Phụ nữ đến tháng có đọc tụng Chú Đại Bi được không?
Pháp Giới 5 tháng trước

Phụ nữ đến tháng có đọc tụng Chú Đại Bi được không?

Là người nữ trong những ngày kinh nguyệt, đến tháng có được phép tụng Kinh bái sám, đọc Chú Đại Bi như ngày thường được không?

1. Chú Đại Bi

Cửa Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, một người học Phật dù cố gắng hành trì, tu tập trãi qua hằng hà sa số kiếp cũng không dễ gì có thể lãnh hội hết tất cả nội dung phong phú đó huống là chỉ một đời người. Cho nên, tùy theo căn cơ, duyên nghiệp, một khi đã phát tâm đi vào con đường giải thoát, hành giả hoặc nhờ phước duyên được chư Phật, chư Bồ Tát độ trì dẫn dắt, hoặc do minh sư chỉ bảo, mỗi người cần nên tự chọn cho mình một pháp môn để tu tập. Có rất nhiều pháp môn tu học phổ biến trong đại chúng hiện nay như Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Định…

Như người cùng tử, suốt một đời rong ruổi ngược xuôi, đến khi mang chiếc thân tàn trở về lại ngôi nhà cũ của Cha mình mới khám phá ra viên ngọc vô giá trong chiếc áo rách nát tả tơi theo năm tháng mà ngày xưa người cha vì lòng yêu thương đã khâu vào trước khi đứa con bỏ nhà đi hoang.

Thần chú Đại Bi, chính là viên ngọc vô giá đó và hôm nay, như người cùng tử năm xưa, chúng ta bất ngờ khám phá lại kho tàng không những sẽ làm giàu có, phong phú cho tâm hồn đang khô kiệt của chúng ta, mà còn là chiếc chìa khóa mở cho ta vào cánh cửa thênh thang của đạo quả giác ngộ, vô thượng bồ đề.

Ngài Tuyên Hóa dạy rằng: Người trì kinh, chú sẽ được ba nghiệp thanh tịnh, khi ba nghiệp lắng đọng thì trí huệ sinh (nhân định tức huệ) đồng Phật vãng Tây Phương.

  • Thân ngồi ngay thẳng trước Phật là thân thanh tịnh.
  • Miệng không nói dối, không đùa giỡn là khẩu nghiệp thanh tịnh.
  • Ý không tán loạn, không phan duyên đó là ý nghiệp thanh tịnh.

“Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong chơi pháp giới khắp Tây Đông”

Niệm Kinh Chú mục đích nhiếp phục tam nghiệp hằng thanh tịnh để trừ được ba ác nghiệp thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp:

  1. Thân nghiệp gồm ba: (Không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm)
  2. Khẩu nghiệp có bốn: (Không nói dối, không nói ác khẩu, không nói lưỡi hai chiều, không nói thêu dệt)
  3. Ý nghiệp có ba: Tham, sân, si.
Xem Thêm:   Tạo nghiệp là gì? Tạo nghiệp nên phải chịu quả báo

Như vậy niệm Kinh, niệm Chú, niệm Phật cũng đều mục đích như nhau để tam nghiệp hằng thanh tịnh. Khi tâm mình thanh tịnh tức tâm bình, tâm bình tạo ra thế giới bình “tướng tự tâm sanh,” mây tan thì trăng tự nhiên hiển bày tỏa sáng. Khi chúng ta niệm chú một cách nhất tâm thì sẽ đoạn trừ được phiền não.

Kinh chú của Phật, tất cả mọi người có thể trì, nhưng muốn được lợi lạc trong khi tụng Kinh trì Chú người Phật tử cố gắng giữ tam nghiệp thanh, giữ giới dứt các điều ác làm các việc lành mới được công đức tốt đẹp.

Niệm Chú Đại Bi là mình luôn luôn nhớ cái tâm đại từ, đại bi của mình là niệm (Phật tính) trong tứ oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, đều trong chánh niệm đều nghĩ đến Phật, chúng ta không tạo nghiệp bất thiện như không sát sinh giết người hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, không tham, không sân, không si… thì chắc chắn trong cuộc sống của chúng luôn luôn an lạc, không sợ hãi, không gặp chướng ngại (vô ngại).

Phụ nữ đến tháng có đọc tụng Chú Đại Bi được không?

2. Những lợi ích khi trì tụng Chú Đại Bi

Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, do ngài Già Phạm Đạt Ma dịch (thời Đường), toàn bài chú này có 84 câu, người trì tụng thần chú Đại Bi sẽ được 15 điều lành, không bị 15 thứ hoạnh tử bức hại.

Được 15 điều lành

1. Sinh ra thường được gặp vua hiền, 2. Thường sinh vào nước an ổn, 3. Thường gặp vận may, 4. Thường gặp được bạn tốt, 5. Sáu căn đầy đủ, 6. Tâm đạo thuần thục, 7. Không phạm giới cấm, 8. Bà con hòa thuận thương yêu, 9. Của cải thức ăn thường được sung túc, 10. Thường được người khác cung kính, giúp đỡ, 11. Có của báu không bị cướp đoạt, 12. Cầu gì đều được toại ý, 13. Long, Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ, 14. Được gặp Phật nghe pháp, 15. Nghe Chánh pháp ngộ được nghĩa thâm sâu.

Không bị 15 thứ hoạnh tử

1. Chết vì đói khát khốn khổ, 2. Chết vì bị gông cùm, giam cầm đánh đập, 3. Chết vì oan gia báo thù, 4. Chết vì chiến trận, 5. Chết vì bị ác thú hổ, lang sói làm hại, 6.Chết vì rắn độc, bò cạp, 7. Chết trôi, chết cháy, 8. Chết vì bị thuốc độc, 9. Chết vì trùng độc làm hại, 10. Chết vì điên loạn mất trí, 11. Chết vì té từ cây cao hoặc rớt xuống vực thẳm, 12. Chết vì người ác trù ếm, 13. Chết vì tà thần, ác quỷ làm hại, 14. Chết vì bệnh nặng bức bách, 15. Chết vì tự tử.

Xem Thêm:   Phương pháp niệm Phật không xen tạp của Ấn Quang Đại Sư

Ngoài ra, theo kinh Thiên Nhãn Thiên Tý Quán Thế Âm Bồ Tát Đà La Ni Thần Chú (quyển thượng), trì tụng chú này 108 biến, tất cả phiền não tội chướng đều được tiêu trừ, thân khẩu ý thanh tịnh. Thần chú Đại Bi được các tông phái Phật giáo trì niệm rất phổ biến và thịnh hành.

Tuy nhiên, thần chú này được các nhà Phật học dịch khác nhau về tên kinh cũng như chương cú. Đơn cử như bản dịch chú Đại Bi của ngài Bồ Đề Lưu Chi có 94 câu, bản dịch của ngài Kim Cương Trí có 113 câu, bản dịch của ngài Bất Không có 82 câu…

Muốn trì chú này thì phải phát Bồ đề tâm, kính giữ trai giới, tâm luôn bình đẳng với mọi loài và phải trì tụng liên tục.

Đọc thêm: Nghi thức trì tụng Chú Đại Bi đúng pháp đơn giản tại nhà

3. Phụ nữ đến tháng có đọc tụng Chú Đại Bi được không?

Hỏi: Là người nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, chúng con có được phép tụng Kinh bái sám như những ngày thường được không?

Đáp: Xin thưa ngay là không có gì trở ngại cả. Trong Luật Phật không có ngăn cấm điều này. Bởi lẽ, kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý tự nhiên của người phụ nữ. Điều đó, không ai muốn như thế. Đó là một định lý tự nhiên mà không người phụ nữ nào tránh khỏi. Đã thế, thì tại sao Phật tử lại lo sợ? Phật tử đừng có ái ngại lo sợ gì cả. Chỉ lo sợ là Phật tử giải đãi rồi viện cớ lý do mà bỏ ngang sự tu hành, thì đó mới là điều đáng trách và đáng nói. Ngoài ra, không có gì phải bận tâm lo lắng.

Nếu bảo rằng, đó là những bài tiết dơ dáy, thì thử hỏi trong cơ thể con người, tất cả những chỗ bài tiết khác có chỗ nào sạch sẽ hết đâu? Phật dạy, thân này vốn là bất tịnh kia mà! Không lẽ vì sự bất tịnh mà chúng ta lại bỏ phế việc tu hành sao?

Hơn nữa, chư Phật, Bồ tát, các Ngài đâu còn có tâm phân biệt chấp trước nhơ sạch như phàm phu tục tử chúng ta. Các Ngài lúc nào cũng mong mỏi khuyến khích chúng ta tinh tấn tu hành.

Đã thế, thì thời gian đối với sự tu hành của người Phật tử phải nói là vàng bạc quý báu. Không giờ phút nào lại không tu hành. Dù tu theo thời khóa hay không thời khóa cũng thế. Vì một ngày qua, thân ta mỗi suy tàn già yếu. Bệnh hoạn và cái chết đến với chúng ta không biết lúc nào. Thử hỏi có mấy ai lường trước được?

Xem Thêm:   Bố thí ba la mật là gì? Công đức của sự bố thí Ba-la-mật

Thế thì, tại sao chúng ta không nghĩ đến sự vô thường nhanh chóng mà nỗ lực gắng chí lo tu? Phật tử nỗ lực tu hành, công phu tụng kinh, bái sám, chư Phật, Bồ tát, các Ngài thương không hết có đâu lại quở trách sự không trong sạch của Phật tử.

Đối với Phật Pháp, sự nhơ bên ngoài không đáng kể, mà đáng kể nhất là cái nhơ trong lòng của chúng ta. Cái cấu trược phiền não tham, sân, si, mới là cái đáng cho chúng ta quan tâm mà gấp lo tiêu trừ. Nói thế, không phải chúng ta coi thường phần sự tướng bên ngoài. Nhưng chúng ta phải biết cái nào quan trọng và cái nào thứ yếu. Cái nào gốc, cái nào ngọn. Cái quan trọng, thì chúng ta phải quan tâm nhiều hơn. Đó là sự sáng suốt khéo biện biệt của người Phật tử trong lãnh vực tu hành.

Tóm lại, Phật tử cứ yên tâm không có gì phải lo ngại. Phật tử cứ sinh hoạt tụng kinh bái sám như thường lệ. Không có gì là tội lỗi cả. Chỉ mong sao Phật tử cố gắng giữ thời khóa tụng niệm bình thường. Được vậy, chư Phật và Bồ tát rất hoan hỷ và khen ngợi sự tinh tấn tu hành của Phật tử.

Chúc Phật tử luôn an vui và luôn tinh tấn trên bước đường tu niệm, cầu nguyện Phật tử chóng đạt thành đạo quả. – “Tỳ kheo Thích Phước Thái!”

* Lưu ý: HT Thích Thánh Nghiêm có dạy:

Các nữ tín đồ thờ Phật tại nhà đến kỳ kinh nguyệt thì không dám tới chùa lễ Phật, thậm chí không dám đến trước bàn thờ Phật để thắp hương tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật.

Kỳ thực đó là điều kiêng kị của hàng quỷ thần cấp thấp. Vì quỷ thần sợ máu bẩn nên hễ thấy máu bẩn thì dễ nổi giận. Quỷ thần nghiện ăn máu, thấy máu là dấy lòng tham, nhưng máu kinh nguyệt không phải là máu tươi nên quỷ thần có phản ứng như bị người ta đùa bỡn làm nhục. Do vậy, phụ nữ khi hành kinh vào các đền, miếu, điện thờ quỷ thần thì có thể bị hậu quả không tốt.

Còn như các Sa-di ni, Tỳ kheo ni, cùng các Ưu bà di (nữ cư sỹ) ở gần đều sinh hoạt tại chùa, cùng các phụ nữ tu hành hàng ngày làm bạn với kinh sách, tượng Phật và các pháp vật khác của nhà chùa, từ xưa đến nay chưa từng thấy ai bị tai họa bởi vấn đề xung khắc do kinh nguyệt gây ra cả.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog