Chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh
Pháp Giới 5 tháng trước

Chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Đức Phật trong các Kinh điển thường dạy chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh, hồi hướng cho tất cả oan gia trái chủ.

1. Ý nghĩa của hai chữ “Hồi hướng”

Chúng ta ngày ngày xướng kệ hồi hướng, lấy cái gì để hồi hướng? Người ta thì đem công đức chân thật tu học mỗi ngày của chính mình để hồi hướng, vậy chúng ta chính mình phải phản tỉnh lại một chút, chúng ta mỗi ngày lấy cái gì để hồi hướng?

Lấy tự tư tự lợi mà hồi hướng, lấy tham sân si mạn để hồi hướng, lấy những việc tổn người lợi mình để hồi hướng. Những thứ này không hồi hướng thì tốt hơn, càng hồi hướng càng đáng lo, việc hồi hướng này hướng đến nơi nào để đi vậy?

Hướng đến ba đường ác để đi, đây chính là pháp sư Quán Đảnh nói, “người niệm Phật niệm đến ba đường ác”. Hiện tại, chúng ta hiểu được ý nghĩa của Tổ sư Đại đức nói, mới biết được sự thật này là đáng sợ, sau đó mới hiểu được “cần tu “Giới Định Huệ”, diệt trừ tham sân si” là quan trọng. Cho nên thực tiễn Bồ Tát hạnh chính là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Bát Nhã.

Ở mọi lúc vào mọi nơi, ngay trong tất cả cảnh duyên, đối nhân xử thế tiếp vật, chúng ta dùng tâm Bồ Đề, tâm chân thật giác ngộ, lìa tướng tu thiện bố thí, vì tất cả chúng sanh phục vụ.

Chúng ta phải nên cố gắng ghi nhớ, Thế Tôn dặn bảo chúng ta “thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói”. Câu nói này, ngay trong cả đời Thế Tôn đã nói qua mấy vạn lần, mỗi một bộ Kinh đều nói rất nhiều lần. Bộ “Kinh Kim Cang” từ đầu đến cuối chỉ có hơn 5000 chữ, trong đây đã nói qua mười mấy lần, chân thật là hết lòng hết dạ dặn bảo chúng ta hết lời. Chúng ta học tập, trước tiên phải hạ thấp dục vọng, tâm của chúng ta mới có thể được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì niệm Phật mới hữu dụng. Sau đó tuân theo giáo huấn của Phật, “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”.

Xem Thêm:   Tu tập, hành trì theo hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng

Ý nghĩa của tâm Bồ Đề là gì, chúng ta phải làm cho rõ ràng. Chúng ta tổng kết trên cương lĩnh mà nói, “tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi”, đây là tâm Bồ Đề.

Ở ngay trong cuộc sống thường ngày, đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, chúng ta phải dụng tâm như vậy, đây gọi là phát tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề phát rồi, phát ở trên miệng thì không ích gì, trên tâm phát rồi cũng không hữu dụng, nhất định phải thực tiễn.

Thực tiễn tâm Bồ Đề chính là Tam Phước, Lục Hòa, Lục Độ, mười nguyện Phổ Hiền. Dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi để “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện” thì tâm Bồ Đề của bạn liền được thực tiễn. Dùng công đức này cầu sanh Tịnh Độ, đây gọi là phát nguyện hồi hướng.

2. Tầm quan trọng của phát nguyện hồi hướng

Trong Kinh Địa Tạng Phật giảng giải có đủ loại công đức và nhấn mạnh tầm quan trọng của hồi hướng: “Nếu có thể đem thiện sự hồi hướng cho pháp giới, thì công đức người này trăm ngàn đời thọ an vui vi diệu. Nếu chỉ hồi hướng cho gia đình quyến thuộc và lợi ích của bản thân, thì chỉ hưởng có ba đời”.

Theo lời Phật khai thị, chúng ta có thể nhận ra: Người tu cần có tâm quảng đại, làm việc thiện không nên tham cho mình mà hồi hướng cho pháp giới, thì phúc kia không gì có thể sánh kể.

Nếu bạn bố thí hành thiện rồi hồi hướng cho phúc báu nhân thiên… mặc dù thực tế bạn có quyền “chuyển khoản” hết về “kho phúc báu nhân thiên”, nhưng xét theo cứu cánh thì việc này dễ gây ra nhân duyên chướng đạo! Bởi từ xưa đã có câu: “Phú quý khó tu”.

Được phú quý mà không có trí tuệ soi đường dẫn lối thì rất dễ tạo ác, cuối cùng lại bị đọa vào ác đạo, biến thành: “Tam thế oán” như trong “Tạp Thí Dụ Kinh” đã kể ra câu chuyện thế này:

Xem Thêm:   Tụng Kinh Địa Tạng khỏi bệnh ung thư, thoát nạn cháy nhà

“Có một trưởng giả ham phú quý nên dốc sức cúng dường chúng Tăng, gặp một vị La hán không những chẳng khen ngợi chi, mà còn bảo ông là: “Có tội”. Bởi vì trồng phúc thì sẽ được hưởng phúc báo khoái lạc nhân thiên, chính ngay lúc hưởng thụ sẽ phát sinh tâm kiêu ngạo tự cao, bất kính Phật Pháp Tăng, khởi niệm tham lam phóng dật, do vậy mà sau sẽ bị đọa ác đạo”.

Vì vậy, chỉ có phát tâm Bồ đề, quyết chí cầu giải thoát sinh tử, hồi hướng cho thành tựu vô thượng Phật đạo, mới là chánh lộ.

Chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh

3. Tại sao tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh?

Chính vì nợ nần ân oán giữa ta và chúng sanh chẳng dứt chẳng liễu, cho nên trong đời này dù là trong cuộc sống hằng ngày, hay là trên con đường tu hành của chính mình, chúng ta luôn gặp phải rất nhiều ma chướng.

Trong Kinh Lăng Nghiêm chương Thanh Tịnh Minh Hối có một câu nói:

“Nhất thế nhân duyên kinh bách thiên kiếp, thường tại sanh tử”.

Đây tức là đời trước ta thiếu nợ người, đến đời này người đến đòi, ta buộc phải trả nợ cho người. Thế nhưng món nợ này chẳng phải trả rồi thì là xong đâu. Vì sao? Vì khi trả nợ không phải ít một chút thì cũng nhiều hơn một chút. Nếu như ta trả ít hơn một chút, thì đời sau lại phải tiếp tục trả nợ tiếp. Còn như trả nhiều hơn một chút, thì đời sau ta lại phải đến đòi lại.

Cho nên, ta và tất cả chúng sanh là quan hệ nợ nần đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt, đạo lý chính là như vậy. Chính vì nợ nần ân oán giữa ta và chúng sanh chẳng dứt chẳng liễu, cho nên trong đời này dù là trong cuộc sống hằng ngày, hay là trên con đường tu hành của chính mình, chúng ta luôn gặp phải rất nhiều ma chướng.

Hai chữ “Ma chướng” này không phải là để chỉ cho phiền não của ta, mà là để chỉ cho tất cả những ác duyên đến từ bên ngoài làm chướng ngại cuộc sống, cũng như là con đường tu hành của chúng ta. Những ác duyên này tại sao không xẩy ra với người khác, mà lại rơi trên người chúng ta? Đó là vì chúng ta và những oan gia trái chủ này oan nghiệp vướng mắc không ngừng, chúng ta nhất định phải biết rõ điều này.

Xem Thêm:   Chú Đại Bi – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng giải PDF

Vậy vấn đề này phải giải quyết như thế nào? Có phương pháp gì để giải quyết chăng? Có. Đức Phật trong các Kinh điển thường dạy chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh, hồi hướng cho tất cả oan gia trái chủ. Có thể thấy hồi hướng chính là con đường giải quyết duy nhất. Công đức, phước đức tu hành hàng ngày của chính mình đó, mình đem đi hồi hướng hết cho oan gia chủ nợ này, là ta tu thay cho họ.

Hy vọng đem công đức, phước đức cả đời ta tu tập này hễ có ân thì báo ân, còn như có oán thì dùng những công đức, phước đức ta tu tập này hóa giải oán kết, giải trừ oan nghiệt. Nếu chúng ta dùng tâm chân thành để mà hồi hướng, thì những oan gia chủ nợ này họ cũng sẽ hoan hỷ bỏ qua cho ta, không tiếp tục gây khó dễ, gây cản trở chúng ta nữa. Đây là mình và người đều có lợi ích.

Từ đây mới biết rằng, trong thế gian này không có ai là thua thiệt, cũng không có ai chiếm được lợi ích. Giả như đời này chiếm được lợi ích, biến tiện nghi của người khác thành tiện nghi của chính mình, thì đến đời sau vẫn phải hoàn trả lại hết cho họ. Nếu đời sau trả vẫn chưa hết, thì đến đời sau nữa vẫn phải tiếp tục trả tiếp, cho đến khi nào hết sạch nợ thì mới thôi. Hoặc như đời này chịu nhiều thiệt thòi, thì đến đời sau sẽ có người khác đến trả lại cho ta mà thôi.

Cho nên, khi biết được chân tướng sự thật này rồi, thì chúng ta cần phải an phận thủ thường, tùy thời tùy duyên mà sống. Không nên khởi lên cái ý niệm muốn xâm phạm lợi ích của người khác, hoặc chiếm lấy tiện nghi của người khác làm của riêng. Cho dù bản thân luôn bị thua thiệt, hay bị lừa gạt, tuyệt đối đừng nên khởi oán hận, cũng không nên đi so đo tính toán thiệt hơn. Như vậy niệm Phật mới có thể mau chóng thành tựu.

HT. Tịnh Không!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog