Pháp Giới 5 tháng trước

Phật giáo Nguyên thủy có chủ trương ăn chay hay không?

Trong Phật giáo Nguyên thủy chủ trương quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, không có quan niệm ăn chay giới cấm ăn thịt cá dù có giới cấm sát sinh.

Theo quan điểm của đa số Phật tử Việt Nam đã là người tu hành sẽ không được ăn thịt, cá… nếu ăn thịt thì sẽ không phải kẻ tu hành. Trong Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu thừa) không có quan niệm ăn chay giới cấm ăn thịt cá dù có giới cấm sát sinh.

Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn cách nào cũng được, tùy duyên mà ăn cho có đủ sức khỏe để hành trì giáo pháp, ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì rất tai hại, đường tu đạo đã không được tiến hóa mà còn trở ngại cho sự tu hành.

Phật giáo Nguyên Thủy cho rằng chính Đức Phật không đặt thành vấn đề ăn chay mặn, sự giải thoát không phải do nơi ăn, mà là do nơi thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, ăn chay mà thân khẩu không lành, ý chứa gươm đao, giới luật không giữ thì đâu gọi là chay. Đức Phật cùng các đệ tử của Ngài đều ăn theo truyền thống khất thực, ai cúng dường thứ gì thì ăn thứ nấy, không chọn lựa, “ăn để mà sống, để hành đạo”, chứ không phải “sống để mà ăn, để thụ hưởng”.

Từ đó tất cả hàng triệu người chư Tăng Nam Tông ở các quốc gia Phật giáo như Thái Lan, Miến Điện, Cao Miên, Ai Lao và cả ở Việt Nam đều tiếp tục duy trì truyền thống này. Chỉ ăn chay niệm Phật vào ngày rằm hoặc mùng 1, còn những ngày còn lại họ ăn uống bình thường, sẽ có những người ăn chay trường và không cho phép bản thân tự mình sát sinh.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật dạy hàng Tỳ Kheo, nếu hành đầy đủ ba pháp “Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sinh, tùy hỷ sự từ bỏ sát sanh sẽ được sanh lên cảnh trời, không bị rơi vào địa ngục.

Trong Tăng-Hàm, quyển 37, khi luận bàn về vấn đề sát sanh, có nói như sau:

“Tôi muốn sống, không muốn chết, muốn được sung sướng, không muốn phải đau khổ. Nếu có kẻ nào cướp đi sự sống của tôi, tôi có vui vẻ không? Nếu tôi không vui vẻ, thì kẻ khác cũng không vui vẻ khi tôi cướp đi của họ sự sống và sự sung sướng ấy. Không những thế, phàm cái gì mình không ưa thích thì kẻ khác cũng không thích. Nếu thế thì tại sao ta lại làm cho những kẻ khác những điều mà ta không ưa thích?” (Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Kimura Taiken, Hán dịch: Thích Diễn Bồi, Việt dịch: Thích Quảng Độ).

Xem Thêm:   Thiện nam tín nữ đến chùa cần cẩn trọng khi sử dụng đồ của chùa

Thật ra mục đích căn bản của đạo Phật về mặt giới luật là tránh làm mọi điều ác, làm tất cả việc lành và giữ tâm được trong sạch. Sự giác ngộ giải thoát chẳng phải do việc ăn chay hay ăn thịt, mà là do sự trong sạch của thân khẩu ý. Phàm tất cả những việc gì có hại đối với thân tâm, gia đình, xã hội, quốc gia, nhân loại, cho đến tất cả chúng sinh hữu tình, đều bị chi phối bởi năm giới luật căn bản, mà giới cấm sát sanh là giới cấm đầu tiên của Đạo Phật.

Trong kinh điển Nguyên Thủy, Đức Phật sau khi nghe lời thỉnh cầu của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) xin ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn thịt cá, Đức Phật không chấp thuận và Ngài dạy rằng. “Sự ăn thịt cá có thể coi như trong sạch trong ba trường hợp (tam tịnh nhục) là người ăn không thấy, không nghe, không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết riêng biệt cho mình.”

Chúng ta nên nhớ rằng, thời Đức Phật còn tại thế, hàng Tỳ kheo đi khất thực, bữa ăn hàng ngày tùy thuộc vào những gì mà lòng hảo tâm của thập phương bá tánh đặt vào bình bát, các thầy lặng lẽ nhận với một tâm không phân biệt, ngoại trừ những thức ăn không được Đức Phật cho phép ăn như nói ở trên.

Đối với Phật giáo Nguyên thủy thì tất cả đều không có quan niệm về chay mặn, chỉ có quan niệm Tịnh nhục. Tịnh nhục tức là chư Tăng và Phật tử tu tập theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy có thể ăn thịt nhưng không được giết hại sinh vật và là người khuyến khích người khác sát sinh.

Xem Thêm:   Phương pháp niệm Phật có thể chấn động hư không pháp giới

Còn riêng đối với Phật giáo Đại thừa tăng sĩ sẽ không ăn các loại thịt mà thực hiện ăn chay trường, chỉ ăn ngũ cốc và rau quả tức ăn chay là nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là đối với tăng sĩ còn đối với Phật tử tại gia thì việc ăn chay trường sẽ được khích lệ, còn hầu hết chỉ giới hạn trong những ngày rằm và mùng một.

Nói tóm lại thì Phật giáo Nguyên Thủy tin tưởng rằng, không có một giới luật khắt khe nào trong Phật giáo cho rằng là tín đồ của Đức Phật thì không nên ăn thịt cá và bắt tất cả người Phật tử phải ăn chay. Mà chính bản thân họ cũng tin rằng, Đức Phật chỉ khuyên là các Phật tử không nên liên quan vào việc sát sanh có dụng ý hoặc không nên yêu cầu người khác sát sanh bất cứ chúng sanh nào cho mình ăn.

Qua đây ta thấy quan điểm về việc ăn chay và ăn mặn của người tu hành dù theo trường phái Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Nam truyền) hay theo Phật giáo Đại thừa (Phật giáo Bắc truyền) thì đều sẽ có nguồn gốc và những quy tắc nhất định mà tăng ni Phật tử cần tuân theo.

Thiện Minh/Tâm Diệu/phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

3 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog