Kiết sử là gì? 10 kiết sử trong đạo Phật gồm những gì?
Pháp Giới 5 tháng trước

Kiết sử là gì? 10 kiết sử trong đạo Phật gồm những gì?

Kiết sử là chỉ những phiền não trong nội tâm ý thức của con người, sinh ra những chướng ngại khiến con người sa vào vòng luân hồi không thể giải thoát.

1. Kiết sử là gì?

Kết (tiếng Phạn: saṃyojana, tiếng Nam Phạn: saṃyojana, saññojana, Hán tự: 結), còn gọi là kiết sử (Kiết là trói buộc; Sử là sai khiến), là một thuật ngữ trong Phật giáo chỉ những phiền não trong nội tâm ý thức của con người, sinh ra những chướng ngại khiến cho con người sa vào vòng luân hồi không thể giải thoát. Theo quan điểm Phật giáo, cần phải tiêu trừ những kiết sử này, con người mới có thể nhập Niết-bàn.

10 kiết sử là mười thứ phiền não căn bản trói buộc và sai khiến chúng ta, bao gồm: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. 10 Kiết sử còn gọi là Tập Đế, tức là 10 nguyên nhân căn bản sinh ra vô biên thứ khổ của kiếp nhân sinh. Chúng có mãnh lực trói buộc loài hữu tình không cho ra khỏi ba cõi. Chúng sai sử làm chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi; từ đời nầy đến kiếp nọ, và phải chịu không biết bao nhiêu điều khổ não.

Tính chất của mười món căn bản phiền não này không giống nhau: Có thứ nhanh nhẹn, có thứ chậm chạp; Có thứ mãnh liệt, có thứ yếu ớt; Có thứ đâm sâu gốc rễ trong lòng người, có thứ nằm khơi khơi ở trên ý thức; Có thứ dễ dứt trừ, có thứ khó tiêu diệt. Vì tính chất không đồng ấy mà đức Phật đặt cho chúng những danh từ khác nhau, để dễ phân biệt, như Kiết sử, Kiến hoặc, Tư hoặc.

2. 10 kiết sử

Phật dạy: Cội gốc của sanh tử luân hồi do các phiền não mê lầm là những dục vọng xấu xa; Là những ý niệm sai quấy, làm não loạn thân tâm chúng ta. Phiền não rất nhiều. Nói rộng thì đến tám muôn bốn ngàn, nói hẹp lại thì có mười phiền não gốc, gọi là căn bản phiền não. Do mười Kiết sử nầy mà sanh ra vô số phiền não ngành ngọn.

Tham

Tham nghĩa là tham lam. Tánh tham có động lực bắt ta dòm ngó, theo dõi những cái gì nó ưa thích, như tiền tài, danh vọng, miếng ăn, chỗ ở v.v… Nó xúi ta lập mưu nầy, chước nọ để tầm kiếm cho được những thứ ấy. Ðiều tai hại nhất là lòng tham không có đáy, thâu góp bao nhiêu cũng không vừa; Được một muốn có mười, được mười muốn có trăm. Tham cho mình chưa đủ, còn tham cho bà con quyến thuộc và xứ sở của mình.

Cũng vì tham mà cha mẹ vợ con xung đột; Cũng vì tham mà bè bạn chìa lìa; Cũng vì tham mà đồng bào trở lại xung đột, xâu xé nhau; Cũng vì tham mà chiến tranh tiếp diễn, giết hại không biết bo sanh linh. Tóm lại, cũng vì tham mà nhân loại, chúng sanh chịu không biết bao nhiêu điều thống khổ. Tham không những hại cho mình và cho người, trong hiện tại mà cả đến tương lai nữa.

Sân

Kiết sử thứ hai, sân, phát khởi từ sự thiếu khả năng thương yêu không giới hạn của chúng ta. Phần đông chúng ta không mong đợi một cuộc sống không có sân hận, nên ta cảm thấy quá phiền phức khi cố gắng chế ngự chúng – vì dầu sao khi sinh ra đời là ta đã mang theo bao sân hận, nếu không ta đâu có mặt ở nơi này. Tuy nhiên, sân hận ở đây bao gồm căm ghét, ác ý, giận hờn, và các tình cảm này có những ảnh hưởng rất tiêu cực. Dầu tình cảm tham ái suy cho cùng cũng tai hại không kém, nhưng tình cảm sân hận này có ảnh hưởng độc hại hơn đối với chúng ta.

Phần đông chỉ cố gắng dẹp bỏ những tình cảm xung đột của họ khi chúng đã bành trướng lên thành giận hờn, căm ghét, và thường được thực hiện không đúng cách, bằng cách tránh mặt người khiến ta cảm thấy khó chịu. Đây là một hành động khó thể thực hiện, vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể hoàn toàn trốn tránh những hoàn cảnh khó xử, kể cả việc phải gặp gở những người khó chịu. Trốn tránh họ không phải là giải pháp; chạy trốn vấn đề không phải là cách giải quyết vấn đề. Cũng có những lúc ta bó buộc phải lùi bước trước những tình huống quá sức chịu đựng của ta. Tuy nhiên, khi điều đó xảy ra, ta phải tự thú nhận rằng ta không có khả năng thương yêu, trong mọi hoàn cảnh, hơn là viện cớ rằng vì ta không thể chịu đựng nổi người kia. Đó là sự thất bại nơi chính bản thân ta, không phải ai khác hơn.

Tất cả đều xảy ra ngay nơi tâm ta. Ta không cần một nơi chốn đặc biệt nào cho cuộc sống tâm linh, không cần y áo đặc biệt nào, không cần ngôn ngữ bí truyền nào. Chúng ta cần biết rằng tất cả tùy thuộc vào ta, rằng hoàn cảnh, trạng thái, tha nhân và ngoại cảnh, không là gì hơn là những chất kích hoạt. Chỉ khi nào ta nhìn ra được như thế, ta mới có thể cất bước trên con đường tâm linh, trái lại khi nào ta còn thấy thế giới quanh ta đáng trách, thì ta không thể tu tập được. Mong đợi người khác thay đổi tốt hơn căn bản là tự đánh lừa mình, vì cuối cùng thì ai cũng làm những gì họ nghĩ là đúng theo quan điểm của họ, không phải của chúng ta.

Bất cứ ai trong chúng ta khi gặp phải một hoàn cảnh khó xử, đều cố gắng thoát ra khỏi đó, nhưng nếu ta đang thực hành theo một con đường tâm linh thì ta chỉ bỏ cuộc sau khi đã nhiều lần cố gắng thương yêu, hoà giải với một người hay một nhóm người nào đó mà không thành công. Lúc đó ta sẽ hiểu rằng sự bực bội, căm ghét, tranh chấp là mảnh đất để ta tu tập, và những người liên quan chính là các vị thầy của ta. Họ giúp ta khám phá ra những gì đang diễn ra trong nội tâm ta.

Xem Thêm:   Thần chú Lăng Nghiêm là gì? Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Chúng ta sẽ hoàn toàn đánh mất sự tự do ngay khi ta để mình bị vướng mắc trong các xúc cảm của mình – dầu đó là tham hay sân. Chúng ta sẽ không có tự do nếu để tham trói buộc hay sân chế ngự – và cuối cùng thì hai loại phản ứng này sẽ đi chung với nhau, vì cả hai chỉ là biến tướng của sự bám víu, cố chấp. Càng có nhiều những quan điểm cá nhân, ta càng chất chứa nhiều xung đột trong nội tâm. Trái lại, càng tách biệt khỏi sự bám víu, cố chấp, chúng ta càng có thể phát triển tình cảm thân thiện, tương trợ đối với người.

Sự đối nghịch tích cực của sân là từ bi, và Đức Phật đã mạnh mẽ khuyên chúng ta vun trồng tình cảm đó đến với mọi chúng sanh qua thiền quán từ bi. Trước hết, đức Phật khuyên ta nên coi mọi nghịch cảnh, sự đối đầu với người như một cơ hội để tu tập. Mỗi ngày, từ sáng đến tối, chúng ta đều có cơ hội để xem người khác như thầy của mình, bất cứ khi nào ta giao tiếp và đối xử với họ với lòng từ bi; chúng ta luôn có cơ hội để hành động với trái tim thương yêu, không bám víu.

Tình thương yêu của ta bị cản trở bởi thành kiến, chỉ trích, so sánh và phán đoán, dầu chắc chắn rằng mục đích sống của nhân loại không phải là để đảm nhiệm vai trò của một quan toà, để phán xét bản thân hay người khác. Nhưng thực tế là chúng ta thường phán đoán người khác, do đó ta cần phải tự khẳng định với mình rằng hành động đó chỉ là một sự lãng phí thời gian, năng lượng và cản trở sự phát triển của một trái tim yêu thương.

Thật thú vị khi đức Phật so sánh sân hận với sự rối loạn hoạt động của túi mật, vì ngay như bây giờ, khi ai đó nổi giận, người ta cũng bảo là họ sôi mật (sôi gan). Điều đức Phật muốn chỉ rõ ở đây là không phải đối tượng của sự nóng giận của ta bị tổn thương, mà là chính bản thân chúng ta.

Đức Phật cũng so sánh sân hận với ngọn gió thổi trên mặt hồ nước, làm dậy sóng khiến ta không thể soi rõ mình dưới đó. Cũng thế, sân hận cản trở sự tự biết mình, vì tình cảm giận dữ không cho ta có cái nhìn rõ ràng về bản thân. Đó là nguyên nhân của bao khổ đau trong các mối liên hệ giữa người với người, của những sự đổ vỡ trong tình bạn, khiến nội tâm ta bị xáo trộn. Không biết phải phản ứng với tha nhân như thế nào, ta tránh gặp họ trừ những người mà ta có thể dựa vào sự thân thiện, lòng tốt của họ – dầu rằng ta cũng không bảo đảm là có được sự thân thiện đó. Vấn đề là sự quá bám víu vào sự hỗ trợ tình cảm của kẻ khác; chúng ta chạy đuổi theo những lời khen tặng và trốn tránh những lời khiển trách – là những việc làm phí sức và phí thời gian. Khi nào ta còn là nô lệ cho các cảm xúc và các vấn đề của mình, thì sự liên hệ giữa ta và người có thể chỉ yên ổn ở bề mặt, chứ không phải ở một mức độ sâu hơn, từ trái tim đến trái tim. Chúng ta sẽ có đủ tự tin trong các phản ứng của mình, chứ không phải đợi người khác phải thân thiện hay chấp nhận ta trước khi ta sẵn sàng đến với người – chỉ khi ta đã tu tập tưới tẳm trái tim mình – để phát triển khả năng yêu thương của chúng ta. Chúng ta phải học nhìn mọi việc như là một cơ hội để hiểu về bản thân hơn; và với cái nhìn đó, với sự hiểu biết rõ ràng hơn về bản thân, ta sẽ dễ hòa đồng với người hơn.

Bằng cách đó chúng ta có thể chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Mọi người ta gặp đều có thể giúp ta nhìn rõ mình hơn – dầu đó là người phát thư, hàng xóm, đồng nghiệp hay chỉ là một ai đó ngồi trong chiếc xe đậu ở kế bên, hay kẻ mới vừa giành chỗ đậu xe với mình. Lúc nào chúng ta cũng có thể phát khởi tâm thương yêu đối với họ. Điều này còn dễ thực hiện hơn nhiều nếu ta nhận ra rằng tất cả mọi người đều ở trong những hoàn cảnh như nhau; nếu chúng ta có thể nhận thức được rằng dầu khổ đau chỉ là do ta tạo ra, nhưng không phải ta là người duy nhất khổ đau. Khổ đau là đặc tính chung của muôn loài, và tất cả những hoàn cảnh riêng của từng cá nhân mà ta biết tới đều là các biến thể của chung một chủ đề. Sự hiện hữu của nhân loại thắm đẫm khổ đau trong từng giây phút, từng giờ, từng ngày. Dĩ nhiên là chúng ta rất muốn gạt chúng sang một bên, nhưng điều đó khó thể thực hiện. Một khi ta biết chấp nhận điều này, cuộc sống sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều, và khi lòng bi mẫn đối với bao nỗi khổ đau quanh ta phát khởi, ta sẽ không còn nhiều phiền não trong liên hệ với người nữa.

Kiết sử là gì? 10 kiết sử trong đạo Phật gồm những gì?

Si

Si nghĩa là si mê, mờ ám. Si như là một tấm màn dày đặc, đen tối trùm lên trí huệ của ta. Làm cho ta không thể nhìn thấy được sự thật, phán đoán được cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu. Do đó, ta gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi; Làm hại mình, hại người mà không hay. Vì si mà lòng tham trở thành không đáy. Bởi vì nếu người sáng suốt thấy cái tai hại của tham, thì người ta đã kềm hãm được một phần nào tánh tham. Vì si mà lửa sân tự do bùng cháy; Nếu người sáng suốt biết cái tai hại của lửa sân thì không để cho nó hoành hành như thế.

Xem Thêm:   Tụng Kinh Địa Tạng khỏi bệnh ung thư, thoát nạn cháy nhà

Tổ sư đã dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì”. Nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm. Nói một cách dễ hiểu hơn: Không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê. Thật đúng như thế: Nếu tham, sân nổi lên, mà có trí sáng suốt ngăn chận lại, thì tham, sân tất kiềm chế được. Nếu có trí huệ, sáng suốt thì tham, sân không thể tồn tại được; Như khi đã có ánh sáng mặt Trời lên, thì bóng tối tất nhiên phải tự tan biến. Ba tánh tham, sân, si này, Phật gọi là ba món độc; Vì do chúng nó mà chúng sanh phải chịu nhiều kiếp sanh tử luân hồi, đọa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

Mạn

Mạn nghĩa là kiêu mạn, tự nâng cao mình lên và hạ người khác xuống; Tự thấy mình là quan trọng mà khinh rẻ mọi người; Ỷ mình có tiền của, tài trí, quyền thế mà dương dương tự đắc; Khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên. Vì lòng ngã mạn cho mình là hơn hết, nên chẳng chịu học hỏi thêm, không nghe lời nói phải. Do đó, làm nhiều điều lầm lẫn sai quấy, phước lành tổn giảm, tội lỗi càng tăng; Phải chịu sanh tử luân hồi không bao giờ cùng. Mạn có bảy thứ:

  1. Mạn: Hơn người ít, mà nghĩa mình hơn nhiều.
  2. Ngã mạn: Ỷ mình hay giỏi mà lấn lướt người.
  3. Quá mạn: Mình bằng người mà cho là hơn người, người hơn mình mà cho là bằng.
  4. Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều mà cho mình hơn người.
  5. Tăng thượng mạn: Chưa chứng thánh quả mà cho mình đã chứng.
  6. Ty liệt mạn: Mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít.
  7. Tà mạn: Người tu về tà đạo, được chút ít thần thông; Hoặc hiểu biết được đôi chút việc quá khứ, vị lai, rồi khinh lướt người.

Nghi

Kiết sử kế tiếp, nghi như một trạng thái cố định của tâm, đôi khi cũng được gọi là hoài nghi. Đức Phật so sánh nghi với những người lữ hành lạc hướng, đi lòng vòng trên sa mạc, mà không có bản đồ hay lương thực. Cuối cùng rồi họ cũng bị bọn cướp trấn lột và giết đi. Kiết sử nghi là khuynh hướng đối chiếu mọi thứ với những ý kiến riêng của chúng ta, và loại bỏ tất cả những gì không hợp với chúng. Nếu những suy nghĩ của chúng ta đủ mạnh, ta sẽ nghi ngờ tất cả những gì không đúng theo ý kiến của ta.

Để có thể chấp nhận một quan điểm mới mẻ, chúng ta phải chuẩn bị để nghi vấn ngay chính quan điểm của mình. Thiền quán là một phương cách hữu hiệu để bắt đầu quá trình này: bất cứ ai đã hành thiền một vài lần phải biết rằng tư tưởng của chúng ta căn bản là không đáng tin cậy. Chúng tự phát khởi lên không cần mời mọc, rồi sau đó biến mất đi. Hơn thế nữa, chúng thường là vô nghĩa. Nếu chúng ta rời khỏi chiếu thiền và tiếp tục coi những tư tưởng này là nghiêm túc, mà không nghi nghờ gì về những ý kiến mà chúng dựa vào, là chúng ta đã không tập trung khi hành thiền.

Cần phải có thời gian trước khi ta đạt đến một thời điểm trong thiền khi chúng ta có thể định tâm đến nỗi không có tư tưởng nào phát khởi lên. Ngay bây giờ thì, thiền sinh có cơ hội để kinh nghiệm sự phát khởi của các tư tưởng như là những chuyển động của tâm, cũng như hơi thở là chuyển động của thân, để nhận thấy rằng cả hai hiện tượng vừa sinh vừa diệt. Lúc ấy sự việc trở nên rõ ràng rằng các suy nghĩ của ta chắc chắn không phải là chân lý. Khi chúng ta bắt đầu đặt nghi vấn về các quan điểm và phán đoán của chính mình, ta bắt đầu được giải phóng khỏi kiết sử nghi, và có thể bắt đầu buông bỏ các quan điểm của mình để đón nhận những điều mới lạ. Lòng nghi hoặc lúc đó sẽ không còn là một kiết sử nữa mà là một sự cởi mở đối với những điều mới lạ.

Đó thật là một thử thách, vì cách suy nghĩ của chúng ta đã huân tập theo những con đường, mẫu mực quen thuộc suốt cuộc đời, và thái độ nghi ngờ đối với những gì trái ngược với chúng đã tiềm ẩn trong ta, khiến con đường tâm linh khó khăn hơn. Nó đòi hỏi một sự chuyển hướng hoàn toàn ngược lại – không phải trong cái nghĩa là không còn có thể sống trên thế gian này nữa nhưng là một sự chuyển đổi hoàn toàn trong thái độ của chúng ta.

Kiết sử nghi cũng là một vấn đề trong mối liên hệ hàng ngày của phần đông chúng ta. Không phát triển được khả năng thương yêu của con tim, chúng ta không chỉ nghi ngờ về khả năng của chính mình, chúng ta còn cho phép mình chấp nhận sự nghi ngờ của người khác về mình. Một thái độ như vậy hoàn toàn không cần thiết: nếu người khác không chấp nhận chúng ta, đó là thái độ và nghiệp của họ. Đó là điều tiên quyết chúng ta cần nhận thức – rằng bất cứ điều gì người khác làm đó là vấn đề của họ, không phải của chúng ta, ta không cần phải phản ứng lại. Chúng ta thường vội vàng xem những phản ứng của người khác đối với ta như là một điều gì đó có liên quan đến ta, trong khi thật ra chúng chỉ là những việc ngẫu nhiên xảy ra hàng ngày ở quanh ta. Chúng ta không cảm thấy phiền muộn bởi những gì một người nào đó ở Phi Châu có thể nói hay làm vào lúc này; vậy thì tại sao, ta lại bị phiền toái bởi những gì người láng giềng của ta vừa nói hay làm – là một điều thật ra cũng chẳng quan trọng gì với ta? Điều quan trọng trong quan hệ giữa ta với người là phát triển tình thương yêu đối với nhau.

Xem Thêm:   Lời khấn nguyện rất hay cho gia đình bạn đọc mỗi ngày

Khi lòng hoài nghi còn hiện hữu, chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng một điều gì đó có ích lợi, tốt đẹp cho chúng ta không, ta có khả năng thực hiện một điều gì đó không, hay người khác có vui lòng, có chấp nhận điều gì đó không. Để có thể thực hành theo lời dạy của đức Phật, chúng ta trước hết phải chấm dứt cách suy nghĩ này. Chỉ khi thực hành rồi chúng ta mới có thể khám phá ra là chúng có tốt, có hữu ích hay không và chúng sẽ có những ảnh hưởng gì.

Thân kiến

Thân kiến nghĩa là chấp thân ngũ ấm tứ đại giả hiệp này làm ta. Vì cái chấp sai lầm ấy, nên thấy có một cái Ta riêng biệt, chắc thật không biến đổi. Thấy cái Ta ấy là riêng của ta, không dính dấp đến người khác, và là một thứ rất quý báu. Vì tưởng lầm như thế, nên kiếm món ngon, vật lạ cho ta ăn; May sắm quần áo tốt đẹp co Ta mặc, lo xây dựng nhà cao, cửa lớn cho Ta ở; Thâu góp thật nhiều của cải, đất ruộng để dành cho Ta hãnh diện với mọi người. Do sự quý chuộng phụng sự cho cái Ta ấy, mà tạo ra lắm điều tội lỗi; Chà đạp lên bao nhiêu cái Ta khác, làm cho họ đau khổ vì Ta. Và thế giới trở thành một bãi chiến trường cũng vì cái Ta.

Biên kiến

Biên kiến nghĩa là chấp một bên, nghiêng về một phía, có một thành kiến cực đoan. Biên kiến có hai lối chấp sai lầm lớn nhất là:

Thường kiến: Nghĩa là chấp rằng khi chết rồi, cái Ta vẫn tồn tại mãi: Người chết sẽ sanh ra người, thú chết sẽ trở lại thú, thánh nhơn chết trở lại làm thánh nhơn. Do sự chấp ấy, họ cho rằng tu cũng vậy, không tu cũng vậy. Nên không sợ tội ác, không thích làm thiện. Lối chấp này, đạo Phật gọi là “Thường kiến ngoại đạo”.

Ðoạn kiến: Nghĩa là chấp rằng chết rồi là mất hẳn. Ðối với hạng người chấp Ðoạn kiến, thì hễ tắt thở là không còn gì tồn tại nữa; Tội cũng không mà phước cũng chẳng còn. Họ không tin nhân quả luân hồi, nên mặc tình làm các điều tội lỗi. Họ tự bảo: “Tu nhơn tích đức già đời cũng chết; Hung hăng, bạo ngược tắt thở cũng không còn”.

Có người đối trước những cảnh buồn lòng, nghịch ý, những chuyện tình duyên trắc trở. Tưởng rằng chết là hết đau khổ, là giải thoát tất cả, nên họ đã không ngần ngại mượn chén thuốc độc, hay dòng sông sâu để kết liễu đời mình. Họ đâu có ngờ rằng chết rỗi vẫn chưa hết! Lối chấp này, kinh Phật gọi là “Ðoạn kiến ngoại đạo”.

Kiến thủ

Kiến thủ nghĩa là chấp chặt sự hiểu biết sai lầm của mình. Kiến thủ có hai phương diện:

Kiến thủ vì không ý thức được sai lầm của mình. Hành vi của mình sai quấy, ý kiến của mình sai lầm. Nhưng vì không đủ sáng suốt để nhận thấy, nên cứ bảo thủ hành vi, ý kiến của mình; Tự cho là giỏi, ai nói cũng chẳng nghe.

Kiến thủ vì tự ái hay vì cứng đầu. Biết mình làm như thế là sai, nói như vậy là dở. Nhưng vì tự ái, cứ bảo thủ cái sai cái dở của mình, không chịu thay đổi. Như ông bà trước đã lỡ theo tà đạo, nay con cháu vẫn biết đó là tà, nhưng cứ theo như thế mãi không chịu đổi. Họ cứ nói một cách liều lĩnh: “Xưa sao nay vậy”, hay “Xưa bày nay làm”. Hay như cha mẹ trước đã lỡ làm nghề tội lỗi, đến đời con cháu, vẫn cứ bảo thủ nghề ấy không chịu thay nghề khác.

Nói rộng ra trong thế giới, nhiều người mặc dù thời thế đã cải đổi, tiến bộ mà họ cứ vẫn giữ lại những lề thói, cổ tục hủ bại mãi. Chẳng hạn như ở Việt Nam ta, đến bây giờ mà vẫn có những Phật tử, hễ trong nhà có người chết là giết heo bò để cúng kiến; Khi đưa đám tang, gánh theo những con heo quay to tướng, biểu diễn qua các đường phố; Mỗi khi tuần tự hay kỵ giỗ, thì đốt giấy tiền vàng bạc, áo quần. Mỗi năm phải hội họp để cúng tế tà thần, ác quỷ v.v… Chấp chặt những hủ tục như thế, đều thuộc và “Kiến thủ” cả.

Giới cấm thủ

Giới cấm thủ nghĩa là làm theo lời răn cấm của ngoại đạo tà giáo. Nhưng sự răn cấm nầy nhiều khi thật vô lý, mê muội, dã man; Không làm sao đưa người ta đến sự giải thoát được, thế mà vẫn có nhiều người tin và làm theo.

Chẳng hạn như ở Ấn Độ, có phái ngoại đạo lấy đá dằn bụng, đứng một chân giữa trời nắng, nằm chỗ bẩn thỉu; Leo lên cao nhảy xuống, gieo mình vào lửa, hay nhảy xuống sông trầm mình để được phước. Có đạo, mỗi năm lại bắt tín đồ giết một người để tế thần, hay như đạo của anh chàng Vô Não: Phải giết một trăm người lấy một trăm ngón tay xâu làm chuỗi hạt mới đắc đạo. Những thứ cuồng tín như thế, không làm cho cuộc đời sáng sủa, mà còn làm đen tối, khổ đau thêm.

Tà kiến

Tà kiến nghĩa là chấp theo lối tà, không chơn chánh, trái với sự thật, trái với luật nhân quả. Nói một cách khác, Tà kiến nghĩa là mê tín dị đoan. Như thờ đầu trâu, đầu cọp, bình vôi; Xin xăm, bói quẻ, buộc tôm, đeo niệt, coi sao, cúng hạn v.v… Nói rộng ra, cả bốn món chấp trên, đều thuộc vào Tà kiến cả.

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

2529 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog