Pháp Giới 10 tháng trước

Cơn vô thường mau chóng, hãy chuyên tâm niệm Phật

Cơn vô thường mau chóng, mới sớm kế lại chiều, đâu nên không siêng năng lo dự bị trước ư! Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái, tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, những kẻ cứ mãi lơi là biếng trễ, nửa tin nửa ngờ thì ta cũng đành không biết làm sao vậy!

Tỉnh Am Đại Sư (Tổ Liên tông thứ mười một – đời Thanh).
Đại sư Thật Hiền (1686-1734), hiệu Tỉnh Am, người đời Thanh. Khi xuất gia, tham cứu câu “Niệm Phật là ai?” được tỏ ngộ. Kế tiếp, Đại sư nhập thất ba năm ở chùa Chân Tịch, ngày đọc kinh, đêm chuyên trì danh hiệu Phật.

Đại sư lập Liên xã, soạn văn “Khuyên phát lòng Bồ đề” để khuyến khích tứ chúng, trọn đời tinh tấn tu tịnh nghiệp. Đại Sư nói: “Một chữ nguyện bao gồm cả tín và hạnh. Tín là tin: tự, tha, nhân, quả, sự, lý, không hư dối.

Tín tự: tin tất cả do tâm tạo, mình niệm Phật sẽ được tiếp dẫn. Tín tha: Tin Phật Thích Ca không nói dối, Phật A Di Đà không nguyện suông. Tín nhân: tin niệm Phật là nhân vãng sanh, giải thoát. Tín quả: tin sự vãng sanh, thành Phật là kết quả. Tín sự: tin cảnh giới Tây Phương tất cả sự tướng đều có thật. Tín lý: Tin lý tánh duy tâm bao trùm Phật độ. Mỗi điều trên đây đều xác thật nên gọi là không hư dối. Hạnh là chuyên trì danh hiệu không xen tạp, không tán loạn. Nguyện là mỗi tâm ưa thích, mỗi niệm mong cầu. Trong ba điều kiện này, người tu tịnh nghiệp cần phải đủ, không thể thiếu một, mà “nguyện” là điểm cần yếu. Có thể có tín, hạnh mà không có nguyện, chưa từng có nguyện mà không có tín, hạnh.

Niệm Phật mà không phát lòng Bồ Ðề thì không tương ưng với bổn nguyện của đức Di Đà, tất khó vãng sanh (Lòng Bồ Ðề là tâm lợi mình, lợi người, trên cầu thành quả Phật, dưới nguyện độ chúng sanh).

Tuy phát lòng Bồ Ðề mà không chuyên niệm Phật cũng không được vãng sanh. Nên phải lấy sự phát lòng Bồ Ðề làm chánh nhân, niệm Phật làm trợ duyên, rồi sau mới cầu sanh Tịnh độ. Người tu tịnh nghiệp cần phải hiểu biết điều này.

Niệm Phật cũng có ma sự, do bởi ba nguyên nhân: không rõ giáo lý, không gặp thầy bạn tốt, không tự xét lấy mình. Trong ba điều này, sự tự xét chỗ sai lầm của mình rất là cần yếu.

Đại để muốn sanh về Tây Phương, không phải dùng chút phước lành, chút công hạnh lơ là mà được; muốn thoát sự khổ sống chết luân hồi trong vạn kiếp, không phải dùng tâm dần dà, chờ hẹn, mà biếng trễ mà được!

Cơn vô thường mau chóng, mới sớm kế lại chiều, đâu nên không siêng năng lo dự bị trước ư! Còn e sức chí nguyện không thắng nổi sức tình ái, tâm niệm Phật không hơn nổi tâm dục trần, những kẻ cứ mãi lơi là biếng trễ, nửa tin nửa ngờ thì ta cũng đành không biết làm sao vậy!

Kệ rằng: Nam Mô A Di Đà,
Người nào không biết niệm?
Tuy niệm, chẳng tương ưng,
Mẹ con khó hội kiến!

Xem Thêm:   Tụng tâm chú Lăng Nghiêm mỗi ngày có lợi ích vô cùng

Khi đi, đứng, ngồi, nằm,
Đem tâm này thúc liễm,
Mỗi niệm nối tiếp nhau
Niệm lâu thành một phiến.
Như thế, niệm Di Đà,
Di Đà tự nhiên hiện!
Quyết định sanh Tây Phương.

Đại Sư nói:

“Thật vì sanh tử, phát lòng Bồ Ðề, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật”, mười sáu chữ này là cương tông của môn Niệm Phật. Nếu không phát lòng chơn thiết vì việc sanh tử, thì tất cả lời khai thị đều là phù phiếm.

Bởi tất cả sự khổ trong đời này không chi hơn việc sanh tử, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, sống chết, chết sống, ra khỏi bào thai này kế vào bào thai kia, bỏ lớp da này lại mang lớp da khác, khổ não đã không kham, huống chi tự mình chưa thoát luân hồi, làm sao tránh khỏi đọa lạc? Ôi! Khi một niệm sai lầm, liền sa vào ác đạo, tam đồ dễ tới mà khó lui, địa ngục ngày dài mà khổ nặng!

Cho nên đại chúng vẫn đau đớn nghĩ vấn đề sanh tử, như chịu tang cha mẹ, như cứu lửa đốt đầu, gắng chuyên tinh tu tập. Nhưng ta đã khổ vì sự sống chết mà cầu thoát ly, nên liên tưởng đến tất cả muôn loài cũng như vậy.

Chúng sanh cùng ta đồng một bản thể, là cha mẹ của ta trong nhiều kiếp, là chư Phật đời vị lai, nếu chẳng phát tâm cứu độ, chỉ cầu giải thoát riêng mình, thì đối với tình có chỗ chưa an, với lý có điều sơ sót. Huống chi chẳng phát đại tâm thì ngoài không thể cảm thông với Phật, trong không thể khế hợp với tánh chơn, trên không thể tròn quả Bồ Ðề, dưới không thể độ khắp muôn loài.

Xem Thêm:   Vì sao phải cúng thất? Cúng thế nào người chết mới được lợi ích?

Như thế, làm sao báo bổ người ân nhiều kiếp, làm sao giải thích oan gia nhiều đời, làm sao thành tựu căn lành đã gieo trồng tư xưa, làm sao sám trừ tội nghiệp đã tạo ra về trước? Và như thế thì tu hành chỗ nào cũng gặp chướng duyên, dù có thành tựu cũng là quả thấp, cho nên phải xưng tánh phát lòng Bồ Ðề vậy.

Những đã phát đại tâm, phải tu đạt hạnh, mà trong tất cả hành môn, tìm phương pháp dễ dụng công, mau thành tựu, rất yên ổn, rất viên đốn, thì không chi hơn dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật. Nói chấp trì danh hiệu, tức là giữ chắc hiệu Phật nơi lòng không tạm quên. Nếu có một niệm gián đoạn hoặc một niệm xen tạp, thì không gọi là chấp trì.

Giữ được một niệm nối nhau không xen không tạp, đó là chơn tinh tấn, tinh tấn mãi không thôi, sẽ lần vào cảnh nhất tâm bất loạn và viên thành tịnh nghiệp. Nhất tâm bất loạn là chỗ quy túc của tịnh nghiệp, là đại môn của Tịnh độ, chưa vào môn này, tất chưa yên ổn, học giả há chẳng nên cố gắng ư?

Tác giả: Pháp sư Tự Liễu trích từ các bài khai thị của tổ sư.
Hoà Thượng Tịnh Không giám định.
Trích từ lớp học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú kỳ thứ tư.
Thời gian: năm 2014
Chuyển ngữ: Bích Ngọc
Giảo duyệt: Như Hòa.

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog