Chữ Nhẫn là đức hạnh cao quý bậc nhất
Pháp Giới 4 tháng trước

Chữ Nhẫn là đức hạnh cao quý bậc nhất

Chữ Nhẫn có ý nghĩa là sự chịu đựng một cách bền bỉ trước những khó khăn, ngang trái, để vượt thoát hết thảy những nghịch cảnh trong cuộc sống mà vươn tới thành công. Thế gian nhiều người yêu thích chữ nhẫn, nhưng rất hiếm người có thể thực hành được. Để thực hành được hạnh này phải là bậc Đại hùng tâm, may ra mới có được chút thành tựu. Bởi vậy cổ kim đến nay vẫn lưu truyền và tán thán không ngớt những huyền tích: Việt Vương Câu Tiễn nếm phân, Hàn Tín chui qua háng tay hàng thịt…Họ đều là những bậc Đại Hùng Tâm, nhờ nhẫn nhục mà sử sách lưu danh, truyền đến muôn đời.

Nhiều người muốn học chữ nhẫn nhưng chẳng biết cách kiềm tâm, toàn sửa mình theo hình thức: Nhiều vị ê a vỗ đùi tâm đắc khi đọc bài thơ về chữ nhẫn; nhiều vị xin chữ về treo ở trong nhà..Cầu kỳ hơn, nhiều vị bỏ tiền mua chữ đóng khung, trang trọng treo giữa nhà, quyết học theo chữ nhẫn….Chẳng biết học được chi hay không, nhưng hễ vợ con có chút sai lầm, liền nổi tâm sân không thể kiềm chế. Chữ treo trước mặt, mà mắt vì đỏ lừ nên chẳng thấy, còn miệng thì mắng chửi không tiếc lời, ngẫm cũng thật hài hước lắm thay!

  • Lời Phật dạy về báo ứng của Thập Ác
  • Ma ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Lời Phật dạy về Đạo làm người.
  • Lời Phật dạy về Chữ Hiếu.
  • Hàn Sơn Thập Đắc là Bồ Tát thị hiện.
  • Các cảnh giới trên bước đường học Phật.
Chữ Nhẫn là đức hạnh cao quý bậc nhất
Lời Phật dạy về Chữ Nhẫn
*

Thế gian nhẫn chịu chút ít vốn chỉ để mưu cầu lợi ích cho mình. Còn đối với Phật pháp chữ nhẫn là một trong sáu pháp tu của bậc phát tâm tu Bồ Tát Hạnh, không phải chuyện tầm thường! Bởi học được chữ nhẫn thì tâm sân không thể sanh khởi, nhờ đó đời được an yên, đạo dễ thành tựu. Cho nên không ngẫu nhiên trong kinh Nhân quả, Phật dạy: “Người có thân tướng trang nghiêm xinh đẹp là từ nơi nhẫn nhục mà đến”

Chữ nhẫn trong Phật pháp gọi là Nhẫn nhục. Đây là đức cao quý ở bậc cao nhất, trì giới khổ hạnh vốn không thể nào sánh kịp. Vì vậy Tỳ kheo Sạn Đề, bị hình phạt tàn bạo mà không hận; Tiên nhân Nhẫn nhục, chịu cắt xẻ thân thể mà không sân. Vả lại, đạo lý Từ Bi, cứu giúp vươn lên làm trước hết; tâm Bồ tát thương xót, đau buồn làm công dụng. Thường phát nguyện chịu hết thảy khổn nạn cho chúng sanh, không phân biệt thiện ác. Nhẫn nhục để hóa độ hết thảy chúng sinh, ban cho mọi điều yên vui, nên dẫu trăm cay ngàn đắng cũng chỉ an nhẫn chịu đựng, không khởi sân hận dù chỉ là một niệm.

Lời Phật dạy về chữ Nhẫn

Như kinh Bồ tát Tạng đức Phật: “Người nóng giận thì tự mình làm tổn hại thiện căn tích tập được qua trăm ngàn đại kiếp một cách nhanh chóng. Nếu các thiện căn bị nóng giận làm hại rồi, lại cần phải trải qua trăm ngàn đại kiếp mới bắt đầu chịu khó chịu khổ tu hành Thánh đạo. Nếu là người như vậy, thì A nậu Bồ đề rất khó đạt được. Vì vậy mình nên khoác giáp nhẫn nhục, dùng sức mạnh kiên cố phá tan quân giặc nóng giận.

Này Xá Lợi Tử! Nay Ta sẽ vì ông nói rộng về điều ấy. Ta nhớ thời quá khứ, làm một đại Tiên Nhân, tên gọi Tu Hành Xứ. Lúc ấy có ác ma, hóa làm năm trăm người đàn ông giỏi mắng chửi, luôn luôn tìm theo ta gây ra những điều mắng chửi tệ hại, ngày đêm qua lại, đi đứng ngồi nằm, trong Tăng phòng-tịnh thất. trong làng xóm hay nhà thế tục, hoặc tại ngõ phố, hoặc nơi vắng vẻ, hễ Ta đứng hay ngồi, thì các hóa ma dùng lời thô ác mắng chửi phỉ báng, chỉ trích, suốt năm trăm năm chưa hề dừng bỏ.

*

Này Xá Lợi Tử! Ta tự nhớ lại xưa kia trong năm trăm năm bị các ác ma chỉ trích phỉ báng, mà chưa hề đối với chúng khởi một niệm sân hận, luôn luôn dấy lên Từ Bi cứu giúp dùng để quán sát.”

Theo Thành Thật Luận: “Ác khẩu mắng chửi làm nhục thì người bình thường không chịu được. Giống như chim gặp cơn mưa đá, ác khẩu mắng chửi làm nhục thì người bề trên có thể nhận chịu, giống như voi gặp cơn mưa hoa. Hành giả luôn luôn quán xét nhân duyên đầu đuôi của người trước mặt; hoặc ở quá khứ làm cha mẹ nuôi dạy thân mình, không nề hà mọi điều tội-phước, chưa hề báo ân, đâu cần phải dấy lên tức giận? Hoặc làm anh em vợ con quyến thuộc, hoặc là Thánh nhân xưa làm bạn tốt… phàm tình không nhận biết đâu cần phải vội vàng phỉ báng làm gì?

Quán xét để tu hạnh nhẫn nhục như thế nào

Nhiếp Luận nói: “Dực vào quán xét năm nghĩa để loại trừ nóng giận:

  1. Quán xét tất cả chúng sinh, từ vô thỉ đến nay có ân đối với mình.
  2. Quán xét tất cả chúng sinh, luôn luôn hoại diệt trong từng ý niệm, người nào có thể làm hại và người nào bị làm hại.
  3. Quán xét chỉ có chứ không có chúng sinh, có gì có thể làm hại và bị làm hại.
  4. Quán xét tất cả chúng sinh đều tự mình nhận chịu đau khổ, tại sao lại muốn làm cho đau khổ thêm.
  5. Quán xét tất cả chúng sinh đều là con cái của mình, tại sao còn muốn làm cho tổn hại?

Nhờ vào năm sự quán xét này cho nên có thể diệt trừ nóng giận.”

Cho nên về chữ Nhẫn, trong  Tứ Phần Luật có kệ rằng:

Nhẫn nhục là đạo lý bậc nhất,

Đức Phật dạy vô vi là nhất,

Xuất gia làm phiền lòng người khác,

Không xứng để gọi là Sa môn.

Cách hành hạnh nhẫn nhục

Để hành được hạnh nhẫn nhục, cần quán xét 10 điều. Theo kinh Đại Bảo Tích, Phật dạy: “Nhẫn nhục có mười điều:

  1. Không quán xét đối với tướng của Ngã và Ngã sở.
  2. Không nghĩ đến dòng họ chủng loại.
  3. Phá trừ kiêu căng ngạo mạn.
  4. Điều ác xảy ra không đáp trả.
  5. Quá xét nghĩ đến vô thường.
  6. Tu dưỡng hướng về Từ Bi.
  7. Tâm không buông thả tùy tiện.
  8. Xả bỏ mọi điều như đói khát khổ vui.
  9. Đoạn trừ nóng giận.
  10. Tu tập trí tuệ.

Nếu như người có thể thành tựu mười điều như vậy, nên biết rằng người này có năng lực tu tập công hạnh nhẫn nhục.”

Phước báo của người hành chữ nhẫn

Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội, Đức Phật dạy: Nếu có Bồ tát an trú trong hạnh Từ Nhẫn, thì phát sinh mười loại lợi ích. Những gì là mười loại? Đó là:

  1. Lửa không thể nào đốt cháy.
  2. Dao không thể nào cắt đứt.
  3. Độc không thể nào hại được.
  4. Nước không thể nào cuốn trôi.
  5. Được loài Phi nhân bảo vệ.
  6. Cảm được thân tướng trang nghiêm.
  7. Bịt chặt các đường ác.
  8. Tùy theo những ưa thích sanh đến cõi Phạm Thiên.
  9. Ngày đêm thường được yên lành.
  10. Thân mình không xa rời vui sướng.

Người thực hành theo chữ nhẫn còn đạt được nhất thiết trí. Như kinh Tư Ha Tam Muội, Đức Phật dạy: Nhẫn nhục có sáu điều, đạt được Nhất thiết trí. những gì là sáu điều? Đó là:

  1. Cảm được thân lực.
  2. Cảm được khẩu lực.
  3. Cảm được ý lực.
  4. Cảm được thần túc lực.
  5. Cảm được đạo lực.
  6. Cảm được tuệ lực.

Người thực hành theo chữ nhẫn còn đạt được bốn loại trí huệ, như kinh Lục Độ Tập, đức Phật dạy: “Lại có bốn loại nhẫn nhục đầy đủ trí tuệ. Những gì là bốn loại? Đó là:

  1. Vào lúc cầu pháp nhẫn nhục được trước sự mắng nhiếc tệ hại của người ta.
  2. Vào lúc cầu pháp không trốn tránh đói khát lạnh nóng gió mưa.
  3. Vào lúc cầu pháp tùy thuận công hạnh của Hòa thượng A xà lê.
  4. Vào lúc cầu pháp có năng lực nhẫn nại đối với Không-Vô tướng-Vô nguyện.
*

Kinh Tỳ Kheo Tị Nữ Nhân Ác Danh có kệ rằng:

Tuy nghe nhiều tai tiếng xấu xa,

Nhưng người khổ hạnh nén chịu đựng,

Không thuận theo khổ tự nói ra,

Cũng không thuận theo sinh phiền muộn.

Người nghe tiếng tăm mà sợ hãi,

Đây là loài thú trong rừng sâu,

Là chúng sinh dễ dàng nóng nảy,

Không thành tựu giáo pháp xuất gia.

Người nhân ái có thể chịu được,

Tai tiếng xấu xa thấp-vừa-cao,

Người giữ tâm an trú vững vàng,

Chính là pháp xuất gia tốt đẹp.

Không nhờ vào người khác nói năng,

Khiến cho ông đạt được La Hán,

Như ông tự biết rõ chính mình,

Chư Thiên cũng tự nhiên biết rõ.”

Lời Phật dạy về chữ Nhẫn: Chuyện con Rùa

Như trong Ngũ Phần Luật nói: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Vào thời kiếp quá khứ, bên hồ nước A Luyện Nhã, có hai con chim nhạn và một con rùa cùng nhau kết làm bạn thân. Thời gian sau nước hồ khô cạn, hai con chim bèn bàn bạc với nhau rằng: Nay nước hồ này khô cạn, bạn thân chắc chắn chịu nhiều khổ sở. Bàn nhau rồi nói với con rùa rằng: Nước hồ này khô cạn, ông không có cách nào cưu mình. Nay nên ngậm một cành cây, chúng tôi mỗi người ngậm một đầu, mang ông đến nơi có nhiều nước. Nhớ lúc ngậm cành cây cẩn thận không được nói gì! Rùa nghe lời ngậm chặt cành cây.

Khi bay qua thôn xóm, những trẻ trông thấy đều nói to: Chim nhạn ngậm con rùa bay đi. Chim nhạn ngậm con rùa bay đi. Con rùa liền nổi giận nói rằng: Đâu phải chuyện của các người. Ngay lập tức tuột mất cành cây, rơi xuống đất mà chết. Lúc bấy giờ Đức Phật nhân chuyện này thuyết kệ rằng:

Con người sống giữa đời,

Búa rìu ở trong miệng,

Cho nên chặt đứt thân,

Do mình nói lời ác,

Đáng chê lại khen ngợi,

Đáng khen lại chê trách,

Tự nhận lấy tai họa,

Cuối cùng chẳng vui gì.

Đức Phật dạy con rùa ấy chính là Điều Đạt. Xưa vì lời nói nóng giận khiến cho gặp phải cái chết khổ đau. Nay lại giận dữ mắng nhiếc Như Lai mà rơi vào Đại địa ngục.”

Lời Phật dạy về chữ Nhẫn: Tỳ Kheo La Vân

Theo kinh Pháp Cú Dụ: “Xưa kia, lúc La Vân chưa đắc đạo, tâm tánh thô lỗ, lời nói thiếu tin tưởng thành thật. Đức Phật bảo với La Vân: Ông đến ở trong tinh xá Hiền Đề, giữ gìn miệng thâu nhiếp ý chịu khó tu tập kinh giới. La Vân vâng theo lời dạy làm lễ mà đi. Ngài ở đó chín mươi ngày hổ thẹn tự mình hối hận, ngày đêm không nghỉ.

Đức Phật đến xem xét thăm hỏi, La Vân hoan hỷ hướng về phía trước lễ lạy Đức Phật, bày giường dây để Đức Phật ngồi. Đức Phật ngồi trên giường dây, bảo với La Vân rằng: Đem chậu rửa tay đến lấy nước để cho ta rửa chân.

La Vân theo lời dạy lấy nước giúp Đức Phật rửa chân. Rửa chân xong rồi Đức Phật nói với La Vân: Ông thấy nước trong chậu rửa không?

La Vân thưa với Đức Phật: Dạ trông thấy như thế.

Đức Phật nói với La Vân: Nước này có thể dùng để ăn uống được không?

La Vân thưa rằng: Không thể dùng được nữa, nguyên cớ do đâu? Bởi vì nước này trước đây thật sự sạch sẽ, nay dùng rửa chân tiếp nhận những bụi bẩn, vì vậy cho nên không thể dùng được nữa.

Đức Phật nói với La Vân: Ông cũng như vậy, tuy là con Ta và cháu của Quốc Vương, rời bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý nhất định làm Sa môn, không nghĩ đến sự tinh tiến thâu nhiếp thân giữ gìn miệng, ba độc dơ bẩn chứa đầy lòng dạ, cũng như nước này không thể dùng được nữa.

*

Đức Phật nói với La Vân: Đổ nước trong chậu rửa đi.

La Vân liền đổ đi. Đức Phật nói với La Vân: Chậu rửa tuy rỗng không mà có thể dùng đựng đồ ăn thức uống được chăng?

La Vân thưa với Đức Phật rằng: không thể dùng được nữa, vì sao như vậy? Bởi vì có tên gọi là chậu rửa đã từng tiếp nhận những thứ không sạch sẽ.

Đức Phật nói với La Vân: Ông cũng như vậy, tuy là Sa môn nhưng miệng nói không có tin tưởng thành thật, tâm tánh thì cứng cỏi ngang bướng, không nghĩ đến sự tinh tiến, đã từng tiếp nhận tai tiếng xấu xa, cũng như chậu rửa không thích hợp để đựng thức ăn.

Đức Phật dùng ngón chân đẩy lùi chậu rửa, lập tức quay tròn mà chạy tự nhảy lên rồi rơi xuống, xoay mấy lần nữa mới dừng lại. Đức Phật nói với La Vân: Lẽ nào ông tiếc chậu rửa sợ rằng sẽ vở nát chăng?

La Vân thưa với Đức Phật: Đồ dùng rửa chân là vật có giá rẻ, trong ý tuy tiếc nhưng không thiết tha lắm.

Đức Phật nói với La Vân: Ông cũng như vậy, tuy là Sa môn nhưng không thâu nhiếp thân miệng, nói năng thô lỗ tệ hại đã có nhiều điều làm cho thương tổn, mọi người không yêu quý-người trí không luyến tiếc, đến chết rời xa luân chuyển trong ba đường, tự sinh ra khổ não; vô lượng chư Phật-Hiền Thánh cũng không yêu quý, cũng như ông nói không tiếc cái chậu rửa.

*

La Vân nghe vậy rất hổ thẹn và sợ hãi. Ví như voi ra trận thì hai ngà-hai tai-bốn chân và đuôi có chín người lính đều vây chặt, thì trước tiên cần phải bảo vệ lỗ mũi. Nguyên cớ do đâu? Bởi vì lỗ mũi voi mềm dễ bị tổn thương, bị trúng tên thì chết liền; người phạm vào chín điều ác chỉ nên giữ gìn miệng nói. Vì lẽ đó giữ gìn miệng nói, nên sợ ba đường-mười ác đều phạm vào. Người không giữ gìn miệng nói như voi bị tổn thương lỗ mũi, người phạm vào mười ác không nghĩ đến ba đường hiểm ác đầy cay đắng đau thương. Liền thuyết kệ rằng:

Ta như voi ra trận,

Không sợ bị trúng tên,

Thường đem lòng tín thành,

Độ người không có giới,

Ví như voi điều phục,

Có thể được vua cởi,

Điều phục thành người quý,

Mới tiếp nhận tín thành.

La Vân nghe lời Đức Phật dạy bảo chân thành thiết tha, cảm kích tự động viên mình ghi nhớ không quên, tinh tiến nhu hòa lòng dạ nhẫn nhục như đất, thức và tưởng vắng lặng liền đạt được quả vị A La Hán.”

Ngài La Vân bị đánh

Theo kinh La Vân Nhẫn Nhục nói: “Lúc bấy giờ La Vân đến khất thực một nhà Bà la môn không có niềm tin, tiếc rẻ không cho, La Vân còn bị đánh vở đầu chảy máu, lại vốc cát bỏ vào trong bát. La Vân âm thầm chịu đựng tâm không chịu đối đáp gì cả, liền ôm bát đến bờ sông rửa sạch đầu và bình bát xong, mà tự nói với mình rằng:

Mình tự nhiên đi khất thực, vô cớ gây chuyện ngang ngược với mình, mình đau trong một lát, mà người kia khổ dai dẳng làm sao, giống như gươm sắc cắt đứt xác thối, xác thối không biết đau, chứ không phải là gươm không sắc; lại như cam lồ cõi trời nuôi cho đàn heo kia ăn, đàn heo bỏ mà chạy, không phải là cam lồ không ngon; mình theo lời chân thật của Đức Phật dạy bảo thế gian hung ác ngu si, kẻ hung ác ngu si không chịu suy nghĩ, há không phải như vậy ư?

Trở về rồi thưa với Đức Phật, Đức Phật dạy: Kẻ dấy lên ác tâm, là bởi vì suy yếu, khinh bạc người ác, mạng chung vào nữa đêm, sẽ vào trong địa ngục không chọn lựa gì, ngục quỷ làm cho đau khổ, không có ác hiểm nào không nhận chịu, trải qua tám vạn bốn ngàn năm thọ mạng ấy mới chấm dứt, hồn phách thần thức lại chịu thân mãng xà ngậm độc, độc trở lại tự hại mình, thân đó chấm dứt rồi lại bắt đầu, tiếp tục chịu hình hài loài rắn, thường ăn đất cát, vạn năm mới hết.

*

Bởi vì ý nóng giận hướng về người trì giới, cho nên chịu thân hiểm độc; bởi vì lấy cát bỏ vào trong bình bát, cho nên đời đời ăn đất cát mà chết. Tội hết mới được làm người, lúc mẹ mang thai sẽ có bệnh nặng, trong nhà hao tổn từng ngày, con trẻ sinh ra ngu dốt đần độn, cũng không có tay chân, thân thuộc vô cùng kinh sợ, đều nói rằng yêu quái nào đến gây ra điều không tốt, liền đem vứt bỏ ở ngã đường đi, người đi đường qua lại không có ai không ngạc nhiên, tranh nhau dùng gạch đá dao gậy đánh vào đầu, bị đánh vỡ não đau khổ vô cùng trải qua mười ngày mới chết.

Sau khi chết linh hồn liền tiếp tục sinh trở lại, nhất định là không có tay chân, ngu dốt đần độn như trước, trải qua năm trăm đời tội nặng mới hết, sau sinh ra làm người thường có căn bệnh đau đầu. Người nào ở giữa cuộ đời không có thể nhẫn chịu, thì nơi sanh ra không gặp được thời đại có Phật, trái giáo pháp xa lìa Tăng, thường ở trong ba đường đau khổ. Nếu có được phước còn lại, được sanh ra làm người, bẩm tính thường ngu si hung ác bạo ngược tự tìm theo mình, làm người xấu xí khó coi bị mọi người căm ghét, đời sống thì nghèo khó Thánh Hiền không giúp đỡ.”

Lời Phật dạy về chữ Nhẫn: Tôn giả Xá Lợi Phất và hạnh nhẫn nhục

Theo kinh Tạp A Hàm: “Lúc bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại Mục Kiền Liên, an trú trong núi Kỳ xà Quật. Lúc ấy Tôn giả Xá Lợi Phất mới thế phát, có quỷ Già Tra và quỷ Ưu Ba Già Tra xuất hiện. Quỷ Ưu Ba Già Tra thấy Tôn giả Xá Lợi Phất mới cạo bỏ râu tác, bèn nói với quỷ Già Tra rằng: Nay tôi sẽ đến đánh vào đầu Sa môn kia.

Quỷ Già Tra nói: Ông đừng nói lời như vậy! Sa môn ấy có Đại đức Đại lực. Ông chớ dấy lên nóng giận mà suốt đêm dài gánh lấy khổ đau, không ích lợi gì đâu.

Nói nhiều lần như vậy, nhưng lúc ấy quỷ Ưu Ba Già Tra nhiều lần không cần nghe lời của quỷ Già Tra. Nó dùng tay đánh vào đầu Tôn giả Xá Lợi Phất, đánh xong bỗng tự gọi to rằng: Tôi bị đốt Già Tra ơi! Tôi bị nấu Già Tra ơi!

Gọi to nhiều lần rồi lún sâu vào trong lòng đất, rơi xuống địa ngục A tỳ. Mục Kiền Liên nghe Xá Lợi Phất bị quỷ đánh, liền đến hỏi rằng: Tôn giả đau đớn khổ sở thế nào? Có thể chịu đựng được không?

Xá Lợi Phất đáp rằng: Tôn giả Mục Kiền Liên! Tuy là khổ sở đau đớn nhưng mà ý có thể chịu đựng được, không đến nỗi khổ sở lắm.

*

Mục Kiền Liên nói với Xá Lợi Phất rằng: Kỳ lạ thay Tôn giả Xá Lợi Phất! Thật sự là Đại đức Đại lực! Quỷ này nếu dùng tay đánh vào núi Kỳ Xà Quật thì có thể khiến cho nát vụn như cám, huống hồ đánh vào người mà không đau đớn khổ sở!

lúc bấy giờ Xá Lợi Phất nói với mục Kiền Liên: Tôi thật sự không đau đớn khổ sở lắm. Lúc Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nói chuyện, Đức Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe thấy liền thuyết kệ rằng:

Tâm đó giống như tảng đá cứng,

An trú vững vàng không lay động,

Tâm đã lìa xa mọi nhiễm trước,

Nóng giận không đáp trả trở lại,

Nếu tu tâm đã đạt đến như vậy,

Có gì phải đau khổ buồn phiền?”

Tiên nhân Nhẫn Nhục

Theo Tân Bà Sa Luận: “Từng nghe quá khứ trong Hiền kiếp này, có vị vua tên là Kiệt Lợi. Lúc ấy có vị Tiên nhân, hiệu là Nhẫn Nhục, trú một mình trong rừng thường ngày tu hành khổ hạnh. Bấy giờ vua Kiệt Lợi loại trừ tất cả đàn ông, cùng với quyến thuộc trong cung làm các vũ nữ ca hát, dạo chơi trong rừng tùy ý vui thú, qua một thời gian mệt mỏi chán ngán bèn tìm vào giấc ngủ.

Các phụ nữ trong cung bởi vì hoa trái ngon lành cho nên dạo chơi trong những rừng cây, từ xa trông thấy vị Tiên nhân, ở tại phạm vi của mình thân ngồi trang nghiêm yên lặng suy tư, liền cùng nhau hướng về nơi ấy, đều tập trung quanh vị Tiên nhân. Đến nơi ấy đảnh lễ rồi vây tròn xung quanh mà ngồi. Vị Tiên nhân liền vì họ mà nói về lỗi lầm của dục vọng, đó gọi là những dục vọng đều là pháp bất tịnh ô uế, là pháp đáng chỉ trích, là pháp đáng chán bỏ, ai có trí tuệ thì nên luôn luôn gần gũi luyện tập, các cô đều nên sinh lòng chán ngán rời bỏ. 

Nhà vua thức dậy không thấy những người phụ nữ, liền nghĩ rằng: Mong sao không có người nào dụ dỗ cướp đi! Nghĩ rồi rút gươm sắc đi khắp nơi tìm kiếm. Khi thấy những người phụ nữ đang ngồi vây quanh ở chỗ Tiên nhân, nhà vua rất tức giận nghĩ: Là con quỷ lớn nào dụ dỗ những người phụ nữ của mình?

*

Vua lập tức đến trước mặt hỏi rằng: Ông là ai vậy?

Đáp rằng: Tôi là Tiên nhân.

Lại hỏi: Ở đây làm chuyện gì vậy?

Đáp rằng: Tu đạo nhẫn nhục.

Nhà vua nghĩ rằng: Người này thấy ta giận dữ cho nên liền nói là mình tu nhẫn nhục, nay ta thử xem sao! Liền tiếp tục hỏi rằng: Ông đạt được định Phi tưởng phi phi tưởng xứ chăng?

Đáp rằng: Không đạt được.

Lần lượt vặn hỏi cho đến: Ông đạt được Sơ thiền chăng? Đáp rằng: Không đạt được.

Nhà vua càng giận dữ hơn, nói rằng: Ông là người chưa lìa bỏ dục vọng, tại sao buông thả tình ý ngắm nhìn những người phụ nữ của ta? Lại nói rằng tôi là người tu nhẫn nhục.

Nhà vua nói hãy duỗi một cánh tay ra thử xem có thể nhẫn hay không. Lúc bấy giờ Tiên nhân liền duỗi ra một cánh tay, nhà vua dùng gươm sắc chém đứt, giống như chặt đứt cuống ngó sen rơi ở trên đất. Nhà vua lại vặn hỏi: Ông là người nào?

Đáp rằng: Tôi là người tu nhẫn nhục.

Lúc ấy nhà vua lại ra lệnh duỗi một cánh tay còn lại, lập tức tiếp tục chém đứt. Vẫn như trước vặn hỏi, Tiên nhân cũng như trước đáp rằng: Tôi là người tu nhẫn nhục. Như thế tiếp tục chặt hai chân lại cắt hai tai, còn xẻo luôn lỗ mũi, tất cả đều vặn hỏi và đáp từng câu một như trước, khiến cho bảy phần thân thể của Tiên nhân rơi xuống đất, gây ra bảy vết thương rồi mới dừng lại.

*

Tiên nhân hỏi: Nay nhà vua vì sao mệt mỏi chán nản? Giả sử chặt đứt tất cả thân thể của tôi, giống như hạt cải, thậm chí nát vụn thành bụi đất, tôi cũng không dấy lên một ý niệm giận dữ. Đây nói là nhẫn nhục hoàn toàn không có gì khác. Lại phát nguyện rằng: Như hôm nay tôi thật sự vô tội, mà bị chặt đứt thân thể làm thành bảy phần, gây ra bảy vết thương, ở đời vị lai lúc tôi đạt được A nậu Bồ đề, vì tâm Đại Bi không đợi ông phải thỉnh cầu, đầu tiên sẽ khiến cho ông tu bảy loại đạo, đoạn trừ bảy thứ tùy miên.

Nên biết rằng Tiên nhân nhẫn nhục lúc ấy, chính là Đức Thế Tôn Thích Ca mâu Ni. Vua Kiệt Lợi lúc ấy, chính là Tỳ kheo Kiều Trần Na ngày nay. Vì vậy cho nên Kiều Trần Na thấy được Thánh đế rồi, Đức Phật dùng thần lực phá trừ mọi ám chướng; khiến cho nhớ lại sự việc ở đời quá khứ; làm cho lập tức tự thấy mình là vua Kiệt Lợi và Đức Phật là vị Tiên nhân: Tự mình cùng gươm sắc chặt đứt 7 phần thân thể của Đức Phật, làm thành 7 vết thương. Đức Phật không sân hận mà lại dùng thệ nguyện muốn độ thoát, lẽ nào Đức Phật làm trái lời nguyện ngày xưa ư? Kiều Trần Na nghe xong trong lòng vô cùng hổ thẹn, chắp tay cung kính lễ lạy Đức Phật.”

*

(Lời Phật dạy về chữ Nhẫn – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)

Tuệ Tâm 2022.

Sưu Tầm Bởi Tuệ Tâm Admin ( https://kinhnghiemhocphat.com/ )

Xem Thêm:   Con cháu Ma Vương phá Phật Pháp

77 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog