Ý nghiệp là gì? Sự nguy hiểm của Ý nghiệp
Pháp Giới 4 tháng trước

Ý nghiệp là gì? Sự nguy hiểm của Ý nghiệp

Ý nghiệp là hành động tạo tác của ý tưởng như: suy nghĩ làm điều thiện, toan tín làm điều ác… Trong Tam nghiệp Thân Khẩu Ý, Ý nghiệp là hệ trọng hơn hết.

1. Ý nghiệp là gì?

Ý nghiệp là hành động tạo tác của Ý tưởng như: suy nghĩ làm điều thiện, toan tín làm điều ác…

Từ nghiệp nhân, tức hành động tạo tác của ba nghiệp Thân Khẩu Ý, đến nghiệp báo, tức quả báo phải trả khi gây tạo nghiệp nhân đều gọi chúng là nghiệp. Trong tam nghiệp Thân Khẩu Ý, Ý nghiệp là hệ trọng hơn hết, bởi vì việc làm của thân hay lời nói phát khởi từ miệng đều do ý tưởng suy tính, quyết định cả. Do vậy, việc ác hoặc thiện chưa bộc phát ra nơi thân và miệng, nhưng nó đã móng khởi ở ý tưởng rồi. Thế nên, người nào có ý ác là đã phạm tội rồi mặc dù nó chưa bộc phát ra hành động.

Thí dụ nếu trong tâm ý chúng ta nghi ngờ người nào ăn cắp đồ, thì từ hành động cho đến lời nói của người đó đều có vẻ khả nghi, đáng ngờ, và hành động cũng như lời nói của chúng ta đều không bình thường đối với người đó.

Xem Thêm:   Chúng ta tu hành nhất định phải hồi hướng cho tất cả chúng sanh

Thí dụ nếu chúng ta luôn luôn có tư tưởng, có ý nghĩ là kẻ nào ác thì phải bị tiêu diệt, phải bị đọa địa ngục, phải bị trừng phạt nặng nề, cho nên khi có cơ hội, có phương tiện, có quyền hành, có thế lực, chúng ta sẽ dễ dàng mắng chửi, mạt sát, giết hại, trừ khử, thanh toán kẻ đó không chút xót thương, không chút bận tâm! Nghĩ như vậy, nói như vậy, làm như vậy, tâm của chúng ta không từ bi, không bác ái chút nào, và như vậy chúng ta có khác gì kẻ ác kia đâu?

Giết người phải đền mạng, có luôn luôn hẳn là lẽ công bằng tuyệt đối chăng, có giúp nạn nhân sống lại chăng, có giúp xã hội an ninh, trật tự chăng, có giúp tình người thêm tốt đẹp chăng? Con người thường nhân danh cái thiện, nhân danh thế thiên hành đạo, để thi hành, thực hiện việc ác, việc trả thù ngay sau đó. Chính vì vậy mà oan oan tương tục không biết đến bao giờ mới dứt được. Thiệt là “tội nghiệp” thay!

Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận. Duy có tình thương, tâm từ bi mới diệt được tâm sân hận. Ðó là định luật trường cửu. Cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:

Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng
Lấy ân báo oán, oán nghiệp tiêu tan.

Xem Thêm:   Nói dối có tác hại gì? Quan điểm của Phật giáo về việc nói dối

Ðây là cách dừng nghiệp và chuyển nghiệp hữu hiệu nhất. Thí dụ vì nghiệp duyên đời trước, có người nào đó khi gặp chúng ta, liền không có cảm tình, không ưa thích, có thái độ thù nghịch, chống đối. Nếu như chúng ta không hiểu luật nhân quả, bèn có thái độ tương ứng đáp lại, thì càng ngày quan hệ giữa chúng ta và người đó càng tệ hại thêm mà thôi. Còn nếu như khi họ gặp hoàn cảnh không may nào đó mà mình có thể giúp được và thực tâm giúp đỡ họ, thì có phải “oán nghiệp” trước đây tiêu tan hay không?

Thí dụ trong gia đình, nếu người cha hay người mẹ, vì tức giận người con đối xử tệ bạc với mình, không như mình mong ước, nên cũng đối xử lạnh lùng, hằn học, bực dọc đáp lại, thì thử hỏi câu chuyện sẽ đi đến đâu, sẽ kết thúc ra sao? Nếu cha mẹ có lòng từ bi, không chấp chặt những điều đó, vẫn thương yêu, chăm sóc người con, như lúc con còn nhỏ dại, thì ít ra còn hy vọng người con chuyển đổi tâm ý, gia đình hòa vui trở lại. Chuyện này “nói ra thì dễ, làm được mới khó”. Nhưng thử hỏi chuyện gì trên đời này mới là chuyện dễ làm đây?

Ý nghiệp là gì? Sự nguy hiểm của Ý nghiệp

2. Sự nguy hiểm của Ý nghiệp

Đề Bà Đạt Đa tu thiền có kết quả, thậm chí có một số thần thông, đôi khi nói đúng những điều quá khứ vị lai, nhờ thế mà chinh phục được vua A-xà-thế, lôi kéo được một số tỳ kheo.

Xem Thêm:   Chú giải Kinh Pháp Cú trọn bộ 4 quyển PDF – Thiền Sư Pháp Minh

Nhưng Ý nghiệp bên trong không sạch, chưa phải là một người đạo đức, nên sau này chống luôn cả Phật rồi bị đọa địa ngục A Tỳ. Vì vậy, Ý nghiệp nhiều khi còn sâu hơn cả phương pháp tu tập thiền định bên ngoài.

Đức Phật dạy Bát Chánh Đạo là hết sức căn bản và cực kỳ chuẩn xác. Ta tu từ Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, tức là tu Ý nghiệp trước, rồi mới tới Chánh Niệm, Chánh Định sau cùng. Phật dạy ta đi từ Chánh Kiến – Chánh Tư Duy – Chánh Ngữ – Chánh Nghiệp – Chánh Mạng, rồi bắt đầu mới đến Chánh Tinh Tấn – tức là thiền định từ đây mới được khởi đầu. Chánh Niệm, Chánh Định là cuối cùng, tức thiền định là điểm cuối cùng của điều thiện. Thiền định rất cao siêu, là cái lõi của sự tu hành trong đạo Phật.

Bởi vậy, khi chúng ta phát tâm tu tập thiền định thì phải tu Ý nghiệp trước cho sạch, cho thuần thiện. Nghĩa là từ những tâm niệm, những tác ý trong đời sống hàng ngày lúc nào cũng phải chuẩn xác, đừng trở thành kẻ vô tâm mà vô tình trở thành ác. – “Trích sách : Ý Nghiệp – TT. Thích Chân Quang”!

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog