Niệm Phật là để thoát khỏi sinh tử luân hồi. Pháp môn niệm Phật rất thích hợp với nhân duyên, thời tiết và trình độ căn cơ của chúng sinh đời nay.
1. Niệm Phật là gì?
Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.
Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.
Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.
Niệm Phật là nhớ đến Phật, nhớ Phật thì không bị lục trần chi phối, tâm dần được an định, trí tuệ phát sinh. Đức Phật có đầy đủ Tứ vô lượng tâm. Tất cả chúng sinh đều có như Ngài. Sở dĩ chúng ta chưa sống được với Tứ vô lượng tâm ấy vì tâm chúng ta đang bị vô minh che đậy, cũng giống như tấm gương sáng bị bụi phủ đầy, nên quang minh chưa hiển lộ. Nay biết niệm Phật, gạn lọc những ý nghĩ xấu, tâm luôn nhớ Phật, nhớ đến hạnh nguyện cao cả của Ngài thì chúng ta sẽ dần đồng với Ngài.
Niệm Phật sẽ được an lạc trong hiện tại và tương lai, vì nhớ Phật thì tâm sinh hoan hỷ. Nếu nhớ đến ngũ dục thì sẽ bị chúng lôi cuốn, làm ta chao đảo, mất tự chủ.
Người niệm Phật, nhớ Phật nhất định sẽ thành Phật. Khi chuyên tâm niệm Phật từ ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ được Phật A-di-đà nhiếp thọ, khiến căn lành tăng trưởng, nghiệp chướng tiêu trừ, si mê chuyển thành trí tuệ, phiền não chuyển thành Bồ-đề. Đây gọi là tha lực gia hộ của Phật.
Niệm Phật là nhớ đến đức hạnh từ, bi, hỉ, xả của Ngài, noi gương Ngài làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Khi niệm Phật, những điều xấu dần dần rơi rụng, điều tốt mỗi lúc lớn thêm. Ai trong chúng ta cũng đều có tâm niệm tốt và tâm niệm xấu. Tâm niệm xấu dễ phát sinh giống như dòng nước chảy xuôi. Tâm niệm tốt thì ngược lại. Một khi tâm niệm tốt nổi lên thì tâm niệm xấu lặn xuống. Do đó, để duy trì tâm niệm tốt, chúng ta cần phải tỉnh giác, luôn niệm Phật.
2. Niệm Phật để thoát khỏi sinh tử luân hồi
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn vì thương xót tất cả chúng sinh mà hiện ra nơi đời ác trược, với bốn mươi chín năm thuyết pháp, mục đích mở bày và chỉ rõ tri kiến Phật cho chúng sinh và để rồi khiến cho chúng sinh tỏ ngộ và thể nhập vào tri kiến Phật. Giáo nghĩa tuy nhiều hơn số cát sông Hằng, nhưng tất cả năm thừa, tám giáo đều không ra ngoài pháp môn niệm Phật.
Do bản nguyện lực của đức A-di-đà, do năng lực hộ niệm của sáu phương chư Phật, cùng với gia trì lực của chư vị Đại địa Bồ-tát; đệ tử chúng con được gặp duyên lành dẫn dắt vào chân lý tối thượng bằng cửa ngõ niệm Phật.
Như mùa hạ thì phải mặc áo vải, như mùa đông phải mặc áo bông, sự tu hành cũng thế, nghĩa là không thể trái với thời tiết và cơ duyên được. Dù đức Đạt Ma tổ sư tái hiện ngay lúc nầy, nếu muốn hợp thời cơ để cứu độ chúng sinh mau được giải thoát, thì cũng không có pháp nào hơn pháp môn niệm Phật cả. Vì thế, thuyết pháp mà không phù hợp với căn cơ và trình độ, thì chắc chắn chúng sinh bị chìm trôi trong biển khổ vậy.
Đệ tử chúng con vốn là phàm phu vô trí, nên phải một mực y theo lời Phật dạy, chẳng dám tự chuyên, vì thế mà xưa nay, chúng con đều chuyên niệm danh hiệu đức A-di-đà.
Theo lời Phật dạy là thế nào? Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn có lời huyền ký rằng: “Đời tương lai, kinh đạo diệt hết, ta dùng lòng từ bi thương xót riêng lưu trụ kinh nầy trong khoảng một trăm năm. Nếu có chúng sinh nào gặp được kinh nầy tùy ý sở nguyện đều được đắc độ”.
Nơi kinh Đại Tập, đức Thế Tôn dạy rằng: “Trong thời mạt pháp, có ức ức người tu hành, song ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương nơi pháp môn niệm Phật mà thoát luân hồi”.
Ngài Thiên Như thiền sư, sau khi đắc đạo cũng đã khuyên dạy rằng: “Mạt pháp về sau, các kinh diệt hết, chỉ còn lại bốn chữ A-di-đà Phật để cứu độ chúng sinh. Nếu kẻ nào không tin, tất bị đọa địa ngục”.
Bởi vì đời mạt pháp về sau, khi các kinh đều ẩn diệt, chúng sinh căn cơ đã yếu kém, ngoài câu niệm Phật thì không biết pháp môn nào khác để tu trì. Nếu không tin câu niệm Phật mà tu hành, tất phải bị luân hồi. Và trong nẻo luân hồi thì việc lành khó tạo, còn điều ác thì dễ làm, cho nên sớm muộn gì cũng bị đọa địa ngục.
Ấn Quang pháp sư, một bậc cao tăng cận đại ở Trung Hoa cũng đã dạy rằng: “Thời mạt pháp đời nay, chúng sinh nghiệp nặng tâm tạp, nếu ngoài môn niệm Phật mà tu các pháp lành khác, nơi phần gieo trí huệ phước đức căn lành thì có, nhưng nơi phần liễu thoát luân hồi ngay trong hiện thế thì không. Tuy có một vài vị cao đức hiện những kỳ tích phi thường, nhưng đó là những bậc Bồ-tát nương theo bản nguyện mà làm mô phạm để dẫn dắt chúng sinh đời mạt pháp như kinh Lăng Nghiêm đã nói. Nhưng các vị ấy cũng chỉ vừa theo trình độ chúng sinh mà thị hiện ngộ đạo, chứ không phải chứng đạo. Chỉ riêng pháp môn niệm Phật, tuy ít có người tu chứng được niệm Phật tam muội như khi xưa, nhưng có thể nương theo nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A-di-đà mà đới nghiệp vãng sinh về cõi Tây phương Cực lạc. Khi được về cõi ấy rồi thì không còn luân hồi, không còn bị thối chuyển, lần lần tu tập cho đến khi chứng quả vị vô sinh”.
Những lời huyền ký như trên, cho chúng con thấy pháp môn niệm Phật rất thích hợp với nhân duyên, thời tiết và trình độ căn cơ của chúng sinh đời nay. Vì thế, đức Như Lai mới dùng nguyện lực bi mẫn, lưu trụ kinh Vô Lượng Thọ để khuyến hóa về môn niệm Phật. Ngoài ra, còn có chư Bồ-tát và Tổ sư cũng khởi lòng hoằng nguyện thương xót, tùy theo thời cơ mà chỉ dạy pháp môn niệm Phật để cứu vớt chúng sinh.
Nguồn: Phatgiao.org.vn!