Bát nhã Tâm Kinh đã cô kết lại một cách trọn vẹn tất cả giáo nghĩa siêu việt của Phật giáo. Dưới đây là ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh không phải ai cũng biết.
Bát Nhã Tâm Kinh hay còn gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có nghĩa là bài kinh tóm thâu yếu nghĩa tinh ròng của pháp tu quán chiếu Bát nhã đưa hành giả lên bờ giác.
1. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ ẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử ! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô trí diệt vô đắc.
Dĩ vô sở đắc, cố Bồ đề tát đỏa, y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã Ba la mật đa, cố đắc A nậu đa la Tam miệu tam Bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị Đại thần chú, thị Đại minh chú, thị Vô thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha!
2. Ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh
Tâm kinh Bát nhã, kể từ ngày bản dịch của Ngài Huyền Trang ra đời, đã được tất cả các Phật tử tụng niệm thường xuyên. Ai cũng thuộc lòng và ít nhiều thâm hiểu giá trị cùng vị trí của Kinh này trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Cho đến nay, Tâm Kinh Bát nhã vẫn là một bài nhật tụng được chuyên trì nhiều nhất.
Ngay từ những năm khói lửa của cuộc kháng chiến Nguyên Mông đầy gian khổ nhưng cũng vừa hào hùng, vị anh hùng dân tộc, đồng thời là vị thành lập Thiền Phái Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tôn đã viết trong Cư trần lạc đạo:
“Dựng cầu đò, xây chiền tháp,
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Cứng hỷ xả, nhuyến từ bi,
Nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc.”
Tâm Kinh Bát nhã đã cô kết lại một cách trọn vẹn tất cả giáo nghĩa siêu việt của Phật giáo. Mà muốn hiểu, muốn thực hành phương pháp tu trì của Phật giáo, ta không thể nào không biết, đọc, và hiểu nghĩa của Tâm Kinh.
Bát nhã:
Bát nhã do Phạn ngữ Prajnà phiên âm. Nghĩa là Tuệ, Trí Tuệ, Không Trí. Thông thường, cứ nói đến trí hay tuệ hay trí tuệ, người nghe lập tức liên tưởng đến trí năng, một trong ba năng lực (cảm năng, trí năng và ý chí) của con người mà các sinh vật không có, hoặc có nhưng ở một mức độ thấp kém.
Trí hay trí tuệ thường được hiểu như trí khôn hay óc thông minh xán lạn, lãnh hội dễ dàng các kiến thức đã có, hoặc hội ý những kiến thức mới mà loài người sắp phát hiện ra. Cái bộ óc thông minh ấy đối với Phật giáo được mệnh danh là thế trí biện thông, bao gồm cả tốt lẫn xấu ngay trong bản chất, và tác dụng nó thì thường là lành ít dữ nhiều, bởi lẽ trí ấy gắn liền với phiền não khổ đau, hay tệ hơn nữa, nó chính là sản phẩm của chính phiền não khổ đau.
Khác với thế trí biện thông, Bát nhã là loại trí tuệ siêu thiện ác, trí tuệ vô phân biệt đã rủ sạch phiền não. Cho nên, từ trong bản chất, nó là loại trí tuệ thanh tịnh rỗng lặng, không chút bợn nhơ, trong suốt như hư không, nên cũng được gọi là không trí. Do đó, nó thường xuất hiện như một thứ trí tuệ sâu xa vi diệu, mà Tâm kinh Bát nhã gọi là thâm Bát nhã, trí tuệ sâu xa.
Ba La Mật Đa:
Ba La Mật Đa: từ ngữ này La Thập phiên âm là ba la mật và dịch nghĩa là độ (đưa qua sông, sang sông), hay đáo bỉ ngạn: đến bờ kia. Độ hay đáo bỉ ngạn đều chỉ là những dụng ngữ nói lên sự giải thoát khổ đau. Cõi sanh tử mà chúng sinh đang trôi lăn được xem như bờ bên này, thì bờ bên kia được ví với Niết bàn, ở đó, chúng sanh được thoát ra ngoài vòng sinh tử. Ngăn cách giữa hai bờ là con sông phiền não. Vượt sông phiền não tức đến Niết bàn. Vì vậy, bờ bên kia nguyên là dụ ngữ ngầm chỉ cho Niết bàn. Và phương pháp để đi đến Niết bàn (đáo bỉ ngạn) là 37 phẩm trợ đạo.
Bát nhã ba la mật đa nghĩa là pháp tu đưa qua bờ giác ngộ ở bên kia sông mê. Nội dung của pháp tu này là quán chiếu Bát nhã.
Tâm:
Tâm có nghĩa là trung tâm, thông thường người đời cho rằng tinh túy của sự vật nằm ngay trong lòng của nó. Với con người cũng vậy. Như trong con người, đứng về mặt sinh lý mà nói, máu huyết từ tim (tâm) phát ra, chảy khắp thân thể để nuôi các tế bào, rồi quay về tim mà phát ra trở lại. Đứng về mặt tâm lý mà nói, các hiện tượng tâm lý đều phát xuất từ tâm, rồi cũng trở về đó để phối kiểm lại. Vì tâm được hiểu như trung tâm, cho nên, tất cả tinh hoa được xem như đổ dồn và tập trung về đó.
Như vậy, Bát nhã Tâm kinh là bài kinh cô đúc tất cả tinh yếu của giáo nghĩa Bát nhã. Cũng như A tỳ đạt ma Tâm luận là quyển luận cô đúc tất cả tinh yếu của giáo nghĩa A tỳ đạt ma, Tâm kinh hay Tâm luận là những danh từ thường gặp trong văn học Phật giáo, chỉ cho các bản văn toát yếu của kinh hay của luận, để người học dễ nhớ, dễ thuộc. Tức loại “giúp trí nhớ” vậy. Kinh là danh từ dịch nghĩa Phạn ngữ sũtra, phiên âm tu đa la, Tu đa la. Nghĩa là sợi chỉ, hoặc xâu với nhau.
“Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” có nghĩa là: bài kinh tóm thâu yếu nghĩa tinh ròng của pháp tu quán chiếu Bát nhã đưa hành giả lên bờ giác.
Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ ẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Câu này có nghĩa là: Bồ Tát Quán Tự Tại, sau khi nhìn sâu vào sự vật bằng trí tuệ Bát Nhã, liền thấy rõ rằng năm uẩn đều không, cho nên vượt qua khỏi mọi khổ ách.
Xá Lợi Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. Câu này có nghĩa là: Này, Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thọ tưởng hành thức, cũng đều như vậy.
Khung cảnh xuất hiện của hai câu đầu này có thể hiểu: đây là lời giảng của đức Phật Thích Ca cho một đại đệ tử ngài là Xá Lợi Phất (Shariputra), sau khi lấy gương Bồ Tát Quán Tự Tại (cũng là một tên hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, tiếng Phạn là Akita, là một tên hiệu của Avalokiteshvara), đã nhìn sâu vào sự vật bằng trí tuệ Bát Nhã, nên thấy rõ rằng năm uẩn đều không, và vượt qua khỏi mọi khổ ách…
Xá Lợi Tử ! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Câu này có nghĩa là: Xá Lợi Tử, đó là tướng không của các pháp, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt.
Câu này tiếp nối câu trước: vì tất cả các pháp (hiện tượng) đều không cố định, cho nên sanh trở thành diệt, dơ trở thành sạch, thêm trở thành bớt, nóng trở thành lạnh, đẹp trở thành xấu, v.v. Và vì cái này trở thành cái kia, cho nên thực ra không có sanh không có diệt, không có dơ không có sạch, không có thêm không có bớt… Tất cả đổi thay không ngừng, tùy duyên mà xuất hiện dưới tướng này hay tướng khác. Hơn nữa, sanh diệt, dơ sạch, thêm bớt, tự chúng không phải là những thực thể, đó chỉ là những danh từ, những khái niệm, những biểu tượng mà con người tự tạo nên bằng cái tâm phân biệt của mình. Câu này cũng làm chúng ta nhớ tới “8 cái không” bát bất của ngài Long Thụ (Nagarjuna), trình bầy trong Trung quán luận (Madhyamika Shastra): “Không sanh không diệt, không thường không đoạn, không một không nhiều, không tới không đi”.
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, câu này có nghĩa là: Cho nên trong tướng không, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới”.
Về mặt ngôn ngữ, chúng ta nhận thấy tiếng Việt chỉ có một chữ “không” để chỉ danh từ “Tánh Không” và trạng từ phủ định “không phải”, trong khi tiếng Hán phân biệt danh từ “không” (Tánh Không) và những trạng từ phủ định “vô”, “bất” và “phi”. Ðó có thể là một trong những lý do dễ đưa chúng ta tới hiểu lầm về chữ Không trong đạo Phật. Trong danh từ Phật giáo, có 5 uẩn, 6 căn (là 5 cơ quan giác quan và cơ quan tư tưởng), 6 trần (là 5 giác quan và tư tưởng), 12 xứ (là 6 căn cộng với 6 trần), và 18 giới. Tất cả đều không có gì là thực tánh, là cố định hết, tất cả đều tùy duyên mà ra.
Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô trí diệt vô đắc. (Ở đây, đừng lầm chữ “diệc” với chữ “diệt”, “diệc” có nghĩa là “cũng”, “diệt” có nghĩa là “hủy diệt”). Câu này có nghĩa là: Không có vô minh, cũng không có hết vô minh; cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết; không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc. Như vậy có nghĩa rằng cái gì cũng là Không hết, ngay cả những điều căn bản trong giáo lý Phật, như Mười hai Nhân duyên (từ vô minh cho tới lão tử), Bốn Ðế (khổ, tập, diệt, đạo), mà người học Phật đã nghe đi nghe lại cho đến khi in sâu vào tâm khảm, và ngay cả cái trí tuệ chứng đắc mà người tu Phật vẫn hằng ao ước.
Vậy là thế nào? Nếu tất cả đều là Không, thì chẳng lẽ đạo Phật cũng là “không” hay sao? Dĩ nhiên câu này không khỏi gây hoang mang, nghi vấn và xáo trộn trong đầu người học Phật.
Nơi đây, chúng ta thấy tất cả sự thâm sâu vi diệu của tinh thần đạo Phật. Trong Kinh Bát Nhã, mỗi khi đức Phật thuyết giảng một điều quan trọng, ngài thường lặp lại “Na punar yathocyate” (“Tuy nói như vậy, nhưng không phải là như vậy”). Bởi vì đức Phật muốn lưu ý người nghe rằng ngôn ngữ, danh từ chỉ là một phương tiện, và khi ngài lên tiếng nói đã là sai, đã tách rời khỏi sự thật, chỉ có thể đón nhận được bằng thực nghiệm, bằng trực giác. Trong suốt lịch sử triết học và tôn giáo, có lẽ chỉ có đức Phật là người duy nhất nói lên những lời như vậy.
Ngài Long Thọ cũng đã vạch rõ ra hai mức độ chân lý trong giáo lý đức Phật: tục đế, tức là sự thật tương đối, theo quy ước, và chân đế, còn gọi là đệ nhất nghĩa đế, tức là sự thật tuyệt đối, vĩnh cửu, vượt khỏi khái niệm, ngôn từ. Nhìn dưới khía cạnh tục đế, thì Mười hai Nhân duyên, Bốn Ðế có giá trị, nhưng nhìn dưới khía cạnh chân đế, thì Mười hai Nhân duyên, Bốn Ðế đều là không, nghĩa là không có tự tánh, không cố định. Sở dĩ đức Phật tạo dựng nên những điều đó, là để giúp cho chúng sanh diệt khổ, cũng như người thầy thuốc chế tạo ra liều thuốc để chữa cho người bệnh khỏi bệnh. Giáo lý đức Phật chỉ như cái bè dùng để qua sông, như ngón tay để chỉ mặt trăng. Ðó chỉ là một phương tiện, một giả thiết. Chấp vào đó, coi đó như là một sự thật cố định, là sai lầm vậy.
Dĩ vô sở đắc, cố Bồ đề tát đoả, y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã Ba la mật đa, cố đắc A nậu đa la Tam miệu tam Bồ đề. Câu này có nghĩa là: Vì không sở đắc, nên Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật Ða, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng, đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Chư Phật trong ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) cũng nương Bát Nhã Ba La Mật Ða, đạt đạo quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Không sở đắc có nghĩa là không vướng mắc vào một điều gì, đạt được cái tâm như như, cho nên Bồ Tát nương theo tinh thần Bát Nhã, xa lánh tất cả những mơ tưởng sai lầm, và đạt được Niết Bàn. Chính là vô đắc mà đắc, không tìm mà đạt, đó mới là tinh thần Bát Nhã. Câu này cũng được hiểu là tu tập là làm giảm đi lậu hoặc phiền não chứ không có đắc lấy từ ngoài vô trong.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị Đại thần chú, thị Đại minh chú, thị Vô thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư. Nghĩa là: Cho nên biết Bát nhã Ba la mật đa là thần chú lớn, là minh chú lớn, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, nên trừ được tất cả khổ ách, chân thật không hư dối.
Chú là dịch chữ mantra trong tiếng Phạn, ta gọi là mạn trà. Theo nghĩa hẹp, mantra là những lời cầu đảo, nghĩa rất bí hiểm khi đọc lên, có tác dụng biến hóa ra các hiện tượng thiên nhiên, cả lành lẫn dữ. Theo nghĩa rộng, và đích thực của nó, mantra là cái làm cho ta suy nghĩ, có công năng nắm giữ tóm thâu mọi nghĩa lý, làm tiền đề cho việc tham khảo của ta, từ đó, đẻ ra mọi công đức, mọi diệu dụng. Trong nghĩa này, mantra thuộc một trong bốn thứ đà la ni, tức: pháp đà la ni, nghĩa đà la ni, nhân đà la ni và chú đà la ni. Chữ chú trong bài kinh này thuộc loại chú đà la ni. Đà la ni là chữ tiếng Phạn là dhàrani, dịch ra là Tổng trì, nghĩa là cái sức giữ gìn không để cho cái thiện pháp bị tán loạn, ngăn che không cho các ác pháp nảy sinh.
Ðại thần chú nghĩa là chú thần lớn, tức có thần lực vĩ đại, có thể chuyển dời, thay đổi mọi việc. Phép tu quán chiếu Bát nhã khêu sáng trí tuệ, Do đó, mà sinh tử trở thành Niết bàn, phiền não chuyển thành Bồ đề, nên nói là đại thần chú. Thần chú trí tuệ ấy chiếu phá vô minh, trừ dứt phiền não nên nói là đại minh chú, nghĩa là chú cực kỳ sáng chói. Cũng nhờ trí tuệ ấy mà chứng được Vô thượng Niết bàn nên nói là vô thượng chú, nghĩa là chú không có gì cao hơn nữa. Lại cũng nhờ trí tuệ ấy mà chứng được vô thượng bồ đề, nên nói là vô đẳng đẳng chú, nghĩa là chú không có gì sánh bằng.
Vì phép tu quán chiếu Bát nhã có công đức to lớn như thế, so với công đức của chú Ðà la ni, hai bên ngang nhau. Vì thế nên đức Phật đã tán thán và tôn xưng phép tu ấy như là thần chú. Và vì có công đức như thế, cho nên trừ được tất cả thống khổ ách nạn. Cũng vì công đức ấy là công đức quả có trên hiện thực, cho nên khẳng định lại một lần nữa rằng nó là chân thật, vì chẳng phải là dối, chẳng phải là hư dối, là lừa gạt.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. Dịch nghĩa là: Vì vậy nói ra bài chú Bát nhã Ba la mật đa liền nói chú rằng: Yết đế, Yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú nghĩa là cho nên nói chú Bát Nhã Ba la mật đa, điều ấy cho ta hiểu rằng phép quán chiếu Bát nhã có công đức sánh ngang với công đức của chú đà la ni, tất nhiên tác dụng vi diệu của phép tu này cũng không thể nghĩ bàn được. Cho nên, cần thực hành lời chú Bát nhã Ba la mật đa.
Tức thuyết chú viết, nghĩa đen là liền nói chú rằng. Nhưng để diễn đạt cái tác dụng linh ứng không thể nghĩ bàn ấy, tưởng nên dịch câu ấy là: chú liền ứng rằng thì mới lộ hết ý sâu xa tàng ẩn trong đoạn này, có hô thì lập tức có ứng. Và có như thế mới gọi là linh, là huyền diệu.
Chú vốn là mật ngữ (lời bí mật). Ðã là bí mật, làm sao cắt nghĩa? Tuy nhiên, dựa vào sự cấu tạo, có thể suy đoán một cách thô sơ nghĩa của một số chữ. Chẳng hạn như với câu chú này, nghĩa của nó không đến nỗi khó khăn lắm.
Yết đế, tiếng Hán dịch nghĩa là độ, chữ Phạn vốn đọc là gate, có nghĩa là đi qua, vượt qua. Yết đế lặp lại hai lần có nghĩa là độ cho mình và độ cho người. Ba la yết đế, do chữ pàragate, có nghĩa là đi qua bờ bên kia. Ba la tăng yết đế, là do phiên âm chữ pàrasamgate, nghĩa là đi qua bờ bên kia hoàn toàn. Bồ đề là giác ngộ. Tát bà ha do phiên âm chữ svàha có nghĩa là Ngài khéo nói. Toàn bộ câu đó tiếng Phạm đọc như sau Gate Gate Pàragate Pàrasamgate Bodhi Svaha. Như vậy, ý nghĩa của toàn câu chú có thể tạm dịch như sau: Hãy vượt qua, vượt qua đi, qua bờ bên kia đi, qua bờ bên kia hoàn toàn thì sẽ đạt đến giác ngộ. Ngài khéo nói như vậy.
Tạm dịch nghĩa đen của bài chú như trên, nhưng công hiệu của chú hoàn toàn không phải ở nghĩa hay lý. Vì thế, hiểu nghĩa hay lý đối với chú không ích lợi gì cả. Ðiều cốt yếu khi tụng chú, là phải thành tâm. Càng thành tâm thì càng nhiều linh nghiệm, bởi vì công dụng hàng đầu của việc trì chú là diệt niệm. Vọng niệm có diệt được thì thân tâm mới khinh an. Do đó, mới có cảm ứng linh nghiệm bất khả tư nghị. Riêng về chú Bát nhã trên đây, diệu dụng cứu cánh là đưa ta mau lên bờ giác.
Trên đây là những điểm trình bày để góp phần tìm hiểu Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Bản kinh này do Đức Thế Tôn nói mà điều đẩu tiên Ngài nói đến vị Bồ tát Quán tự tại tức Quán Thế âm rằng Bồ tát do hành trì một cách thâm sâu phép Bát nhã Ba la mật mà thấy chân tướng của các pháp và đạt được vị quả bồ đề và các chư Phật ba đời đều nương vào pháp Bát nhã Ba la mật đa để đạt đến giải thoát và giác ngộ tức chứng được quả vô thượng bồ để và khuyên mọi người con Phật hãy mau mau tu chứng vì kinh và chú Bát nhã rất là diệu dụng cứu cánh, giúp người tu hành mau lên bờ giác.
Đã là Phật tử thì ít nhất cũng biết đến một số kinh chú thường tụng hàng ngày nằm trong cuốn Kinh Chú Nhật tụng, trong đó có ghi các bản kinh như Kinh A Di Đà, kinh Phổ Môn, Kinh Tám Điều, Kinh Bát Nhã, Kinh Dược Sư, Kinh Sám nguyện, Kinh Vu Lan, Kinh Địa tạng v.v…tất cả các bản kinh nhật tụng đó, trước khi tụng phần sám hối hay hồi hướng đều có tụng Bát Nhã Tâm Kinh rồi sau đó có tụng đến chú vãng sinh. Vì sao như vậy ? Vì Đức Phật muốn cho các Phật tử hiểu được con đường tu hành đi đến giải thoát, giác ngộ phải vượt qua nhiều chướng ngại cần phải tụng Bát Nhã Tâm kinh để Hãy vượt qua, vượt qua đi, qua bờ bên kia đi, qua bờ bên kia hoàn toàn đi thì sẽ đạt đến giác ngộ
Có tụng Bát Nhã Tâm Kinh mới mở lối cho ta sám hối những ác nghiệp trước kia và mới có đủ duyên để hồi hướng về chư Thiện Thánh hiền, Già lam Hộ pháp, Long thiên và cho mọi chúng sinh trong tất cả các cõi.
Đối với những người tu theo Pháp Tịnh độ, tức là môn pháp đơn giản nhất và phù hợp với mọi căn cơ của nhiều người, thì thường chuyên về niệm Phật. Các đạo tràng A Di Đà tu theo pháp môn Tịnh độ, thông thường với một khóa công phu tu hành niệm Phật chỉ tụng các nghi thức Kệ tán Phật, Quán tưởng, Lễ Phật rồi niệm Phật, sám hối, hồi hướng, 12 lời nguyện, rồi Tam tự quy là kết thúc. Thiết nghĩ, trong nghi thức này nên có thêm phần tụng Bát Nhã Tâm Kinh và chú Vãng sinh thì đầy đủ hơn, sẽ đạt hiệu quả hơn trên đường tu chứng để đi đến ước nguyện vãng sinh như đã phân tích ở trên.
Tất nhiên là với điều kiện niệm Phật phải đủ tín, nguyện, hạnh, phải chí thiết, chí thành, nhất tâm bất loan. Niệm Phật trong công phu này phải đạt đến mức độ tâm niệm như bất niệm, đúng theo như pháp bất nhị và tính không trong Bát nhã Tâm kinh thì mới đạt được đạo quả. Còn niệm mà đầu óc còn vọng tưởng, suy nghĩ miên man, thì ngược lại với ý nghĩa giáo lý của Đại thừa nói trong Bát Nhã Tâm Kinh, mà mọi tông phái nào kể cả Thiền tông, Tịnh độ tông hay Mật tông cũng đều phải nhắc đến. Tất nhiên bất cứ mọi pháp tu nào cũng phải đạt đến tâm rỗng lặng, đến tâm không, đến vô ngã và thực sự làm thay đổi con người tu hành.
Trước khi đạt được đến độ có trí tuệ siêu việt để bước sang bờ bên kia, giải thoát và giác ngộ tức thực hiện được Bát nhã Ba la mật đa thì tất nhiên người Phật tử phải đạt được đến sự thay đổi trí tuệ và đạo đức, tính tình, thay đổi cái tâm, phải hiểu rõ lý nhân duyên, luật nhân quả, biết được thân người là hiếm quý, cuộc đời là vô thường, hiểu rõ những khổ đau trong luân hồi, thực hành được mười điều lành tức thập thiện thể hiện trong cuộc sống thường ngày trong đời thường.
Người Phật tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống với đời không thể nào tách rời cuộc sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả, nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói trong Cư trần lạc đạo phú và như Đức Thế tôn đã dậy Phật pháp bất ly thế gian pháp..
Trên đây là một số suy nghĩ góp phần tìm hiểu giá trị thâm diệu và nội dung giáo lý đạo học trong Bát Nhã Tâm Kinh.
Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!