Những lưu ý cơ bản về trì tụng Chú Lăng Nghiêm Phật tử nên biết
Pháp Giới 9 tháng trước

Những lưu ý cơ bản về trì tụng Chú Lăng Nghiêm Phật tử nên biết

Dưới đây là một số câu hỏi – giải đáp liên quan đến việc trì tụng Chú Lăng Nghiêm mà các Phật tử thường hay quan tâm.

1. Chú Lăng Nghiêm là gì?

Chú Lăng Nghiêm – Thủ Lăng Nghiêm (tiếng Phạn: Shurangama Mantra) được hiểu là Phật Tánh, bản chất nguyên thủy của chúng sinh. Đây là điều mà tất cả các trường phái Phật giáo đều nhắc tới.

Bản chất nguyên thủy chúng sinh từ trước tới nay luôn thanh tịnh, gọi là “Định”. Không hề bị biến dịch nên gọi là “Kiên Cố”. Chính vì vậy, Chú Lăng Nghiêm được dịch là “Đại Định Kiên Cố”.

Đây là thần chú dài nhất và lâu đời nhất của Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc được dùng để bảo vệ hoặc thanh lọc cho thiền sư.

Giống như thần chú nổi tiếng Lục Đại Tự Minh “Om Mani Padme Hum”, chú này đồng nghĩa với các thực hành của Bồ tát Quan Thế Âm – vị Bồ tát quan trọng của Phật giáo Đông Nam Á và Phật giáo Tây Tạng. Trong chú nhắc đến các vị Phật giáo như Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Kim Cương Thủ, chư Phật Dyani và Phật Dược Sư Lưu Ly.

Chú Lăng Nghiêm chia làm năm bộ: Kim Cang bộ, Bảo Sinh bộ, Liên Hoa bộ, Phật bộ và Nghiệp bộ. Năm bộ Kinh này thuộc về năm phương :

1. Kim Cang bộ : Thuộc về phương Đông, Đức Phật A Súc là chủ.

2. Bảo Sinh bộ : Thuộc về phương Nam, Phật Bảo Sinh là chủ.

3. Phật bộ : Thuộc về chính giữa, Phật Thích Ca Mâu Ni là chủ.

4. Liên Hoa bộ : Thuộc về phương Tây, Phật A Di Đà là chủ.

5. Nghiệp bộ : Thuộc về phương Bắc, Phật Thành Tựu là chủ.

Xem Thêm:   Nghiệp sát nặng nhiều bệnh tật, không sát sanh được trường thọ

Được học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật, xuất gia cũng như tại gia, và hiểu được nghĩa lý của Chú Lăng Nghiêm thì nhân duyên thật là không thể nghĩ bàn, có thể nói là trăm ngàn vạn kiếp mới gặp được. Cho nên chúng ta có nhân duyên thù thắng mới được trì tụng và hiểu nghĩa lý của Chú Lăng Nghiêm.

Chú Lăng Nghiêm là cốt tuỷ trong Phật Giáo, nhờ Chú Lăng Nghiêm mà chánh Pháp mới tồn tại lâu dài. Trong năm đệ Chú Lăng Nghiêm thì hai đệ đầu đa số là danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát, A La Hán, chư Thiên, Hộ Pháp thiện thần, còn ba đệ cuối đa số là danh hiệu của các vị Quỷ Thần Vương. Bản Hán văn chỉ có đệ Nhất và đệ Nhị, còn ba đệ cuối thì không có. Chú Lăng Nghiêm có tầm quan trọng lớn, chỉ cần chúng ta người xuất gia, hoặc tại gia, trì tụng mỗi ngày, thì công đức thật không thể nghĩ bàn, giúp cho hành giả tăng trưởng trí huệ, vượt qua mọi sự chướng ngại thử thách trên đường tu tập, đồng thời giúp bảo vệ chánh pháp trụ thế lâu dài, lợi lạc chúng sinh.

Điều quan trọng là hành trì đều đặn mỗi ngày, bất cứ lúc nào, ở đâu, tụng ra tiếng, hoặc tụng thầm, công đức đều được tăng trưởng. Vì Chú Lăng Nghiêm là đại định, cũng là vua trong các định. Định lực của Chú Lăng Nghiêm hàng phục được tất cả tà ma ngoại đạo. Chỉ cần tụng lên thì chư Thiên, hộ pháp, thiện thần đều cung kính bảo hộ hành giả.

Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều nhờ đại định Chú Lăng Nghiêm mà thành tựu. Người tu hành không thể nào thiếu đại định Lăng Nghiêm.

Ngài A Nan là đa văn bậc nhất, thuộc lòng Đại Tạng Kinh không sót một chữ, mà lúc gặp nạn, nếu không nhờ đức Phật sai Bồ Tát Văn Thù dùng thần Chú Lăng Nghiêm đến cứu, thì Ngài A Nan đã mất giới thể, mà mất giới thể thì không thể thành tựu đạo Nghiệp!

Xem Thêm:   Tỳ Kheo có nghĩa là gì? Năm đặc tính của Tỳ-kheo

Trên đường tu gặp rất nhiều chướng ngại, thử thách. Nếu không nhờ sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát, hộ pháp thiện thần, thì rất khó thành tựu đạo nghiệp. Những bậc cao Tăng, Tổ sư, thời nào cũng thế, đều nhờ tu hành giới đức trang nghiêm, phước huệ song tu, tích luỹ nhiều đời nhiều kiếp, được sự gia trì của chư Phật, Bồ Tát, hộ pháp thiện thần, mới vượt qua chướng ngại thử thách, cuối cùng giác ngộ chứng quả.

Chú Lăng Nghiêm là hành trang, tư lương, không thể thiếu của người tu Phật. Chỉ cần chúng ta cố gắng trì tụng mỗi ngày, thì công đức không nhỏ, đồng thời cũng là góp phần vào bảo vệ chánh pháp trụ thế lâu dài, lợi lạc tất cả chúng sinh.

Những lưu ý cơ bản về trì tụng Chú Lăng Nghiêm Phật tử nên biết

2. Những lưu ý cơ bản về trì tụng chú Lăng Nghiêm

a. Tụng chú Lăng Nghiêm có giờ giấc quy định không?

Không có giờ nào quy định để tụng chú Lăng Nghiêm, Chú Ðại Bi, hoặc Thập Chú gì cả. Có thể tụng buổi sáng, tối hoặc bất cứ lúc nào trong ngày cũng được. Tuy nhiên trong Chùa thường tụng chú Lăng Nghiêm khi vừa thức giấc, nghĩa là bốn giờ sáng.

b. Tụng chú phải có Thầy chứng minh để khỏi tội “trộm pháp”?

Không cần có Thầy chứng minh khi đọc tụng. Không ai có thể “trộm pháp” của Phật. Nếu người nào “trộm pháp” đem phổ biến cho đời, đem lại nguồn an lạc cho quần sanh thì công đức thật vô lượng.

c. Tụng chú có thể trừ ma quỷ, không vào đạo tràng cũng như vào đạo tràng?

Không phải vậy. Trừ được tà ma quỷ mị hay không chủ yếu là do tâm của hành giả, chứ không phải do chú. Các bậc đại hành giả thì dù không tụng chú nhưng với tâm thanh tịnh, giữ giới đức nghiêm trang thì nhân thiên kính phục, quỷ thần phải sợ.

Nhân gian còn nói: “Tài cao long hổ phục, đức trọng quỷ thần kinh” huống hồ các bậc Bồ-tát, Thánh Tăng hoặc các bậc chân tu. Còn các người phàm phu, tâm loạn động thì dù tụng mấy ngàn biến vẫn không điều phục nổi quỷ thần, mà ngược lại bị quỷ thần điều phục nữa là khác.

Xem Thêm:   Hủy báng Tam Bảo, báng bổ Phật Pháp sẽ nhận quả báo gì?

d. Dù có phạm giới mà tụng chú Lăng Nghiêm cũng xem như giữ giới?

Không phải vậy. Nếu chú có công năng như vậy thì có lẽ đức Phật đã bảo chư Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni cũng như nam nữ Phật tử đã tụng chú hết rồi, cần gì phải giữ giới, tu thiền định?

e. Tụng chú Lăng Nghiêm, cầu gì được nấy, bịnh tật tiêu trừ?

Không phải vậy. Nếu chú Lăng Nghiêm mà linh ứng như vậy thì có lẽ chư Tỳ-kheo thời Phật không ai thiếu thực phẩm để độ nhật và không có ai bệnh hoạn nữa rồi, đặc biệt chúng sanh bao đời không còn đau khổ vì miếng cơm manh áo.

Quan điểm riêng của bản thân người trả lời: dù có chỗ nào ghi đó là lời dạy chân thực của đức Phật Thích-ca hay của chư vị Bồ-tát, thì riêng bản thân không dám nhận định, nhưng quyết không tin theo được. Vì chú cũng chỉ là một phương tiện xưng tụng các danh hiệu của chư Phật, chư Bồ-tát hoặc chư thiên, các vị thần linh có oai lực lớn mà thôi. Bản thân người viết thừa nhận có năng lực của các loại thần chú, không riêng gì chú Lăng Nghiêm hoặc chú Ðại Bi mà bất cứ chú nào, dù đó là chú của tà ma ngoại đạo đi nữa. Nhưng phải nói thêm là năng lực của các loại thần chú cũng có giới hạn, đặc biệt không có giá trị trong quá trình thay đổi nghiệp quả của con người. Chú chỉ có thể trợ giúp một phần nào tinh thần của người đương niệm hoặc một phần nào sự gia trợ của chư thiên, chư thần, nhưng công năng của chúng tuyệt đối không thể nào như các trường hợp mà chúng ta đề cập ở trên. – “Tỳ kheo Giác Hoàng!”

Nguồn: phatgiao.org.vn!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

217 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog