Pháp Giới 10 tháng trước

Tịnh Từ Yếu Ngữ PDF – Thiền Sư Nguyên Hiền trước tác

Quyển Tịnh Từ Yếu Ngữ chứa đựng trọn vẹn yếu chỉ của sự tu hành, trình bày rõ ràng pháp môn niệm Phật, Sự Lý viên dung…

Lời ngỏ

Thuốc không luận quý hiếm hay thông thường, miễn chữa lành bệnh là thuốc hay. Pháp chẳng luận cạn sâu, hóa giải được phiền não là Diệu pháp. Do chúng sinh có nhiều bệnh, nên đức Phật mới lập ra nhiều pháp môn, nhưng tất cả giáo lý đều lấy giác ngộ làm đích đến.

Một câu A-di-đà thật rất giản đơn, dễ thực hành nhưng hiệu quả vô cùng nhanh chóng, nghĩa lý sâu rộng vô biên. Nói về chiều sâu, hàng Thượng căn nương nơi đây thâm nhập Tự tánh Di-đà, tỏ ngộ Duy tâm Tịnh độ. Nói về chiều rộng, hàng Trung Hạ chỉ cần tin, nguyện và thực hành, thì hiện tại phiền não tiêu mòn, thân tâm an lạc; đến khi lâm chung giữ vững chánh niệm được vãng sinh. Như thế, chẳng phải là rất sâu xa, rộng lớn hay sao?

“Một pháp môn Tịnh độ lợi khắp ba căn, thâu nhiếp cả Thánh lẫn phàm”. Từng chữ, từng lời, từng câu nói của người xưa đều là chân thật, đều phát xuất từ tấm lòng đại bi vô hạn!

Quyển “Tịnh Từ Yếu Ngữ” do Thiền sư Nguyên Hiền trước tác, lời dạy thật đơn giản nhưng chứa đựng trọn vẹn yếu chỉ của sự tu hành, trình bày rõ ràng pháp môn niệm Phật, Sự Lý viên dung, khuyên bảo mọi người giữ giới sát, ăn chay, thực hành phóng sinh nhằm làm cho tâm từ bi được mỗi ngày thêm tăng trưởng. Đây thật là thuyền từ trong biển khổ, đuốc sáng giữa đêm tối vô minh, là kim chỉ nam giúp cho người tu Tịnh nghiệp thoát khỏi sinh tử luân hồi về nơi Tịnh độ. Vì lợi ích đó, nên chúng tôi phiên dịch sách này ra Việt văn.

Xem Thêm:   Quán Thế Âm Bồ Tát là ai? 12 đại nguyện của Bồ Tát Quan Âm

Chúng tôi thành kính tri ân: Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh (Viện chủ chùa Vạn Đức), Thượng tọa trụ trì chùa Bửu Liên, Đại đức trụ trì chùa Hoằng Pháp, Đại đức trụ trì chùa Thiên Hưng cùng chư pháp hữu: ĐĐ. Pháp Đăng. ĐĐ. Tâm Huệ, Sa-di Quang Hội, Phật tử Diệu Thiện, Tâm Hoa, Thiện Hòa… đã tận tâm giúp đỡ, nên quyển sách này sớm được hoàn thành.

Kính mong các bậc Tôn đức và đạo hữu mười phương niệm tình chỉ giáo. Thành kính tri ân vô lượng! Thích Minh Thành kính ghi!

THIỀN SƯ NGUYÊN HIỀN (1577–1657)

Thiền sư Nguyên Hiền, họ Thái, tự là Vĩnh Giác, người ở huyện Kiến Dương, tỉnh Phúc Kiến.

Thuở nhỏ, theo Nho học. Năm 20 tuổi đã được bổ làm Thái Học Sinh (người được học ở trường lớn nhất kinh thành, chuyên truyền trao kinh điển của nhà Nho). Năm 25 tuổi, Sư nghe vị Tăng tụng kinh Pháp Hoa đến câu: “Khi ấy, Ta hiện thân thanh tịnh sáng suốt…”, liền rất vui mừng, khen rằng: “Ngoài cái học của Chu, Khổng, quả thật còn có một việc lớn khác!”. Từ đó, Sư để tâm nơi giáo lý và thông suốt tất cả kinh điển.

Về sau, khi gặp ngài Thọ Xương, Sư trình bày chỗ hiểu biết của mình rồi theo Ngài học tham thiền, đến năm 40 tuổi thì Sư xuất gia. Một hôm, từ chùa đi ra gặp ngài Thọ Xương từ ruộng trở về chùa, Sư liền hỏi: “Thế nào là thân thanh tịnh sáng suốt?”. Ngài Thọ Xương giũ áo đứng im. Sư hỏi: “Chỉ có cái này hay còn gì khác nữa chăng?”. Thọ Xương phất áo bỏ đi. Sư đi theo vào phương trượng. Chưa kịp mở miệng, Thọ Xương cầm gậy đánh liên tục ba cái, bảo rằng: “Về sau chẳng được lơ là!”.

Xem Thêm:   Cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà có thật không?

Năm sau, ngài Thọ Xương thị tịch. Sư y chỉ với ngài Bác Sơn Nguyên Lai và thọ giới Cụ túc. Chẳng bao lâu, Sư từ giã trở về Phúc Kiến. Khi đi thuyền qua Diên Tân, chợt nghe một vị Tăng tụng kinh Pháp Hoa đến câu: “Chư Phật đều tằng hắng và khảy móng tay”, bèn thấu suốt tác dụng trước kia của ngài Thọ Xương. Liền nói kệ rằng:

“Gà vàng mổ nát lưu ly biếc
Hoàn toàn ngơi nghỉ chỉ tự hay
Nằm yên trên thuyền, trời đã sáng
Trước non mưa tạnh, tiếng chim kêu”.

Lúc ấy, Sư đã 46 tuổi nhằm tháng 09 năm thứ 03 niên hiệu Thiên Khải (1623) đời nhà Minh. Sau đó, Sư về ở am Kim Tiên, đọc Đại tạng ba năm rồi ẩn tu nơi núi Hà.

Năm thứ 06 niên hiệu Sùng Trinh (1633), Sư yết kiến Thiền sư Văn Cốc Quảng Ấn, học giới bổn của ngài Vân Thê. Năm sau trở về Côn Sơn, xiển dương rộng rãi Tông phong Tào Động. Sư lập thân hành đạo vững chắc như núi non, đức hạnh trong sạch tợ băng tuyết, bảo vệ đạo pháp, cứu độ nhân gian, phước tuệ vẹn toàn. Mọi người đều tôn xưng là “Cổ Phật trở lại”.

Mùng 07 tháng 10 năm thứ 14, niên hiệu Thuận Trị (1657) đời Thanh, Sư an nhiên thị tịch, hưởng thọ 80 tuổi. Đệ tử rất đông, nhưng chỉ riêng ngài Đạo Bái là người được pháp.

Xem Thêm:   10 công đức của việc phóng sinh không thể nghĩ bàn

Thiền sư Nguyên Hiền có trước tác hơn mười loại: Lăng-nghiêm Kinh Lược Sớ, Kim Cang Kinh Lược Sớ, Bát-nhã Tâm Kinh Chỉ Chưởng, Tứ Phần Giới Bổn Ước Nghĩa.

(Theo Phật Học Đại Từ Điển Phật Quang Đại Từ Điển Ngũ Đăng Toàn Thư)!

Mời quý bạn đọc Tịnh Từ Yếu Ngữ – Thiền Sư Nguyên Hiền trước tác tại file PDF dưới đây.

Xem màn hình rộng

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog