Pháp Giới 10 tháng trước

Nhất thiết duy tâm tạo là gì? Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm

Nhất thiết duy tâm tạo nghĩa là thái độ của mình đối với cái thực tại mình đang đối mặt hằng ngày này. Niết Bàn hay địa ngục đều là thái độ của mình đối với cái thực tại này.

1. Nhất thiết duy tâm tạo là gì?

Nhất thiết duy tâm tạo không có nghĩa là tâm tạo ra hết, từ núi non đến trăng sao gì cũng tâm tạo ra. Không phải vậy! Mà nhất thiết duy tâm tạo nghĩa là thái độ của mình đối với cái thực tại mình đang đối mặt hằng ngày này.

Niết Bàn hay địa ngục đều là thái độ của mình đối với cái thực tại này. Không phải là chúng ta làm cái gì đó để đi đến một cái niết bàn nằm ở đâu đó. Không phải như vậy.

Ở đây là Niết Bàn hoặc ở đây là địa ngục hoặc ở đây là súc sanh, ở đây là ngạ quỷ hay thiên đàng. Nếu chúng ta ở đây và bây giờ có một cái tâm sáng suốt hoàn toàn vô ngã vị tha thì đó là tâm Phật, tâm Bồ tát. Nếu chúng ta hoàn toàn thanh tịnh giải thoát thì đó là tâm A La Hán. Nếu chúng ta hoàn toàn thuận pháp thì đó là tâm Tu Đà Hoàn. Nếu chúng ta hiền thiện vui vẻ thanh thoát thì đó là tâm các cõi trời. Nếu chúng ta sống đâu đó đàng hoàng có tình có lý thì đó là cõi người.

Nếu chúng ta sống chỉ biết có ăn có ngủ chỉ biết hưởng thụ thôi thì đó là súc sanh. Nếu chúng ta mỗi ngày chỉ biết khao khát cái này khao khát cái kia, mong muốn cái này, mong muốn cái nọ thì đó là tâm ngạ quỷ.

Nếu chúng ta muốn quyền hành, ở trong nhà thì muốn là gia trưởng, ra ngoài thì muốn điều khiển mọi người thì đó là tâm A tu la; hễ ai không nghe lời mình thì mình nổi sân.

Nếu mình sống trong hung ác và đau khổ , vừa hung ác vừa đau khổ với những hung ác đó thì đó là địa ngục.

Do đó thái độ của mình đối với cái thực tại này như thế nào là quyền tự do của mỗi người.

2. Nhất thiết duy tâm tạo – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng

Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Con người là do cái gì tạo thành? Con người là do “tâm” tạo thành! Tâm không chỉ tạo ra con người mà còn có thể tạo ra mọi thứ – thiên đường, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh …; vì thế mà nói rằng mười Pháp Giới đều do tâm tạo thành. Song, tâm tạo ra mười Pháp Giới thì tâm cũng có thể hủy diệt mười Pháp Giới”.

Theo Phật Học Tinh Yếu: “Tất cả thế giới do đâu mà có, và ai là tác-giả? Đó đều do tâm mà có, và duy tâm tạo ra. Từ vô thỉ đến nay, tất cả chúng sanh bởi mê chân hợp vọng, nên cấu thành A-lại-da-thức; do thức nầy mà biến ra các loại căn thân và khí thế giới. A-lại-da tức là thức thứ tám, thức nầy chia làm hai phần: Kiến và Tướng. Kiến phần biến thành bảy thức trước, Tướng phần biến thành căn thân và khí giới; nội lục căn vì có chấp thọ nên thuộc về thân tướng phần, ngoại khí giới vì không chấp thọ nên thuộc về sơ tướng phần.

Xem Thêm:   Người vừa niệm Phật vừa tạo nghiệp không được vãng sanh

Hai món tướng phần nầy đều do tứ đại hợp thành, tứ đại là năng tạo, y chánh là sở tạo, và tám thức là chủ thể của năng biến. Tám thức nầy chia thành tam năng biến, mà A-lại-da-thức lại là động lực căn bản. Vì thế, Duy-thức nói: “Từ vô thỉ làm nhân. Và sở y các pháp. Do đây có các nẻo. Cùng sự chứng Niết-bàn”. Lại nói: “Ba cõi không có pháp chi khác, chỉ là một tâm tạo ra. Tất cả nhân-quả, thế-giới, vi-trần đều nhân tâm mà thành thể”.

Thế giới tốt hay xấu đều do một niệm trong tâm mình tạo thành. “Con người ai cũng có lòng lành thì thế giới sẽ yên trụ mãi mãi; con người có lòng ác thì thế giới sẽ hủy diệt.” Ðó là đạo lý rất hiển nhiên. Ðạo Phật dạy người ta làm điều thiện, biết rõ nhân quả. Làm điều thiện nhiều, làm công đức nhiều, cũng có nghĩa rằng đừng có tranh, đừng có tham, không mong cầu gì cả, chẳng ích kỷ, cũng chẳng tự lợi và không nói láo.

Nếu được như vậy thì thế giới sẽ từ chỗ nguy hiểm mà trở nên an ninh. Cho nên nói: “Nhất thiết duy tâm tạo.” tức là tất cả mọi thứ đều do tâm mà ra. Tâm tạo ra thế giới, tâm cũng có thể hủy diệt thế giới. Tâm tạo ra thiên đường, tâm cũng có thể tạo ra địa ngục.

Gia đình là do mọi người làm thành, con người là do vọng tưởng mà thành hình. Nếu đem vọng tưởng xấu sửa đổi thành vọng tưởng tốt lành thì đó là người tốt. Nếu đem ý niệm thiện mà biến thành ý niệm xấu thì đó là người ác. Ðó là sự khác biệt giữa người ác và người lành. Bởi vì mọi thứ đều do tâm tạo, thiên đường hay địa ngục đều do tư tưởng và nghiệp lực của mình tạo thành.

Tất cả chỉ tâm tạo: Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Vạn Pháp đều do tâm tạo ra. Ngay cả Phật cũng do tâm quý vị tạo ra đó. Nếu tâm quý vị tu Pháp Phật thì thành Phật đạo. Nếu quý vị thích Bồ tát hạnh thì tu Bồ tát đạo, thành một vị Bồ tát. Nếu quý vị lòng muốn đọa địa ngục thì cứ nhắm hướng địa ngục mà tu thì tương lai sẽ đọa địa ngục. Cho nên nói: Mười Pháp-giới không rời một niệm tâm này.

Xem Thêm:   Sự mầu nhiệm của việc lạy Phật sám hối đúng cách, thường xuyên
3. Hạnh phúc hay khổ đau đều do tâm

Trong cuộc đời, không ai là không phải trải qua sinh lão bệnh tử, không ai là không có niềm vui và nỗi khổ. Nhưng khổ vui cũng do tâm sinh mà cũng do tâm diệt.

Trạng thái của tâm là hỷ, nộ, ai, ái, ố, lạc, dục (vui, giận, buồn, thương, ghét, mừng, muốn) là bảy thứ tình cảm của con người. Bảy thứ tình cảm này phát sinh ra hạnh phúc hay khổ đau. Hạnh phúc khi chúng ta đạt được những gì chúng ta mong muốn, ưa thích hay mong cầu; còn bất hạnh hay khổ đau khi ta bị vướng vào những rắc rối, những trắc trở, hay ước mong không đạt thành, từ đó tâm khởi phát những ưu phiền thông qua nhiều trạng thái như suy nghĩ tiêu cực, sinh khởi những niệm tưởng sầu bi, ảo não.

Vậy hạnh phúc hay khổ đau do tâm tạo tác, tâm làm chủ. Nên trần gian nói là khổ thì cũng do tâm khởi khổ mà có khổ, nói trần gian vui thì cũng do tâm khởi vui mà có vui. Nên giải thoát không đâu xa, chính ngay nơi tâm mà bình tâm, ngay nơi lòng mà an vị, ngay nơi tánh mà an nhiên, ngay nơi pháp mà bình đẳng, ngay nơi đạo mà xuất thế đạo.

Để có cuộc sống an nhiên và vui vẻ trong hiện tại và an ổn về sau thì ngay nơi tâm đối với mọi sự, mọi việc không khởi chấp. Không khởi chấp là nơi sự hay việc đó bằng cái nhìn chánh niệm hay ý nghĩ chơn chánh mà khởi làm. Dù cho sự hay việc có gian nan, có vất vả hay khổ đau phiền muộn thì bằng cái tâm buông xả, cái tâm vị tha, cái tâm chánh trực mà đối diện để vượt qua. Như nhà thiền có câu: “Khổ vui như giấc mộng”, vậy mộng là ảo hay thật? Nếu nói ảo thì tại sao lại có khổ có vui hiện hữu nơi tâm ta, mà nói thật thì khi nhìn lại tìm nó, nó cũng chẳng thật hiện hữu mà do giả danh giả hợp, do duyên mà thành, do tâm bám chấp nơi pháp mà có khởi hay không khởi.

Vậy cùng nhìn nhận một sự việc, có hai người cùng làm việc bổ củi, một người thì yêu thích công việc và làm hăng say không biết mệt. Còn một người thì thấy nó nặng nề, không thích nên làm việc uể oải và trong trạng thái buồn chán. Vậy cũng một tính chất công việc mà có người yêu thích thì làm việc hăng say, một người thì do không yêu thích nên sinh tâm buồn chán. Từ đó cho thấy tuy cùng một sự, một việc mà tâm khởi khác thì lại có kết quả khác nhau, và hạnh phúc hay đau khổ, vui hay buồn, an nhiên hay bất an đều do cái tâm cái niệm cái ý mà tạo tác khởi ra.

Xem Thêm:   Công đức của người giữ giới không dâm dục, tà dâm

Vậy, để có cuộc sống hạnh phúc thì nơi tâm hãy buông xả ý niệm tà vạy, không tốt, phân biệt. Để tâm không còn ngã kiến, tư kiến, ngã năng hay ngã sở mà từ đó tâm được an nhiên. Tâm an nhiên là gốc đạo, là nơi sản sinh ra muôn pháp. Pháp chánh, pháp lành là thiện pháp của tâm. Nếu chỉ cần khởi tà tâm, ý niệm không tốt, bất lương thì lại là nơi sản sinh muôn pháp tà đạo, bất chánh là ác pháp. Để tâm luôn an nhiên và pháp luôn là thiện pháp thì người tu nên ngoài an nhiên nơi cõi pháp, trong an định nơi cõi tâm, ý niệm luôn chơn chánh, thân khẩu ý hãy thiện lành thì có ở nơi đâu hay làm gì cũng có sự an vui yên ổn trong cõi đời trần gian này.

Đạo là tâm an nhiên, và tâm an nhiên tạo muôn nết hạnh phước lành. Hãy kiến tạo nơi tâm mình một cõi tịnh độ nơi trần thế, đem tâm mình hòa với tâm của mọi chúng sanh không phân biệt quốc gia, tôn giáo, không phân biệt địa vị khổ sang, không phân biệt thành phần xã hội hay tín ngưỡng, không phân biệt hình tướng, tướng trạng mà trải lòng khắp tất cả. Hãy cầu nguyện cho những người đã mất hay nạn tai, hay chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh hơn mình, và đạo càng sâu là hành đạo càng rộng khắp, giúp người giúp đời chứ không phải chỉ cầu mong an ổn cho chính bản thân mình. Nếu vì bản thân mình thì đạo bị bó hẹp trong cái tâm vị kỷ, cái tâm không rộng mở, vô hình trung làm cho đạo không là đạo, mà đạo là sự rộng mở của tâm hồn, đạo không phân biệt, đạo là không ngưng trệ.

Nên trong cuộc đời vô thường không chắc thật, sớm còn tối mất mà sống sao cho xứng đáng, sống sao cho tốt, để ngõ hầu tiến tu về nơi giải thoát, an nhiên, không uổng phí những năm tháng nơi trần gian này. Và hạnh phúc hay đau khổ chỉ là khác cách nhìn, cách chấp nhận hay cách ứng xử của tâm với pháp trần mà thôi.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

25 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog