Pháp Giới 11 tháng trước

Những lợi ích của việc trì tụng Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện

Kinh Địa Tạng là một trong những quyển kinh được nhiều Phật tử tu tịnh. Đây là bài kinh giúp Phật tử bỏ bớt lòng tham, sân si, tâm hướng thiện hơn trong cuộc sống.

1. Ý nghĩa của Kinh Địa tạng Bồ tát bổn nguyện

Tựa đề của Kinh Địa Tạng là “U minh Giáo chủ Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát Ma ha tát”. Có nghĩa là đấng giáo chủ cõi U minh là Bổn Tôn Địa Tạng Bồ tát. Một Ngài Bồ tát tên Địa Tạng, Ngài cầm trong tay phải một cây tích trượng và tay trái một hạt minh châu. Ngài xuống địa ngục làm giáo chủ, dùng tích trượng đập phá cửa địa ngục để cứu vớt chúng sinh, nếu chúng sinh chí thành niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, đó có phải là ý nghĩa thực sự?

“Bổn” là Bổn tâm. “Tôn” là tôn quý, “Địa” là tâm địa, “Tạng” là Như Lai tạng. Chỉ có Bổn tâm mới là tôn quý nhất, đó là kho Như Lai tạng tâm địa; chỉ có Bổn tâm mới làm chủ được cõi U minh, tức làm chủ cõi địa ngục tham, sân, si của chính mình.

Địa ngục chính là địa ngục tham, sân, si. Chúng sinh khổ là do tham, sân, si đầy dẫy trong tâm, phiền não khởi phát. Muốn phá được cửa địa ngục này cần phải là Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình vậy. Quan trọng là bản thân nhận ra được bản tính Như Lai trong tâm, thì mình mới có thể đập phá được địa ngục tham, sân, si và cứu giúp chúng sinh muôn loài.

Nếu ta hiểu Ngài Địa Tạng là một vị Bồ tát có hình tướng rõ ràng, và có một cõi địa ngục thật sự, thì chúng ta sẽ ỷ lại vào tha lực, rồi vô tình gạt bỏ quy luật nhân quả. Nếu thật sự có một Ngài Bồ tát đủ khả năng đập phá cửa địa ngục, thì chúng ta khỏi cần tụng kinh, tọa thiền hay tinh tấn tu học, chỉ cần một lòng cầu Ngài Bồ tát, chờ đến lúc chết sẽ có Ngài đến cứu.

Xem Thêm:   Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng và niệm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng

Như vậy thì tinh thần ỷ lại, dựa dẫm, mong chờ sự cứu rỗi của Ngài Bồ tát càng tăng lên. Quy luật Nhân Quả cũng không có ý nghĩa. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Đức Phật cũng là vô nghĩa. Vậy tại sao chúng ta phải nỗ lực tu hành? Nếu chúng ta không dứt trừ các nghiệp ác nơi thân, khẩu, ý, thì có vị Bồ tát nào cứu vớt mình được? Chúng ta tu là tu tâm của chúng ta, nếu thanh tịnh cũng là thanh tịnh chân tâm; khi giác ngộ là giác ngộ tự tâm. Ngoài tâm sẽ không có cái gì cả.

Địa ngục chính là tham, sân, si, phiền não của chúng sinh. Địa ngục cũng chính là cảnh giới của ba nghiệp ác, từ thân khẩu ý phát sinh ra. Địa ngục là sự tối tăm ám chướng, là sự mê muội trong tâm thức của mỗi người. Đó chính là địa ngục tự tâm.

Phật nói kinh Địa Tạng là muốn cảnh tỉnh tất cả chúng ta dẹp bỏ tham sân si nơi tự tâm, tu tập ba nghiệp lành nơi tâm mình, rồi dứt nghiệp cũng nơi tự tâm và giải trừ vô minh tăm tối cũng nơi tự tâm. Cuối cùng trở về với Bổn Tôn Địa Tạng của chính mình. Đó là nội dung cốt yếu của toàn bộ kinh Địa Tạng.

Về phần chính văn trong Kinh Địa Tạng, khi đọc kỹ và hiểu theo nghĩa lý sâu mầu của Kinh, ta sẽ thấy nhiều điều hết sức mới mẻ, mầu nhiệm. Khi hiểu rõ ý kinh, sự trì tụng mới đầy đủ ý nghĩa, đời tu của chúng ta mới đúng theo quỹ đạo tu hành; nếu không, chúng ta có thể rơi vào đường tà, vào mê tín, thì uổng một đời làm đệ tử của Đức Phật. Chúng ta là đệ tử Phật, tắm mình trong ánh hào quang của Phật, hào quang ấy là trí tuệ Phật tâm sẵn đủ của chính mình.

Xem Thêm:   Chơi game bạo lực có phạm tội sát sanh hay không?

2. Những lợi ích của việc trì tụng Kinh Địa Tạng

Trong chương 13 của kinh Địa Tạng, Đức Phật đã nói về những lợi ích cho “bất kỳ người nam hay người nữ nào nghe kinh điển này và nghe danh tự của Địa Tạng Bồ tát, cùng với chiêm lễ hình tượng Địa Tạng Bồ tát.”

Lúc Ngài Địa Tạng Bồ tát bạch lời nói trên đó vừa xong, trong pháp hội có một vị Bồ tát tên là Hư Không Tạng bạch cùng đức Phật rằng:

“Bạch đức Thế Tôn! Từ khi con đến cung trời Đao Lợi này nghe đức Như Lai ngợi khen oai thần thế lực không thể nghĩ bàn của Ngài Địa Tạng Bồ tát.

Trong đời sau, hoặc có người thiện nam cùng thiện nữ nào, cho đến tất cả hàng Trời, Rồng v.v… nghe kinh điển này và nghe danh tự của Địa Tạng Bồ tát, cùng với chiêm lễ hình tượng Địa Tạng Bồ tát, thời những kẻ ấy được bao nhiêu điều phước lợi? Cúi mong đức Thế Tôn vì tất cả hàng chúng sinh ở hiện tại và vị lai mà nói lược việc ấy cho”.

Hai Mươi Tám Điều Lợi

Đức Phật bảo Ngài Hư Không Tạng Bồ tát: “Lóng nghe! lóng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà nói rõ việc ấy cho.

Trong đời sau, người thiện nam cùng thiện nữ nào thấy hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ tát và nghe kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn món uống, y phục, vật báu mà bố thí cúng dường ngợi khen chiêm lễ thời kẻ ấy được hai mươi tám điều lợi sau đây:

  1. Các hàng Trời, Rồng thường hộ niệm.
  2. Quả lành càng ngày càng thêm lớn.
  3. Chứa nhóm nhơn vô thượng của Thánh.
  4. Mãi không còn thối thất đạo Bồ Đề.
  5. Đồ mặc món ăn dồi dào đầy đủ.
  6. Những bịnh tật không đến nơi thân.
  7. Khỏi những tai nạn về lửa và nước.
  8. Không có bị hại vì trộm cướp.
  9. Người khác thấy đến sanh lòng cung kính.
  10. Các hàng Quỉ Thần theo hộ trì.
  11. Đời sau thân gái sẽ chuyển thành thân trai.
  12. Đời sau sẽ làm con gái các hàng Vương Giả, Đại Thần.
  13. Thân tướng xinh đẹp.
  14. Phần nhiều được sanh về cõi trời.
  15. Hoặc làm bực vua chúa.
  16. Có trí sáng biết rõ việc trong những đời trước.
  17. Có mong cầu chi cũng được toại ý.
  18. Quyến thuộc an vui.
  19. Các tai vạ bất ngờ đều dứt sạch.
  20. Các nghiệp về ác đạo đều trừ hẳn.
  21. Đi đến đâu cũng đều không bị sự trở ngại.
  22. Đêm nằm chiêm bao an ổn vui vẻ.
  23. Những người thân tộc đã chết nếu có tội thời được khỏi khổ.
  24. Nếu về đời trước có phước thời được thọ sanh về cõi vui sướng.
  25. Các bực Thánh ngợi khen.
  26. Căn tánh lanh lợi thông minh.
  27. Giàu lòng từ mẫn.
  28. Rốt ráo thành Phật.
Xem Thêm:   Nghi thức trì tụng Kinh Dược Sư cầu bình an, giải trừ tật bệnh

Lại vầy nữa, này Hư Không Tạng Bồ tát! Như hàng Trời, Rồng, Quỉ, Thần ở hiện tại và vị lai nghe danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ tát, đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ tát, hoặc nghe các sự về bổn nguyện tu hành của Ngài Địa Tạng Bồ tát mà ngợi khen chiêm lễ, thời sẽ đặng bảy điều lợi ích:

  1. Mau chứng bực Thánh.
  2. Nghiệp ác tiêu diệt.
  3. Chư Phật đến ủng hộ.
  4. Không thối thất Bồ Đề.
  5. Bổn lực được tăng trưởng.
  6. Việc đời trước đều rõ biết.
  7. Rốt ráo thành Phật”.

Theo Tâm Hướng Phật/Trích: Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện trọn bộ cho bạn đọc tụng

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog