Pháp Giới 12 tháng trước

20 Khẩu nghiệp mà chúng ta tuyệt đối nên tránh

Ta đối với người, lời nói ra cần hòa nhã, đừng nói như roi gậy đánh bể đầu người ta, một câu nói còn gây hại hơn nhiều so với việc lấy gậy sắt đánh người. Nói năng khiêm nhường thì sẽ không làm tổn thương hòa khí.

1. Khẩu nghiệp là gì?

Khẩu nghiệp là nghiệp quả thiện ác phải gánh chịu do gây nhân từ lời nói tốt xấu gây ra. Các ác nghiệp do nói dối, nói ác khẩu, nói lời thêu dệt… đều chịu quả báo nặng nề và thế gian thì gần như không ai không mắc lỗi này!

Miệng là cửa ngõ vào ra của thân. Thức ăn đưa vào miệng, nhờ đó nuôi dưỡng thân xác. Lời nói phát ra từ miệng, nhờ đó biểu đạt những gì nuôi dưỡng trong tâm ý. Lời nói ra phải phù hợp với những gì suy nghĩ trong lòng, thì mới có thể khiến cho người khác phân biệt đúng sai, phải trái. Nếu không được như vậy, ắt chỉ là hạng xảo trá, gian ngụy khó lường. Kẻ chuyên dùng cơ mưu xảo trá với người, lời nói còn chưa lập được chút công đức gì thì trước đó đã tạo ra biết bao lầm lỗi.

Người đời thất bại do lời nói quả thật không ít. Miệng không thể suy xét, chỉ tâm mới có khả năng suy xét. Miệng do tâm sai khiến, nên nói ra lời dối trá là miệng, nhưng chủ ý nói ra lời dối trá để lừa gạt người khác lại chính là tâm. Con người khi giao tiếp mà trong lòng ngoài miệng chẳng được như nhau thì không phải lỗi của miệng, mà chính tại tâm. Chỉ cần giữ tâm trong sáng minh bạch thì lời nói tự nhiên sẽ không còn gian xảo trí trá.

2. 20 Khẩu nghiệp tuyệt đối nên tránh

  1. Trù người khác bệnh, dễ vạ vào thân.
  2. Nói lời công kích sẽ bị đau răng.
  3. Nói lời tuyệt tình gây ra đại nạn.
  4. Ăn nói phét lác, trở nên vô dụng.
  5. Nói yêu người nhưng không làm được sẽ bị người khác lừa gạt.
  6. Hay oán than thì một đời đau khổ.
  7. Nói lời kiêu ngạo cả đời không yên ổn.
  8. Thích gây thị phi, suốt đời bị phủ nhận.
  9. Cười nhạo người khác, mãi mãi thua thiệt.
  10. Suốt ngày tâng bốc người trong gia đình, hay gặp chuyện xấu hổ, mất mặt.
  11. Cả ngày nói lời tiêu cực, sống một đời sóng gió khổ đau.
  12. Hay luận thị phi, cuộc sống bần hàn, đau khổ.
  13. Câu nói “Hận đời” mang đến hoạ oan nghiệp.
  14. Luôn miệng chứng minh bản thân dễ bị người khác hiểu lầm.
  15. Thích nói dối thì người đời coi rẻ.
  16. Ưa nghe nịnh nọt, cả đời ắt không thành công.
  17. Dễ dàng nịnh nọt người khác, sẽ bị người bán đứng.
  18. Nói lời khinh thường đối phương sẽ nhận quả báo nhân cách bị huỷ hoại.
  19. Cất lời ly gián, hại người thì cuối đời cô quạnh.
  20. Ăn nói không có đường lui dễ gặp đại nạn tuyệt vận.

Khẩu Nghiệp là:

  1. Là nghiệp lực khó khắc phục nhất cho việc tu hành.
  2. Là lực cản trở lớn nhất cho việc tu hành chánh đạo.
  3. Là sức mạnh sát hại lớn nhất cho việc tu hành.
  4. Là nghiệp lực chính yếu đưa ta đọa xuống ác đạo.
  5. Là sức mạnh ngăn trở lớn nhất cho việc Vãng sanh.
  6. Khiến cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng.
  7. Khiến cho tăng đoàn không hòa hợp, đạo pháp không hưng thịnh.
  8. Khiến cho chúng sanh thoát mất đạo tâm, đoạn mất thiện căn làm người.
Xem Thêm:   Thân trung ấm là gì? Ánh sáng màu sắc thấy ở giai đoạn trung ấm

“Ta đối với người, lời nói ra cần hòa nhã, đừng nói như roi gậy đánh bể đầu người ta, một câu nói còn gây hại hơn nhiều so với việc lấy gậy sắt đánh người. Nói năng khiêm nhường thì sẽ không làm tổn thương hòa khí” – HT Tuyên Hóa!

3. Quả báo khẩu nghiệp

“Kinh Hộ Khẩu” ghi: “Có một ngạ quỷ thân hình xấu ác, nhìn là nổi ốc, ai cũng kinh sợ. Thân phát lửa dữ. Miệng đầy sâu dòi lúc nhúc, cả thân đầy máu mủ tanh hôi, mùi thối bay nồng, không ai dám đến gần. Miệng khạc ra lửa, thân bị lửa đốt, cất tiếng kêu khóc, rảo chạy cùng khắp.

Lúc đó ngài Mãn Túc La hán hỏi Ngạ quỷ:

Xưa kia ngươi tạo tội gì mà nay phải chịu khổ như thế?

Ngạ quỷ đáp:

– Kiếp xưa tôi từng làm sa môn, chẳng giữ oai nghi, nói năng thô ác, sống tham lam, keo xan không biết cho ra.

Hễ thấy người giữ giới tinh tấn thì mắng nhiếc, mạ nhục, ác kiến liếc nguýt, còn ỷ mình giàu mạnh, cho là sống lâu không chết nên tạo ra vô lượng tội ác. Bây giờ nhớ lại, có hối cũng chẳng thể cứu chuộc lỗi lầm xưa. Vì vậy, thà là cam tâm chịu khổ tự cầm dao bén cắt lưỡi mình kiếp này sang kiếp khác, chứ tuyệt đối không nên thốt lời phỉ báng việc lành của người!

Mong ngài trở về cõi Ta bà, kể lại quả báo và tình trạng ghê khiếp của tôi để răn dạy chư tu sĩ và các Phật tử, cảnh báo họ phải cẩn thận giữ khẩu đức, chớ tùy tiện buông lời nói ác. Dù thấy người giữ giới hay không cũng chỉ nên nói đức tốt của người. Tôi làm quỷ đói đã mấy ngàn kiếp, ngày đêm chịu đủ đau khổ. Thọ hết quả báo này thì phải vào địa ngục.

Xem Thêm:   Sử 33 vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa PDF – HT Thích Thanh Từ dịch

Ngạ quỷ nói xong thì bật khóc to, ngã nhào xuống đất như Thái Sơn đổ.

Ngày nay đại chúng nghe kinh dạy như vậy, rất là đáng sợ.

Chỉ vì lỗi của miệng mà mang tội nhiều kiếp, huống chi là còn bao nhiêu tội ác khác nữa? Xả thân thọ thân không ngừng chịu khổ, đều do nghiệp ác của mình đã tạo. Nếu không gây nhân thì đâu phải chịu quả. Đã gieo nhân quyết định phải gặt quả. Chưa từng thấy ai tu hành buông lung, lười biếng mà được giải thoát. Trái lại, người hay tinh tấn cẩn trọng tu hành, được phước đức vô lượng.

Đại chúng nên biết hổ thẹn, tịnh hóa thân tâm, sám hối lỗi cũ. Tội xưa hết rồi, không gây thêm tội mới nữa thì được chư Phật khen ngợi.

Từ nay trở đi, nếu thấy người làm thiện, chớ bàn tán phê bình thành bại, lâu mau. Dầu họ chỉ làm lành trong một niệm, một giờ, một khắc, một ngày, một tháng, nửa năm hay một năm thì vẫn tốt hơn là không làm.

Vì vậy kinh Pháp Hoa dạy: “Nếu có người tâm tán loạn vào trong tháp miếu, niệm một câu Nam mô Phật, thảy đều thành Phật đạo”. Huống chi là người phát tâm rộng lớn, siêng năng tu phước thiện, mà ta không tùy hỷ, thì rất đáng thương.

Chúng con từ vô thỉ đến nay, ắt đã có vô lượng ác tâm cản trở việc lành tốt đẹp của người. Vì sao mà biết? Bởi nếu không như vậy, thì cớ sao ngày nay bao việc lành của chúng con đa phần đều gặp khó khăn: Tự thân không giỏi tu Thiền định, trí huệ. Hễ vừa lễ bái chút ít đã than khổ, vừa cầm đến kinh, liền sinh nhàm chán. Cả ngày toàn tạo nghiệp ác, khiến không thể giải thoát.

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

16 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog