Chú vãng sanh là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và công năng của chú
Pháp Giới 4 tháng trước

Chú vãng sanh là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và công năng của chú

Thần chú Vãng sanh hay còn gọi là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni do đức Phổ Hiền Bồ Tát nói ra.

1. Nguồn gốc và công năng của chú Vãng sanh

Thần Chú Vãng Sanh gọi tắt là Chú Vãng Sanh. Theo kinh Niệm Phật Ba La Mật thì đây là “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni” do đức Phổ Hiền Bồ Tát nói ra.

Kinh niệm Phật Ba La Mật: Phẩm Thứ Bảy: Khuyến Phát Niệm Phật và tụng đọc chơn ngôn.

Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Đại Bồ Tát bạch Phật rằng: Thưa Thế Tôn, con nay thương tưởng chúng sinh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mệnh ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người Niệm Phật thần chú đà la ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sinh về Cực Lạc, gọi là:

Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni:

“Nam Mô A Di Đa Bà Dạ. Đa tha dà đa dạ. Đa điệt dạ tha. A Di Rị đô bà tỳ. A Di Rị Đa tất đam bà tỳ. A Di Rị Đa tì ca lan đế. A Di Rị Đa tì ca lan đa. Già Di Nị dà dà na. Chỉ đa ca lệ. Ta Bà Ha.”

Bản phiên âm tiếng Phạn:

Nam Mô A Mi Ta Ba Da.
Ta Tha Ga Ta Da. Ta Đi A Tha
Am Ri Tot Ba Ve
Am Ri Ta Sit Đam Ba Vê
Am Ri Ta Vic’ Ran Tê
Am Ri Ta Vic’ Ran Ta. Ga Mi Ni, Ga Ga Na
Kịt Ti Ka Rê. Xoa Ha.

Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu đều phải thanh khiết. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi bốn lần. Như vậy, diệt được các tội: Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, và hủy báng Chánh Pháp, thường được Đức A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời được an ổn, phước lạc. Hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sinh Cực Lạc. Hoặc tụng đến ba chục muôn (300,000) lần, liền thấy Phật ngay trước mặt mình.

Người trì chú mà nhất tâm thì tự nhiên có sự linh ứng, trường họp có những vị không thông suốt chữ nghĩa, có khi tụng sai sót đôi chút không tổn hại, Phật vẫn chứng minh. Thần chú vãng sanh không làm trở ngại các pháp môn tu chính của những người con Phật.

Thọ trì thần chú vãng sanh, không nên quan niệm chỉ riêng cầu cho người qua đời, mà người hiện tiền không trì chú vãng sanh thì không dứt nghiệp chướng, nghiệp lực tuy không hình bóng nhưng không nhẹ nhàng chút nào, nhưng nếu phát tâm trì tụng thần chú vãng sanh thì nghiệp chướng tiêu trừ, thân tâm thư thái, dũng mãnh siêng tu các pháp môn khác, điều ngự các nghiệp chướng trong nhiều đời nảy sanh, chuyển hóa tâm hung ác thành thánh thiện, giúp người tu có cơ sở giải thoát những nghiệp lực hiện tiền.

Thần chú vãng sanh là chú lực của hành giả Mật tông, nhưng vẫn là pháp tu chánh của các liên hữu tu Tịnh độ, khi phát nguyện trì tụng không cần phải lập đàn, kiết giới, kiết ấn. Một cách khác, có thể tùy nghi đọc tụng mọi lúc mọi nơi, vừa hộ mình vừa hộ cho các âm hồn người đã khuất, xây dựng niềm tin Phật pháp cho mọi người, làm nảy sanh sinh khí trong đời sống thường nhựt.

Người xưa tu hành, nơi thâm sơn cùng cốc, non núi, trong chốn thiền lâm hay sắp xếp chương trình tu “Trú dạ lục thời”, tức là ngày đêm hành pháp tụng niệm sáu thời.

Trong cách thức trì chú vãng sanh, có nhiều nơi hướng dẫn cho cư sĩ ngày đêm tụng sáu thời, ngày ba thời: – 4 giờ – 8 giờ – 12 giờ; đêm ba thời: – 16 giờ – 20 giờ – 24 giờ, mỗi thời tụng 21 biến thần chú vãng sanh. Như vậy, diệt được các tội tứ trọng, giết cha, giết mẹ, giết A la hán, làm thân Phật ra máu, thập ác, tội hủy báng chánh pháp (Bài bác kinh đại thừa phương quảng) và tránh được sự nhiễu hại của chúng ma quỷ, ác thần. Chư Tăng Ni trong các tự viện lớn thường lập đàn nhập thất trì chú, niệm công cứ lên đến hằng trăm ngàn, hằng triệu thần chú.

Xem Thêm:   Cách Hồi Hướng Công Đức

Trong những năm 1970-1984, tại Quan Âm Tu Viện Hòa thượng Tôn sư thường xuyên nói pháp sách tấn Tăng Ni tu hành; qua đó Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Chơn, chư Tăng, chư Ni thường tìm những nơi tĩnh lặng, trong huê viên Tu viện để niệm công cứ trì chú đại bi, chú vãng sanh. Thường là các vị niệm được một chuỗi 108 thần chú thì dùng chưn hương bẻ một đoạn làm công cứ, trong một ngày mỗi vị có rất nhiều chưn hương để vào hộp công cứ; trình Thầy Tổ chứng minh, thời ấy các vị hành pháp rất có hiệu quả.

Quan Âm Tu Viện là nơi được Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Hòa thượng Thích Trí Tấn, thành viên Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Sông bé, Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch thường trực Hội Ðồng Trị sự Trung ương thân hành thăm viếng Quan Âm Tu Viện tỏ lời khen ngợi một tập thể tinh tiến chung tu.

Chư liên hữu tinh chuyên tu niệm Phật, nhưng có gia hạnh trì thần chú trọn đời hành pháp nhất tâm, ngày đêm tâm thanh tịnh thân trang nghiêm đạo hạnh thì thường được thấy Phật A Di Ðà, chư thiên, thiện thần lai hộ trì, các cõi âm binh, thập loại chúng cô hồn, ác thần không đến quấy nhiễu. Hiện đời được phước lạc, đến khi lâm chung, được Phật A Di Ðà, Quan Âm, Thế Chí tiếp dẫn vãng sanh Cực lạc.

Xem Thêm:   Ngày Thập Trai là những ngày nào? Ý nghĩa 10 ngày Trai

Chú vãng sanh là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa và công năng của chú

2. Ý nghĩa của chú Vãng sanh

Xưa nay, phần lớn những hành giả thường trì niệm thần chú Vãng sinh theo phiên âm tiếng Hán. Chúng ta có thể trì niệm theo nguyên văn tiếng Phạn (đã phiên âm) và tìm hiểu đôi chút về “ý nghĩa” của thần chú này.

– Namo Amitàbhàya
(Na-mô A-mi-ta-pha-gia)
Nam mô A di đa bà dạ
Quy mạng Vô Lượng Quang (A Di Đà)

– Tathàgatàya
(Ta-tha-ga-ta-gia)
Đa tha già đa dạ
Như Lai

– Tadyathà
(Ta-di-gia-tha)
Đa điệt dạ tha
Nên nói thần chú

– Amrto dbhave
(A-mờ-rật-tô đờ-pha-vê)
A di rị đô bà tỳ
Cam lộ hiện lên

– Amrta sambhave
(A-mờ-rật-ta sam-pha-vê)
A di rị đa tất đam bà tỳ
Cam lộ phát sinh

– Amrta vikrànte
(A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-tê)
A di rị đa tỳ ca lan đế
Cam lộ dũng mãnh

– Amrta vikrànta gamini
(A-mờ-rật-ta vi-kờ-răm-ta ga-mi-ni)
A di rị đa tỳ ca lan đa già di nị
Đạt đến Cam lộ dũng mãnh

– Gagana kìrtti kare
(Ga-ga-na kít-ti ka-rê)
Già già na, chỉ đa ca lệ
Rải đầy hư không

– Svàhà
(Sờ-va-ha)
Ta bà ha
Thành tựu cát tường.

Như vậy, Bồ tát Phổ Hiền trong pháp hội tại Linh Sơn đã vì chúng sinh đời mạt pháp về sau mà xin phép Thế Tôn tuyên thuyết thần chú Vãng sanh. Theo lời dạy của Bồ tát, nếu có người nào phát nguyện sinh về Cực lạc nhưng vì phước mỏng nghiệp dày, niệm Phật chưa đạt đến nhất tâm thì có thể nương nhờ công đức của thần chú Vãng sanh để được như nguyện. Hành giả thực hành trai giới, giữ ba nghiệp: thân, miệng, ý thanh tịnh; mỗi ngày trì niệm 6 thời, mỗi thời 21 biến thì chắc chắn tiêu trừ tất cả nghiệp chướng, cho dù là ngỗ nghịch hay thập ác tội chướng.

Thần chú Vãng sanh có tầm quan trọng như thế, nên người tu cần phải luôn trì niệm nhằm thú hướng đến chốn an lạc.

Nguồn: Phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

199 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog