Pháp Giới 5 tháng trước

Cầu nguyện trong Phật giáo có ý nghĩa gì? Chánh tín hay mê tín?

Cầu nguyện là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng. Cầu nguyện là chánh tín hay mê tín?

1. Cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng. Trong Phật giáo, các từ ngữ “cầu nguyện,” “cầu xin” hay “ước nguyện” được hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ “pràrthanà” (Sanskrit) hay “patthanà” (Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc “pra + arth” có nghĩa là ước nguyện, ước muốn, mong cầu, cầu xin.

Cầu nguyện là một nhu cầu tinh thần của con người, một nhu cầu chính đáng. Trước hết là giải tỏa các ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm, những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội.

Thứ đến cầu nguyện là thể hiện các ước mơ, niềm hy vọng của con người về đời sống hiện thực hay lý tưởng, dù sao cầu nguyện vẫn là một biểu hiện của thiện tâm, nghĩa là khi một người chấp tay, cúi đầu trước bàn thờ Phật, Thánh, lòng họ trở nên khiêm hạ, cái ” Ta” trở nên nhỏ bé, lương tâm thổi dậy và tâm hồn họ được bình hòa.

Sự cầu nguyện trong đạo Phật còn là một pháp môn tu tập của người phật tử, nhờ cầu nguyện mà nguyện lực của họ mạnh mẽ, niềm tin tăng trưởng, thiện nghiệp được phát huy, ác nghiệp được tiêu trừ, tâm xu hướng lộ trình giải thoát.

Trong ý nghĩa thông tục, cầu nguyện là một biểu hiện lòng nhớ ơn, đền ơn đáp nghĩa đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân… một biểu hiện của tình thương yêu, quan tâm, lo lắng đến nhau như các cầu nguyện: cầu siêu, cầu an, sám hối …

Sự cầu nguyện ban đầu như là biểu hiện của sự lo lắng vị kỷ, nhưng dần dần do bản chất của sự cầu nguyện sẽ nâng cao tinh thần vị tha. Những lời khấn nguyện, niệm hương, bạch Phật, phục nguyện, hồi hướng, trong đạo Phật đều mang tính 2 mặt cho mình và cho chúng sinh. Nghĩa của sự cầu nguyện là nâng cao đời sống tinh thần và củng cố niềm tin cho chính mình và tha nhân.

2. Cầu nguyện là chánh tín hay mê tín?

Trong nhà chùa mỗi khi tụng kinh, mọi Phật sự đều có cầu nguyện. Sự cầu nguyện này là chánh tín hay mê tín? Câu hỏi này không thể trả lời một chiều, tùy chỗ hiểu biết của mỗi người, sự cầu nguyện là mê tín, cũng là chánh tín.

Mê tín

Nếu chúng ta khẳng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện, đó là mê tín. Vì sao? Bởi vì, nếu cầu nguyện mà được, thì không cần nói đến nhân quả nghiệp báo. Nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả thì sự cầu nguyện khó mà toại nguyện.

Xem Thêm:   Chỉ niệm A Di Đà Phật có bị Phật và Bồ Tát khác giáng tội không?

Bởi lẽ, thế gian có kẻ tạo nghiệp lành, người tạo nghiệp dữ. Người tạo nghiệp lành khi phước báo đến thì được như nguyện. Kẻ tạo nghiệp dữ khi nghiệp báo đến, dù có nguyện cầu cũng khó thoát khỏi quả khổ. Thế thì làm sao dám cố định cầu nguyện là được như ý. Người chấp cố định, là sai lầm không hợp lý, nên thuộc mê tín.

Chánh tín

Chúng ta chỉ xem cầu nguyện như những lời chúc lành là chánh tín. Vì quý kính cha mẹ, quý kính người thân, chúng ta hằng cầu nguyện cho những vị ấy song có được như nguyện hay không, còn tùy thuộc phước duyên dày mỏng của những vị ấy. Mặc dù không được như nguyện, cũng nói lên được lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta.

Cũng như vì hiếu kính những người trưởng thượng, những bạn bè thân hữu, đầu năm mọi người chúc lành cho nhau. Những lời chúc lành này không hẳn thể hiện được, nhưng cũng nói lên được lòng quí mến nhau.

Hơn nữa, người tu Phật cầu nguyện với mục đích phá tan tâm niệm vị kỷ của mình. Bất cứ một Phật sự nào, chúng ta đều hồi hướng nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo.

Mới nghe qua dường như những lời nguyện suông, không thể thực hiện được. Song trên tinh thần phá ngã, cứ lập tới, lập lui mãi tâm niệm vì tất cả chúng sanh, khiến người ta quên bẵng bản ngã riêng tư của mình.

Xem Thêm:   Hiện thế báo của tà dâm – Trích Báo ứng hiện đời

Mọi việc làm đều không phải vì mình, không được nghĩ lợi ích riêng cho mình, mà phải vì nhân loại, vì tất cả chúng sanh. Hằng ngày cứ huân tập mãi tâm niệm này, đến một khi nào đó, chúng ta không còn thấy bản ngã riêng, đồng hóa mình và chúng sanh không khác.

Thế là chúng ta phá được chấp ngã và phát tâm đại từ bi, xem mọi khổ vui của người như của chính mình. Hiểu cầu nguyện và ứng dụng cầu nguyện như vậy, quả thật là chánh tín.

Trích “Sách Bước đầu học Phật” – HT. Thiền sư Thích Thanh Từ!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

2 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog