Con người có kiếp sau không? Làm sao biết có kiếp trước kiếp sau?
Pháp Giới 11 tháng trước

Con người có kiếp sau không? Làm sao biết có kiếp trước kiếp sau?

Căn cơ của một người bình thường không thể nào biết được có kiếp trước kiếp sau hay không. Chỉ có những người tu tập thiền định, đi sâu vào nội tâm, chứng được các tầng thiền, hoặc có thiên nhãn thông, túc mạng thông thì mới thấy được kiếp sống quá khứ và vị lai.

1. Có hay không đời sống kiếp sau?

Thành thực mà nói, tôi mong rằng không có đời sống kiếp sau. Gần đây, một trong những học trò lâu năm nhất nói với tôi rằng “Con không quan tâm đến đời sống kiếp sau”. Thoạt đầu, tôi vô cùng sửng sốt, sau đó, tôi cảm thấy rất đau lòng. Tôi cho rằng, nếu đời sống kiếp sau thực sự không tồn tại, sẽ không ai phải ưu lo gì về đời sống hiện tại. Nhưng không may thay, thực tế không phải vậy. Vì tất cả chúng ta đều phải trải nghiệm nhân và quả của ba nghiệp thân, khẩu, ý của mỗi người, do vậy chúng ta nên cẩn trọng và chuẩn bị chu đáo cho đời sống kế tiếp.

Tôi thực sự mong không có kiếp sau. Nếu không có kiếp sau, tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn trong đời này, chỉ để thỏa niềm ham thích cá nhân. Tôi có thể sát sinh, có thể tạo tác mọi ác nghiệp, có thể làm mọi điều sai trái chỉ để chạy theo bản ngã và thỏa mãn những tham muốn vị kỷ, bởi vì tôi biết kiếp sau không tồn tại, đồng nghĩa với việc tôi sẽ không phải chịu bất cứ hậu quả và nghiệp báo nào, dù là tiêu cực hay tích cực, cho những gì mình đã làm. Dù tôi thực hiện nhiều thiện hạnh cũng sẽ không đem lại những kết quả tốt đẹp nào. Nếu mà như vậy, chúng ta sống sẽ chẳng có mục đích, chúng ta chẳng cần tôi luyện, trưởng dưỡng những phẩm chất tích cực cho bản thân, chẳng cần làm bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ trở nên lãnh đạm, vô tri như gỗ đá. Gỗ đá không tin rằng sẽ có đời sống kiếp sau.

Con người có kiếp sau không? Làm sao biết có kiếp trước kiếp sau?
Ngài Gyalwang Drukpa nhiều năm về trước.

Đáng buồn thay, không ai vượt được ra ngoài quy luật nhân quả, không chúng sinh nào thoát khỏi nghiệp quả của chính mình. Chúng ta có thể không tin vào quy luật của nghiệp và kiếp sau, nhưng không có nghĩa sự thật này không tồn tại. Tôi gửi tới các bạn bức ảnh tôi chụp cách đây 30 năm, nó như một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta về kiếp sau. Các bạn có thể thấy tôi đã thay đổi nhiều, và sự thay đổi này không diễn ra tức thì, đó là sự thay đổi dần theo năm tháng, như một tiến trình của sự phát triển. Từng giây phút, “cái tôi” trước đây chết đi để thay bằng “cái tôi” của giây phút tiếp theo. Chính điều này cho tôi thấy sự tồn tại của đời sống sau này. Bất cứ điều gì tôi tạo tác trong quá khứ đều ảnh hưởng tới đời sống hiện tại của tôi cho tới tận lúc này. Nhiều thứ đồ ăn không phù hợp, dù chỉ là chút ít, mà tôi đã dùng khi còn bé đều có thể ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của tôi lúc trưởng thành. Hiển nhiên, đây chính là nhân quả.

Điều quan trọng nhất đối với một hành giả tâm linh đó là niềm tin kiên định không bao giờ thối thất vào quy luật nghiệp nhân quả. Quy luật nghiệp là quy luật vũ trụ thâu nhiếp tất cả, không ai trong chúng ta có thể thoát khỏi quy luật đó. Thấu hiểu luật nhân quả sẽ giúp chúng ta luôn đi đúng đường, luôn tỉnh giác về chính mình, những hành động mà mình đang tạo tác và con đường mình đang đi. Hiểu rằng chúng ta còn có kiếp sau và nhiều đời sống vị lai nữa thực sự là một điều tuyệt vời, bởi đó chính là cơ hội vô cùng tích cực giúp sách tấn chúng ta hướng thiện và hoàn thiện bản thân, dù có những khi vấp ngã hay phạm phải sai lầm, nhưng ta vẫn tin tưởng mình còn cơ hội để sám hối và sửa chữa khuyết điểm. Nếu kiếp sau không tồn tại, sẽ chẳng có chút hy vọng cho thế giới này. Nếu như vậy, chúng ta chẳng nên làm gì và đều trở nên vô tri giống như gỗ đá.

Bất cứ đó là trải nghiệm buồn hay vui, như ý hay bất như ý, chúng ta cần đạt được hiểu biết chân thực thông qua trải nghiệm của chính mình về luật nhân quả. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi thứ đều nằm trong tầm tay, mọi thứ đều do chính chúng ta quyết định, và chúng ta là chủ nhân số phận của chính mình, có thể thay đổi số phận, làm cho nó ngày một tốt đẹp hơn. Nếu khổ đau đối với chúng ta là vô nghĩa, nếu ta không ngại gieo nhân đau khổ để gặt hái những quả khổ đau, chúng ta có thể hoàn toàn lừa dối bản thân rằng không hề có ngày mai, không hề có kiếp sau. Tuy nhiên, vì điều đó không thể xảy ra trên thực tế, vậy tại sao chúng ta phải buông bỏ? Chúng ta không cần và không nên bi quan hay suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống này. Chúng ta đã có đời sống làm người vô giá của kiếp này với rất nhiều nhân duyên thiện lành thù thắng được hạnh ngộ, giác ngộ và tu tập Phật Pháp – Chân lý Vũ trụ – do chính Đức Phật – bậc Toàn giác cùng các Pháp tử Truyền thừa giác ngộ của Ngài trao truyền. Chúng ta may mắn hơn nhiều so với vô vàn chúng sinh khác không hề có cơ hội được biết đến Chân lý, dù chỉ là cái thấy biết thoảng qua.

Xem Thêm:   Người nhất tâm niệm A Di Đà Phật là người có đại phước báu

Giác ngộ không phải là một hành trình, một chuyến đi mà chúng ta phải trải qua với sự đau đớn, khó nhọc. Giác ngộ chính là ngay ở đây, ngay lúc này. Chúng ta là một với Giác ngộ và không sai khác với Chân lý Vũ trụ. Chỉ bởi vô minh không nhận ra điều đó nên chúng ta bị mắc kẹt trong vô vàn nỗi thống khổ, sợ hãi và nghi ngờ. Khi tất cả những chướng ngại và khổ đau này được chuyển hóa và tịnh hóa hoàn toàn, chúng ta sẽ lập tức nhận ra rằng Tính Giác vốn đủ đầy và sẵn có nơi chính mình. Hành trình gian khó mà chúng ta phải trải qua không phải là Giác ngộ, đó chỉ là hành trình tu tập trải nghiệm giúp đem lại những hiểu biết chân chính, hay thậm chí chúng ta có thể gọi đó là hành trình khám phá Tâm bản lai. Hành trình khám phá này có thể vô cùng phức tạp, cam go. Bạn cũng có thể bị mắc kẹt trong những khổ đau và nuối tiếc ngay trên chính hành trình đó. Đừng quá lo lắng về điều này. Khó khăn, thử thách là điều tất yếu. Nhưng, như câu ngạn ngữ vẫn dạy: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay “Khổ học mới thành tài”. Nếu không có khó khăn, trở ngại, chúng ta sẽ không biết cách tri ân cuộc sống. Đôi khi, tôi vẫn thường tự nhủ bản thân rằng khổ đau luôn hiện hữu trong cuộc đời này nhằm giúp chúng ta ý thức được rằng mình đang sống và mình vẫn còn cơ hội.

Các pháp hữu và học trò thân quý của tôi, các bạn đừng chán nản hay tuyệt vọng. Chúng ta sẽ luôn đồng hành và là thiện hữu tri thức của nhau trên hành trình khám phá tâm linh siêu việt này. Chúng ta đã đồng hành trong vô lượng kiếp đời quá khứ, vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau trên con đường cao quý này trong vô lượng kiếp vị lai. Đã, đang và sẽ có những lúc đó là một hành trình khúc khuỷu, thăng trầm và đầy khó nhọc.Cũng có những khi trời quang mây tạnh, chúng ta có thể băng băng vượt sóng tiến lên. Cũng lại có cả những chặng đường tẻ nhạt và vô vị. Tựu chung, sẽ là vô số vô số những trải nghiệm khác nhau trên con đường tìm cầu Giác Ngộ. Giờ đã khuya, tôi muốn gửi tới các bạn lời “Tạm biệt và chúc ngủ ngon!”

“Gyalwang Drukpa”!

Con người có kiếp sau không? Làm sao biết có kiếp trước kiếp sau?

2. Làm sao biết có kiếp trước kiếp sau?

Căn cơ của một người bình thường không thể nào biết được có kiếp trước hay kiếp sau. Chỉ có những người tu tập thiền định, đi sâu vào nội tâm, chứng được các tầng thiền, hoặc có thiên nhãn thông, túc mạng thông thì mới thấy được kiếp sống quá khứ và vị lai.

Đa số con người đều rơi vào hai loại chấp:

Chấp thường: tin rằng sau khi chết thì linh hồn còn hoài, hoặc xuống địa ngục bị trừng phạt đời đời, hoặc lên thiên đàng hưởng phước đời đời. Trong trường hợp này họ vô tình chấp nhận là có kiếp sau.

Chấp đoạn: tin rằng sau khi chết là hết, không còn gì hết.

Đối với hai hạng người chấp như trên thì rất khó nói cho họ hiểu, bởi vì trong tâm của họ đã đóng khung và tin chắc như vậy rồi, giống như một cái ly úp ngược thì dù cố gắng đổ bao nhiêu nước cũng không vào được.

Vì không có thiên nhãn hay thần nhãn nên chúng ta có thể tạm dùng lý trí mà suy luận ra. Hãy lấy thí dụ, làm sao biết được có vi trùng, vi khuẩn? Mắt thường làm sao thấy được? Nếu mắt không thấy thì làm sao lại tin là có? Đa số đều tin có vi trùng, kể cả những trẻ nhỏ mới biết đọc biết viết. Người thường như chúng ta không trông thấy vi trùng nhưng các bác sĩ, bác học với kính hiển vi họ thấy vi trùng một cách rõ ràng và đối với họ, có vi trùng là một sự thật hiển nhiên chứ không còn là một niềm tin nữa. Khi chúng ta bị bệnh đi nhà thương nghe bác sĩ nói ta bị nhiễm vi trùng này, vi trùng kia là chúng ta tin liền. Tại sao không thấy mà tin? Bởi vì do suy luận hợp lý mà tin. Ta tin bác sĩ là người có học thức đàng hoàng, khổ nhọc nghiên cứu học hỏi trên dưới 10 năm mới ra trường. Hơn nữa ông ta hơi đâu mà đi lừa ta làm gì? Ông ta nói vi trùng nào cũng được, miễn sao cho ta thuốc uống hết bệnh là được rồi.

Tại sao mắt ta không thấy vi trùng mà vẫn tin? Tại sao ta không biết trong thuốc có những hóa chất gì mà lại tin là uống vào sẽ hết bệnh? Nếu ta muốn thấy tận mắt vi trùng thì phải vào các phòng thí nghiệm dí mắt vào ống kính hiển vi. Nếu ta muốn biết những hóa chất của thuốc tây thì phải chịu khó vào đại học vài năm để học y khoa hay dược khoa thì mới biết được những hoá chất hay dược liệu đó là gì, có công năng gì, do những phản ứng hóa học nào tạo ra…

Xem Thêm:   Mười điều tâm niệm của người niệm Phật cần có

Cũng vậy, nếu muốn thấy được kiếp trước hay kiếp sau thì ta cũng phải chịu khó tu tập thiền định để chứng được thiên nhãn thông hoặc túc mạng thông. Đức Phật nhờ tu hành đắc đạo nên có thiên nhãn thông, túc mạng thông thấy được vô số kiếp quá khứ của mình và của người khác giống như người có máy video thâu được hình ảnh của mình và người.

Điều cần nhấn mạnh là những đệ tử của ngài cũng chứng được và thấy được kiếp trước của mình. Đức Phật là bậc giác ngộ, đệ tử của ngài là những bậc thánh tăng A la Hán, không còn phiền não ô nhiễm, đều chứng được thiên nhãn thông và túc mạng thông. Là Phật tử, tuy nhục nhãn còn bị che lấp bởi vô minh phiền não nhưng chúng ta vẫn có thể tin lời các ngài là có kiếp trước kiếp sau, giống như chúng ta đang tin bác sĩ nói có vi trùng vậy.

Tại sao chúng ta không thấy được ngày hôm qua mà lại tin là có ngày hôm qua? Ta biết được có ngày hôm qua là nhờ ký ức. Qua một đêm ngủ thời gian không đủ dài để xóa mờ trí nhớ nên ta mới nhớ lại được. Nhưng làm sao ta nhớ lại được chính xác ta đã làm gì, nói gì, đi đâu với ai, chỗ nào 10, 20 năm về trước? Nếu không nhớ nổi việc cũ ngay trong kiếp này thì qua một lần chết và tái sinh, trải qua một thân ngũ uẩn khác (ví như một màn sương mù dày đặc) làm sao ta có thể nhớ lại được kiếp trước?

Một người bị mổ tim hay mổ óc, bị chích thuốc mê, sau khi tỉnh dậy nhiều khi phải mất vài ngày mới hoàn hồn nhớ lại được mình là ai, đang ở đâu. Chưa kể những người bị bệnh Alzheimer hoàn toàn mất hết trí nhớ, đối với những người này thì ngày hôm qua còn không có huống chi năm trước hay kiếp trước. Với kỹ thuật văn minh hiện đại, chúng ta có thể chụp hình với máy ảnh hoặc thu hình với máy video. Những gì chúng ta đã chụp hoặc thu hình từ mười năm trước, hôm nay tuy không thấy, không nhớ, nhưng nếu cần thì chúng ta vẫn có thể lấy ra xem lại được vì tất cả hình ảnh đã được thâu vào băng video. Cũng vậy tất cả những gì chúng ta đã làm, đã sống đều được thu vào tâm thức.

Tâm thức là một kho tàng chứa tất cả những kiếp sống của ta, trong Duy thức Học gọi là Tàng thức hay A lại Da (Alaya) thức. Người nào có khả năng đi vào vùng sâu thẳm của tâm (tức Tàng thức) thì có thể thấy lại hết những kiếp sống quá khứ của mình. Muốn đạt được khả năng này thì phải tu tập thiền định, hoặc ngày nay với phương pháp thôi miên (hypnotisme) người ta có thể trở lui về quá khứ hoặc kiếp này, hoặc nhiều lắm là một vài kiếp trước như trường hợp của ông Edgar Cayce. Chuyện tin có kiếp trước là một chuyện hiển nhiên đối với dân Tây Tạng, bởi vì các Lạt ma cao cấp, sau khi chết và tái sinh các ngài đều nhớ được kiếp trước của mình, đã từng là ai, ở đâu, sống trong tu viện nào, và nhận diện ra các đệ tử cũ của mình.

Chúng ta không thấy và không biết được có kiếp trước chỉ vì tâm thức của chúng ta chưa được học hỏi, tu tập và phát triển. Khoa học ngày nay cho biết là con người mới chỉ sử dụng được 10% bộ óc của mình mà thôi, còn lại 90% kia chưa được khai thác và biết đến. Vì vậy một người thông minh nên có tinh thần cởi mở để học hỏi và khám phá ra những điều mới lạ, thay vì cố chấp khép tâm lại, chỉ tin những gì mắt thấy, tai nghe, tay sờ mó được.

“TT. Thích Trí Siêu”!

3. Nhân quả có phải đợi kiếp sau?

Thuở xưa, có người đến hỏi một vị Thiền sư: “Bậc tu hành đã ngộ lý Chân Không, có lạc vào vòng Nhân Quả đặng?”. Thiền sư đáp: “Bậc đại tu hành chẳng lạc vào vòng nhân quả”.

Vì câu trả lời này mà khiến cho Thiền sư phải đọa làm kiếp chồn năm trăm năm, sau gặp ngài Bá Trượng mới được giải thoát. Từ chúng sinh đọa tam đồ cho đến chư Phật thành Chính Giác đều không ngoài nhân quả. Hơn nữa, nghiệp quả của chúng sinh phần nhiều đều có tính cách bất định. Nếu chúng ta biết gắng sức dùng tâm lực để chuyển nghiệp lực, thì không cảnh Thiên cung, Phật quốc nào lại không thể tiến lên.

Quả báo tuy nhiều, song xét về phương diện thời gian hay mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, hiện tại và vị lai, thì có thể tóm tắt trong những điểm sau:

Hiện báo: Ðây là quả báo trong kiếp hiện tại; có nghĩa hiện thế gây nhân thì hiện đời chịu quả. Quả báo này có tính cách mau lẹ, ví như trồng loại cà, ớt hay gieo giống lúa, chỉ trong vòng một mùa, một năm đã thu được kết quả. Hiện báo còn gọi là Hoa báo, danh từ này hàm ý nghĩa mau lẹ, ảnh hưởng không đợi đến thời kỳ sinh trái, mà đã phát lộ trong thời kết bông. Tục ngữ có câu: “Ðời xưa trả báo thì chầy. Ðời nay trả báo một giây nhãn tiền”.

Xem Thêm:   Giết rắn tàn nhẫn, chết trong quằn quại đau đớn

Sinh báo: Sinh báo là gây nhân kiếp này, đời kế sau mới chịu quả báo. Quả báo này có tính cách hơi lâu, ví như trồng mụn chuối con, hạ thổ năm nay, sang năm mới có trái. Trong kinh có câu: “Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”.

Hậu báo: Ðây là nói sự gây nhân trong đời này, đến ba, bốn, trăm, ngàn hay vô lượng kiếp sau mới thọ quả báo. Hậu báo có tính cách lâu hơn, ví như trồng những loại cây trong năm nay, đến năm, mười hay đôi ba mươi năm sau mới kết quả.

Thuở xưa, khi Phật còn ở đời, có ông Thi-Lợi-Bật-Ðề đến một trăm tuổi mới cầu xin xuất gia. Các vị Trưởng lão như Ca-Diếp, Xá-Lợi-Phất, nhập định quán sát trong vòng 84.000 kiếp về trước thấy ông thiếu căn lành nên không cho. Ðến khi Như Lai đi khất thực trở về, thấy ông khóc lóc cầu xin, liền chấp thuận. Các vị Trưởng lão hỏi duyên cớ. Ðức Thế-Tôn đáp: “Thi-Lợi-Bật-Ðề trước 84.000 kiếp, tiền thân là lão tiều phu, bị cọp đuổi gấp leo lên cây niệm một câu “Mô Phật”. Do thiện căn ấy đến nay mới gặp ta, và sẽ được đắc độ. Vì nhân lành kiếp trước của người này quá lâu xa, nên sức đạo nhãn của các ông không thể thấy biết được”. Trong kinh có bài kệ: “Giả sử trăm ngàn kiếp. Nghiệp đã tạo không mất. Khi nhân duyên gặp nhau, lại tự chịu quả báo.

Ðịnh báo: Ðịnh báo là quả báo nhất định phải chịu, không thể chuyển biến được, bởi sức nghiệp đã quá thuần thục, trong mười phần thành tựu cả mười. Ví như cái nhà hư hao chút ít hay nửa phần, còn có thể sửa chữa được; nếu kèo cột tường nóc đều hư mục, tất phải chờ cho nó hư hoại để làm ngôi khác. Và như bệnh ung thư trong thời kỳ nhẹ còn có thể chữa được, sang lúc quá nặng duy có phương chờ đến mãn phần. Cổ ngữ có câu: “Dược y bất tử bệnh. Tửu bất giải chân sầu”. (Thuốc chỉ trị những bệnh không chết. Rượu không thể giải mối buồn hiện thật).

Thuở xưa, vua Lưu-Ly cử binh đến đánh dòng họ Thích, Ðức Thế Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn giả Mục-Kiền-Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là định nghiệp. Tôn giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ Thích trên cung trời. Nhưng khi Lưu-Ly-Vương dẹp xong hàng Thích Chủng, thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết.

Ðây là một sự kiện chứng minh sức định nghiệp có công năng tuyệt đối mạnh mẽ. Cho nên chư Phật có ba việc làm được, ba việc làm không được, gọi là “Tam năng tam bất năng”. Các điều ấy là:

Chư Phật có thể không tất cả tướng, thông suốt tất cả pháp, nhưng không thể diệt được định nghiệp;

Chư Phật có thể biết cùng tận nghiệp tính của chúng sinh, rõ thấu tất cả việc trong vô biên kiếp quá khứ và vị lai, song không thể độ những chúng sinh vô duyên;

Chư Phật có thể độ vô lượng chúng sinh, song không thể độ hết chúng sinh giới. Bởi thế, sức người cố nhiên là hữu hạn, nhưng sức Phật vẫn chưa phải toàn năng. Nếu chúng sinh không tín hướng Ðức Như Lai, không thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ Tát cũng không thể hóa độ được.

Bất định báo: Ðây là nghiệp báo có thể chuyển biến sửa đổi được. Như có người trước đã tạo nghiệp lành, đáng lẽ phải hưởng phú quý trọn đời. Nhưng trong lúc làm quan, nếu kẻ ấy tham mê tài sắc, ăn của lót, cưỡng hiếp, hãm hại người, thì phước lộc lần lần tiêu giảm, có thể bị tù ngục, ô danh, hoặc chết bất đắc kỳ tử. Và như kẻ kiếp trước kém nhân lành, nên đời này thân phận nghèo khổ, hèn hạ. Song nếu người ấy biết xét lẽ nhân-quả-tội-phước, gắng sửa đổi tâm tính, hết sức làm việc phước thiện, thì tội chướng lần tiêu giảm, phước đức lần tăng thêm, có thể trong hiện tại chính mình hay con cháu sẽ tiến đến cảnh vinh quang. Ví như trong đời, người tước vị cao mà ỷ thế làm trái, thì có thể bị cách chức; kẻ có tội nhưng gắng lập công, có thể đem công chuộc tội, và nếu lập công thêm mãi tất sẽ được tấn chức thăng quan.

Nghiệp quả của chúng sinh phần nhiều đều có tính cách bất định. Nếu chúng ta biết gắng sức dùng tâm lực để chuyển nghiệp lực, thì không cảnh Thiên cung, Phật quốc nào lại không thể tiến lên. “Bụi hồng có lối về hương quốc. Cửa tội không tâm mở dạ đài”, chính là ý này vậy.

“HT. Thích Thiền Tâm”!

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

39 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog