Pháp Giới 12 tháng trước

Cõi Dục giới là gì? Tìm hiểu về cõi Dục giới trong Phật giáo

Trong Tam giới, Dục giới thuộc về xứ sở hạ phương. Được mệnh danh là Dục giới, vì chúng sanh ở nơi đây nhiễm năm thứ dục lạc: Sắc dục, tiền của, danh vị, ăn mặc, ngủ nghỉ.

Con người được coi như một tiểu thiên địa, một vũ trụ thu nhỏ. Vũ trụ bao la có vô số hệ mặt trời có sự sống giống như trái đất. Một hệ mặt trời mà có 1 hành tinh có sự sống có thể tạm gọi là Tam Giới.

Tam giới là toàn bộ thế giới quan, chủng loài, hình thành nên cõi Ta Bà, bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, không phải là Thiên, Nhân, Địa, như nhiều người lầm tưởng.

Trong Tam giới, Dục giới thuộc về xứ sở hạ phương. Được mệnh danh là Dục giới, vì chúng sanh ở nơi đây nhiễm năm thứ dục lạc: Sắc dục, tiền của, danh vị, ăn mặc, ngủ nghỉ. Dục giới cũng gọi là chỗ Ngũ thú tạp cư. Ngũ thú là: Trời, Người, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Tạp cư có hai nghĩa:

  • Trong cõi Dục gồm có năm chủng loại ở.
  • Trong mỗi chủng loại lại có các chủng loại khác ở lẫn lộn. Như nơi cõi trời cũng có Súc sanh, Quỷ thần. Nơi cõi người có Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục.

Dục giới gồm có 11 cõi: 4 cõi khổ và 7 cõi thiện Dục giới như sau:

1. Ðịa Ngục (Niraya): Cõi này chỉ có mọi sự thống khổ chứ không có sự an vui, nơi mà các chúng sinh Tự Trừng Phạt do các Ác Nghiệp đã tạo. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.

Địa ngục nằm nơi Núi Thiết Vi. Lược thuật thì Địa Ngục có hai chủng loại hàn, nhiệt. Về nhiệt ngục từ khinh đến trọng có tám thứ: 1. Đẳng Hoạt. 2. Hắc Thằng. 3. Chúng Hiệp. 4. Hiều Kiếu. 5. Đại Kiếu Hoán. 6. Viêm Nhiệt. 7. Cực Nhiệt. 8. Vô Gián.

Mỗi ngục trên đây đều có 16 ngục phụ, như thế kể cả bản ngục và phụ ngục của hai loại hàn nhiệt, tất cả có 272 ngục. Ngoài phụ ngục còn có nhiều tiểu ngục, ngoài tiểu ngục lại có vô số biên ngục. Đại khái, chúng sanh nào tạo thập ác thuộc về phẩm thượng thượng, sẽ bị đọa vào chánh ngục. Chúng sanh nào tạo thập ác thuộc về phẩm thượng trung, sẽ bị đọa vào phụ ngục. Chúng sanh nào tạo thập ác thuộc về phẩm thượng hạ, sẽ bị đọa vào tiểu ngục, biên ngục. Các ngục sở do đồng, sắt hoặc đá tạo thành, những hình cụ trong ấy nhiều đến vô lượng. Tất cả đều bởi nghiệp ác của chúng sanh mà huyễn hiện.

Xem Thêm:   Lời Phật dạy về lòng tin giúp ta tránh đau khổ, mất mát và thất vọng

2. Ngạ Quỷ (Pettivisaya): Chúng không phải là ma quỷ vô hình, chúng có sắc thân nhưng mắt người không thể thấy được. Chúng không có cảnh giới riêng và luôn luôn bị đói khát. Chúng sống ở nhiều nơi khác nhau, nhà dân, rừng núi, hang động hay các chỗ nhớp nhúa… Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.

3. Súc Sanh (Tiricchānayoni): Các sinh vật đi ngang, bò đi, không đi thẳng như người, còn gọi là Bàng sanh, gần như là tất cả sinh vật bình thường trừ con người. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.

4. A-Tu-La (Asurakāya): Asura nghĩa là những vị không có hoan lạc hay không chói sáng. Những chúng sanh này rất hung dữ, hay gây gổ. Loại A-Tu-La sanh ở đây không giống với loại A-Tu-La chư thiên chuyên gây chiến với chư thiên và sống ở cõi Tam Thập Tam Thiên. Cõi khổ có tuổi thọ không nhất định.

5. Cõi người (Manussa): những người có tâm cao thượng, do đó phải hiểu rằng được làm người là rất khó, tất cả mọi đứa trẻ bình thường được sinh ra đều là những thiên thần, chính cuộc sống và những người xung quanh biến chúng thành quái dị, con người là cái gì đó rất thiêng liêng và cao quý.

6. Tứ Thiên Vương (Cātummahārājika): đây là cõi thấp nhất trong các cõi chư thiên. Tuổi thọ 9.000.000 tuổi người. Dưới nó còn có các chư thần thấp hơn như sơn thần, thổ địa, thánh mẫu … (thường 1 ngày của họ bằng 1 tháng, 1 năm hoặc hơn tùy theo tầng cao hay thấp).

Núi Tu Di hình thế khoảng giữa eo lại, trên dưới rộng ra. Từ mặt nước lên đến giữa núi Tu Di có bốn tầng cấp. Tầng cấp thứ nhất bao vòng quanh núi là chỗ ở của thần Kiên Thủ. Tầng cấp thứ hai bao vòng quanh núi là chỗ ở của thần Trì Hoa Man. Tầng cấp thứ ba bao vòng quanh núi là chỗ ở của thần Thường Phóng Dật. Ba xứ sở nầy là nơi ở các thần dưới quyền thống lãnh của Tứ Thiên Vương. Tầng cấp thứ tư bao vòng quanh núi là trụ xứ của bốn vị thiên vương, gọi là Tứ Thiên Vương.

Tứ Thiên Vương thống lãnh chư thần ủng hộ bốn đại bộ châu.

  • Phương đông, giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Trì Quốc thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Đông Thắng Thần Châu.
  • Phương nam giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Tăng Trưởng thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Nam Thiệm Bộ Châu.
  • Phương tây giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Quảng Mục thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Tây Ngưu Hóa Châu.
  • Phương bắc giữa chừng núi Tu Di, là chỗ ở của Đa Văn thiên vương và chư thiên tùy thuộc. Họ bảo hộ Bắc Câu Lư Châu.
Xem Thêm:   Thiên Ma trong đạo Phật: Loại ma có thực, quyền năng cực lớn

Tứ Thiên Vương mỗi vị đều có tám viên đại tướng, chín mươi mốt người con. Theo Trí Luận thì các thần núi, sông, đất, rừng, cây, thành quách, cung điện…. tất cả Quỷ thần đều thuộc về quyền thống nhiếp của Tứ Ðại Thiên Vương.

7. Tam Thập Tam Thiên (Tāvatimsa): Ðế Thích (Magha) cư ngụ ở đây. Sở dĩ gọi như vậy vì theo tích truyện có 33 vị dưới sự hướng dẫn của Ðế Thích đã làm những việc thiện và được tục sinh tại đây. Tuổi thọ 36.000.000 tuổi người.

Trên đảnh núi Tu Di là xứ sở của trời Đao Lợi (Tam thập tam thiên). Nơi đây địa thế rộng rãi tốt đẹp. Ở bốn góc trên đảnh núi Tu Di có bốn tòa núi nhỏ, bề cao và rộng đều 500 do tuần, có thần Dược Xoa tên là Kim Cương Thủ trụ nơi đây để tuần thị và hộ vệ chư thiên. Chính giữa đảnh Tu Di có khu thành rộng lớn tên là Diệu Kiến. Chỗ nầy là thành đô của trời Đế Thích, lâu các nguy nga tráng lệ, nghiêm sức bằng các thứ tạp bảo.

Xung quanh thành Diệu Kiến có 32 thiên xứ, mỗi nơi do một vị thiên chủ quản trị. Ba mươi hai thiên xứ nầy với trung đô của Đế thích, hợp lại 33 thiên xứ, nên gọi là Tam thập tam thiên. Nếu tính từ mặt đất lên đến cảnh trời Đao-lợi thì khoảng cách là 84.000 do-tuần.

8. Dạ Ma Thiên (Yāma): Yam nghĩa là tàn phá, diệt trừ. Nơi đây mọi đau khổ đều được trừ diệt. Tuổi thọ 144.000.000 tuổi người.

Từ cõi Đao Lợi lên trên 160000 do tuần, có một thiên giới lơ lửng như mây, do thất bảo nhu nhuyễn tạo thành, bằng phẳng an ổn, chu vi rộng 80000 do tuần, cung điện lâu các, vườn cây ao hoa, tất cả đều trang nghiêm diễm lệ. Đây là cõi trời Dạ Ma (Tu Diệm Ma).

Ðây là nơi mà ánh mặt trời và mặt trăng đều không giọi tới được. Thế thì nơi ấy có lẽ rất tối tăm? Cũng không hẳn! Bởi thiên nhân ở cõi Dạ Ma Thiên này trên thân đều có hào quang chiếu sáng, cho nên cũng không cần tới ánh sáng của mặt trời và mặt trăng.

9. Ðâu Suất Ðà Thiên (Tusita): những vị sống sung sướng. Theo tục truyền, vị Bồ Tát tương lai (Di Lặc) đang sống tại đây và chờ cơ hội thuận tiện để tái sinh làm người và thành Phật. Tuổi thọ 576.000.000 tuổi người.

Xem Thêm:   Chuyện nhân quả luân hồi: Người trở về từ âm phủ

Từ trời Dạ-Ma lên trên cách 320000 do tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng như mây, chu vi rộng 160000 do tuần. Đây là cõi trời Đâu Suất Đà.

“Ðâu Suất Ðà” là Phạn ngữ (Tusita); Trung Hoa dịch là “tri túc” (biết đủ); do đó cũng gọi là “Tri Túc Thiên.” Ðâu Suất Ðà Thiên gồm có nội viện và ngoại viện. Bồ Tát Di Lặc hiện ngụ tại nội viện, còn các thiên nhân thì ở tại ngoại viện.

Tam Tai (ba thứ tai họa – lửa cháy, nước lụt, gió bão) không lan tràn đến Ðâu Suất Nội Viện được, song vẫn có thể hủy diệt Ðâu Suất Ngoại Viện.

10. Hóa Lạc Thiên (Nimmānarati): những vị sống hoan lạc trong những lâu đài tự tạo ra. Tuổi thọ 2.304.000.000 tuổi người.

Từ trời Đâu Suất lên trên cách 640000 do tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng như mây, chu vi rộng 320000 do tuần. Đây là cõi trời Hóa Lạc. Sự vui sướng tại cảnh trời này có tánh biến hóa, bởi sự vui sướng phi thường ấy là do chư thiên ở đó biến hóa ra.

11. Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paranimmitavasavatti): những vị đem dưới quyền của mình các vật do các vị khác đã hóa hiện. Tuổi thọ 9.216.000.000 tuổi người.

Từ cõi Hóa-Lạc lên trên cách 1.280.000 do tuần, có một thiên giới bằng thất bảo, lơ lửng trên mây, chu vi rộng 640000 do tuần. Đây là cõi trời Tha Hóa Tự Tại, nơi ở của Thiên Ma, cũng là tầng trời cao nhất của Dục giới.

Sự vui sướng ở Tha Hóa Tự Tại Thiên vốn là của các cõi trời khác hóa hiện ra; vì chư thiên ở đây có thần thông nên họ có thể chuyển dịch sự vui sướng của các cõi trời khác về cõi trời của họ. Tha Hóa Tự Tại Thiên là nơi trú ngụ của thiên ma, chứ không phải của các vị thiên thần hoặc tiên nhân chân chánh.

Sáu cảnh trời kể trên – Tứ Vương Thiên, Ðao Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Ðâu Suất Ðà Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên – được gọi chung là Lục Dục Thiên. Vì sao gọi là “Lục Dục Thiên” (sáu cõi trời dục)? Bởi vì các thiên nhân ở đó tuy được sanh lên cõi trời nhưng vẫn còn tâm dâm dục, vẫn còn những ý nghĩ không thanh tịnh.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

179 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog