Đại nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát là “Địa ngục chưa trống, thệ chẳng thành Phật; chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ đề”.
Đại nguyện của Bồ tát Địa Tạng là “Địa ngục chưa trống, thệ chẳng thành Phật; chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ đề”. Nên ân đức của Ngài thật lớn lao vô cùng.
Bởi vì chúng sanh cang cường khó giáo hoá, lấy khổ làm vui, vào ra trong lục đạo, xuống lên ba cõi mà không hề thức tỉnh, nên “rất khó để nói Bồ tát Địa Tạng trong bao lâu nữa sẽ thành Phật”, nhưng chắc chắn Ngài sẽ là vị Phật sau cùng. Do bi nguyện không bờ mé.
Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng không phải là lời nguyện suông, mà đó là một tuyên bố chắc thật về lộ trình giải thoát mà bất cứ hành giả đại thừa nào muốn đến bảo sở đều phải kinh qua. Đó là phải thực chứng trí tuệ bát nhã, tức “Tánh không” của vạn pháp. Nên “ Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật” là vậy. Vì nếu anh còn thấy địa ngục có thật, là kẹt trong hữu vi rồi.
Tâm Kinh nói:” Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Đó là cách phá tan địa ngục của Bồ Tát Địa Tạng. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “ Đối với người triệt ngộ, thì núi sông đều biến mất”. Do đó, không chỉ có địa ngục mà cả tam thiên đại thiên thế giới đều trống rỗng.
Theo kinh Pháp Hoa, khi Đức Phật Thích Ca muốn tập hợp các hoá thân của mình lại một chỗ, thì dời tất cả chúng sanh trong lục đạo đi nơi khác. Sau đó, cả hội chúng bay lên giữa hư không, bèn thấy được Phật Đa Bảo. Sự thành Phật trong kinh Địa Tạng, vốn dĩ không khác.
Kinh Kim Cang nói: “Phật dạy Tu Bồ Đề: Chư đại Bồ tát nên như thế mà hàng phục vọng tâm: Đối với tất cả các loài chúng sanh: hoặc sanh từ trứng, hoặc sanh từ thai, hoặc sanh từ sự ẩm thấp, hoặc sanh từ biến hoá; hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, ta đều khiến nhập vào vô dư Niết bàn mà diệt độ hết. Như thế diệt độ vô lượng vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì sao vậy? Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải Bồ Tát”.
Theo tinh thần Kinh Kim Cang, những chúng sanh Bồ Tát Địa Tạng độ thoát, đó chính là vọng tưởng. Chỉ cần rõ được bản chất hư vọng của tâm thức, thì thành tựu Phật trí. Nên Đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, đã nói lên một lộ trình giác ngộ bất di, bất dịch “Nếu chẳng chứng được tự tánh bát nhã thì chẳng thể nào thành Phật và độ tận chúng sanh”.
Chỉ cần thấy tất cả chúng sanh là chẳng thật như kinh Kim Cang nói, thì đã độ hết chúng sanh vào vô dư Niết Bàn. Nên Bồ Tát Địa Tạng vốn dĩ đã thành Phật. Những chúng sanh Ngài giáo hoá vốn dĩ đã thành Phật. Vì “ Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Đó là mối tương quan sâu sắc giữa kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa & Kinh Kinh Kim Cang qua nguyện lực độ sanh của Bồ Tát Địa Tạng. “Nguồn: Hoa Vô Ưu!”
Tu tập, hành trì theo hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng
Đọc tụng kinh Địa Tạng, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, ta phải thấy được hạnh nguyện cao cả của Ngài: “Nếu trong địa ngục còn một chúng sanh bị đau khổ, tôi thề sẽ không thành Phật”, để từ đó những người phát tâm Bồ Tát nỗ lực tu tập, hành trì theo hạnh nguyện của Ngài, theo gót chân Ngài, nương theo oai lực của Ngài đi vào chốn địa ngục để cứu vớt những linh hồn bất hạnh hầu đền trả ơn Tam Bảo, ơn cha mẹ, tổ tiên.
Nhưng địa ngục ở đâu? Có lẽ ta không cần phải tìm địa ngục ở đâu xa, bởi vì địa ngục không nhất thiết là ở thế giới bên kia, địa ngục tồn tại ngay trong kiếp sống này, trên thế giới này; bởi vì nơi nào có ngục tù, có giam cầm, tra tấn, có tiếng rên xiết, thở than là ở đó có địa ngục.
Phật giáo là tôn giáo của Từ Bi, ra đời vì những khổ đau của nhân loại, cho nên người Phật tử phải là những nhân tố tích cực có mặt hàng đầu tại những nơi khổ nạn mà chốn ngục tù là một thí dụ điễn hình.
Chưa hết, còn bao nhiêu oan hồn vất vưởng, nạn nhân của những cuộc chiến kinh hoàng, những phòng hơi ngạt, những trại tập trung, những trại cải tạo, trên Biển Đông, trong những ngục tù oan khuất… đang cần được siêu độ.
Đọc tụng kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, được phần công đức nào ta nên hồi hướng đến những chúng sanh bất hạnh này và nguyện cầu cho linh hồn họï mau chóng siêu thoát.
Địa ngục cũng có thể ở chung quanh ta, đó là môi trường không thoải mái mà ta phải sống hoặc làm việc. Đó là những người sống bên cạnh ta, là bạn đồng sở, hàng xóm láng giềng, thậm chí ngay cả cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cái… những người ta không thích nhưng do nghiệp duyên ta phải gần gũi, chung đụng mà đôi khi họ đã tỏ ra rất độc ác, biến đời sống ta thành cõi địa ngục.
Địa ngục cũng ở ngay chính trong ta, đó là tham lam, giận dữ, hận thù, đố kỵ, si mê, mù quáng… đã hàng ngày không ngớt xâu xé ta, biến ta thành những con người ngập chìm trong vô minh tăm tối, bị chế ngự bởi những thú tính thấp hèn.
Tu theo hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng vì thế cũng có nghĩa là thể hiện những hành động tích cực biến cải chính con người ta, môi trường sống chung quanh ta từ địa ngục trở thành Tịnh Độ.
Từ những công hạnh và nỗ lực tu tập này, người Phật tử thực hành Bồ tát đạo, khi giã từ cõi thế lập tức phát khởi tâm đại từ bi, dâng lời phát nguyện xin bước theo Bồ Tát Địa Tạng đi về chốn địa ngục để lập thêm công đức, cho đến khi nào Đức Phật Di Lặc chuẩn bị ra đời, ta lại xin được trở về cõi Trời Đâu suất, tiếp tục tu học để cùng với Phật Di Lặc trở lại cõi thế trong hội Long Hoa, xây dựng một cõi Tịnh độ mới cho nhân loại. Chắc chắn Ngài sẽ tiếp nhận ta.
Hình ảnh của Bồ Tát Địa Tạng với khuôn mặt đôn hậu, từ ái, đầu đội mũ tỳ lư, tay cầm tích trượng là một hình ảnh luôn tỏa sáng trong tâm khảm của những người con Phật, đặc biệt là trong mùa Vu Lan báo hiếu.
Chiếc thiền trượng của Bồ Tát Địa Tạng đã, đang và sẽ gỏ mãi vào cánh cửa địa ngục. Năng lực của tâm đại bi sẽ làm mở tung tất cả những cánh cửa hắc ám, làm tan rả những xiềng xích trói buộc, giải cứu tất cả những ai còn bị đọa đày trong cõi vô minh, tù ngục để từ đó những hạt giống bồ đề, những hạt giống thương yêu sẽ nẩy mầm mạnh mẽ trong những linh hồn đau khổ của anh, của chị, của chúng ta, của tất cả những thân bằng quyến thuộc, đang sống hay đã qua đời… Đó chính là thông điệp của Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.
Tâm Hướng Phật/St!