Pháp Giới 9 tháng trước

Tứ Niệm Xứ là gì? Con đường giác ngộ theo kinh điển Nikaya

Tứ Niệm Xứ là gì? Tứ là bốn; Niệm là hằng nhớ nghĩ; Xứ là nơi chốn. Tứ Niệm Xứ là bốn nền tảng cốt lõi của Đạo Đế mà người học Phật phải thường để tâm nhớ nghĩ và quán sát, đó là: Thân bất tịnh, Tâm vô thường, Pháp vô ngã, Thọ thị khổ.

1. Tứ Niệm Xứ là gì?

Tứ Niệm Xứ là bốn nền tảng cốt lõi của Đạo Đế mà người học Phật phải thường để tâm nhớ nghĩ và quán sát, đó là: Thân bất tịnh, Tâm vô thường, Pháp vô ngã, Thọ thị khổ.

Tứ Niệm Xứ là một trong những nền tảng quan trọng của Phật pháp chớ không phải là pháp tu dành riêng cho Tiểu Thừa như nhiều người lầm tưởng. Đành rằng chúng sanh thời Mạt, tâm thô cảnh tế, các phép quán cực khó để thành tựu. Tuy nhiên bởi đây là giáo lý căn bản của Phật pháp, do đó, người học Phật chân chính cũng nên một lần đọc để nắm được những điều cương yếu!

Nhờ Tứ Niệm Xứ, chúng ta đã thấy rõ sự thật của kiếp sống nhân sinh, đó là: Thân bất tịnh, Tâm vô thường, Pháp vô ngã và Thọ thị khổ. Có hiểu được giáo lý nầy một cách tường tận thì sự tu hành mới vững chắc được. Nó đánh đổ một cách rốt ráo bốn thành kiến sai lầm lớn lao của con người là:

  • Tưởng thân mình là quý báu tốt đẹp trong sạch.
  • Tưởng tâm mình là vĩnh viễn thường còn, như một linh hồn bất diệt.
  • Tưởng mọi sự vật trên đời nầy chắc thật trường cửu.
  • Tưởng thu nhận gom góp được nhiều chừng nào thì sung sướng chừng ấy.

a. Thân bất tịnh là gì?

Bất tịnh nghĩa là không sạch, là dơ nhớp. Thân bất tịnh nghĩa là cái thân này không chút gì tinh sạch cả. Người thế gian ai cũng giữ gìn cái thân, quý báu cái thân, dầu làm việc gì cũng là vì cái thân mà làm, cho đến vì cái thân mà hao tiền tốn của, mang tiếng chịu lời cũng không kể, miễn cho cái thân đặng sống.

Thế gian quý hóa cái thân như vậy, nay nghe Phật nói “Thân bất tịnh” thì sao cho khỏi nghi hoặc mà cho là quá đáng.

Song, xét cho cùng thì cái thân này nhờ phụ tinh mẫu huyết mà thành, phụ tinh mẫu huyết là vật dơ nhớp, vậy cái thân này đã do những vật dơ nhớp tạo thành, thì làm sao mà tinh sạch cho được. Lúc mới đầu thai, trạng thái nhỏ nhen như bộ trùng, lần lần sinh năm sinh bảy, lớn bằng hột đậu cho đến lớn bằng miếng thịt, đầy những máu me rất dơ nhớp.

Về sau, nhờ sức duy trì của nghiệp thức, lần tượng ra hình người nằm trong bọc nước, cái bọc nước đầy những mồ hôi nước tiểu. Cái thân nằm trong đó đủ chín tháng mười ngày rồi mới ra khỏi bụng mẹ theo con đường rất dơ nhớp, đầy những máu me, rồi nằm trên vũng máu há miệng oe oe ba tiếng chào đời, thật không chút gì là tinh sạch cả.

Đã sanh ra rồi, khi nhỏ nhờ bú sữa, lúc lớn nhờ ăn uống mà càng ngày càng lớn. Nhưng lạ thiệt, như trong Trí độ luận đã nói: “Bản thị mỹ vị, nhơn chi sở thị, túc tích chi gian, biến thành bất tịnh”. Nghĩa là “Ban đầu là của ngon vật lạ, ai nấy đều thích, mà ăn vào cách chừng một đêm đã biến thành đồ dơ nhớp”. Cái thân này rõ là một bộ máy để làm ra đồ dơ nhớp. Mà dơ nhớp thiệt. Sớm mai ngủ dậy chưa súc miệng thì trong miệng đã hôi thúi, bốn năm ngày không tắm rửa thì áo quần đã tẩm mồ hôi, đen điu rít rắm. Lại còn nước mũi, ráy tai, lắm chuyện dơ nhớp nữa. Đó là nói về bề ngoài. Về bề trong lại còn dễ sợ hơn. Chẳng nói chi máu me xương thịt, chỉ trong một bộ lòng đã đầy những đồ hôi thúi, chẳng khác gì một thùng phẩn vậy.

Đó là nói khi lành mạnh. Chớ khi đau ốm lại dễ sợ hơn nữa: nào đờm, nào mũi, thúi tha tanh hôi, xiết bao là dơ nhớp. Dơ nhớp như vậy năm sáu chục năm đã đầu bạc mặt nhăn, lưng còm răng rụng, không còn sức sửa soạn bề ngoài, nên càng dơ nhớp hơn nữa. Đến khi chết, nghiệp thức không còn duy trì để thay lớp mới đổi lớp cũ, thì da thịt rã rời đụng đâu rệu đấy, nếu không chôn cất thì không ai chịu nổi cái mùi hôi thúi ấy được. Vậy thì biết cái thân này rõ là bất tịnh.

Người đời không biết cái thân bất tịnh mà yêu quý cái thân, cưng dưỡng cái thân. Nếu cái thân ưa gì thì ưa, cái thân ghét gì thì ghét, đến nỗi làm nô lệ cho cái thân, gây nghiệp chịu báo đời đời kiếp kiếp mà không tự hối. Vì cái thân mà tham, sân, si. Vì cái thân mà sát, đạo, dâm. Vì cái thân mà vọng ngôn ỷ ngữ, ác khẩu lưỡng thiệt. Trăm ngàn vạn điều dữ cũng đều do cưng dưỡng cái thân này mà tạo thành cả.

Vậy người tu hành cần phải quán sát cho rõ cái thân là bất tịnh, thì mới tránh được những nghiệp dữ và tâm mình mới được vài phần tự chủ.

b. Tâm vô thường là gì?

Tâm vô thường, nghĩa là cái tướng của tự tâm chúng ta luôn luôn đổi thay, không thường. Cái tướng của tự tâm là gì? Chính là cái phân biệt, hiểu biết hằng ngày, hay còn gọi là cái Thức. Người không học Phật thì không nhận biết thể chơn như rộng lớn cùng khắp cả vũ trụ, mà nhận lầm cái phân biệt, cái thức là Ta. Cho rằng cái Ta ấy là thường còn, không thay đổi, như những ngoại đạo chấp có thần ngã hay có linh hồn thường trụ.

Thần ngã là lối chấp của “Số luận sư “. Họ cho rằng mỗi chúng ta có thần ngã tự tại, trong sạch. Nhưng vì phân biệt, nên nhận thấy có vũ trụ vạn hữu, rồi sanh lòng ưa muốn, bỏ mất thần ngã tự tại trong sạch ấy. Vậy muốn cho thần ngã được giải thoát, thì phải dứt cả cái món phân biệt. Dứt cho hết sạch, không thấy, không nghe, không biết nữa, thì thần ngã mới hiển lộ ra. Và khi ấy mới nhận biết rằng vì mình mới sanh ra có vũ trụ. Họ cho như thế là rốt ráo, mà không biết thần ngã ấy cũng chỉ là vọng thức mà thôi.

Còn linh hồn là lối chấp của đa số thần giáo. Họ cho rằng duy có xác thịt chết, chứ cái linh hồn trong trường hợp nào cũng vẫn nhận biết mình, biết người, cũng thấy nghe như xác thịt, không bao giờ chết… Nhưng sự thật không phải thế: Cái tâm của chúng ta không thường chút nào hết. Nó thay đổi luôn, khi nhỏ khác, khi lớn khác; Khi có học khác, khi chưa học khác; Khi vui khi buồn, khi thương khi ghét, khi chuyên niệm về một chỗ, khi tản mát ra các trần duyên…thật không có gì là thường hết.

Nó là tâm pháp vô thường, nó thay đổi đủ cách, tùy chỗ tu tập của mình mà tiến hóa. Nếu tâm là thường thì không có sanh tử. Nếu tâm là thường, thì dù có tu hành cũng không tăng trưởng, thì người dốt cứ dốt, người vụng cứ vụng… Nếu tâm là thường thì không có nhân quả. Tu cũng chừng ấy, mà lành cũng chừng ấy; Cho đến người học, người không học cũng như nhau, chẳng có gì sai khác, thay đổi cả.

Xem Thêm:   Niệm Phật bị vọng tưởng có tội hay không?

Vì muốn đối trị cái vọng chấp kia, nên Phật mới dạy phép quán “Tâm vô thường”, để cho chúng sanh nhận biết rằng cái tâm không phải như một vật bất biến vô dụng; Không phải là cái “Ta” chắc thật muôn đời, rồi nương vào đó mà sanh ra không biết bao nhiêu là vọng tưởng phiền não. Những tánh tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… đều do ngã chấp mà sanh ra cả.

Lại cũng vì chấp tâm là thường nên chi chi cũng là do bản tánh của mình, không thể sửa đổi được, như bảo:” Tánh tôi hay nóng giận, hay tham lam “; “Tánh tôi hay đa mê đờn ca xướng hát “; “Tánh tôi thích cờ bạc rượu chè”. Họ cho đó là một lối bào chữa, vì không phải lỗi tại họ, mà tại cái bản ngã chắc thật của họ như thế rồi, không làm sao sửa đổi được.

Do đó, họ không thể nâng cao tâm trí theo con đường chơn chánh được. Vậy, Phật tử chúng ta cần phải quán sát cái “tâm vô thường” đổi cái tâm mê lầm ra cái tâm giác ngộ, phải trừ ngã chấp để ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

c. Pháp vô ngã là gì?

Pháp, theo tiếng Phạn là Dharma. Tàu dịch là quỹ trì, nghĩa là nắm giữ phạm vi của mình, như vuông, dài, tròn méo… Để mỗi khi người ta trông đến, liền nhận biết cái nầy là gì, và khỏi lẫn lộn với vật khác. Nghĩa chữ Pháp rộng lớn mênh mông, chỉ cho tất cả mọi sự thật trên vũ trụ. Chẳng những các vật hữu hình, cho đến các vật vô hình tưởng tượng như lông rùa, sừng thỏ, cũng gọi là Pháp cả.

Còn Ngã có nghĩa là chủ lễ, là riêng có tự tướng của mình. Người ta thường chấp các pháp đều có tự tướng của người, vật có tự tướng của vật, thế giới có tự tướng của quốc gia, xã hội có tự tướng của xã hội. Ðã chấp có tự tướng của mình, tất nhiên thấy có tự tướng của người khác. Ðối với tự tướng của một vật, hễ về mình thì không về người khác, còn về người khác thì không về mình. Do đó, sinh ra tâm niệm nhân, ngã, bỉ thử, quý trọng, khinh rẻ, tranh chấp, đấu tranh trong xã hội.

Song, xét ra cho kỹ thì các pháp nào phải thật có “tự tướng”? Nói về lục trần thì sắc đối với không, động đối với tịnh, sanh đối với diệt… nào có cái gì riêng một mình thật có tự tướng đâu? Trần đối với căn mà có hình tướng, căn đối với trần mà có tác dụng; Ngoài trần không có căn, ngoài căn không có trần. Như thế, thì biết tất cả các pháp, dù căn, dù trần cũng đều không có tự tướng.

Trong kinh Lăng Nghiên có câu: “Nhân duyên hòa hợp, hư vọng hữu sanh, nhân duyên biệt ly, hư vọng hữu diệt”. Nghĩa là: Các nhân duyên nhóm họp thì giả dối có sanh, các nhân duyên chia rẽ, thì giả dối có hoại diệt. Vậy đủ biết: Tất cả các pháp làm nhân duyên cho nhau, chứ không có tự tướng. Không có tự tướng, tức là “vô ngã”.

Ví như trong giấc chiêm bao, vì nhân duyên chiêm bao hiện ra thấy có cảnh nầy cảnh khác. Ðương khi ấy, người chiêm bao, cũng lầm tưởng là thật có. Đến khi thức dậy, mới nhận ra đó là cảnh giả dối trong chiêm bao. Chúng ta cũng thế, vì mê lầm nên không nhận ra được sự giả dối của sự vật. Trong khi tâm duyên với cảnh, cảnh duyên với tâm, vạn pháp hiện ra giữa vũ trụ, chúng ta tưởng là thật có. Thật ra, các pháp đều không tự tướng, đều là “vô ngã”.

Chúng ta không biết lý “pháp vô ngã”, cho nên ngoài bị hoàn cảnh kích thích, trong bị phiền não lay động, quay cuồng theo sự múa rối của giả cảnh. Vì thế, tuy muốn tự tại mà chưa lúc nào chúng ta được tự tại. Muốn an vui mà chưa lúc nào được an vui. Muốn thường trụ mà vẫn phải trôi lăn trong vòng sanh tử.

Nếu chúng ta chứng được pháp vô ngã rồi, thì một thể vô ngã trùm khắp cả pháp giới. Cảnh cũng vô ngã, tâm thức cũng vô ngã, thì còn cái chi mà ghét, mà thương, mà chịu sanh tử luân hồi nữa. Pháp vô ngã là lối tu giải thoát rốt ráo. Nếu ai ai cũng biết tu hạnh vô ngã một đôi phần thì đâu có sự ích kỷ hại nhân. Và cảnh tượng thế giới hòa bình đâu phải là điều không thể thực hiện được?

d. Thọ thị khổ là gì?

Thọ là chịu, nhận lãnh, lãnh thọ. Thọ thị khổ nghĩa là có lãnh thọ thì có khổ. Người ta sanh ra ở đời, từ nhỏ đến lớn không lãnh thọ điều này thì lãnh thọ điều khác. Vậy nói “Thọ thị khổ” cũng không khác chi nói rằng “đời người là khổ”.

Hiện trong thế giới này, người người đương đua nhau về vật chất văn minh, nào quyền lợi, nào danh vọng, nào lầu đài kiểu mới, nào xe điện tàu bay, bàng the lụa là, đàn ca xướng hát v.v…, những phô diễn hằng ngày biết bao là êm tai vui mắt, thế mà tôi lại nói “đời người là khổ” chẳng là quá đáng lắm sao? Thưa không, xin các ngài hãy bình tâm mà suy nghiệm từ khi đầu thai cho đến khi chết trải biết bao là sự cay đắng khổ não.

Khi ở trong thai khác gì ở trong ngục, có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Bà mẹ đã có ốm có nhọc thì đã đau đớn khó chịu, tay chọi chân đạp, muốn ra cho khỏi, nhưng chết thì chịu chết, làm sao mà ra đặng. Đến khi mới đẻ, ở trong thai đã quen, bỗng chốc ra ngoài, cảm xúc với cái hoàn cảnh chưa từng quen chịu nên sanh ra đau khổ. Mấy tiếng u oa khi mới lọt lòng là tiêu biểu của sự đau đớn khi mới đẻ. Từ đấy dần đi, kể biết bao những cảnh bất bình như muốn tắm mà mẹ cứ cho bú, muốn bú mà mẹ cứ bắt tắm; khi muốn ngủ mà mẹ cứ bắt chơi, khi muốn chơi mẹ lại cứ bắt ngủ; muốn nói thì chưa biết nói, mà lắm lúc khóc đã hết hơi cũng chẳng ai biết làm cho vừa ý muốn.

Thế rồi lần lần khôn lớn, biết đi học lại phải lo làm, làm để nuôi sống. Lại khi lạnh khi nóng, khi đói khi khát là khổ. Cái gì ưa hết sức cầu mà không được là khổ, ân tình cách biệt là khổ, oán cừu gặp gỡ là khổ, những thói quen mê lầm muốn bỏ mà bỏ không nổi là khổ. Nhưng đó chỉ là cái khổ vừa vừa, đến như mấy cái khổ sau này mới thiệt là khổ: Những cái khổ khi đau, khi già, khi chết.

Ở đời không chi khổ bằng đau ốm. Cái khổ trong khi đau. Tôi tưởng ai cũng đã kinh nghiệm đến. Mà đau nào phải một chứng đâu, nào là thương hàn, sốt rét, nào là thổ tả, ho lao v.v… Già đau trẻ cũng đau, lớn đau nhỏ cũng đau, trăm ngàn vạn chứng đau kể sao cho xiết. Cái đau trùm khắp cả bầu trời mấy ai tránh khỏi.

Người mạnh khỏe gặp phải cơn đau mà trở thành yếu ớt, nhà đương giàu gặp phải cơn đau mà trở thành cực khổ. Vì đau mà học hành thua kém. Vì đau mà công danh lỡ làng. Chưa nói đến khi bị tật nguyền, nào đui nào điếc, nào què nào bại, nó đã làm cho lắm người hữu dụng trở thành vô dụng. Kịp đến khi già lại càng dễ đau hơn nữa. Tóc bạc răng rụng, lưng mỏi gối dùn, tai lẫn mắt lòa, tinh thần lẫn lộn, ăn không ngon, nằm không ngủ, trời trở thì trở theo trời, khổ sở kể sao cho xiết.

Xem Thêm:   16 điềm lành vi diệu lúc Đản sinh của Đức Phật

Nhưng khổ như vậy nào phải sống đời được đâu, chừng trong khoảng 100 năm là phải chết. Người đời ai chẳng muốn sống, khi thấy cái chết đến nơi không có sức chống lại thì khổ sở biết là ngần nào.

Cái khổ trong khi chết còn nhiều, khó bề kể xiết. Mà cái khổ sau khi chết cũng không phải là hết đâu. Chúng ta hãy còn muốn sống, thì chết rồi lại sanh ra thân khác, rồi lại phải chịu đủ các sự khổ như khi trước.

Tôi nói như vậy chắc các ngài cho là bi quan và nghĩ rằng trong đời cũng lắm trò vui, chưa chắc toàn là khổ hết. Tôi cũng tạm nhận có cái vui như vậy, nhưng tôi thiết tưởng cái vui ấy chỉ làm nhân cho cái khổ, chỉ là cái vui trong cảnh khổ đó thôi. Xét những cái vui của phần đông người ở đời thì không ngoài danh lợi và ngũ dục. Song danh lợi thì tôi thấy lắm người vì muốn có lợi có danh mà lo ngày lo đêm, ăn không ngon, nằm không ngủ. Rủi không được thăng thưởng hoặc bị lỗ lả thì rực đầu rực óc, khổ sở không phải là ít.

Về ngũ dục thì không ngoài sắc đẹp tiếng hay, mùi ngon vị lạ, cờ bạc rượu chè mà thôi. Nhưng rượu trà thì khổ về say sưa, cờ bạc thì khổ về mất ăn mất ngủ, thiếu trước thiếu sau, vị lạ tiếng hay phải mất công tìm kiếm. Còn vui về tình ái là khi gặp gỡ thì vui, khi xa nhau lại nhớ thương buồn rầu. Lại còn lắm đôi trai gái vì sự trắc trở, muốn trọn chữ tình mà đành phải ném mình vào hang sâu vực thẳm, khổ sở kể sao cho xiết.

Cái vui ở đời không được mấy mà cái khổ đã đeo theo một bên, thiệt chẳng khác chi một bọn tù tội, khi ra đường cũng đùa cũng bỡn, khi rảnh việc cũng rủ nhau đánh lú đánh bài. Tuy trong khi ấy cũng vui cũng sướng, cũng reo cũng cười, nhưng rốt cuộc cái thân tù tội vẫn khổ lại hoàn khổ.

Xét kỹ thì những sự vui ở đời thường sanh ra ba điều khổ là khổ khổ, hành khổ và hoại khổ.

  • Khổ khổ là vì khổ mà khổ, như vì nhàm chán mà khổ, vì sanh say sưa, nghèo cực, đau ốm mà khổ.
  • Hoại khổ là vì hết đi mà khổ, ví như đương ưa xem hát bỗng hết giờ phải về là khổ.
  • Hành khổ là vì vô thường thay đổi mà khổ, ví như một đồ xưa quý báu bị bể đi mà sanh ra khổ.

Cuộc đời khổ như vậy nên trong kinh Niết bàn Phật có dạy: “Tam giới giai vô thường, chư hữu vô hữu lạc”. Nghĩa là tam giới đều vô thường, trong các cõi không có cõi nào là vui cả. Phật thấy chúng sanh chìm đắm trong bể khổ rất đáng thương xót nên chỉ dạy cho chúng sanh biết cái nguyên nhân của sự khổ.

Nguyên nhân của sự khổ là chi? Chính là cái lãnh thọ vậy. Vì chúng ta lãnh thọ cái thân này là thân của chúng ta, lãnh thọ cái này là đáng ưa là thuận cảnh, cái kia là đáng ghét là nghịch cảnh, nên mới hóa ra có khổ.

Ngày xưa có một thầy Bà la môn thấy học trò mình theo Phật, sanh lòng tức giận, muốn đem lý luận mà biện bác thì biện bác không nổi nên trổ ngọn thô bỉ đến mắng nhiếc Phật giữa chúng hội. Thầy Bà la môn mắng nhiếc đã lâu, thấy Phật vẫn vui vẻ yên lành không đáp lại một tiếng, thì càng tức giận hỏi Phật rằng: “Tôi mắng nhiếc ông đã lâu sao ông không nói lại?”.

Phật lại hỏi: “Khi ông tặng người ta một vật gì, người ta không nhận lãnh thì vật ấy về ai?”.

Thầy Bà la môn đáp: “Về tôi chớ về ai”.

Phật liền bảo rằng: “Hèn lâu ông mắng nhiếc, nhưng tôi không lãnh thọ thì cái mắng nhiếc đó trở về phần ông, can chi tôi mà phải đáp lại”.

Thầy Bà la môn nghe nói liền giác ngộ, cúi đầu kính lạy và xin quy y theo Phật.

Vậy là biết cái không lãnh thọ là quý hóa dường nào. Nếu chúng ta tập cái tánh không lãnh thọ, thì sắc đẹp tiếng hay, mùi ngon vị ngọt, danh vọng quyền lợi không thể lay động chúng ta được. Đối với cảnh, tâm vẫn bình thường không thấy cái đáng ưa cũng không thấy cái đáng ghét, không thấy cái đáng mừng cũng không thấy cái đáng buồn, không có cái gì đáng gọi là vui, không có cái gì đáng gọi là khổ, thì mới chắc vui riêng theo đạo lý ra ngoài tất cả các món cảm xúc.

2. Con đường giác ngộ theo kinh điển Nikaya

Ðạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, là thuyền bát nhã cứu vớt những sanh linh đang đắm chìm trong sông mê bể khổ, đang trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Ðạo Phật cũng là đạo bình đẳng và tự giác cho tất cả những ai muốn tìm đến con đường hướng thượng của sự giải thoát và giác ngộ.

Kinh Pháp Cú có câu: “Người thấm nhuần giáo pháp sống hạnh phúc với tâm an lạc. Hàng trí tuệ luôn luôn hoan hỷ trong giáo pháp mà các bậc thánh nhơn đã tìm ra”.

Ngược dòng thời gian để nhìn lại quá khứ, Thái tử Tất-đạt-đa thấy cuộc đời là bể khổ, chúng sanh đang trôi lăn trong vòng sanh sanh, tử tử với cảnh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não, đang diễn bày trước mắt, do vậy Ngài đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con xinh để đi tìm một công án cho chính mình đó là- giải thoát cho tất cả chúng sinh khỏi vòng luân hồi sanh tử. Ngài đã từ giã hoàng cung vào một đêm trăng thanh khi sao mai vừa mới mọc cùng con kiền trắc và Sa-nặc vượt dòng sông A-nô-ma để đi tìm chân lý.

Ðầu tiên Ngài đến học đạo với hai đạo sĩ tên là Alara Kalama và Adduka Ramaputta và đã chứng được hai trạng thái thiền Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng Ngài nghĩ rằng hai quả vị này chưa phải là những quả vị tối thượng như Ngài mong muốn. Rồi Ngài từ giã hai vị này để đi tìm chân lý cho công án của chính mình.

Trải qua sáu năm trường tu khổ hạnh, nhưng Ngài vẫn không đạt được kết quả gì:

“Sáu năm tầm đạo chốn rừng già
Khổ hạnh ai bằng Ðức Thích Ca
Chim hót trên vai sương phủ áo
Hươu kêu bên núi tuyết đơm hoa.”

Sau đó Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh này, trở về với con đường trung đạo. Ngài đến Bodhgaya ngồi nhập định dưới cội Bồ-đề và phát nguyện rằng: “Nếu ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này.”

Trong 49 ngày đêm ngồi tham thiền nhập định, Ngài đã chiến đấu với giặc phiền não ở nội tâm như tham, sân, si, mạn nghi và chiến đấu với giặc Thiên ma do Ma vương ba tuần chỉ huy. Sau khi thắng được giặc ở nội tâm và ngoại cảnh, tâm trí được khai thông, Ngài hốt nhiên đại ngộ, chứng được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác và trở thành Ðức Phật Thích-ca-mâu-ni.

Ðức Phật vì một đại nguyện lớn lao, vì một lòng từ bi vô bờ bến mà xuất gia tìm đạo. Ðại nguyện và lòng từ bi rộng lớn ấy là: “Cầu thành Phật quả để trên đền đáp bốn ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ.” Do vậy sau khi giác ngộ Ngài không nhập Niết-bàn ngay, mà liền nghĩ đến việc giáo hóa chúng sanh.

Xem Thêm:   Bồ Tát Quan Âm cứu nạn: Hữu cầu tất ứng

Tất cả chúng sanh không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc, sang hèn, nếu thực hành theo giáo lý của Ngài ắt sẽ được an vui, giải thoát, tịch tịnh. Sự giải thoát theo đạo Phật không ở đâu xa, mà ngay trong cuộc sống hiện tại này. Con đường giải thoát mà Ngài đã dạy cho chúng ta qua kinh điển Nikàya, đó là Giới, Định và Huệ. Kinh Tứ Niệm Xứ dạy rằng:

“Này các tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn, đó là bốn niệm xứ.”

Bốn niệm xứ đó là: quán thân trên thân; quán thọ trên các thọ; quán tâm trên tâm và quán pháp trên các pháp.

Tứ niệm xứ là pháp môn Chỉ-Quán hay Ðịnh-Tuệ song tu. Nhưng trước khi đi vào thực tập chỉ quán song tu Ngài dạy chúng ta phải giữ gìn giới luật, có trì giữ giới luật thì thân tâm mới trong sạch, nhẹ nhàng để bước vào hành thiền đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Giới luật như hàng rào ngăn chặn không cho ngoại ma xâm nhập vào, giữ gìn nội tâm yên tịnh, để đi vào định một cách dễ dàng, do vậy Ðức Phật luôn dạy đệ tử của Ngài phải hành trì giới luật trước khi hành thiền. Ðiều này được đức Phật nói rõ trong bài Ðại Kinh Xóm Ngựa sau đây:

  • Phải biết tàm quý trong khi nhận của cúng dường.
  • Thân hành, khẩu hành, ý hành, sanh mạng phải được thanh tịnh, minh chánh.
  • Phải hộ trì các căn.
  • Phải tiết độ trong ăn uống.
  • Phải chú tâm cảnh giác.

Sau khi trì giới làm cho thân thanh tịnh, chúng ta lựa một chỗ thanh vắng như thiền đường, gốc cây, khu rừng, hay bất cứ nơi nào thuận tiện và thoải mái cho việc hành thiền, rồi chúng ta ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt, rồi thực hành phương pháp niệm hơi thở vô, hơi thở ra (Anàpànasati). Trong Kinh Một Pháp, Ðức Phật dạy phương pháp niệm hơi thở vô, hơi thở ra với 16 đề mục: bốn đề mục về thân; bốn đề mục về thọ; bốn đề mục về tâm và bốn đệ mục về pháp.

Pháp môn này thuộc về pháp môn Tứ Niệm Xứ (cattàro–satipatthàna), tức là pháp môn đề cập đến bốn chỗ (xứ) để an trú niệm tức là thân, thọ, tâm và pháp. Pháp môn Anàpànasati này đề cập đến 16 đề tài về thân, bốn đề tài về thọ, bốn đề tài về tâm, và bốn đề tài về pháp. Người hành thiền vừa thở vô, vừa thở ra, vừa suy tư quán tưởng trên 16 đề tài liên hệ đến hơi thở.

Pháp môn này cho cả thiền định và trí tuệ, gồm chỉ (samatha) và quán (vipasana). Cả hai chỉ quán đều song tu trong pháp môn này. Khi dùng tầm tứ cột tâm trên hơi thở vô hơi thở ra, như vậy là chỉ, như vậy là định. Khi lấy trí tuệ quán sát 16 đề tài được lựa chọn, như vậy là quán, như vậy là tuệ.

Tu tập thiền chỉ thì có thể chứng được từ sơ thiền đến tứ thiền, rồi từ không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sau đó dùng thiền quán để chứng được diệt thọ tưởng định. Hoặc có thể từ tứ thiền rồi chuyển qua thiền quán để hướng tâm đến túc mạng trí, sanh tử trí, và lậu tận trí. Khi hướng tâm đến lậu tận trí vị ấy biết như thật: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là con đường đưa đến khổ diệt, đây là những lậu hoặc, đây là nguyên nhân của lậu hoặc, đây là các lậu hoặc diệt, đây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt. Nhờ vậy vị ấy thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu… vị ấy biết sanh đã tận phạm hạnh đã thành việc cần làm đã làm ; không có trở lui đời sống này nữa.” Vì thế cho nên thiền quán đóng một vai trò rất quan trọng trong tiến trình đưa đến giải thoát.

Nhìn vào cuộc sống sau khi thành đạo của đức Từ phụ chúng ta thấy, nếp sống hằng ngày của Ngài có hai việc chính là thuyết pháp và hành thiền. Ngài là vị chánh đẳng chánh giác, là bậc được thế nhân tôn sùng, kính lễ, nhưng Ngài vẫn hành thiền mỗi ngày, đó là vì Ngài muốn làm gương để sách tấn chư đệ tử của Ngài phải luôn tinh tấn hành thiền. Chúng ta thường gặp hai lời khuyên của Ðức Phật cho các tỳ-kheo xuất gia:

“Này các tỳ-kheo, khi các người hội họp lại thường có hai việc phải làm: một là đàm luận về phật pháp, hai là giữ im lặng của bậc thánh”. Sự im lặng của bậc thánh ở đây là hành thiền.

Lời dạy thứ hai là lời khuyên hành thiền của Ðức Phật: “Này các tỳ-kheo, đây là gốc cây, đây là những căn nhà trống, này các tỳ-kheo, hãy tu thiền, chớ có phóng dật, chớ có sanh lòng hối hận về sau. Ðây là lời giáo huấn của Ta cho các ngươi.”

Và khi sắp nhập Niết-bàn, Ðức Phật nhắc đi nhắc lại nếp sống của một tỳ-kheo tối thắng là tu thiền định, thiền quán.

“Này Anada, ở đời, vị tỷ kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời, đối với các cảm thọ … đối với tâm … đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời. Này, Anada, như vậy vị tỳ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một vật gì khác.”

Ðức Phật luôn luôn dạy các đệ tử của Ngài, ngay lúc Ngài còn sống, cũng như trước khi nhập diệt, phải tinh tấn hành thiền, vì chỉ có một con đường duy nhất đưa đến giác ngộ giải thoát đó là hành thiền.

Như chúng ta thấy bậc Ðạo Sư của chúng ta trước khi thành đạo, Ngài đã có nhiều kinh nghiệm về thiền như vậy và đã tự mình khám phá ra con đường giới định tuệ đưa đến giác ngộ giải thoát, cho đến khi thành đạo và ngay cả trước khi Niết bàn Ngài cũng hành thiền định.

Trong suốt 45 năm sau khi thành đạo Ngài thuyết pháp, hành thiền và dạy đệ tử hành thiền, những bài thuyết pháp của Ngài đều nhấn mạnh về thiền.

Chúng ta là những người hậu học, đang trên đường tu tập, để nối bước theo dấu chân Ngài, chúng ta phải tinh tấn thiền định, nhưng trước khi thiền định phải giữ gìn giới luật nghiêm minh, vì có giới mới đi vào định được, khi định được viên mãn thì trí tuệ phát sanh.

Trí tuệ là lưỡi gươm sắc bén nhất, có thể cắt đứt được tận gốc rễ của phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, giống như cây Tala một khi bị cắt đứt ngọn thì không thể mọc lên được nữa. Khi các kiết sử được đoạn tận gốc rễ, chúng ta mới được an vui, giải thoát. Sự an vui giải thoát này không ở đâu xa, mà chính ở ngay trong cuộc sống này.

Vì thế cho nên, tất cả chúng ta, giờ giờ, khắc khắc phải tinh tấn tu học, thực hành Tam vô lậu học (giới-định-tuệ). Vì đó là con đường duy nhất đưa chúng ta đến cõi an vui, giải thoát, tịch diệt, và Niết-bàn.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

4 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog