Vì sao Đức Phật lại chọn Đản sinh ở nơi rừng cây?
Pháp Giới 11 tháng trước

Vì sao Đức Phật lại chọn Đản sinh ở nơi rừng cây?

Trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – Đạo Sư của chúng ta – có bốn sự kiện trọng đại đều diễn ra tại rừng cây. Trước hết, Ngài được sinh ra ở rừng cây.

Theo tục lệ của đất nước Ấn Độ thời bấy giờ, gần đến ngày sinh nở, Hoàng hậu Maya phải về quê của mình ở Devadaha. Nhưng khi đoàn người đi đến vườn Lâm Tỳ Ni thì Hoàng hậu lâm bồn. Đức Phật đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Hình như Ngài từ chối cung vàng điện ngọc để được ra đời nơi rừng cây xanh mát.

Đến khi Thành Đạo, Ngài cũng ở dưới cội cây Bồ đề. Lần thuyết pháp đầu tiên của Ngài lại diễn ra tại vườn Nai. Nơi ấy có những chú nai chạy tung tăng, gần gũi với con người.

Những lần sau, thỉnh thoảng Ngài cũng thuyết pháp trong giảng đường nhưng lần thuyết pháp đầu tiên đã diễn ra dưới rừng cây. Cuối đời, Ngài lại viên tịch tại rừng cây. Tuy Ngài không nói nhưng bốn sự kiện lớn trong cuộc đời Ngài đã để lại cho những người đời sau một thông điệp quan trọng.

Thông điệp đó là gì?

Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng, Đức Phật có những lời dạy mà Ngài không nói thành lời. Nếu có đủ trí tuệ, chúng ta sẽ nhìn ra được những lời dạy đó qua chính cuộc đời Ngài. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến hai điều quan trọng mà Ngài để lại.

Thứ nhất là Thiền định. Trước khi nhập Niết Bàn, Ngài chỉ im lặng, nằm nghiêng và bắt đầu nhập xuất từng mức định. Chúng ta không ai biết nhưng những vị Thánh Tăng biết. Lúc ấy, Ngài Anurudha nói cho mọi người biết: Đức Thế Tôn vừa nhập Sơ thiền, Đức Thế Tôn vào Nhị thiền, Đức Thế Tôn vào Tam thiền, Đức Thế Tôn vào Tứ thiền, Đức Thế Tôn trở lại Tam thiền, Nhị thiền, Sơ thiền, Đức Thế Tôn lại nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Đức Thế Tôn vào Niết Bàn.

Tại sao Ngài không nhập thẳng vào Niết Bàn như các Thiền sư mà phải nhập xuất nhiều mức định như vậy? Phải chăng, đó là lời dạy cuối cùng cực kỳ quan trọng mà Ngài muốn gửi lại cho hậu thế?

Phải chăng Ngài muốn những đệ tử của mình phải thực hiện được việc xuất nhập các mức thiền định một cách tự tại như thế? Nghĩa là người tu thiền muốn vào mức thiền nào phải vào được mức thiền đó. Làm chủ được như vậy, tự tại được như vậy là chúng ta đã thực hiện thành công lời dạy của Ngài. Nếu không, dù học hết bao nhiêu tạng kinh điển, dù có thể giảng pháp thao thao bất tuyệt, dù có thể ra nước ngoài tu học lấy được bằng Tiến sĩ, chúng ta vẫn chưa hiểu, chưa làm tròn được di ngôn không lời cuối cùng của Đức Phật.

Xem Thêm:   Bố thí quý ở tâm chứ không phải ở lượng

Vì vậy, khi còn trẻ, chúng ta phải vừa học vừa cố gắng tu. Khi lớn lên, phải vừa làm việc đạo để tạo công đức vừa nghiên cứu, nhưng phải cố gắng tinh tấn tu tập Thiền định để có thể xuất nhập các mức thiền một cách tự tại như hoài bão, như thông điệp quan trọng mà Đức Phật đã để lại cho chúng ta trong giờ phút cuối cùng thiêng liêng của cuộc đời mình.

Thông điệp quan trọng thứ hai chúng ta có thể hiểu được qua bốn sự kiện trọng đại trong đời Ngài. Đó là việc Ngài sinh ra, thành Đạo, giảng Pháp lần đầu tiên và viên tịch đều ở tại rừng cây. Phải chăng, vì hiểu giá trị kín đáo mà lớn lao ẩn trong sự sống của cây rừng nên Ngài muốn dạy chúng ta phải yêu quý thiên nhiên, phải gần gũi với thiên nhiên?

Vào thời Đức Phật, điều này không quan trọng lắm vì lúc đó rừng cây chưa bị tàn phá. Nhưng bây giờ, khi rừng cây bị tàn phá quá nhiều, điều này đã trở nên bức thiết. Hiểu thâm ý của Ngài và thực hiện lời dạy ấy, chúng ta sẽ thấy những lợi ích lớn lao mà rừng cây đem lại cho sự sống của con người.

Bởi vậy, dù sống trong thời đại mà khoa học kỹ thuật có những tiến bộ không ngừng, chúng ta vẫn nhớ thông điệp không lời mà Đức Phật để lại. Khoa học kỹ thuật hiện đại có thể giúp con người xây dựng những ngôi nhà lớn, có thể đem lại cho cuộc sống con người đầy đủ tiện nghi, nhưng chúng ta cố gắng đừng xa rời thiên nhiên. Lúc nào chúng ta cũng giữ sự gắn bó với cây xanh để có thể tìm ra được những điều quý giá từ nơi ấy. Nam mô Bổ Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. – “Khánh Quản”!

Vì sao Đức Phật lại chọn Đản sinh ở nơi rừng cây?

Đức Phật đản sinh vào ngày nào?

Sự kiện Đức Phật đản sinh, đắc đạo và trở thành Đấng Giác Ngộ toàn năng đã trở thành một dấu son trong lịch sử nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do hoàn cảnh lịch sử cũng như do nguồn tư liệu vô cùng đồ sộ và phong phú về Phật giáo mà những vấn đề liên quan đến lịch sử, sự kiện trong cuộc đời Đức Phật vẫn còn những tồn nghi. Tuy nhiên có một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật chứ không phải chỉ là một nhân vật huyền thoại được tín đồ và quần chúng nhân dân thần thánh hóa.

Nhắc đến cuộc đời Đức Phật người ta thường nhắc đến bốn sự kiện quan trọng, cũng là bốn mốc son trong quãng thời gian thị hiện nơi trần thế của Ngài, đó là ngày Đản sinh (Đức Phật ra đời); ngày thành đạo (tìm ra diệu lý); thời gian chuyển pháp luân (hoằng pháp) và Niết bàn (nhập diệt), trong đó, ngày Đức Phật đản sinh đã trở thành ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất và thiêng liêng nhất của Phật giáo đồ toàn thế giới. Hiện nay, trong kinh điển có những điểm khác biệt nhất định về ngày đản sinh cũng như về những mốc thời gian khác trong cuộc đời Đức Phật nhưng tựu trung lại đều thể hiện tương đối đầy đủ và cụ thể về bốn sự kiện trên.

Xem Thêm:   Hướng dẫn cách trì tụng chú Dược Sư tại nhà để cầu giải trừ tật bệnh

Đức Phật đản sinh ngày 8/4 hay 15/4 âm lịch?

“Tháng tư ngày tám” từ xưa vẫn được coi là ngày Đức Phật hiển thế. Từ năm 1959 trở về trước, các nước có truyền thống Phật giáo vẫn tổ chức lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên Đại hội Phật giáo Thế giới năm 1960 (họp ở Phnompênh, Campuchia) đã thống nhất lấy ngày 15/4 theo lịch mặt trăng làm ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh cho Phật tử toàn thế giới.

Sự “điều chỉnh” này là do đâu? Ngày Đức Phật đản sinh là ngày kỷ niệm Đức Phật ra đời, sao lại thay đổi? Và sự thực thì Đức Phật đản sinh vào ngày 8/4 hay 15/4? Nhiều người sẽ đặt câu hỏi như vậy.

Các kinh sách Phật giáo không ghi rõ ngày sinh của Đức Phật Thích ca mà chỉ chép lại Đức Phật đản sinh trong một ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch Ấn Độ. Chiếu theo lịch mặt trăng thì đó là tháng tư âm lịch, và theo lịch Ấn cổ, ngày trăng tròn chính là ngày mùng 8. Như vậy, ngày 8/4 theo lịch Ấn Độ cổ cũng chính là ngày rằm tháng tư theo lịch mặt trăng, hay âm lịch như chúng ta vẫn gọi.

Kinh điển Nam tông và Bắc tông đều ghi rằng mẹ Ngài, hoàng hậu Mahamaya đản sinh Đức Phật dưới gốc cây Sa la trong cánh rừng Lambini. Kinh điển Nam tông ghi rằng: Khi hoàng hậu Mahamaya gần đến ngày lâm bồn mới thưa với đức vua Tịnh Phạn xin được trở về nhà mình. Được Đức vua đồng ý, bà cùng đoàn tùy tùng đã trở về quê hương, khi đi qua cánh rừng Lambini có rất nhiều cây Sa la, bà đã dừng chân vào nghỉ ngơi. Ngay lúc đó Hoàng hậu cảm thấy chuyển bụng, đoàn tùy tùng liền che một chiếc màn quanh bà rồi rút lui. Khi bà còn đang đứng và tay bám lấy một cành cây sala bà đã đản sinh một người con. Khi đó bốn vị đại phạm thiên xuất hiện mang theo chiếc lưới bằng vàng và quấn lấy người con bằng chiếc lưới đó. Và cũng ngay khi đó, có hai trận mưa từ trên trời dội xuống để tôn kính vị Phật tương lai và làm mát mẻ cho thân Ngài và mẹ của Ngài. Sau khi rời khỏi tay các vị đại phạm thiên, Ngài được Tứ đại thiên vương đỡ lấy và bọc trong một miếng vải làm bằng da linh dương màu đen.

Xem Thêm:   Bồ Tát Quán Thế Âm là ai? Ngày Vía Quan Âm Bồ Tát là ngày nào?

Trong kinh điển Bắc tông thì ghi rằng: Hoàng hậu Mahamaya nằm chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà biến thành hào quang soi vào bụng rồi có mang. Đến kỳ sinh nở, bà đến khu rừng Lambini và sinh ra ngài bên phía sườn phải, tự nhiên có bông hoa sen nảy lên đỡ Ngài và có chín con rồng từ trên trời xuống phun hai dòng nước lạnh và nóng để tắm cho Ngài, lại có bách thần xuống trông nom săn sóc. Sau khi được sinh ra, Ngài liền bước bảy bước, mỗi bước đi đều nảy một bông sen dưới chân, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Thực ra, các học giả cho rằng, việc coi ngày rằm tháng tư là ngày Phật đản sinh là tuân theo truyền thống, chứ không phải chứng minh được Đức Phật được sinh ra chính xác vào ngày đó. Ngày trăng tròn của tháng Vesaka cũng là ngày chuyển giao của trời đất, mùa mưa bắt đầu, cỏ cây hồi sinh, các loài động vật cũng sinh sôi nảy nở. Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc các nhà sư tụ lại một nơi để tu học, tránh đi lại để không giẫm đạp lên các loài côn trùng, giun dế, tổn thương đến sinh mạng chúng.

Liên quan đến sự ra đời của Đức Phật có thể thấy có nhiều yếu tố phi thường, song theo quan niệm của Phật giáo thì các pháp đều hư huyễn, tùy theo nghiệp duyên thiện ác mà hiển hiện khôn lường, hơn nữa với Đức Phật Thích Ca, ngài đã trải qua vô kỳ kiếp tu tập đắc quả thì việc hiện sinh ở hiền kiếp như vậy cũng là lẽ thường và không nên chấp định vào quan niệm thế gian.

Đức Phật Thích Ca ra đời đã được tiên đoán là bậc vĩ nhân xuất chúng và ngài sẽ xuất gia tu đạo, trở thành người dẫn dắt chúng sinh khỏi những khổ nạn trong cuộc đời. Do đó mặc dù rất vui mừng vì Đức Phật đản sinh nhưng cha của ngài – vua Tịnh Phạn cũng không khỏi băn khoăn lo lắng về ý nguyện xuất gia của Ngài và đã nuôi dưỡng Đức Phật bằng sự giáo dục hoàn mỹ với những hiển đạt về công danh và quyền thế nhằm hướng ngài thành người kế vị ngôi báu sau này. Tuy nhiên, với ý chí và sự kiên định hiếm có, Ngài đã từ bỏ giàu sang, quyền lực, phú quý, quyết tâm tìm đường cầu đạo. Và sau rất nhiều gian khổ, Ngài đã thành công, chứng đắc được quả Bồ đề, tìm ra chân lý diệu kỳ của lẽ sống – cái chết và bắt đầu con đường giáo hóa chúng sinh của mình cho đến khi nhập diệt vào năm 80 tuổi.

Tham khảo: Đức Phật đản sinh vào ngày nào? Ý nghĩa của ngày lễ Phật đản

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

47 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog