Pháp Giới 5 tháng trước

Nếu là người thật sự tu đạo sẽ không thấy lỗi thế gian

Đến khi nào bạn thật sự có thể không thấy lỗi thế gian, chỉ thấy lỗi của mình thì bạn mới có tiến bộ, thật sự tiêu nghiệp chướng, chuyển họa thành phước…

Nếu chúng ta gặp chuyện người ta chiếm tiện nghi của mình, chúng ta chỉ cười cười rồi thôi, chứ đừng để nó trong lòng. Chúng ta bị gạt hay chịu thiệt thòi cũng không sao hết, tất cả hãy nghĩ là chúng ta trả nợ, đã trả dứt nợ này xong rồi. Bất luận gặp phải chuyện oan ức như thế nào đi nữa cũng phải nghĩ là mình trả nợ, tuyệt đối không oán trời, trách người.

Sơ Địa Bồ Tát còn không tránh khỏi những ác báo này, chúng ta là hạng người nào mà muốn tránh được? Cho nên khi gặp những quả báo ác liệt này xảy ra thì phải bình tĩnh chịu đựng, không oán trời, không trách người. Khi tai nạn xảy ra rồi thì phải vui vẻ chấp nhận thì tai nạn tiêu hết.

Đúng như câu nói: “Mưa tạnh, trời quang đãng”. Tai họa xảy ra xong thì phước báo hiện lên. Lời của Huệ Năng Đại Sư dạy chúng ta rất có lý: “Nếu là người thật sự tu đạo sẽ không thấy lỗi thế gian”, người thường không thể nói ra được câu này.

Nói cách khác, nếu còn nhìn thấy lỗi lầm của người khác thì sự tu học của bạn sẽ gian nan, sẽ có chướng ngại. Đến khi nào bạn thật sự có thể không thấy lỗi thế gian, chỉ thấy lỗi của mình thì bạn mới có tiến bộ, thật sự tiêu nghiệp chướng, chuyển họa thành phước…

Giả sử khi gặp tai họa, khởi lên tâm oán hận thì tai nạn không thể tránh khỏi, vả lại còn bị đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh! Bạn coi quả báo sai khác bao lớn?

Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ lý và sự này cho thật rành rẽ. Thập Pháp giới bày trước mắt chúng ta, người có trí huệ biết lựa chọn đi đường nào, nên chọn đường tốt để đi. Chỉ có những kẻ vô tri cứ cho là mình tài giỏi, họ không biết lựa chọn, sẽ đọa lạc vào ác đạo, thật đáng tiếc thay!

Trích “ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký” – HT. Tịnh Không!

Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng?

Có ba cách căn bản để giúp làm tiêu trừ nghiệp chướng, như sau:

Thứ nhất: Phải biết sám hối với những tội lỗi đã từng tạo

Sám hối ở đây là chúng ta phải nhận lỗi về mình, phải ăn năn, hối hận, sau đó quyết không để phạm lại, không gây thêm tội lỗi mới. Mỗi ngày chúng ta có thể dành thời gian để xưng tán danh hiệu Chư Phật Bồ Tát kết hợp với lễ Phật để sám hối.

Xem Thêm:   Niệm niệm chẳng lìa Nam Mô A Di Đà Phật, đó là Nhất tâm trì danh

Thứ hai: Phát nguyện làm vô số công đức và phước báu để pha loãng tội lỗi đã tạo

Nếu xem tội từng tạo là một cái thùng muối hột mặn, thì giờ cần tạo ra một dòng sông công đức phước báu là nước ngọt để pha loãng chúng. Thùng muối nếu đổ vào cái ao nước nhỏ, hoặc giữ nguyên thì mới còn vị mặn. Chứ nếu chúng được đổ vào dòng sông nước ngọt rộng muôn trùng thì sẽ chẳng còn thấy đâu nữa cả.

Do đó, việc phát nguyện làm vô số công đức và phước báu là điều cực kỳ quan trọng để hóa giải nghiệp chướng của mỗi người. Đó là phải làm các việc như: Đi quy y Tam Bảo phát nguyện thọ trì năm giới, phóng sinh, ăn chay, từ thiện giúp người, cúng dường bố thí, làm đường xây cầu, chia sẻ Phật Pháp đúng để giúp con người sống hướng thiện….

Thứ ba: Thường gần gũi bậc thiện tri thức, siêng nghe thuyết pháp đúng mỗi ngày, và phải giữ thời khóa công phu tu hành đều đặn

Bởi vì nếu quý vị mà không có trí tuệ thì sẽ khó có khả năng phát hiện được lỗi lầm của mình đã và đang gây tạo. Do đó, cần phải có bậc thiện tri thức mắt sáng để hướng dẫn, chỉ lỗi, giúp chúng ta tự hoàn thiện bản thân.

Còn nghe thuyết pháp đúng, học kinh Phật… cũng là đang góp phần giúp chúng ta có được trí tuệ phân định, để biết phương hướng mà tu hành.

Xem Thêm:   Những tội phải chịu quả báo nặng nhất là tội gì?

Song song với việc học Giáo Pháp, chúng ta cần phải siêng năng trong việc công phu tu tập như ngồi thiền, đi thiền hành, lễ Phật, niệm Phật, trì chú, lễ Phật nhiều….

Mục đích chính của việc công phu là để phát triển sức định tâm, duy trì chánh niệm và sự tĩnh giác, hướng đến mục tiêu chứng đạo, đạt đạo, tức là thành tựu trí tuệ vô lậu, giải thoát. Bởi vì chỉ có đắc đạo, tức chứng được tứ thánh quả A La Hán, thì chúng ta mới có thể chấm dứt sự luân hồi sinh tử. Không còn bị luân hồi sinh tử nữa thì làm gì có khổ đau, vì thế đây là mục tiêu rốt ráo mà quý vị cần phải nên chú trọng.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

5 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog