Pháp Giới 4 tháng trước

Thập nhị nhân duyên là gì? Ý nghĩa và nội dung của 12 nhân duyên

Thập nhị nhân duyên tức là mười hai nhân duyên căn bản sinh ra hết thảy mọi loài hữu tình và vạn pháp, bao gồm: Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử.

1. Thập nhị nhân duyên là gì?

Thập nhị nhân duyên tức là mười hai nhân duyên căn bản sinh ra hết thảy mọi loài hữu tình và vạn pháp, bao gồm:

  1. Vô minh
  2. Hành
  3. Thức
  4. Danh sắc
  5. Lục nhập
  6. Xúc
  7. Thọ
  8. Ái
  9. Thủ
  10. Hữu
  11. Sanh
  12. Lão Tử

Mười hai nhân duyên này liên quan mật thiết với nhau. Mỗi nhân duyên vừa làm quả cho nhân trước, vừa làm nhân cho quả sau. Chúng sanh khởi, nối tiếp không ngừng, khiến chúng sinh trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi. Từ một niệm sinh khởi và diệt mất ngay trong tâm chúng ta, cho đến sinh khởi và diệt mất của cả vũ trụ này, đều do Thập nhị nhân duyên chi phối.

Người đời, vì không hiểu sự vật trong vũ trụ này do đâu mà có, cho nên sanh ra nhiều quan niệm sai lầm: Hoặc cho rằng vũ trụ do một vị thần toàn trí, hoặc do một đấng toàn năng tạo ra v.v… Thực ra Vũ trụ là vô thỉ, nghĩa là không có điểm khởi đầu và chẳng có điểm kết thúc. Mọi sự vật trong vũ trụ không đứng riêng một mình mà nương nhờ nhau mà thành. Nói một cách khác, từ vật lớn cho đến vật nhỏ, từ hữu hình cho đến vô hình, đều không ngoài nhân duyên mà có.

Vì thế, trong kinh Phật thường nói: “Chư pháp tùng duyên”. Sự hiện hữu của loài hữu hình, hay nói riêng của loài người, cũng không ngoài công lệ ấy được. Muốn hiểu rõ một cách tường tận cái guồng máy của sự sanh tử luân hồi trong bể khổ trần gian, chúng ta cần phải học lý “Thập nhị nhân duyên”. Sau khi hiểu rõ lý thập nhị nhân duyên, chúng ta lại còn phải tìm hiểu phương pháp để dứt trừ cái vòng luẩn quẩn sanh tử luân hồi nữa. Muốn hiểu và dứt trừ cái vòng sanh tử luân hồi, chúng ta phải học và thực hành pháp quán nhân duyên.

2. Vì sao gọi là “Nhân duyên”

Nhân là nguyên nhân, chỉ cho những sự vật chính là nhân, trực tiếp sanh ra một vật khác. Như hạt lúa làm nhân sanh ra cây lúa. Duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật gì có tánh cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được thành. Như phân, nước, ánh sáng, nhân công… là trợ duyên giúp cho hạt lúa được thành cây lúa.

Vậy nhân duyên là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ duyên cho tất cả vật chung quanh nó. Chữ “Nhân duyên” lại có nghĩa thứ hai: Các vật đều là “nhân”, các “nhân” đó “duyên” với nhau mà thành ra các vật khác. Như vôi, gạch, ngói, gỗ v.v… là nhân, các nhân này duyên nhau mà thành ra cái nhà. Vì các pháp trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau, mà thành ra vật thế này hay thế khác, nên trong kinh chép: “Chư pháp trùng trùng duyên khởi”.

3. Nội dung của thập nhị nhân duyên

Vạn pháp do nhân duyên hòa hợp sanh ra, trong đó Thập nhị nhân duyên nắm phần cương lãnh. Như thế, 12 nhân duyên sanh ra loài hữu tình là: 1. Vô minh, 2. Hành. 3. Thức. 4. Danh sắc. 5. Lục nhập. 6. Xúc. 7. Thọ. 8. Ái. 9. Thủ, 10. Hữu. 11. Sanh. 12. Lão Tử.

Vô minh

Vô minh là không sáng, tối tăm, mờ ám, si mê v.v… Vô minh, lại có khi để chỉ các phiền não như tham, sân, si. Vô minh có khi chỉ riêng cho Si tâm sở. Như nói “Độc hành vô minh” hay “Tương ưng vô minh” là đều chỉ riêng cho “Si tâm sở”: Khi nó khởi riêng một mình, hoặc chung cũng với phiền não, tham, sân v.v…

Xem Thêm:   Vợ chồng là duyên là nợ, duyên nợ của vợ chồng là từ đâu đến?

Vô minh lại phân ra hai loại: Căn bản vô minh và Chi mạt vô minh. Như trong mười hai nhân duyên, cái “Vô minh” đầu là căn bản, vì nó là gốc sanh ra các Vô minh sau; Còn “ái, thủ, hữu” là chi mạt vô minh.

Trong Tứ Hoặc, thì Kiến hoặc, Tư hoặc, Trần sa hoặc là chi mạt vô minh; Còn Vô minh hoặc là căn bản Vô minh.

Trong Ngũ Trụ Địa, thì Kiến nhất xứ trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa và Hữu ái trụ địa là chi mạt vô minh; Còn Vô minh trụ địa là căn bản vô minh.

Nói tóm lại, tất cả phiền não, hoặc thô, hoặc tế của Ðại Thừa hay Tiểu Thừa, có tánh cách làm cho chân tâm bị ẩn, gương trí tuệ lu mờ thì gọi là vô minh.

Hành

Hành là hành động, tạo tác. Do vô minh phiền não nổi lên, làm cho thân, khẩu, ý, tạo tác ra các nghiệp lành hay dữ nên gọi là “hành”.

Thức

Thức là thần thức, chỉ cho phần tinh thần. Do thân, khẩu, ý, ba nghiệp tạo tác những nghiệp lành hay dữ nên khi chết rồi, các nghiệp dẫn dắt thần thức đi lãnh thọ quả báo khổ hay vui ở đời sau.

Danh sắc

Danh sắc là thân thể. Trong thân thể người có hai phần: Phần tinh thần (Tâm) chỉ có tên kêu gọi, chứ không có hình sắc nên gọi là “danh”. Phần thể chất có hình sắc, nên gọi là “sắc”.

Lục nhập

Lục nhập, gọi nôm na là sáu chỗ vào. Khi đã có thân thể rồi, cố nhiên phải có sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu căn này là chỗ của sáu trần (Sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp) phản ảnh vào, nên gọi là “lục nhập”.

Xúc

Xúc là tiếp xúc. Trong sáu căn, ngoài sáu trần thường gặp gỡ tiếp xúc với nhau. Như mắt tiếp xúc với sắc. Tai tiếp xúc với tiếng. Mũi tiếp xúc với mùi. Lưỡi tiếp xúc với vị. Thân tiếp xúc với ấm lạnh, trơn nhám. Ý tiếp xúc với pháp trần.

Thọ

Thọ là lãnh thọ. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, rồi lãnh thọ những cảnh vui, buồn hay sướng, khổ.

Ái

Ái là ưa muốn. Khi lãnh thọ cảnh vui thì sinh lòng tham, tính muôn cách sở hữu cho được. Khi gặp cảnh khổ thì sanh tâm sân hận, buồn rầu, muốn xa lìa… Ðây là cái động cơ thúc đẩy thân, khẩu, ý, tạo tác các nghiệp.

Thủ

Thủ là giữ lấy, tìm cầu, nói rộng ra là các hành động tạo tác. Do gặp cảnh thuận thì tham cầu, gặp cảnh nghịch lại sân, si tiêu cực… Mục đích là muốn tìm phương này kế nọ để giữ cho được bản ngã của mình. Do đó mà tạo ra các nghiệp sanh tử.

Hữu

Hữu là có. Vì đời này đã nghiệp lành hay dữ do mình tạo ra, nên đời sau quyết định phải “có” quả khổ hay vui mà mình phải thọ nhận.

Sanh

Sanh là sanh ra. Do “ái, thủ, hữu” làm nhân hiện tại tạo ra các nghiệp, nên qua kiếp sau, phải sanh ra đời để thọ quả báo.

Lão Tử

Lão Tử là già, chết. Chúng sanh đã sanh ra, tất nhiên phải chịu các khổ già và chết, không ai tránh được.

Thập nhị nhân duyên này liên quan mật thiết với nhau: Vừa làm quả cho nhân trước, vừa làm nhân cho quả sau, nối tiếp bất tận khiến cho chúng sinh muôn kiếp trôi lăn trong vòng sanh tử.

4. Ý nghĩa của học thuyết thập nhị nhân duyên

Thập nhị nhân duyên là phép tu hành của Duyên giác thừa, phép này chủ yếu quán sát tất cả các sự vật, cho đến luân hồi, đều do nhân duyên mà phát khởi, nhân duyên hội họp thì gọi là sanh, nhân duyên tan rã thì gọi là diệt, sự thật vốn không có cái gì sinh, cái gì diệt cả.

Xem Thêm:   Giới Luật là gì? Tầm quan trọng của giới luật

Trước khi Phật ra đời, cũng đã có nhiều vị tu hành giác ngộ được đạo lý nhân duyên, ra khỏi luân hồi, đó là các vị Độc giác.

Các vị Độc giác thường quán tất cả các sự vật, dù thân hay cảnh, dù sống hay chết, đều do các duyên hội hợp mà hóa thành như có, chứ không phải thật có. Các vị thường quán các sự vật, chỉ có tánh đối đãi, chứ không có tự tánh. Ví dụ như tờ giấy, nó có những tính cách là mỏng, là vuông, là trắng, những tính cách đó đều là đối đãi, vì mỏng đối với dày mà có, vuông đối với cái không phải vuông mà có, trắng đối với cái không phải trắng mà có, lại tờ giấy là vật có hình tướng, cũng có đối với không mà thành, rõ ràng tờ giấy chỉ có những tính cách đối đãi, ngoài những tính cách ấy ra, thì không chỉ thế nào là tờ giấy được.

Lại tờ giấy là một nhất hợp tướng, do rất nhiều cực vi kết hợp lại mà thành, ngoài các cực vi ra, cũng không còn tờ giấy nữa.

Lại tờ giấy có những nguyên nhân của tờ giấy, nơi tờ giấy, người ta có thể nhận rõ tác dụng của các nguyên nhân ấy, đã kết hợp như thế nào, ngoài những tác dụng ấy ra, cũng không thể tìm cái gì là tờ giấy được.

Quán sát như thế, thì nhận rõ được các tướng của sự vật đều giả dối, không thật, theo duyên mà phát hiện, theo duyên mà thay đổi, không có gì là chắc thật cả.

Các vị Độc giác quán sát như thế, thì ngộ được các pháp đều vô ngã, cảnh cũng vô ngã, thân cũng vô ngã, cho đến những sự sống, chết đều vô ngã. Đồng thời, các vị Độc giác cũng ngộ được các pháp vô ngã như thế, theo duyên mà chuyển biến, mà thường dùng định lực quán cái có ra không, cái không ra có, làm cho càng rõ thêm sự thật của mọi sự vật, chứng được bản tánh vô ngã và ra khỏi luân hồi.

Đối với những đệ tử Phật, có căn cơ quán sát nhân duyên, thì Phật dạy 12 nhân duyên phát khởi ra luân hồi, để các đệ tử ấy tu tập theo và chứng quả Duyên giác.

Mười hai nhân duyên của luân hồi là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác, trong một đời cũng như trong nhiều đời. Mười hai nhân duyên ấy là vô minh duyên ra hành, hành duyên ra thức, thức duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục nhập, lục nhập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, thủ duyên ra hữu, hữu duyên ra sinh, sinh duyên ra lão tử.

Mười hai nhân duyên là một dây chuyền liên tục, chuyền từ khâu này đến khâu khác trong nhiều đời. Do có vô minh qua hành ở các đời quá khứ nên duyên khởi ra thức tâm của đời này. Thức tâm ấy, theo nghiệp báo duyên sinh ra danh sắc, danh sắc duyên sinh ra lục thập, lục thập duyên sinh ra xúc, xúc duyên sinh ra thọ. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ, đều là cái quả báo dị thục của các nghiệp, đã gây ra từ trước.

Khi tâm chúng sinh chịu cái quả báo đó, thì do sự đối đãi giữa thân và cảnh lại sinh ra những điều ưa ghét, đó là ái. Rồi do có ưa ghét, mà gắn bó với thân và cảnh, chấp là thật có, không biết thân tâm và cảnh giới đều duyên khởi như huyễn, đó là thủ. Do có chấp trước, nên mọi sự vật, vốn là huyễn hóa, lại biến thành thật có, thân cũng có, cảnh cũng có, ý thức phân biệt cũng có, mình cũng có, người cũng có, rồi từ đó, sinh ra có gây nghiệp và có chịu báo.

Xem Thêm:   Hành trì kinh Dược Sư chuyển hóa được ách nạn, bệnh tật

Đã có gây nghiệp và đã có chịu báo, thì khi hết thân này, nghiệp báo sẽ dẫn dắt vào một thân khác trong vị lai, đó là sinh, mà đã có sinh thì nhất định có lão tử.

Nếu xét các duyên, từ đời hiện tại đến đời tương lai, thì chẳng những cái vô minh sẵn có từ trước là vô minh, mà thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ cũng đều thuộc về vô minh. Hành cũng thế, chẳng những các nghiệp quá khứ là hành, mà các nghiệp hiện tại như ái, thủ hữu cũng đều thuộc về hành. Như thế, vô minh quá khứ cộng với vô minh hiện tại, cùng nhau duyên khởi ra thức tâm của nghiệp báo đời sau. Về nghiệp báo đời sau, thì trong một chữ sanh, đã gồm đủ thứa, danh sắc, lục nhập, xúc, thụ, ái và thủ, hữu, thì một phần thuộc về sanh, một phần thuộc về lão tử. Rồi do trong đời vị lai này, có gây nghiệp, có chịu báo, nên có sanh và lão tử đời sau nữa.

Do mười hai nhân duyên chuyển mãi, từ khâu này đến khâu khác, trong quá khứ, hiện tại, vị lai, nên chúng sinh chìm đắm mãi mãi trong đường luân hồi.

Nhưng nếu xét cho cùng, thì chẳng những trong nhiều đời, mà trong một đời, chẳng những trong một đời, mà trong từng niệm, từng niệm, mười hai nhân duyên vẫn duyên khởi ra nhau, liên tục không gián đoạn. Trong một đời, thì chúng sinh do vô minh không nhận đạo lý duyên khởi như huyễn, nên tâm mới vọng động, đó là hành. Do tâm vọng động mà có tiềm thức phát khởi liên tục theo nghiệp báo và duyên ra danh sắc, danh sắc duyên ra lục thập, lục thập duyên ra xúc, xúc duyên ra thọ, thọ duyên ra ái, ái duyên ra thủ, và đã có chấp thủ thì có thân tâm, có cảnh giới, có gây ra các nghiệp huân tập nơi tiềm thức, cho đến có sự sinh sống, có sự chuyển biến, có già, có chết. Nhưng sinh, trụ, dị, diệt như thế, xét cho cùng tột, thì từng niệm, từng niệm, chúng sinh đều có, nên từng niệm, từng niệm cũng đều đầy đủ 12 nhân duyên.

Trong mười hai nhân duyên, thì nguyên nhân căn bản của luân hồi, tức là vô minh và nguyên nhân của tất cả sự chuyển biến trong luân hồi, tức là hành. Chỉ khi nào diệt trừ được vô minh, thì mới giác ngộ, chỉ khi nào diệt trừ được hành, thì mới hết sinh diệt, vì thế các vị tu hành phép thập nhị nhân duyên, cần phải theo đạo lý duyên khởi, mà quán tất cả sự vật đều duyên sinh như huyễn, không có tự tánh, để diệt trừ vô minh. Khi phát ra trí tuệ, trừ được vô minh, thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc, lục thập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử đều diệt hết.

Nên nhận rõ 12 nhân duyên chỉ duyên sinh ra nhau và mỗi khâu, chỉ một nhân duyên đối với khâu khác, chứ không phải tất cả các nhân duyên đối với khâu ấy, như vô minh duyên sinh ra hành, thì vô minh là một nhân duyên, trong nhiều duyên sinh ra hành, chứ không phải một mình vô minh sinh ra hành. Nói vô minh duyên sinh ra hành, thì có nghĩa là, nếu thiếu vô minh làm nhân duyên thì hành không phát khởi được. Đối với các khâu khác, thì cũng đều có nghĩa như thế. Nhưng, nếu trong tất cả các duyên tạo thành một khâu, diệt trừ được một duyên, thì cái khâu ấy quyết định không sinh ra được. Chính vì vậy, ngược lại, lúc lưu chuyển, khi đã diệt trừ được vô minh, thì cả 12 nhân duyên đều được diệt trừ và người tu hành được giải thoát ra khỏi sanh tử.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

22 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog