Pháp Giới 12 tháng trước

Vòng luân hồi là gì? Khi nào chúng ta chấm dứt vòng luân hồi?

Vòng luân hồi là vòng luẩn quẩn, đi đi, lại lại. Khi chúng ta sinh làm người, ở kiếp người sống thiện hoặc ác, đến khi chết hoặc đọa làm súc sinh, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục,…

1. Vòng luân hồi là gì?

Vòng luân hồi là vòng luẩn quẩn, đi đi, lại lại. Khi chúng ta sinh làm người, ở kiếp người sống thiện hoặc ác, đến khi chết hoặc đọa làm súc sinh, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục,…

Hết nghiệp ở địa ngục thì tái sinh đi lên, có trường hợp thì lên thẳng làm người; có khi tái sinh lại làm ngạ quỷ, hết kiếp ngạ quỷ lại lên làm súc sinh, hết kiếp súc sinh lại tái sinh lên làm người.

Khi làm người lại gặp Phật Pháp mà tu tập thì được lên làm thần A Tu La, hoặc lên cõi trời; lên cõi trời ăn chơi, nhảy múa một thời gian theo nghiệp lực lại rơi xuống các cảnh giới khác.

Và chúng ta cứ đi luân hồi lên lên, xuống xuống cho nên người ta ví sự tái sinh ấy giống như bánh xe luân hồi.

2. Chúng ta bắt đầu luân hồi từ đâu?

Vòng luân hồi này không có bắt đầu, không có khởi thủy. Chúng ta đã luân hồi từ vô thủy (tức là không có đầu). Không một ai có thể tìm được điểm ban đầu chúng ta đi luân hồi từ bao giờ, kể cả Đức Phật.

Hỏi Phật trăm ngàn vạn ức tỷ kiếp trước, điều gì Phật cũng biết, nhưng chúng sinh có mặt trong luân hồi bắt đầu từ kiếp nào thì Phật cũng không biết.

3. Khi nào chúng ta chấm dứt vòng luân hồi?

Vòng luân hồi có kết thúc. Khi nào chúng ta đắc quả giải thoát, giác ngộ là chấm dứt vòng luân hồi. Cũng giống như vòng tròn, tuy nó không có điểm bắt đầu nhưng nếu ta muốn “cắt nó ra” thì ta sẽ cắt đứt được; còn nếu để nó liền như vậy mà hỏi điểm bắt đầu ở đâu thì không tìm được.

Xem Thêm:   Phật thuyết A Di Đà Kinh trọn bộ file PDF cho bạn đọc tụng

Ví dụ như mấy con kiến bò trên miệng chén, nó cứ mải miết bò, nó nghĩ là nó sẽ đi đến đích nhưng mà bò mãi không hết con đường, mặc dù cái miệng chén không to. Cho nên có con đường nào đi mãi không hết? Đó là đường tròn.

Vậy ở đây, riêng với luân hồi, khởi đầu không có nhưng kết thúc thì có. Chúng ta đang tu học Phật Pháp chính là đang tính đến chuyện kết thúc vòng luân hồi này.

3. Luân hồi tái sinh đắng cay và mỏi mệt

Chúng sinh do vô minh, si mê, chấp ngã, nghiệp lực quay cuồng nên bị trôi lăn trong luân hồi, sinh tử. Ta sinh ra ở kiếp này, chết đi một thời gian lại đầu thai và sống tiếp một kiếp khác, đó là sự luân hồi, tái sinh.

Quá trình này là một chuỗi kéo dài vô tận không có ngày chấm dứt. Khi ta sống ở kiếp này thì chỉ biết chuyện ở kiếp này, bao nhiêu mệt mỏi, khó nhọc của kiếp xưa, ta đều quên hết. Nên ta tự nhủ: “Thôi, cố gắng sống bao nhiêu năm rồi cuối cùng cũng chết.”

Nhưng nếu nhớ lại những chuyện của kiếp xưa, hết kiếp này rồi lại tới kiếp khác, ta cũng được sinh ra, lúc còn nhỏ thì phải gắng học, khi lớn lên phải tất bật làm ăn, tuổi già đến lại phải chống chọi với bệnh tật, suy yếu, rồi chết; vẫn là những chặng đường đầy khó khăn, mệt mỏi, vẫn là những hành trình sinh ra và tiến dần về cái chết. Thật đáng sợ vô cùng!

Đức Phật từng nói: “Cái khổ của con lạc đà chở nặng băng qua sa mạc chưa gọi là khổ; cái khổ của người gánh hành lý đi trong đêm dài chưa gọi là khổ; cái khổ của luân hồi tái sinh, cứ sống rồi lại chết, chết rồi lại đầu thai, mỗi lần sinh lên là phải đấu tranh, cực khổ với cuộc sống này, bị chi phối bởi vô minh, tăm tối, trôi lăn, đó mới gọi là khổ”.

Xem Thêm:   Nghi thức tụng Kinh Lương Hoàng Sám Pháp

Nghe như vậy, ta mới thấy lời Phật dạy thật hay và thật đáng quý. Chấm dứt luân hồi tái sinh để giải thoát là một ý nghĩa lớn, một lý tưởng lớn, một mục tiêu lớn và rất cao đẹp, nhưng ta không nghe, không tin lời Phật dạy, không nghiền ngẫm, không suy nghĩ, không nhận thấy sự mệt mỏi chán chường của luân hồi tái sinh, nên không hề biết sợ và chẳng muốn quan tâm.

Hoặc khi nghe “trong ngôi chùa kia có thờ Phật, đó là thái tử của nước Ấn Độ, sau này ông xuất gia đi tu và đắc quả vị Phật“, ta chỉ nghe sơ sơ rồi bỏ qua không để ý đến. Nếu là người có trí tuệ, có thiện căn, khi nghe qua điều vi diệu về những bậc Thánh, về tâm hồn của các Ngài, thì phải suy nghĩ, phải quan tâm, thắc mắc: “Sao lại có người dám bỏ ngai vàng để đi tu như vậy? Đắc đạo là trạng thái gì mà biết bao nhiêu người phải xưng tụng như thế? “, “Đắc đạo sẽ có thần thông, trí tuệ, có thể thuyết pháp thao thao bất tuyệt, muốn chết lúc nào là chết lúc đó, là như thế nào, trạng thái tâm hồn người đó ra sao? …”

Với những điều vĩ đại như thế, những người thuộc loại chúng sinh cang cường sẽ không bao giờ quan tâm đến. Tức là, họ chỉ cần bước một bước từ trí thức qua trí tuệ, nhưng họ không chịu bước.

5. Vì sao chúng ta phải sợ luân hồi?

Đức Phật thấy rõ được vô lượng kiếp của mình và của tất cả chúng sinh. Phật thấy từ lúc sinh ra, con người đã khổ như thế nào, trong cuộc sống mình phải phấn đấu, bươn chải mưu sinh cực nhọc ra sao, lúc già bệnh chết rồi thành những vong linh vất vưởng còn đau đớn hơn vạn lần… nên Người biết bản chất của luân hồi là đau khổ.

Xem Thêm:   Người tu phải thanh tâm quả dục, dốc sức đoạn trừ dâm dục

Ngày hôm nay thấy sung sướng an nhàn, vậy mà hôm sau đã ngã bệnh nằm một chỗ rên la. Hôm nay tiền bạc xênh xang, ngày mai chứng khoán bất ngờ rớt đã trắng tay trong phút chốc, chỉ biết gục đầu than khóc.

Cuộc đời thấy như bình an, sung sướng, nhưng thật ra có rất nhiều điều bất an, nhiều nỗi khổ đang rình rập, chờ đợi phía sau, sẵn sàng ập đến bất cứ lúc nào. Chỉ vì say mê nên ta cứ tưởng đời mình sẽ mãi êm trôi, đâu biết rằng cuộc đời vốn luôn bấp bênh, cõi nước luôn giòn bở. Hôm nay bình yên như vậy nhưng ngày mai sóng thần vào càn quét, hoặc một cơn lốc xoáy nổi lên là cuốn đi mấy nghìn căn nhà trong chốc lát.

Cuộc đời không có gì là chắc chắn hay bình an mãi mãi. Trái đất càng lúc càng bất an, ngày càng nóng hơn, mỗi năm lại ghi nhận một mức nhiệt kỷ lục mới. Băng tan ngày càng nhanh, nước mỗi ngày một thiếu… không có gì ổn định.

Trong khi đó, luân hồi cứ tiếp diễn, chúng ta sẽ tiếp tục phải đầu thai vào trái đất này. Lúc đó nước đã khô cạn, bão tố nhiều hơn và chiến tranh càng đe dọa khắp nơi. Cứ như vậy, không có gì là tốt lành trong luân hồi sinh tử này, trừ khi ta thiết tha tu tập và tạo phước không ngơi nghỉ.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

75 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog