Người chân tu hành, người đại tu hành là người ngay ở trong cảnh duyên, đem những tập khí phiền não này loại bỏ thật sạch sẽ, đem những góc cạnh này mài thật nhẵn bóng, đó là chân tu hành.
Tu là gì?
Tu là sửa đổi bên trong
Sửa thân khẩu ý, tấm lòng từ bi,
Nói năng ý nghĩ hành vi
Đừng làm người khác vì mình tổn thương.
Tu là phải xét lỗi mình,
Tự mình sửa đổi, đừng nhìn lỗi ai,
Thị phi tranh đấu bên ngoài.
Tập buông xả hết ngày đêm chuyên cần
Dẫu cho thế sự xoay vận,
Giữ tâm tự tại muôn phần thong dong.
Tu hành là ngay trong đời sống thường ngày, là ngay chỗ khởi tâm động niệm phải quán chiếu tinh tế tỉ mỉ xem, ta có còn chấp trước hay không, có còn phân biệt hay không?
Đối với người, với việc, với vật chúng ta có còn ưa thích, có còn ghét bỏ hay không? Việc thuận theo ý của mình thì sinh tâm hoan hỷ, không thuận ý của mình thì sinh tâm sân hận.
Chỉ một mảy may sân hận, không muốn giao thiệp với người này, không muốn nhìn họ là chúng ta sai rồi. Chúng ta vẫn còn phân biệt chấp trước, chưa chịu buông xả; trong tâm vẫn còn tính toán, vẫn còn thị phi, vẫn còn được mất, vẫn còn ưa ghét, vậy làm sao được? Chúng ta vẫn là phàm phu lục đạo chính gốc.
Do đó, chúng ta mới thể hội được điều mà trong Kinh Địa Tạng đã nói: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”. Chúng ta đã lĩnh hội được câu nói này. Nếu không quán chiếu tinh tế tỉ mỉ, không soi lại thật kỹ, chúng ta thấy trong Kinh văn luôn cho rằng Ngài nói quá mức rồi. Hãy thử quan sát, thử soi lại thật kỹ, những điều trong Kinh nói, từng câu từng chữ đều là chính xác, một chút cũng không sai.
Người chân tu hành, người đại tu hành là người ngay ở trong cảnh duyên, đem những tập khí phiền não này loại bỏ thật sạch sẽ, đem những góc cạnh này mài thật nhẵn bóng, đó là chân tu hành.
Tu hành luyện công phu ở đâu thì chúng ta đã hiểu rõ rồi. Hiểu rõ rồi thì phải thật làm. Ở trong đời sống thường ngày, đối nhân xử thế tiếp vật không có gì khác, chính là một câu “nhìn thấu, buông xuống”.
Nếu có một mảy ý niệm khởi lên thì phải đem ý niệm này buông xuống. Biết trong tâm thanh tịnh, trong tâm bình đẳng, ở trong chân tâm không có mảy may ý nghĩ.
Có mảy may ý nghĩ khởi lên, đó chính là vô minh khởi lên rồi. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Nếu chúng ta không dụng công phu ở trên chỗ này thì sao có thể thành tựu được?
[LÃO TÔNG SƯ TỊNH KHÔNG,TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN, TẬP 30]