Pháp Giới 11 tháng trước

Ngũ nhãn là gì? Đại lược về Ngũ nhãn

Ngũ nhãn là năm cảnh giới của cái “Thấy”, nhờ giữ giới tinh nghiêm và tinh tấn dụng công mà phát hiện ra, bao gồm: Nhục nhãn, Thiên nhãn, Pháp nhãn, Huệ nhãn, Phật nhãn.

Ngũ nhãn là gì?

Ngũ nhãn là năm cảnh giới của cái “Thấy”, nhờ giữ giới tinh nghiêm và tinh tấn dụng công mà phát hiện ra. Ngũ nhãn được khai mở theo từng mức độ từ thấp đến cao, bao gồm: Nhục Nhãn, Thiên Nhãn, Pháp Nhãn, Huệ Nhãn, Phật Nhãn.

Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa thì, vị trí của năm loại nhãn này như sau: “Phật nhãn ở chính giữa trán, Pháp nhãn và Huệ nhãn ở hai bên trán. Thiên nhãn và Nhục nhãn ở tại huyệt thái dương. Quỷ cũng có đầy đủ năm nhãn này, nhưng chẳng quang minh.” Người học Phật nếu tinh tấn dụng công và giữ giới tinh nghiêm thì Ngũ nhãn tự khai mở. Còn nếu tu tập mà khởi tâm mong cầu Ngũ Nhãn Lục Thông, tất sẽ lạc vào Ma đạo!

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo:

“Nếu người có ngũ nhãn lục thông, cũng không thể tùy ý loạn dụng. Ví như, dùng thần thông để quán sát thế giới có tai nạn gì, hoặc dùng thần thông cứu người mới có ý nghĩa, nếu giúp đỡ người khác cũng không thể để cho người biết. Ðắc được ngũ nhãn lục thông phải trân tiết, không nên lo việc vô ích. Chỉ nên quán vào tự tánh, chớ tùy ý loạn dụng. Bằng không tiết lậu thiên cơ, cũng sẽ mất đi thần thông.” Người học Phật không thể không biết điều này!

Xem Thêm:   Sự tích Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát trọn bộ PDF

Người đắc được ngũ nhãn lục thông thì nhìn thấu Pháp giới. Nếu nhìn lên hư không sẽ thấy có đủ thứ cung điện, đủ thứ lầu các, đều dùng bảy báu tạo thành. Mỗi tòa cung điện, mỗi tòa lầu các, đều trở thành đạo tràng thuyết pháp của chư Phật, có các vị đại Bồ Tát ở tại đó nghe pháp, tu hành.

Về Ngũ Nhãn, Ngài Tuyên Hóa Giảng: “Có một bài kệ tụng nói về năm con mắt này (Ngũ Nhãn) như sau:

Nhục Nhãn ngại phi thông
Thiên Nhãn thông phi ngại,
Pháp Nhãn duy quán tục,
Huệ Nhãn liễu chân không,
Phật Nhãn như thiên nhật,
Chiếu dị thể hoàn đồng.

Dịch là:

Nhục Nhãn ngại, chẳng thông
Thiên Nhãn thông, chẳng ngại
Pháp Nhãn quán tục đế
Huệ Nhãn rõ chơn không
Phật Nhãn, ngàn mặt trời
Khác tánh, thể vẫn đồng.

Nhục nhãn

Nhục nhãn chẳng phải là con mắt phàm của phàm phu. Bởi Nhục nhãn này có công năng thấy được người, quỷ, thần, thấy được tướng có hình, có sắc. Dù vậy đây vẫn là “con mắt thịt,” do bị ngăn ngại, nên chỉ có thể nhận thấy được con người, đồ vật và một số hữu hạn cảnh giới quỷ thần.” Ngoài ra không nhìn thấy được bất kỳ cảnh giới nào khác nên gọi là: “Nhục Nhãn ngại, chẳng thông” (Nhục Nhãn ngại phi thông). Vậy, “Nhục Nhãn ngại phi thông” ngụ ý rằng với Nhục Nhãn, cái nhìn còn gặp sự chướng ngại của đồ vật cụ thể, không nhìn xuyên qua được.

Xem Thêm:   Ý nghĩa danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm
Thiên nhãn

Thiên nhãn hiểu nôm na là khai mở được con mắt đồng như mắt của Chư thiên. Thiên Nhãn thì nhìn cái gì cũng thông đạt, có thể thấy được vô cùng thấu triệt, không có sự ngăn ngại, nên gọi là “Thiên Nhãn thông, chẳng ngại”.

Với Thiên Nhãn này thì chẳng những đồ đạc trong phòng mà ngay cả ở ngoài; thậm chí bất luận là bao xa, chỉ cần quý vị muốn nhìn là đều có thể thấy được. Nếu quý vị không nhìn thì sao? Thì đương nhiên là sẽ không thấy!

Tuy rằng có thể nhìn thấy được, nhưng tốt nhất là đừng nhìn! Vì sao vậy? Bởi khi quý vị nhìn một vật nào đó thì sẽ bị phân tâm, và liền khởi tâm động niệm. Sanh thêm một tâm niệm thì không bằng ít bớt một tâm niệm; giảm đi một vọng tưởng thì vẫn hơn là tăng thêm một vọng tưởng.

Quý vị dùng Thiên Nhãn này để nhìn mọi vật, xem xét sự việc, và đó đều gọi là “niệm.” Mặc dù cái “niệm” này có phần nào không giống với những tâm niệm hoặc ý nghĩ thông thường khác, song cũng chẳng có ích lợi gì cả. Do đó, có những lúc dù có thể nhìn thấy được đi chăng nữa, thì quý vị cũng chẳng nên nhìn!

Pháp nhãn

“Pháp Nhãn quán tục đế (Pháp Nhãn duy quán tục). “Con mắt Pháp” chỉ quán xét, nhìn thấy tục đế. “Tục đế” tức là những tình hình của thế gian nói chung. Nếu quý vị được mở Pháp Nhãn thì khi tụng kinh sẽ không cần phải nhìn vô sách nữa. Bấy giờ, quý vị chỉ việc “mở con mắt Pháp” ra thì sẽ thấy cùng tận hư không và khắp Pháp Giới đều toàn là kinh điển, đâu đâu cũng thấy tràn ngập vô lượng vô biên Pháp bảo. Quý vị chỉ cần chứng đắc Pháp Nhãn Tịnh là có thể quán thấy được tất cả thật tướng của các pháp. Vậy, Pháp Nhãn chỉ quán xét tục đế.

Xem Thêm:   Chỉ niệm A Di Đà Phật có bị Phật và Bồ Tát khác giáng tội không?
Huệ nhãn

“Huệ Nhãn rõ chơn không (Huệ Nhãn liễu chân không). “Con mắt trí huệ” thì quán xét tánh “không.” “Tục đế” còn được gọi là “giả đế,” bởi nó không phải là loại có thực thể. “Huệ Nhãn liễu chân không” nghĩa là con mắt trí huệ có thể nhìn thấu triệt được thật tướng chơn không của các pháp.

Phật nhãn

Phật Nhãn (con mắt Phật) được ví như một ngàn cái mặt trời vậy – Không chỗ nào mà chẳng biết tới, không chỗ nào mà chẳng nhìn thấu, không chỗ nào mà chẳng nghe thấy. Phật Nhãn có đầy đủ mọi công năng và là biểu hiện của tất cả trí huệ”. Vậy nên nói: “Phật Nhãn, ngàn mặt trời” (Phật Nhãn như thiên nhật). Mắt của Phật thì quang minh, chiếu sáng như cả ngàn mặt trời vậy.

“Khác tánh, thể vẫn đồng? (Chiếu dị, thể hoàn đồng). Cái thấy của năm thứ mắt này tuy chẳng giống nhau, song về bản thể thể vẫn chỉ là một mà thôi.”

Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog