Pháp Giới 9 tháng trước

Chết có đáng sợ không? Mọi người nên chuẩn bị cái chết cho chính mình

Cái chết có đáng sợ không? Ta sẽ làm gì khi cận kề cái chết? Sự chết quả thật là rất quan trọng, nếu mỗi người tự suy nghĩ về cái giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản.

1. Vì sao ta sợ nói về cái chết?

Ta sợ chết cũng chỉ vì ham sống, vì quá sợ chết nên ta không dám nghĩ về nó, cũng chẳng có thói quen suy ngẫm về cái chết. Thậm chí, lỡ ai nói đến thì vội cho là tiêu cực, hoặc hoảng hốt, chới với bởi vì chưa quen với chủ đề nhạy cảm này.

Ngược lại, có những người vì sợ quá nên tìm mọi cách để kéo dài tuổi thọ, tìm cách sống lâu bằng cách uống đủ các loại thuốc để trường thọ. Vậy nhưng đến khi Thần Chết gọi tên thì họ cũng không thể dùng thứ thuốc nào để thoát khỏi sự thật rằng mình phải lìa xa cuộc sống này.

Thế nên, cả hai cách trên đều không bao giờ có thể giúp ta được sống một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc cả.

Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật lại khuyến khích ta nói về cái chết, vậy ta hãy cùng Đạo Phật ngẫm về cái chết và thử đối diện với nó xem sao.

Sự thật là Đức Thế Tôn không những chỉ khuyến khích nói về cái chết mà Ngài cũng khuyên chúng ta suy ngẫm nó và nghĩ đến nó thường xuyên. Vì việc từ khi chúng ta sinh ra cho tới khi qua đời đều tuân theo quy luật vô thường của cuộc sống mà Đạo Phật hay nhắc tới.

Mỗi chúng ta đều trải qua quá trình thai nghén, phát triển, lớn lên và trưởng thành, rồi già đi và chết cũng giống như những thứ khác ngoài tự nhiên. Trời đất có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cứ thế thay phiên nhau, chẳng ai chống đối hay kìm hãm chúng được. Đây là một quá trình diễn ra rất tự nhiên, không ai có thể tránh được.

Chúng ta đã được sinh ra, nhất định chúng ta sẽ phải chết. Cái chết không từ một ai, cũng không thiên vị một người nào. Cho dù trong tay sở hữu tiền bạc châu báu, có quyền cao chức trọng cũng không hối lộ được cho Thần Chết.

Vì thế, khi ta đã hiểu ra rồi thì sẽ không bao giờ hoảng sợ, kháng cự, cầu trời khấn Phật… khi đối diện với cái chết, bởi chết là một phần tự nhiên của đời sống này. Nếu một ngày nó có đến thì ta cũng an nhiên đón nhận.

2. Nên chuẩn bị cái chết cho chính mình

Khi giải thích về sự chết, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rằng: “Chết là một phần tự nhiên của sự sống – chết không có gì bất công và đáng sợ vì ai rồi cũng phải chết và chết không phải là “mất hẳn”. Tuy nhiên không ai biết trước là mình sẽ chết vào lúc nào? Và chết ra sao? Vì thế, tốt nhất là ta nên chuẩn bị. Hãy xem sự chết như là một sự đi xa”.

Xem Thêm:   Đệ Tử Quy – Phép tắc người con sách file PDF

Tại sao mọi người đều biết rõ là người đi du lịch thường chuẩn bị trước nhiều thứ trước khi đi mà lại không biết chuẩn bị trước cho mình nhiều việc trước khi cái chết sẽ phải đến?

Tìm hiểu sự chết rất quan trọng và cần thiết cho tất cả mọi người. Vì sự thật hiển nhiên là mọi người ai cũng phải tới lúc chết – Vậy thì tìm hiểu sự chết sẽ giúp kịp thời chuẩn bị cho mình được an bình, thuận lợi khi phút lâm chung đến. Đừng đợi tới khi sắp qua đời mới lo thì không còn kịp nữa…

Đại Đức Sogyal Ripoche khi viết về sự chết đã ghi nhận rằng: Trên thế giới, nhất là nơi những xã hội tân tiến – quả thật là rất ít người hiểu biết về cái chết, trước khi chết, trong khi chết và sau khi chết như thế nào?

Nhiều người như cố quên về cái chết, cho cái chết là đáng sợ, không dám nhắc tới. Nhưng cũng có người lại làm ra vẻ thản nhiên bất cần, coi thường sự chết bằng cách biểu lộ qua lời nói: “Ôi! Ai rồi cũng chết cả vậy thì lo sợ, nghĩ ngợi làm chi cho mệt! Cứ để cho nó tới”.

Thật sự thì lời nói đó chỉ là để khỏa lấp về sự chết, chối bỏ sự chết, vì không muốn nghe chữ chết mà thôi. Nhưng khi sự chết đến gần với họ thì sự lo âu khủng khiếp không còn làm họ thản nhiên nữa và khi đó vì không có chuẩn bị trước nên sự ra đi của họ về thế giới bên kia lại chất chứa nhiều đau khổ và sai lầm…

Có người còn cho rằng chết là hết là không còn gì nữa. Vì thế họ sống vội vã, cố hưởng được những gì họ có trong cuộc đời hiện tại mà họ đang sống chớ không cần nghĩ đến tương lai, hậu quả của đời sau ra sao. Như vậy họ sống chỉ là để hưởng thụ, nặng về vật chất mà coi nhẹ hay không nghĩ đến phần tâm linh, họ chỉ sống với mục đích thuần vật chất chớ không vì mục đích tâm linh…

Sự chết quả thật là rất quan trọng, nếu mỗi người tự suy nghĩ về cái giờ phút cuối ấy thì thật sự là không đơn giản.

Khi biết được vấn đề trên một cách sâu xa tế nhị và quan trọng thì ngoài sự chuẩn bị cái chết cho riêng mình, ta còn nên giúp người khác biết chuẩn bị cho họ được an lành khi cái chết đến với họ…

Xem Thêm:   Cách sám hối tại nhà

Sống trên thế gian này mọi người đều bị mê muội làm và nghĩ biết bao điều mê muội trong khi cái chết là cái thực tế đang chờ đợi thì lại không bao giờ để tâm tới. Ðó chính là cái sai lầm ghê gớm mà mọi con người đã và đang phạm phải mà không biết.

Con người hầu như gần cả cuộc đời mình đã hao phí gần hết thời gian khổ công cho việc làm ra tiền, xài tiền hay cóp nhặt để dành tiền. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã khiến tiêu tán hết năng lực, để rồi cái chết tới bất ngờ trong khi ta chưa chuẩn bị gì cả. Mà cái chết thì lại không mang theo được bất cứ gì.

Khi chết không ai đem theo được bất cứ cái gì. Dù Vua chúa, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn, một khi đã chết thì không đem theo của cải vật chất nào cả.

3. Ta sẽ làm gì khi cận kề cái chết?

Lẽ thường, nếu biết rằng phút giây nữa mình sẽ chết thì chắc chắn chúng ta sẽ tận tâm tu tập, cầu nguyện, tuyệt không hề xao lãng. Nhưng ngặt nỗi, ai trong chúng ta cũng nghĩ mình sẽ khó chết, hoặc nếu có chết đi nữa thì cũng còn lâu. Thế nên sự tinh tấn, nhiệt tâm và thành khẩn tu tập nếu có thì cũng được một giai đoạn rồi thôi, đâu cũng lại vào đấy.

Ảnh dụ một người bưng bát dầu đầy ắp đi ngang qua những người đẹp đang múa hát, nếu lơ đễnh làm rơi một giọt dầu liền bị đao phủ đi sau chém chết trong pháp thoại dưới đây thật sống động. Vì sợ chết nên người ấy vô cùng chú tâm quyết không đánh rơi nửa giọt dầu, mặc kệ mọi thứ hấp dẫn xung quanh.

“Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhân trú xứ tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Các sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian có thể khiến cho mọi người tụ tập lại để ngắm nhìn chăng?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, đúng vậy!

Phật bảo các Tỳ-kheo: Nếu sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian, lại có thể múa hát ca nhạc, có càng làm cho mọi người tụ tập lại để xem không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, có vậy!

Phật bảo các Tỳ-kheo: Hoặc có sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian mà ở một chỗ múa hát, ca nhạc, diễn trò, lại có đám đông tụ tập lại một nơi. Nếu có người không ngu, không si, ham vui, chán khổ, tham sống, sợ chết. Có người khác bảo nó rằng: ‘Người đàn ông kia, ngươi hãy bưng bát dầu đầy này, đi qua giữa người đẹp thế gian và đám đông. Ta sai một kẻ giỏi giết người cầm đao theo sau. Nếu ngươi làm rơi đi một giọt dầu, thì sẽ bị chém chết liền’. Thế nào, Tỳ-kheo, người bưng bát dầu này có thể không nghĩ đến bát dầu, không nghĩ đến kẻ giết người mà chỉ nhìn xem kỹ nữ và mọi người kia chăng?

Xem Thêm:   Lời Phật dạy về sự khiêm tốn: Khiêm tốn là đỉnh cao của tu dưỡng

Các Tỳ-kheo, bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không thể! Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì người này tự thấy ở sau mình có người cầm đao, nên lúc nào cũng nghĩ rằng: ‘Nếu ta làm rơi đi một giọt dầu, thì tên đao phủ kia sẽ chém đầu ta’. Nên chỉ để hết tâm chú ý vào bát dầu, bước đi chậm rãi giữa mọi người và sắc đẹp thế gian mà không dám liếc ngó quay nhìn.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn và Bà-la-môn nào thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ, thì đó là đệ tử của Ta, vâng lời Ta dạy.

Thế nào là Tỳ-kheo thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ? Như vậy, này các Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên thân, phương tiện tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Sống quán niệm thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng lại như vậy, đó gọi là Tỳ-kheo thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ. Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Chuyên tâm chánh niệm
Giữ gìn bát dầu
Tự tâm theo giữ
Chưa từng tới đó
Rất khó vượt qua
Vi tế thắng diệu
Những gì Phật dạy
Là lời gươm bén
Cần một lòng mình
Chuyên tinh gìn giữ
Không phải là việc
Buông lung người đời
Như vậy thâm nhập
Giáo không buông lung.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 623).

Pháp thoại này cho thấy, muốn tiến tu phải giác ngộ được sự vô thường, mạng người trong hơi thở, ‘kẻ giỏi giết người cầm đao theo sau’ luôn sẵn sàng ra tay nếu ta buông lung phóng dật. Người tu luôn quán chiếu như vậy thì mới giữ tâm vững vàng, an trụ nơi Tứ niệm xứ, không lay động trước mọi biến động của cảnh trần.

Bởi cội nguồn của loạn động phiền não cũng từ nơi căn tiếp xúc với trần khả ái rồi sinh tâm vọng tưởng dính mắc. Nếu “chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân, thọ, tâm, pháp niệm xứ” thì chắc chắn sẽ thành tựu được “chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian”.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

39 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog