Pháp Giới 11 tháng trước

Chú giải Kinh Pháp Cú trọn bộ 4 quyển PDF – Thiền Sư Pháp Minh

Bộ Chú giải Kinh Pháp Cú do đức Cố Trưởng lão Hòa Thượng Pháp Minh dịch trọn vẹn chia thành bốn bộ xem như là bộ Chú giải căn bản nhất được hoàn thiện tại Việt Nam.

Giới Thiệu

Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya) trong Kinh tạng Pāli (Suttanta Piṭaka). Đây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới, kể cả hệ phái Nam tông lẫn Bắc truyền.

Dhammapada là tập hợp 423 bài kệ do đức Phật thuyết ra trong nhiều dịp khác nhau, được sắp xếp trong 26 phẩm. Mỗi bài kệ chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú, không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tra cứu các bản chú giải, và suy nghiệm từ các tu chứng tự thân thì mới mong thông ngộ và thấu đạt ý nghĩa của các lời dạy cao quý đó.

Vì thế, bộ Chú giải Kinh Pháp Cú (Dhammapada-aṭṭhakathā) do đức Cố Trưởng lão Hòa Thượng Pháp Minh dịch trọn vẹn chia thành bốn bộ xem như là bộ Chú giải căn bản nhất được hoàn thiện tại Việt Nam.

Nếu đọc qua bài kệ, chúng ta chưa hiểu được hết ý nghĩa sâu xa thì chắc chắn đọc qua bộ Chú giải này, chúng ta sẽ hiểu thêm được duyên sự câu kệ và cả ý nghĩa mà đức Phật muốn nói đến.

Mỗi một bài kệ, mỗi một duyên sự là một đề tài tu tập, một hướng đi mới cho mỗi người con Phật trên con đường tu học để tiến đến đạo quả giải thoát.

Xem Thêm:   Điều gì tạo nên phước sung mãn ở mai sau?

Vì thế, chúng tôi xin được phép giới thiệu đến quý vị trọn bộ Chú giải Kinh Pháp Cú phiên bản ebook, để quý vị thuận tiện trong việc download và có thể xem trong bất cứ hoàn cảnh nào.

TIỂU SỬ THIỀN SƯ ĐẦU ĐÀ PHÁP MINH

Ngài Thiền Sư PHÁP MINH thế danh là NGUYỄN VĂN LONG, sinh ngày 15-3-1918, tại Làng Phước Hải, Huyện Long Đất, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thân phụ của Ngài là Cụ NGUYỄN VĂN TÀI, thân mẫu là Bà PHẠM THỊ MINH.

Ngài xuất thân trong một gia đình có tinh thần yêu nước, có truyền thống đạo đức lâu đời, thuộc gia đình trí thức, ngài đậu bằng Diplome (Trung học).

Năm 1965, Ngài xuất gia Sa di với Hòa thượng BỬU CHƠN tại chùa Phổ Minh, Gò Vấp, Gia Định, lúc 10 giờ 30 ngày 7-2, tức tháng 6 Â. L. năm Ất Tỵ.

Ngày 6-1-1968, tại chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho, Ngài thọ Đại giới Tỳ kheo với Thầy Tế độ là Hòa thượng GIỚI NGHIÊM.

Sau khi tu tại chùa Phổ Minh một thời gian, Ngài vân du hành đạo tại chùa Phước Hải Vũng Tàu. Sau đó, Ngài đến Tịnh Xá Ngọc Hương, Thủ Dầu Một.

Năm 1967, Ngài đi hành đạo ở Tịnh Xá An Lạc, Bắc Mỹ Thuận. Cuối năm ấy, Ngài về Tổ Đình Bửu Quang ở Gò Dưa để thực hành pháp môn Đầu đà, độc cư thiền tịnh.

Năm 1968, Ngài rời chùa Bửu Quang đến Núi Nhỏ Vũng Tàu, tìm nơi độc cư thiền định. Năm 1969, Ngài lại trở về Tổ Đình Bửu Quang để tiếp tục sự nghiệp tu hành.

Xem Thêm:   Cứu cha thoát địa ngục nhờ tụng Kinh Địa Tạng

Tháng 12-1974, theo lời thỉnh cầu của Ban Quản Trị Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu, Ngài đến khu Thắng Tích để hành đạo và hoằng dương Chánh Pháp.

Từ năm 1975 đến 1976, bước chân Ngài đã vân du đến Tô Châu, Hà Tiên, Rạch Giá.

Năm 1977, 1978, 1979, 1980, Ngài lại trở về Tổ Đình Bửu Quang để thiền định. Từ đó đến nay, Ngài sống Hạnh độc cư, trì bình khất thực tại Cốc Bình Thủy, Gò Dưa, Thủ Đức.

Vào lúc 9 giờ ngày thứ Tư 27 tháng 1 năm 1993 (mùng 5 tháng giêng năm Quý Dậu), Ngài đã an nhiên thị tịch trong khi ngồi thiền định với tư thế kiết già liên hoa tọa.

Từ khi xuất gia cho đến giờ viên tịch, Ngài luôn luôn thực hành pháp hạnh Đầu Đà khất thực, hạnh đầu đà không nằm… Ngài giữ hạnh tri túc, thường ít nhận tứ sự cúng dường của chư Tăng và các Phật tử, Ngài sống vô cùng đơn giản.

Trong thời gian còn sinh tiền, Ngài đã soạn dịch nhiều tác phẩm Kinh điển như:

Bộ Chú Giải Kinh Pháp Cú.

Sưu Tập Kệ Pāli.

Ngài đã trước tác nhiều tác phẩm mà hiện nay vẫn còn là bản thảo, như:

  1. Sổ Tức Quan thực tập 1, 2, 3…
  2. Cổng vào Niết Bàn.
  3. Lâm Tuyền Pháp.
  4. Chiến Sĩ Thượng Thặng.
  5. Ba cách Làm Phước.
  6. Siêu Pháp Tiết Chế Tình Dục.
  7. Việc Tập Tâm.
  8. Tứ Oai Nghi.
  9. Hạnh Nguyện Bồ Tát.
  10. Thiền Luận.
  11. Tùy Bút Pháp Hành.
  12. Kệ Kinh Tam Bảo Pāli…
Xem Thêm:   Những lợi ích khi trì tụng chú Đại Bi không thể nghĩ bàn

Ngài thông suốt nhiều ngoại ngữ như Tiếng Pháp, Anh, Thái, Khơmer, Pāli…

Ngài còn là một họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, y sĩ… Ngài hiểu biết sâu sắc trong khoa học và nghệ thuật.

Trong thời gian còn sinh tiền, Ngài đã từ bi tế độ cho nhiều hành giả thực hành pháp môn Thiền Quán Minh Sát Khổ có kết quả, nhiều hành giả đã ngồi thiền bảy giờ (07 giờ) liên tục với tư thế Kiết già liên hoa tọa.

Ngài Thiền Sư PHÁP MINH là một trong những vị Cao Tăng, chân tu, thực hành Hạnh Đầu đà vô cùng tinh tấn của Hệ phái Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam.

Ngài ra đi nhưng Ngài vẫn còn sống mãi với hình ảnh là một bậc chân tu khả kính, thực hành GIỚI-ĐỊNH-TUỆ, in đậm nét trong tâm trí của toàn thể chư Tăng, Tu nữ và hàng Phật tử gần xa.

Toàn thể Tăng Tín đồ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam cung kính nghiêng mình trước đạo hạnh Cố Đại Đức Thiền Sư Đầu Đà PHÁP MINH.

Tỳ Khưu BỬU CHÁNH
Phụng soạn

Mời quý bạn đọc trọn bộ Chú giải Kinh Pháp Cú trọn bộ 4 quyển – Thiền Sư Pháp Minh tại những file PDF dưới đây.

Chú giải Kinh Pháp Cú quyển 1Chú giải Kinh Pháp Cú quyển 2Chú giải Kinh Pháp Cú quyển 3Chú giải Kinh Pháp Cú quyển 4

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

75 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog