đến nay thủy tổ chúng ta, đều ở trong danh hiệu Phật. Niệm Phật tức là niệm tổ tiên, niệm Phật chính là niệm sư trưởng, mỗi mỗi nguyện của Di Đà đều vì niệm Phật.

“Phật Thích Ca Mâu Ni trong 49 năm thuyết tất cả những kinh giáo cũng là vì niệm Phật thôi”. Nói nghĩa rộng ra, đó chính là không có một thứ gì không bao gồm trong đó. – “Hòa Thượng Tịnh Không”!

3. Nam Mô A Di Đà Phật xin hãy thường niệm

Chúng ta lắng lòng quan sát, không gì chẳng là tạo ác nghiệp. Sát sanh ăn thịt, ngỡ đó là sướng! Chẳng biết những thứ quý vị đã ăn đều là hữu tình chúng sanh, đó là sanh mạng. Quý vị giết chúng nó, chúng nó có cam tâm tình nguyện để cho quý vị giết hại hay chăng?

Xem Thêm:   Thế nào mới gọi là tu hành? Tại sao chúng ta tu?

Trong kinh, đức Phật đã dạy: “Nhân tử vi dương, dương tử vi nhân” (người chết thành dê, dê chết thành người). Nay con người ăn dê, đời sau nó đầu thai làm người, những người ăn dê hiện thời, về sau chết đi, đầu thai làm dê, lại bị nó ăn, oan oan tương báo, chẳng hết, chẳng xong!

Nếu quý vị thấy nhân quả ba đời, sẽ biết nhân quả thông ba đời. Chẳng phải là thân người này chết đi là xong, đâu có dễ dàng như vậy?

Trong các buổi giảng, trong quá khứ, chúng tôi thường nói, không thể chết được, chết thì còn làm gì được nữa! Nói thật đấy! Không thể chết thì làm như thế nào mới không thể chết?

Niệm Phật sẽ không chết! Quý vị phải biết: Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là ra đi trong khi sống, chẳng phải chết rồi mới đi, quý vị phải hiểu rõ ràng!

Khi quý vị lâm chung, đầu óc sáng suốt, tai mắt thấy nghe rõ ràng, thấy A Di Đà Phật đến tiếp dẫn quý vị, theo Ngài ra đi, chẳng cần đến thân thể này, vứt bỏ, ra đi trong khi còn sống, chẳng phải là chết rồi mới ra đi.

Do vậy, pháp môn này là “pháp môn bất tử”, ai có thể hỏi cho được? Vì thế, kinh Di Đà là “vô vấn tự thuyết” (không ai hỏi mà tự nói).

Hơn nữa, bất luận người nào, chỉ cần quý vị tin tưởng, đối với ba điều kiện Tín Nguyện Hạnh, chỉ cần trọn đủ ba điều kiện ấy, không một ai chẳng vãng sanh, pháp môn này đến nơi đâu để tìm?

Bất luận tạo bao nhiêu tội nghiệp vẫn chẳng sợ, chỉ cần quý vị chuyển biến ý niệm, thật sự cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân cận A Di Đà Phật, nghiệp chướng sẽ tiêu mất.

Quá khứ, đời này thiếu nợ mạng của chúng sanh, thiếu nợ tình, thiếu nợ tiền bạc, sau khi quý vị thành Phật, bất luận họ ở trong đường nào, quý vị đều thấy rõ ràng, sẽ chẳng trái bổn nguyện, nhất định giúp đỡ họ, giúp cho họ giác ngộ, giúp họ niệm Phật vãng sanh thành Phật. Ân lẫn oán đều báo! Đối với các oan gia đối đầu, dùng đức báo oán. – “Hòa Thượng Tịnh Không”!

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

47 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog