Những tội nhỏ nhặt có rất nhiều loại, khó mà kể ra hết được. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn 7 loại để bạn cảnh giác.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy có những người không phải dạng xấu xa, tội lỗi gì lắm, thấy họ cũng hiền lành, lương thiện, tuân thủ luật pháp, cả đời chẳng hại ai. Vậy mà cuộc sống không ngừng gặp phải những xui xẻo, dù không phải đại họa chết người, nhưng gây rất nhiều thiệt hại, khổ sở như bệnh tật, tai nạn, đổ bể việc làm ăn, bị mọi người khinh thường… Sau đó họ thường than thở là “Sao tôi khổ thế này? Tôi có gây nên tội lỗi gì đâu. Ông trời thật là bất công”. Nguyên nhân do đâu?
Bên cạnh những nghiệp chướng từ kiếp trước, cần phải kể đến những việc “bất thiện nho nhỏ” hàng ngày vẫn làm trong hiện tại, pháp luật chẳng cấm, tưởng chẳng sao cả nhưng đối trước luật nhân quả, chúng đều tạo ra quả báo, đóng góp rất nhiều cho việc đưa cuộc đời chính mình vào biển khổ.
Điều nguy hiểm là do nghĩ đó chỉ là việc nhỏ, không nhằm nhò gì, nên họ thường xuyên phạm phải, liên tục, liên tục trong thời gian dài tích chứa lại, sẽ tạo thành một khối nghiệp to lớn. Một vấn đề khác còn tai hại hơn, do lặp lại nhiều lần, sẽ hình thành thói quen trong tâm, mà thói quen lại có một sức mạnh ghê gớm.
Thói quen một khi đã bén rễ, nó sẽ thúc đẩy họ tạo nghiệp không ngừng, muốn dừng cũng không dừng được, không chỉ trong hiện tại, mà còn kéo dài nhiều kiếp sau, tạo nên dòng tập khí cực kì khó thay đổi. Mà đã tạo nghiệp không ngừng, thì đương nhiên sẽ phải chịu quả báo đau khổ không ngừng.
Đức Phật dạy:
“Chớ khinh khi những điều ác nhỏ
Cho rằng quả báo chẳng đáng lo
Giống như nước nhỏ từng giọt một
Ngày tháng lâu rồi tràn bình to
Kẻ ngu trong tâm đầy xấu ác
Tích dần ác niệm là nguyên do.”
(Kinh Pháp Cú 121)
Ở chiều hướng ngược lại, nếu như bạn đã nhận thức được sự nguy hại của những việc bất thiện nhỏ, luôn giữ cho mình không phạm phải chúng. Thậm chí nỗ lực làm ngược lại, thay vì tạo nghiệp, ta chuyển sang tích phước, thay vì nghĩ xấu người khác, ta chuyển sang nghĩ tốt; thay vì lấy của người khác, thì ta đem cho tặng v.v… Vậy, tình hình sẽ khác hẳn, càng ngày phúc báo của bạn sẽ càng tăng lên, cuộc sống lâu dần sẽ bớt đi hẳn những vận hạn đen đủi, thay vào đó là những cơ hội may mắn, những thành tựu tốt đẹp.
Và nếu duy trì đủ lâu để trở thành một thói quen ngấm vào máu, những điều thiện sẽ trở thành bản năng của bạn, không cần cố gắng bạn vẫn cứ làm hàng ngày. Thế thì chúc mừng, những thói quen tốt sẽ được bảo lưu qua nhiều kiếp, không ngừng thúc giục bạn tạo thêm phước lành, tích tiểu thành đại, duy trì nguồn phước báo to lớn, lâu dài.
Đức Phật dạy:
“Chớ khinh khi những điều thiện nhỏ
Cho rằng: Chẳng phước báo hay ho
Giống như nước nhỏ từng giọt một
Ngày tháng lâu rồi tràn bình to
Người trí trong tâm đầy thánh thiện
Tích dần thiện niệm là nguyên do.”
(Kinh Pháp Cú 121 -122)
Những tội nhỏ như đã nói có rất nhiều loại, khó mà kể ra hết được. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn 7 loại để bạn cảnh giác. Song song đó, ở chiều ngược lại là 7 điều thiện rất dễ làm, tưởng chừng nhỏ nhưng nếu duy trì đủ lâu sẽ giúp bạn tích được lượng phước báo to lớn suốt nhiều kiếp.
1. Vô cơ giết hại côn trùng, động vật nhỏ
Đây thuộc vào nghiệp sát sinh. Dù những sinh mạng như giun, dế, ruồi, muỗi, kiến, gián, thằn lằn… với con người thì quá nhỏ bé, có đập chết một bầy thì cũng không ai cho là việc gì to tát.
Nhưng dù nhỏ, chúng vẫn là một sinh mạng, cũng biết đau đớn, biết sợ chết, biết oán thù… như con người không khác, giết chúng tất nhiên sẽ có quả báo. Vậy tại sao giết người, ai cũng cho là tội. Giết những loài như chó, mèo, trâu, ngựa… cũng rất nhiều người học Đạo lí cho là phạm tội sát sinh. Còn giết những loài bé nhỏ thì ít ai cho rằng đó là tội và mặc sức giết hại?
Mặt khác, giết người là trọng tội, bất kể là đạo lý hay luật pháp đều răn đe rất nghiêm khắc. Trong một xã hội văn minh thì rất ít người dám làm. Thế nên cũng ít ai phải chịu quả báo vì tội giết người.
Còn giết các loài vật nhỏ thì khác, rất đông người làm, cứ gặp là giết, giết vì chúng làm phiền ta, giết vì nhìn chúng khó ưa, giết để tiêu khiển, thậm chí còn coi đó là một thú vui tao nhã, như câu cá chẳng hạn. Thế nên với tư duy này, đang có rất nhiều người tích tụ nghiệp sát sinh, và trả quả báo khổ sở.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Nói đến việc thiện, ai cũng nghĩ đến những điều to tát như làm Mạnh thường quân phát chẩn cứu đói, làm vĩ nhân cứu nhân độ thế, hay làm anh hùng giải cứu thế giới… tuy nhiên những việc ấy rất khó làm, đòi hỏi nhiều điều kiện, cơ hội gặp và thực hiện ít.
Nhưng nếu nghĩ thoáng ra, mọi sinh linh dù nhỏ bé xong vẫn là những sinh mạng, việc cứu giúp chúng vẫn là những thiện nghiệp đáng quý, thế thì cơ hội cho ta rất nhiều.
Nhấc một con ốc sên ra khỏi đường, tránh cho nó bị xe cộ đi lại cán chết; hay vớt một chú côn trùng sắp chết đuối khỏi vũng nước; hay rắc vài thìa đường, hoặc mẩu bánh vào tổ kiến giúp cả “thành phố” kiến no nê không phải vất vả đi xa kiếm ăn (do số lượng kiến trong tổ rất đông nên phước báo không hề nhỏ) v.v… đều tích được phước báo, củng cố thiện tâm trong lòng. Và vì dễ làm, nên ta có thể làm thường xuyên, thực tế thì với nhiều người, cách này có thể tích được phước báo nhiều hơn những việc thiện to tát mà họ chưa làm bao giờ vì còn đang chờ cơ hội.
2. Lấy những thứ không phải của mình
Có rất nhiều thứ lặt vặt, đến nỗi nếu ta cứ sang nhà hàng xóm, tự ý lấy về dùng, cũng chẳng ai nói gì ta, như vài viên gạch, vài xẻng cát… hay mấy trái xoài xanh chẳng hạn. Hoặc ở nơi công sở, “cầm nhầm” cây bút rồi tiện tay bỏ túi xài luôn… cũng chẳng ai truy tố bao giờ. Nhưng không vì thế mà ta được ” vô tội”, vì chúng vẫn được xếp vào tội ” trộm cắp”, hay nói như trong kinh điển, là “lấy của người ta không cho”.
Luật pháp không ai xử, nhưng luật Nghiệp báo vẫn xét xử, “kiến tha lâu đầy tổ”, nghiệp nhỏ tích chứa lâu ngày cũng thành những quả báo lớn, gây ra bệnh tật, xui xẻo.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Nếu như bạn không phải người dư giả, không thể làm những chuyến từ thiện lớn. Không sao, bạn vẫn luôn có thể cho tặng những thứ trong khả năng của mình. Có nhiều tặng nhiều, có ít tặng ít, có tiền tặng tiền, không có tiền thì tặng công sức giúp đỡ, tùy khả năng của mình, tùy hoàn cảnh người cần giúp thiếu cái gì. Và như thế, phước báo giầu sang, phú quý chắn chắn sẽ chờ đón ta trong tương lai, không nhanh thì chậm.
Năm 1945, đứng trước nạn đói hoành hành nghiêm trọng, Bác Hồ từng phát động phong trào “hũ gạo cứu đói”, nhưng thời bấy giờ hầu như toàn dân cũng đều nghèo cả, vậy phải làm sao? Giải pháp là Bác Hồ kêu gọi toàn dân cứ 10 ngày nhìn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo.
Và toàn dân Việt Nam đã nhiệt tình hưởng ứng, nhịn bụng cứu đồng bào, đẩy lùi nạn đói, cứu sống hàng vạn người. Mọi sự cho đi đều đáng trân trọng, vấn đề là bạn có muốn cho đi hay không mà thôi.
3. Hứa rồi quên – nói không chịu làm
Nói luôn dễ hơn làm, dễ hơn rất nhiều. Thế nên trong cuộc sống, một số người rất dễ nói ra những lời hứa hẹn tốt đẹp để làm vui lòng nhau, hoặc để giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn.
Thế nhưng sau đó, khi bắt tay vào làm, thì thực tế luôn có nhiều khó khăn, trở ngại, tốn công sức, thời gian, tiền của để có thể thực hiện được, không hề dễ dàng như khi buông ra một câu hứa. Và vì thế, nhiều người đã không thực hiện theo những gì mình đã hứa hẹn, hoặc tệ hơn là còn chẳng hề nhớ mình đã hứa gì, hứa với ai.
Chẳng hạn thấy trẻ con khóc ồn ào, thì một bác hàng xóm liền nói : “Con nín đi, ngoan, ngày mai bác chở đi sở thú chơi”, quả nhiên đứa bé tin theo nín ngay. Đứa bé trên qua hôm sau chờ mãi chẳng thấy ai đưa đi sở thú cả, và nó rất buồn, rất thất vọng. Cũng từ đó, bác hàng xóm đó nói gì nó cũng chẳng thèm nghe. Những chuyện tương tự là cực kỳ nhiều, trong gia đình, trong giao tiếp bạn bè, xã hội, trong làm ăn, trong chuyện tình cảm v.v…
Những người dễ dàng buông lời hứa hẹn, rồi dễ dàng thất hứa, họ chỉ thấy được rằng: nói một vài câu, chiếm được thiện cảm người khác, giải quyết được việc trước mắt, thật là tiện, thật là khôn khéo.
Họ không biết rằng, càng thất hứa nhiều, uy tín của mình càng tụt giảm, sau này nói ra điều gì, mọi người sẽ không còn coi trọng nữa. Không chỉ là một hệ quả tâm lý tất yếu, đó còn là nhân quả của lời nói. Tương lai lời của người hay thất hứa nói ra, không chỉ những người bị họ thất hứa xem thường, không tin tưởng, mà với tất cả mọi người, cả những người mới gặp lần đầu, cũng có cảm giác không đáng tin cậy, và xem nhẹ.
Một quả báo xa hơn, trong nhiều kiếp sau, vì những người hay thất hứa thường khiến mọi người thất vọng, họ sẽ bị quả báo rơi vào những tình cảnh thất vọng, như làm ăn thất bại, không như kỳ vọng, hoặc bị người khác trở mặt, khiến cho thất vọng, hoặc các mong ước của bản thân luôn bị cái gì đó cản trở không đạt được, khiến phải thất vọng.
Vậy tốt hơn hết, chúng ta nên đặc biệt cẩn thận khi thốt ra những lời hứa hẹn với mọi người, dù việc lớn hay việc nhỏ, dù với người quan trọng hay chỉ là với trẻ con, đừng hứa hẹn khi không chắc chắn được mình có thực hiện được hay không.
Thay vì dễ dàng nói ra những câu chắc như đinh đóng cột, kiểu: “Tôi cam đoan sẽ làm được”, “Yên tâm đi, tôi sẽ làm cái đó cho bạn”, “Khỏi phải lo, tôi sẽ đến đó đúng giờ. Hứa luôn” .v.v… chúng ta có thể nói cách khác, để không đưa mình vào tình thế thất hứa.
Ví dụ như “Tôi không chắc có làm được không, nhưng tôi sẽ thử”, hoặc “Tôi không hứa, xong việc này tôi sẽ xem xét giúp anh”, hoặc “Nếu không gặp vấn đề gì trở ngại, tôi sẽ có mặt”.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Những người sống trọng chữ tín, hễ đã hứa là thực hiện đúng, hễ nói là làm, thế thì trong bất kỳ môi trường nào cũng vậy, luôn được mọi người nể trọng, hễ cất lên tiếng nói là từng câu từng từ đều có trọng lượng. Nếu duy trì lâu dài nhiều năm, thần thái của người trọng chữ tín sẽ phát ra uy lực, khiến mọi người cảm thấy quý trọng, gặp là tin tưởng ngay dù chưa tiếp xúc nhiều. Đó là giá trị của sự uy tín.
Phước báo lâu xa những kiếp sau, thường gặp thành công, những mong ước luôn thành tựu đúng như kỳ vọng, sinh về nơi đâu cũng thường được mọi người kính nể.
4. Nói tục chửi thề
Khi bực tức ai đó, cái gì đó, người ta thường trút giận bằng cách chửi thề. Với một số người khác, ngay cả lúc vui vẻ bình thường, họ cũng văng tục chửi thề cho đã miệng. Bất luận dạng nào, thì nói tục chửi thề đều được xếp vào tội ác khẩu. Nhất là chửi thề với ác ý, với tâm nóng giận, thì tất nhiên nghiệp nặng hơn nhiều so với chửi thề cho vui.
Không chỉ đơn thuần là bất lịch sự, gây khó chịu cho những người xung quanh, gây xung đột mâu thuẫn, loại khẩu nghiệp này khiến ta tổn phước, tăng nghiệp chướng liên tục, vì chúng rất dễ phạm. Và điều nguy hiểm là, trong rất nhiều kiếp sau, những câu chửi tục sẽ khiến ta chịu những quả báo thê thảm: hễ chửi mắng người khác như thế nào, chính mình sẽ bị như thế.
Ví dụ như người hễ chửi người khác, là văng ra :” Đồ đĩ !” Rất tiếc, nhưng nếu không sám hối, không có phước gì bù lại, thì sau nhiều kiếp nữa, người đó sẽ phải làm nghề “mua hương bán phấn” mà chẳng ai muốn này. Suy ngược lại, ta có thể hiểu có rất nhiều cô gái hiện đang làm nghề này, chính vì kiếp xưa hễ mắng ai thường hay chửi là “đồ đĩ”. Từ đó để thấy được thói quen này thật là nguy hiểm.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Những người lịch thiệp, lời nói hòa nhã, khả ái, không cần chờ lâu mới thấy kết quả. Vì thường họ xuất hiện ở đâu, liền ngay lập tức được mọi người yêu mến. Cuộc sống thường vui vẻ hơn vì nhận được nhiều tình cảm thương mến của mọi người, ít có xung đột không đáng có.
Tương lai xa, họ sẽ nhận được nhiều phước báo như dung mạo đẹp đẽ, luôn nhận được nhiều sự yêu thương, giúp đỡ, thường được sống trong những môi trường hạnh phúc, yên bình.
5. Luôn nghĩ xấu, nói xấu người khác
Nghĩ xấu và nói xấu người khác có nhiều nguyên do. Một số người đặc biệt, có thói quen thích nhìn vào mặt xấu của người khác. “Nhân vô thập toàn”, nên một khi ta bới lông tìm vết thì kiểu nào cũng sẽ thấy ra những nhược điểm của mọi người xung quanh, trong khi lại phớt lờ đi những ưu điểm của mọi người.
Do cách nhìn phiến diện như vậy, trong đầu họ luôn nghĩ xấu, miệng không ngớt nói xấu, bêu rếu, công kích người khác, bất kể là họ tiếp xúc với ai. Như thế, không chỉ khiến cho “nghiệp tụ vành môi” liên tục, mà còn gây mầm họa, gây thù chuốc oán với mọi người không ngớt, cuộc sống đảm bảo không bao giờ được bình yên.
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận rằng, cuộc đời luôn không thiếu một số người rất xấu tính, cách hành xử của họ gây phiền não rất nhiều cho mọi người xung quanh. Khi ở gần những người xấu tính, ta rất khó kiềm chế để không nghĩ xấu, và nói xấu về họ.
Nhưng nếu không xử lý khéo, ta rất dễ tạo nghiệp. Vì rằng, khi ta nói xấu, chê bai ai lỗi gì, chính ta rồi cũng sẽ phạm vào lỗi đó. Nếu có thể, thay vì nói xấu họ, ta nên tìm cách giúp họ “không còn xấu nữa”, cầu mong cho họ tốt lên một cách chân thành. Nếu việc này là quá khó không thực hiện được, vậy tốt hơn hết là cố gắng giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc để đôi bên cùng bớt tạo nghiệp.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Nếu như “nghĩ xấu cho người khác” là một bản năng, thì “nghĩ tốt cho người khác” là một bản lĩnh. Không phải ta nhắm mắt làm ngơ, xem như không biết đến những khuyết điểm của mọi người. Làm thế ta sẽ trở thành một gã khờ.
Không, ta vẫn phải nhìn rõ mọi người, khuyết điểm là gì, ưu điểm là gì, biết rõ cả hai mặt một cách công bằng, chính xác. Rồi từ đó, đối với khuyết điểm thì ta bao dung, tìm cách giúp mọi người khắc phục. Còn với ưu điểm, thì ta khích lệ để mọi người phát huy thêm. Điều này đòi hỏi cả trí tuệ và từ bi đều phải lớn. Nếu làm được, tức là bạn đang gieo những hạt giống để trở thành một thánh nhân. Vì bất cứ vị thánh nhân nào, tâm đều bao dung, độ lượng với mọi người, và không ngừng giúp mọi người tiến lên trở thành những phiên bản tốt đẹp hơn.
6. Hoang phí thực phẩm, vật phẩm
Quang Tử từng đăng một câu chuyện, kể về một người giàu có trong làng, khi tiền bạc dư giả, thì thường xuyên tiệc tùng, nấu ra rất nhiều, ăn chẳng bao nhiêu, và hễ còn thừa thì đổ bỏ. Nhiều năm sau, ông ta nhanh chóng mất dần phúc báu, cuộc sống nghèo túng đi dần dần.
Cuối đời, ông bị một chứng bệnh lạ, đó là, chỉ sau khi ăn no một lúc, ông ta lại thấy đói cồn cào ngay. Nhà không khá giả gì nữa, nên không phải cứ đói là có đồ ăn ngay, thế nên ông ta thường trực phải chịu cảnh đói dày vò, mãi cho đến lúc chết. Đó là một định luật về nhân quả: khi ta coi thường thứ gì, thứ đó sẽ dần trở nên khan hiếm đối với ta.
Hiện nay, trên thế giới xuất hiện nhiều sự khan hiếm, như thiếu lương thực, thiếu nước sạch ở những nước chưa phát triển, nặng nề nhất là ở châu Phi, mỗi năm có đến hàng ngàn người chết vì đói khát, đều có nguyên nhân từ sự hoang phí thức ăn, nước uống… từ những kiếp trước.
Thật đáng buồn, ít ai ngờ đến rằng, bi kịch ấy xuất phát từ thói quen “ăn một nửa, bỏ một nửa”, “uống một ngụm, bỏ cả ly” mà chúng ta vẫn bắt gặp hàng ngày ở khắp mọi nơi.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Nếu như ta coi thường thứ gì, thứ đó sẽ dần trở nên khan hiếm đối với ta. Thì ngược lại, khi ta trân trọng thứ gì, thứ đó cũng sẽ dễ dàng đến với ta. Điều này đúng cả ở phương diện thực phẩm, vật chất, lẫn tinh thần, và mọi mặt.
Người biết trân quý đồ ăn thức uống, dùng hết những gì đã nấu, tránh vứt bỏ phí phạm thực phẩm, không chỉ vì họ quý trọng thức ăn, mà còn là vì biết quý trọng công sức vất vả của bao nhiêu con người, bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu tài nguyên quý giá của trời đất mới làm ra. Những người như thế, thường đời đời kiếp kiếp được sống trong no đủ, không lo đói khát.
Mở rộng ra, đối với những vật phẩm khác, như quần áo, đồ đạc …ta cũng luôn tiết kiệm, không vứt bỏ, tiêu hủy một cách lãng phí, nếu có dư thì đem tặng lại người khác, thế thì phước báo ở nhiều kiếp sau, ta sẽ thường được sống trong cảnh sung túc, giàu có, không lo thiếu thốn.
7. Mơ tưởng chuyện dâm dục với người không phải vợ chồng của mình
Hành vi quan hệ bất chính ngoài hôn nhân được xếp vào tội “tà dâm“, một trong 5 trọng tội căn bản trong Phật Pháp, gây ra nhiều quả báo khốn khổ. Vậy nếu không thực hiện, chỉ là âm thầm nghĩ trong đầu thôi thì có quả báo không?
Xin thưa là vẫn có quả báo, chỉ là sẽ nhẹ hơn so với chính thức thực hiện thôi. Nguy hiểm hơn, mọi ý niệm đều là nhân của hành động. Hiện tại khởi ý, thì tương lai kiếp nào đó, ta sẽ làm đúng như những ý niệm đã khởi. Và khi đó thì chắc chắn sẽ có quả báo lớn.
Còn trong hiện tại, thường xuyên mơ tưởng chuyện dâm dục với những người không phải vợ, hay chồng mình sẽ khiến ” kho” phước báu như tuổi thọ, công danh, sự nghiệp, hạnh phúc… của ta bị âm thầm tiêu trừ liên tục. Khiến cho cuộc đời cứ xuống dốc dần dần, dù không thấy phạm tội gì khác.
Sẽ ra sao nếu làm ngược lại?
Nếu một người nhận thức được sự nguy hại của dâm dục, cố gắng khống chế bản năng, giữ tâm trong sạch, không chỉ là bảo tồn kho phước báo không hao tổn, mà sẽ còn được nhiều lợi ích khác, như thăng tiến về tâm linh, trí tuệ, tăng trưởng ý chí, bản lĩnh, phẩm hạnh.
Để giảm bớt, tiêu trừ những ý niệm dâm dục này, ta cần thường xuyên thực hành pháp môn Quán Thân Bất Tịnh mà Đức Phật dạy. Không chỉ giúp hạn chế ái dục, pháp môn này còn là hạt giống Bồ Đề, giúp ta đắc quả vị Thánh, thoát khỏi luân hồi trong tương lai.
7 lỗi kể trên thực chất chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng trăm khiếm khuyết mà chúng ta, cả tôi lẫn bạn vẫn thường mắc phải. Những lỗi khác còn rất nhiều, trong phạm vi một bài viết, Quang Tử thật khó mà kể hết. Hi vọng với đôi lời nhắn nhủ trên sẽ giúp bạn nhận diện và hóa giải những khiếm khuyết của bản thân, vươn lên thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Bản ngã, bản năng của chúng ta thì luôn tìm cách xô đẩy chúng ta vào những điều sai trái và đau khổ. Muốn thoát ra, ta cần có bản lĩnh, không ngừng nỗ lực “lội ngược dòng”, làm ngược lại những gì tham muốn trong bản ngã thúc đẩy. Việc đó không bao giờ là dễ dàng, thoải mái cả, nhưng vì một tương lai với những thành quả tốt đẹp, hãy cố gắng. Chúc bạn sẽ luôn là người chiến thắng trong cuộc chiến với chính mình.
(Quang Tử)!