A Tu La là gì? Cõi A Tu La ở đâu? Gieo nhân gì sanh về cõi A Tu La?
Pháp Giới 1 năm trước

A Tu La là gì? Cõi A Tu La ở đâu? Gieo nhân gì sanh về cõi A Tu La?

A Tu La là một loài trong lục đạo luân hồi. Thân hình vô cùng to lớn. Nam xấu xí thô kệch nhưng nữ thì vô cùng xinh đẹp. A tu la là loại chúng sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh.

1. A Tu La là gì?

A tu la tiếng Phạn là Asura. A tu la có nhiều tên gọi khác nhau: A tác la, A tô la, A tố la, A tố lạc, A tu luân. Trong Kinh thường nêu ra ba loại A tu la: A tu la thiên đạo, A tu la quỉ đạo, A tu la súc đạo.

Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang, quyển 1, trang 84 giải thích: “A tu la là 1 trong 6 đường, 1 trong 8 bộ chúng, 1 trong 10 giới, một trong những vị thần xưa nhất ở Ấn Độ.

A Tu La là một loài trong lục đạo luân hồi. Thân hình vô cùng to lớn. Nam xấu xí thô kệch nhưng nữ thì vô cùng xinh đẹp. A tu la là loại chúng sanh nhiều sân hận, đa số có hình tướng không đoan chánh. A tu la cũng gọi A tố lạc, dịch là Vô đoan chánh, Phi thiên. Hai danh từ nầy có nghĩa: Không xinh đẹp, có phước trời mà đức không bằng trời.

Trong Kinh luận có chỗ cho rằng loài A tu la do gây nhân hạ phẩm Thập thiện mà được sanh. Nhưng đó chỉ là nói riêng về một phương diện mà thôi, cho đến danh từ Phi thiên cũng như thế. Sự thật, phần chánh nhân là loài nầy do hay nóng giận, hiếu thắng, ưa tranh cãi mà được sanh.

A-tu-la là tiếng Phạn dịch là vô đoan chính. Vô đoan chính nghĩa là xấu xí. Nam A-tu-la tướng mạo vô cùng xấu xí, ưa thích đấu tranh với kẻ khác. Nữ A-tu-la tướng mạo hết sức xinh đẹp, yêu thích đấu tranh bằng tình cảm, tức là dùng tánh đố kỵ ghen tuông, chướng ngại, vô minh, phiền não.

A tu la chia thành bốn bậc: Loài ở cõi trời thì giống trời. Loại ở cõi người thì giống người. Loài ở cõi quỷ thì giống quỷ. Loài ở cõi súc thì giống súc sanh. Vì họ không có chủng loại và trụ xứ nhất định, có thể nhiếp về các nẻo khác, nên trong kinh có chỗ chỉ gọi là ngũ đạo hoặc ngũ thú.

A tu la ở cõi trời cũng có cung điện thất bảo, sự ăn mặc tự nhiên hóa hiện như chư thiên. Nhưng do nhân sân hận họ có ba sự kiện kém hơn người, nên ở sau loài người:

  • Dù loài nầy có ăn các món trân vị, song miếng sau rốt tự nhiên hóa ra bùn.
  • Ở cõi trời mưa hoa hoặc châu báu, nơi cõi người mưa nước, cõi A tu la mưa xuống những binh khí dao gậy.
  • Loài người tâm điềm tĩnh nên dễ thực hành theo chánh pháp của Như Lai. Loài A tu la tâm sôi nổi hơn thua, nên khó tu đạo giải thoát.

Theo phẩm A tu la Luân trong Kinh Tăng Nhất A Hàm 3: Thân hình của A tu la cao 84.000 do tuần, miệng rộng mỗi bề 1.000 do tuần. Còn phẩm A tu la luân trong Kinh Trường A Hàm 20, phẩm A tu luân trong Kinh Đại Lâu Thán 2. Kinh Khởi Thế Nhân Bản 5… đều ghi rõ chỗ ở và sự tích của A tu la.

Xem Thêm:   Ăn chay có được ăn trứng, uống sữa hay không?

Về nghiệp nhân của A tu la, các Kinh thường nêu ra 3 thứ nhân làm cho chúng sanh sanh trong loại nầy: Sân, mạn, nghi.

Hình tượng của A tu la có nhiều thuyết khác nhau. Có chỗ cho rằng: A tu la có 9 đầu, 1000 mắt, miệng phun lửa, có 990 tay, 6 chân, thân to gấp 4 lần núi Tu di. Có chỗ cho rằng: A tu la có 1000 đầu, 2000 tay; 10.000 đầu, 20.000 tay; 3 đầu, 6 tay. Có chỗ cho rằng: A tu la có 3 mặt màu xanh đen, giận dữ, lõa hình và có 6 cánh tay.

A Tu La là gì? Cõi A Tu La ở đâu? Gieo nhân gì sanh về cõi A Tu La?

2. Xứ sở của A Tu La ở đâu?

Theo kinh Chánh Pháp Niệm: “A tu la cư trú tại năm chỗ:

  1. Một là tại trên mặt đất, trong núi Chúng Tướng. Sức lực của loài này yếu ớt nhất.
  2. Hai là tại phía Bắc núi Tu di, đi xuống biển hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là La Hầu thống lãnh đám A tu la.
  3. Ba là lại đi sâu xuống biển thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là Tráng Kiện.
  4. Bốn là lại đi sâu xuống biển thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là Tràng Hoa.
  5. Năm là lại đi sâu xuống biển thêm hai vạn một ngàn do tuần, có A tu la tên là Tỳ ma chất đa. Từ trong mình của A tu la này phát ra âm thanh rất lớn, xuyên suốt lên mặt biển, tự xưng: “Ta là A tu la Tỳ ma chất đa”.

3. Gieo nhân gì sanh về cõi A Tu La?

Theo trong kinh Nghiệp Báo Sai Biệt có nói đầy đủ về mười nghiệp phải chịu quả báo làm A tu la:

  1. Một là thân làm các việc ác nhỏ.
  2. Hai là miệng làm các việc ác nhỏ.
  3. Ba là ý làm các việc ác nhỏ.
  4. Bốn là nổi lên kiêu mạn.
  5. Năm là nổi lên ngã mạn
  6. Sáu là nổi lên tăng thượng mạn.
  7. Bảy là nổi lên mạn lớn.
  8. Tám là nổi lên mạn tà.
  9. Chín là nổi lên mạn quá mạn.
  10. Mười là đem các thiện căn hồi hướng về đường A-tu-la.

Theo kinh Chánh Pháp Niệm diễn rộng, chúng sanh phần nhiều do ba loại nghiện nhân sân, mạn và nghi nên chịu quả báo sinh vào đường ấy. Hơn nữa, kinh Tạp A hàm nói: “Vào thời tiền kiếp, A tu la từng làm người nghèo ở gần bên sông, thường vác củi qua sông. Bấy giờ, nước sông sâu lại chảy xiết. Người ấy mấy lần bị nước cuốn phăng đi sắp chết, may mắn thoát được.

Có vị Phật Bích Chi đến nhà khuất thực, người ấy vui vẻ cúng dường. Thọ thực xong, liền bay mất lên trời. Người nghèo khổ ấy thấy vậy, bèn phát tâm nguyện rằng: “Kiếp sau, xin cho thân thể của tôi lớn lao đến nỗi bất cứ dòng nước nào cũng không ngập quá đầu gối!”. Nhờ nhân duyên này, A tu la có được thân thể rất khổng lồ. Nước bốn biển lớn không ngập quá đầu gối. Đứng trong biển lớn, thân vượt lên khỏi núi Tu di. Chống tay vào đỉnh núi, khom mình xuống nhìn Trời Đao lợi”.

4. Cõi A Tu La như thế nào?

Nếu theo kinh Chánh Pháp Niệm. Nhu cầu y phục, ăn uống của A tu la có sẵn tự nhiên. Mũ dải, áo quần thuần bằng bảy loại bảo vật đẹp đẽ, tinh khiết như chư Thiên. Các thức ăn, tùy theo ý thích mà hiện ra. Có đầy đủ vị ngon, không thua kém của chư Thiên.

Như các luận lớn nói. Y phục và thức ăn của A tu la tuy hơn người, nhưng khi ăn thì không bằng người. Nghĩa là, trong hết thảy mọi bữa ăn của A tu la, đến miếng cuối cùng, đều phải biến thành bùn xanh. Cũng như Long vương. Tuy ăn đủ trăm món, nhưng đến miếng cuối cùng, đều phải biến thành cóc nhái. Vì thế, kinh mới nói không bằng người.

Xem Thêm:   Danh hiệu A Di Đà Phật – Pháp bảo số một của thế xuất thế gian

5. A Tu La là loài ưa gây chiến

Kinh Trường A hàm nói: “Vì chúa A tu la có rất nhiều uy lực, nên suy nghĩ rằng: “Thiên vương Trời Đao lợi và các vua Mặt trời Mặt trăng cứ đi lại trên đầu ta hoài. Ta thề sẽ bắt vua Mặt trời Mặt trăng để làm đôi bông tai!”. Càng nghĩ, càng giận dữ muốn ra tay. Liền sai hai chúa A tu la Xá ma lê và Tỳ ma chất đa cùng các đại thần sửa soạn khí giới, kéo nhau đi đánh chư Thiên.

Bấy giờ, hai Long vương lớn là Nan đà và Bạt nan đà lấy thân mình quấn bảy vòng quanh núi chúa Tu di. Làm rung chuyển cả núi và kéo mây giăng, quẫy đuôi dậy sóng. Trời Đao lợi nói: “A tu la sắp gây chiến. Các Long vương, quỷ thần hãy cầm binh khí lần lượt giao phong, nếu thua mới bỏ chạy!”.

Bốn Thiên vương vũ trang chuẩn bị lâm chiến, vào báo động cùng Đế thích. Đế thích báo động lên Trời Tha hóa tự tại, cho đến vô số chư Thiên khác. Đế thích ra lệnh: “Nếu quân ta thắng, hãy lấy năm sợi dây trói chặt A tu la Tỳ ma chất đa giải về Thiện pháp đường. Ta muốn xem nó thế nào!”.

A tu la cũng nói: “Nếu bọn ta thắng, cũng lấy năm sợi dây thừng trói chặt Đế thích giải về Thất diệp đường. Ta muốn xem nó thế nào!”

Quyết chiến một trận, hai bên đều không bị thương, nhưng do thân thể va chạm nhau, gây ra đau đớn. Đế thích liền biến ra nghìn mắt, tay cầm chày kim cương, đầu phun ra khói lửa phừng phực. A tu la trông thấy bỏ chạy, Tỳ ma chất đa bị bắt trói giải về, trông thấy Đế thích, liền buông lời mắng nhiếc.

Đế thích liền trả lời: “Ta muốn cùng nhà ngươi nói chuyện đạo nghĩa, cần gì phải dùng lời thô lỗ? Nhà ngươi đã phá giới, đem ác tâm gây chiến. Dù đã tu nhiều hạnh bố thí, nhưng vì kiêu mạn như thế, nên đành phải thọ lấy báo thân này”.

6. Lục đạo luân hồi trong phật giáo

Cõi Trời

Trong truyền thống Phật giáo, cõi trời là nơi những người tích lũy nhiều phước báu từ nhiều kiếp được tái sinh. Họ sống trong sự giàu có, hạnh phúc với cuộc sống lâu dài. Tuy nhiên, những người ở cõi trời cũng già đi và chết.

Họ được xem như những vị tiên có quyền năng, ban phước hoặc trừng phạt những chúng sinh ở các cõi thấp hơn. Điều này cũng tương tự như chúng ta, con người có quyền cung cấp thức ăn cho con gà hoặc giết chết nó. Hiểu theo cách này, nhiều chúng sinh ở cõi người thường xuyên cúng bái và cầu xin những vị thần tiên này.

Do hưởng được nhiều phước báu và vị thế cao quý từ nhiều kiếp, một trong số họ chìm đắm vào cuộc sống ở cõi trời, khiến họ dần quên đi những việc thiện mà họ đã làm trước đây, họ không tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tâm từ bi và trí tuệ. Những cám giỗ này có thể khiến họ tái sinh vào các cảnh giới thấp hơn sau khi hưởng hết phước báu và không thể thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Xem Thêm:   Có nên đọc chú Đại Bi trước khi ngủ, có tội lỗi gì không?

Cõi A-tu-la

A-tu-la là những sinh vật mạnh mẽ, đầy tài năng và đôi khi được mô tả như là kẻ thù của cư dân trên cõi trời. A-tu-la biểu trưng cho sự phẫn nộ, thù hận và “ghen ăn tức ở” những người tài giỏi hơn mình.

Những người luôn mong muốn vượt trội hơn người khác, không có sự kiên nhẫn, công bằng đối với những người thấp kém hơn, họ thích được sùng bái như các vị thần. Nhưng phúc đức kém hơn người cõi trời nên dẫn đến thù hận và ganh ghét, điều này đã khiến họ tái sinh trong cảnh giới A-tu-la.

Cõi Ngạ Quỷ

Ngạ quỷ hay những con ma đói được mô tả như những sinh vật có bụng to, trống rỗng nhưng họ có miệng và cổ nhỏ đến mức không thể nuốt được. Ngạ quỷ tượng trưng cho những người luôn khao khát tìm kiếm cái gì đó bên ngoài để thỏa mãn sự thèm muốn bên trong. Những người tham lam vô độ, thèm khát, vơ vét mọi thứ về cho mình nhưng không bao giờ cảm thấy thỏa mãn sẽ tái sinh vào cảnh giới ngạ quỷ.

Cõi Địa Ngục

Như tên gọi, địa ngục là nơi khủng khiếp nhất trong sáu cảnh giới tái sinh. Cũng giống như nhiều tôn giáo khác, đó là nơi mà những người tàn ác bị đày xuống để trải nghiệm sự đau khổ mà họ đã gây ra.

Những người nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu nhưng lại không tin vào nhân quả, làm vô số việc ác chỉ để thỏa mãn bản thân mình… sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt tái sinh vào địa ngục. Khác với một số tôn giáo khác, theo Phật giáo thì những người bị đày xuống địa ngục vẫn có thể tái sinh vào các cảnh giới cao hơn khi đã trả hết nghiệp.

Địa ngục trong Phật giáo phân chia thành nhiều tầng khác nhau phụ thuộc vào mức độ và hành vi mà chúng sinh đã gây ra. Theo một số văn bản ghi lại, những người bị đày xuống địa ngục phải trải qua nhiều mức độ đọa đày đau khổ, sau đó được “tịnh dưỡng” để chuẩn bị cho lần đọa đày tiếp theo.

Cõi Súc Sinh

Cõi súc sinh bao gồm các loài động vật, côn trùng hay vi sinh vật… được đánh dấu bằng sự thiếu hiểu biết, thành kiến và tự mãn. Họ sống theo bản năng, không nhận thức được tốt-xấu, thiện-ác và cố tránh khỏi sự khó chịu hoặc bất cứ điều gì không quen thuộc.

Cõi Người

Cõi người là cõi lý tưởng mà từ đó chúng sinh có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi. Cảnh giới này được xem là có nhiều điều thuận lợi để tu tập giải thoát, từ việc có ý thức cho đến các thử thách và lợi lạc trong cuộc sống giúp con người nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực và nỗ lực hết mình để đạt giác ngộ.

Tuy nhiên, vì sự phức tạp trong cảnh giới này nên nhiều người dành hầu hết thời gian để trốn tránh đau khổ và trải nghiệm thú vui của cuộc sống, đôi lúc có hành động và ý nghĩ không tốt tạo nên nghiệp bất thiện khiến họ vẫn tái sinh ở cõi người hoặc các cảnh giới thấp hơn.

Cõi người tượng trưng cho niềm đam mê, hoài nghi và ham muốn. Giác ngộ đang ở trong tầm tay của loài người, nhưng chỉ một số ít nhận ra và quyết tâm khai mở nó.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

235 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog