Tín Nguyện Hạnh là gì? Nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ
Pháp Giới 10 tháng trước

Tín Nguyện Hạnh là gì? Nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ

Tín Nguyện Hạnh là ba món tư lương của người niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Đây cũng là nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ.

1. Tín Nguyện Hạnh là gì?

Tín, Nguyện, Hạnh là ba món tư lương của người niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Đây cũng là nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ:

Tín là tin cõi Cực Lạc có thật và đức A Di Đà luôn luôn hộ niệm. Ngài sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh nào quy kính, niệm sáu chữ hồng danh kêu gọi đến Ngài.

Nguyện là sau khi đã tin đức Phật Thích Ca không nói dối, đức A Di Đà không nguyện dối. Hành giả phải phát tâm chơn thiết cầu thoát ly cõi Ta Bà đầy khổ lụy chướng duyên; Mong muốn sanh về miền Cực Lạc an vui. Và nương nơi sự thanh tịnh trang nghiêm vô lượng, để tu tiến hoàn thành mục đích tự độ độ tha.

Hạnh là sau khi đã phát nguyện như thế, lại cần phải thiết thật xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Một lòng tin Phật mà niệm Phật, rồi nương nơi bản nguyện của Phật A Di Đà để được tiếp dẫn về Tây Phương Tịnh Độ.

Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Tín, Nguyện, Hạnh, chính là ba món tư lương của người tu pháp môn Tịnh độ. Sao gọi là tư lương? Giống như bạn đi du lịch đến một vùng nào đó, trước tiên phải chuẩn bị một ít thức ăn, đó gọi là “Lương”. Lại đem theo một ít tiền thì gọi là “Tư”. “Tư lương” chính là thức ăn và những thứ tiền bạc nhu yếu trong sinh hoạt của bạn.

Bạn đến thế giới Cực lạc, cũng cần ba món tư lương, đó là: Tín, Nguyện, Hạnh. Điều quan trọng trước tiên là phải Tín. Nếu bạn không có tín tâm, thế là bạn không có duyên với Phật A Di Đà ở thế giới Cực lạc rồi. Nếu bạn có tín tâm là có duyên với Ngài. Cho nên niềm tin là điều hết sức quan trọng của bất cứ hành giả tu tập bất cứ pháp môn nào của Phật pháp. Bạn tin, là tin chính mình, tin cả người khác, vừa tín nhân, tín quả, tín sự tín lý.

Tin, sao gọi là tin chính mình? Bạn phải tin chính bạn nhất định về được thế giới Tây phương Cực lạc, bạn đầy đủ tư cách đến được thế giới Tây phương Cực lạc. Bạn không nên xem thường mình và nói rằng: “Chao ôi! Tôi gây tạo rất nhiều tội nghiệp, tôi không có cách gì để về được thế giới Tây phương Cực lạc”. Thế là bạn không có tin chính bạn rồi.

Bạn tạo rất nhiều tội nghiệp, phải không? Nhưng hôm nay bạn gặp cơ hội tốt. Cơ hội tốt như thế nào? Có thể đới nghiệp vãng sanh (mang nghiệp cũ vãng sanh). Bạn tạo những nghiệp gì, đều mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc. Nhưng bạn nên biết, đới nghiệp là mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới. Do khi trước chưa học Phật nên không biết tội phước. Nay biết Phật pháp biết niệm Phật nên mang cái nghiệp khi xưa đó về cõi Phật.

Xem Thêm:   Phật nói Kinh Nghiệp báo sai biệt cho trưởng giả Thủ Ca PDF

Nghiệp mới, chính là tội nghiệp tương lai, mang nghiệp cũ, chứ không phải mang nghiệp mới, mang tội nghiệp quá khứ, chứ không phải mang tội nghiệp tương lai. Lúc trước bạn đã gây tạo những hành vi tội lỗi bất thiện, không luận là nặng hay nhẹ, nhưng bây giờ bạn tự mình ăn năn cải đổi, bỏ ác hướng thiện, thế là tội nghiệp của bạn lúc trước đã gây tạo, có thể mang theo về thế giới Tây phương Cực lạc, không mang nghiệp tương lai.

Tín tha, nghĩa là bạn tin đích thật có thế giới Tây phương Cực lạc, từ thế giới của chúng ta trải qua mười vạn ức cõi Phật xa như thế. Đây là khi chưa thành Phật, Ngài có tên là Tỳ kheo Pháp Tạng. Ngài từng phát nguyện, tương lai tạo thành một thế giới Cực lạc, mong muốn mười phương tất cả chúng sanh đều sanh về cõi nước của Ngài.

Không cần gì nhiều, chỉ cần chúng sanh xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì được về thế giới Tây phương Cực lạc, ngoài những việc khác ra, đều phí công. Pháp tu này vừa dễ, vừa đơn giản, lại phương tiện, viên dung, không phí tiền, không phí sức, có thể nói đây là pháp môn thù thắng. Chỉ cần niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” thì được sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, đây chính là tín tha.

Lại phải tin nhân, tin quả. Sao gọi là tin nhân quả? Bạn phải tin chính bạn trong quá khứ đã có căn lành, nay mới gặp pháp môn này. Nếu bạn không có căn lành, thì không gặp được pháp môn niệm Phật, cũng như không gặp được tất cả pháp môn của Phật. Bạn có căn lành, trong quá khứ đã gieo trồng nhân lành, nên nay gặp được pháp môn Tịnh độ mới có thể đầy đủ tín, nguyện.

Nếu bạn chẳng tiếp tục vun bồi phát triển căn lành này, thì tương lai bạn chẳng có cơ hội để thành tựu quả vị Phật. Cho nên điều cần yếu bạn phải tin nhân, tin quả, bạn phải tin chính bạn ở trong đời quá khứ đã có gieo trồng nhân bồ đề, tương lai nhất định sẽ kết quả bồ đề. Giống như làm ruộng, khi gieo giống xuống cần phải chăm bón nó mới phát triển được.

Tin sự, tin lý. Sao gọi là tin sự? Sao gọi là tin lý? Bạn phải biết đức Phật A Di Đà có nhân duyên với chúng ta rất lớn; Ngài nhất định trợ giúp chúng ta thành Phật, đây là sự. Tin lý, tại sao chúng ta và Phật A Di Đà có nhân duyên rất lớn? Nếu không có nhân duyên chúng ta không gặp được pháp môn Tịnh độ. Phật A Di Đà cũng chính là tất cả chúng sanh, chúng sanh cũng chính là Phật A Di Đà. A Di Đà Phật là niệm Phật mà thành A Di Đà Phật, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh tinh tấn niệm Phật, cũng có thể thành Phật A Di Đà, đây là lý.

Rõ lý, tỏ sự như thế rồi, chúng ta nương vào đó mà tu hành như Kinh Hoa Nghiêm nói: “Sự vô ngại pháp giới, lý vô ngại pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới”. Đứng về phương diện tự tánh mà nói, chúng ta và đức Phật A Di Đà là một, cho nên chúng ta đều đủ tư cách để thành Phật A Di Đà.

A Di Đà Phật là Phật ở trong tâm chúng sanh, chúng sanh nào cũng là tâm của Phật A Di Đà, sự quan hệ này cũng có sự có lý. Đạo lý này, bạn cần phải tin và phải thực hành, không làm biếng giải đãi. Cũng như niệm Phật, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua, không phải ngày hôm nay lại kém hơn ngày hôm qua.

Xem Thêm:   Mười công đức ấn tống kinh sách, tượng Phật

“Tín” đã giảng xong, tiếp theo giảng “Nguyện”. Sao gọi là nguyện? Nguyện chính là ý nguyện, ý nguyện của bạn, ý niệm bạn hướng mạnh thì tâm tưởng của bạn cũng như thế, phát ra một nguyện. Một nguyện này, chính là tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Chư Phật trong quá khứ và các bậc Bồ tát, đều dựa vào tứ hoằng hệ nguyện này mà chứng quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Hiện tại chư Phật và chư Bồ tát vị lai cũng đều dựa vào tứ hoằng thệ nguyện này tu hành chứng quả. Nhưng khi phát nguyện, trước hết bạn phải có tín tâm này, trước phải tin “có thế giới Cực lạc”. Thứ hai là tin “có Phật A Di Đà”. Thứ ba là tin “ta và Phật A Di Đà nhất định có nhân duyên rất lớn; ta nhất định sẽ sanh về thế giới Cực lạc”.

Vì có đầy đủ ba đức tin đó, sau mới phát nguyện sanh về thế giới Cực lạc. Cho nên mới nói “nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung”. Ý nguyện của ta sanh về thế giới Cực lạc, không phải người nhà quyết định cho ta đi, cũng không phải người khác đến nắm tay dắt ta đi.

Tuy nói Phật A Di Đà đến tiếp rước ta, nhưng cái chính yếu là ý nguyện chính mình có muốn thân cận với Phật A Di Đà hay không? Ý nguyện có muốn sanh về thế giới Tây phương Cực lạc gặp Phật nghe pháp tu hành hay không? Muốn thành tựu được “Nguyện” này, tiếp theo cần phải có “Hành”. Sao gọi là hành? “Nam Mô A Di Đà Phật”, “Nam Mô A Di Đà Phật” … đó! Giống như cứu lửa cháy đầu phải đi mau cho rồi; có người muốn hại đầu của ta, thì mình vội vã tìm cách bảo vệ cái đầu của mình, vậy chẳng dám giải đãi.

Niệm Phật tức là thực hành tín, nguyện, hạnh. Đây chính là lộ phí, là tư lương để đi đường. Tư lương chính là lộ phí, là tiền để chi dụng. Đến thế giới Cực lạc giống như đi du lịch, đi du lịch bạn cần phải có tem phiếu, có tiền … Còn ba món tư lương “Tín, Nguyện, Hạnh” này chính là ngân phiếu mình đi du lịch.”

Tín Nguyện Hạnh là gì? Nền tảng trọng yếu của Pháp môn Tịnh Độ

2. Dưới đây là đại khái 6 lối tin về Tịnh độ

Tin tự: Tin chắc rằng mình có Phật tánh sáng suốt, đủ vô lượng công đức. Nếu mình cố công lo niệm Phật thì quyết có thể chứng ngộ được.

Tin tha: Công nhận rằng lời dạy của Đức Phật Thích Ca không luống dối; Đức Phật A Di Đà luôn luôn nhiếp thọ tùy theo cơ cảm của mình mà ứng.

Tin nhơn: Đinh ninh công hạnh niệm Phật hiện tại của mình có năng lực giải thoát.

Tin quả: Tin chắc ở chín phẩm sen vàng là nơi sẽ về của ta sau này.

Về được đó thì dù hạng nào cũng không thối chuyển.

Tin sự: Xác nhận ngoài cõi Ta-Bà có một cõi Cực-Lạc đúng như lời Phật nói.

Tin lý: Tin tự tâm ta cũng tức là Tịnh-Độ, nếu một khi nó đã được trong sạch.Sự và lý viên dung không tách biệt.

Tóm lại, không tin thì thôi, nếu có tin cần phải tin sâu, tin chắc, và tin rồi phải thực hành.

Hạnh: Là thực hành, phải cho kiên nhẫn và đúng pháp.

Xem Thêm:   Nghiệp chướng là gì? Làm thế nào để tiêu trừ nghiệp chướng?

Kế đây là bài dịch ý của mấy vần thơ mà Tổ Đức Nhuận đã bàn về sự niệm Phật để giúp vào một phần nào cho sự thực hành ấy được đúng.

Xét ra niệm Phật dễ mà không
Ý, khẩu buông lung giữ chẳng đồng
Miệng niệm Di-Đà tâm toán loạn
Dầu cho bể cổ vẫn là không

Ấy đó, niệm Phật cốt phải giữ tâm và miệng đi đôi, nghĩa là miệng niệm thì tai phải nghe, tâm phải chú ý nghĩ nhớ Phật và nhất là tâm ý phải không tán loạn, không nghĩ xằng xiêng mới có hiệu quả.

Đây là bước thứ nhất của sự niệm Phật, nếu ai chưa được mà vội trách móc, vội ngã lòng rằng sao niệm hoài mà không thấy gì hết, rằng sao càng niệm chừng nào càng rối rắm chừng nấy v.v… thì thiệt là một điều oan uổng và đáng tiếc!

Để giúp sự niệm Phật được dễ dàng tôi xin nêu ra đây những bí quyết thành công của Ngài Giác Minh Diệu Hạnh đã dạy mà Thượng Tọa Trí Tịnh đã lược giải trong quyển “Đường về Cực-Lạc”:

Ðiều kiện thứ nhứt, trong lúc niệm, phải rành rẽ rõ ràng.

Rành rẽ là chữ câu rành rẽ không lộn lạo, mù mờ. Rõ ràng, là tiếng nói rõ ràng, không trại tiếng.

Ðiều kiện thứ hai, tiếng phải hiệp với tâm, tâm phải duyên theo tiếng, tâm và tiếng hiệp khắn với nhau.

Ðiều kiện thứ ba, phải chí thành tha thiết, với đức Từ Phụ, lòng ta như con thơ nhớ mẹ, với cõi Cực Lạc lòng ta như viễn khách tưởng cố hương.

Ðiều kiện thứ tư, không cho xen lộn một mảy tưởng niệm thế sự; nghĩa là phải luôn nhiếp tâm trụ nơi tiếng niệm Phật, không xao lãng. Nếu lỡ xao lãng phải liền nhiếp thâu lại.

Với trường hợp đây, chú tâm nhận chắc lấy tiếng của mình niệm là công hiệu nhất.Trong quyển Niệm Phật Luận ngài Đàm Hư Đại lão Pháp sư đã nói:

Một khi niệm câu A-Di-Đà Phật được tương ứng, liền đó hành giả được 6 căn thanh tịnh. Vì:

1. Mắt thường nhìn Phật thì nhãn căn thanh tịnh.

2. Tai nghe tiếng niệm của mình và của đại chúng thì nhĩ căn thanh tịnh.

3. Mũi nghe biết hương thơm của nhang, trầm thì tỷ căn thanh tịnh.

4. Lưỡi cử động để niệm Phật thì thiệt căn thanh tịnh.

5. Thân ở trong đạo tràng mà lạy Phật thì thân căn thanh tịnh.

6. Trong khi niệm, lạy, tâm thường tưởng Phật thì ý căn thanh tịnh.

Nguyện: Nguyện phải cho thiết tha, cho quyết định.

Chúng ta có thể lựa một trong các bài văn phát nguyện rồi học thuộc lòng, để trước khi lên giường ngồi xếp bằng hướng về Tây-Phương phát nguyện xong sẽ nằm ngủ.

Hoặc những vị kém trí nhớ hằng ngày phát nguyện trì danh niệm Phật – Niệm Nam-mô A-Di-Đà Phật, đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm, ăn cũng niệm, làm việc cũng niệm, cho đến những chỗ không sạch sẽ cũng đều niệm được cả (nhớ những lúc này niệm thầm, vì niệm lớn sanh tội bất kính).

Niệm từ buổi mai khi mới thức dậy, cho đến buổi tối, cả ngày niệm không xen hở. Khi gần đi ngủ, ngồi xếp bằng, bán già, hay kiết già, chắp tay mà nguyện rằng: Con tin lời của Đức Phật A-Di-Đà, giữ một lòng niệm danh hiệu Phật, nguyện đời này bao nhiêu tội chướng thảy đều tiêu sạch, đến khi lâm chung được Phật và các vị Bồ-Tát, đến tiếp dẫn chúng con về Cực-Lạc.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

178 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog