Ý nghĩa danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm
Pháp Giới 11 tháng trước

Ý nghĩa danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm

Danh xưng Quán Thế Âm Bồ Tát là Vị Bồ Tát luôn “nhìn thấy” nghe tiếng ai oán, đau khổ trong bến mê của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp hay nói pháp khi cần.

1. Quán Thế Âm Bồ Tát là ai?

Quán Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokitévara, Nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại. Do Ngài quán sát âm thanh một cách tự tại mà chứng được bản thể chân thường của vũ trụ. Nơi nào, lúc nào trong vũ trụ có tiếng chúng sinh đau khổ, kêu cầu thì Ngài hiện thân cứu độ rất tự tại, cho nên Ngài cũng có tên là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại…

Bồ Tát, nói cho đủ là Bồ đề Tát Đỏa, tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là giác hữu tình hay hữu tình đã giác ngộ, trở lại giác ngộ hữu tình khác. Ví như có nhiều người đang ngủ mê, có một người tỉnh thức, người ấy đánh thức những người còn lại đang ngủ mê. Người tỉnh thức đó gọi là bậc giác ngộ như chư Phật, Bồ Tát, kẻ ngủ mê là chúng sinh. Bồ Tát Quán Thế Âm được ví như Người đánh thức những người đang ngủ mê trong ngôi nhà đó.

Vì Ngài đã giác ngộ, biết rõ chân lý của vũ trụ, chứng được phép “nhĩ căn viên thông”, nghe thông suốt hết thảy âm thanh của vũ trụ, như người đã thức dậy rồi trong ngôi nhà “vũ trụ” kia, nghe biết hết thảy chân tướng các sự vật, động tịnh trong ngoài.

Cho nên chúng sinh nào xưng niệm danh hiệu Ngài liền được Ngài “tầm thanh cứu khổ”, giải thoát khỏi tai ách, hoạn nạn. Ngài đã chứng được bản thể của âm thanh vốn dĩ là không, vô thường, vô ngã nên Ngài thường được tôn xưng là Quán Thế Âm.

Xét về cuộc đời tu hành, thệ nguyện cũng như công đức hóa độ của Ngài, các kinh điển thường đề cập như: kinh Bi Hoa, Diệu Pháp Liên Hoa kinh – Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm, Vô lượng Thọ kinh, Đại Bát Nhã ba la mật đa kinh, Ngũ Bách Danh kinh, Đại Phương Quảng Như Lai tạng kinh… Đặc biệt kinh Bi Hoa nói rất rõ về cuộc đời tu tập của vị Bồ Tát này như sau:

“Về thuở quá khứ lâu xa về trước, Đức Quán Thế Âm là một vị thái tử tên là Bất Huyền, con của vua Vô Tránh Niệm, thời ấy có Đức Phật ra đời tên là Bảo Tạng Như Lai. Vua Vô Tránh Niệm hết lòng sùng bái đạo Phật. Vua liền sắm đủ lễ vật quý báu dâng cúng Phật và chư Tăng trong ba tháng hạ, vua cũng khuyến khích các quan văn, vương tử, vương tôn, triều đình quyến thuộc theo vua cúng dường. Thái tử Bất Huyền vâng lệnh vua cha, cũng dâng cúng đủ các trân cam mỹ vị, hết lòng thành kính Đức Phật và chúng Tăng trong ba tháng như vậy.

Lúc ấy, có vị đại thần tên là Bảo Hải, tức là thân phụ của Phật Bảo Tạng, khuyên thái tử Bất Huyền nên lập nguyện nhờ công đức cúng dường này mà cầu quả báu Vô thượng Bồ đề, không nên cầu quả ở cõi trời, cõi người này, vì quả báu phước cõi ấy là phước báu hữu hạn, dù chúng ta có lên trời rồi, đến khi hết phước cũng phải sa đọa. Sao bằng đem công đức cúng dường này hướng về quả báu vô thượng bồ đề mới là phước báu chân thật vĩnh hằng.

Xem Thêm:   Phật giáo Nguyên thủy có chủ trương ăn chay hay không?

Nghe đại thần khuyên như vậy, Thái tử liền đến trước Phật Bảo Tạng phát đại thệ nguyện: “nguyện xin nhờ công đức cúng dường này cầu quả vô thượng bồ đề. Con nguyện xin trong lúc tu đạo tự lợi, lợi tha, nếu có chúng sinh nào lâm vào tai nạn, không thể tự cứu chữa được, không nơi nương nhờ, hễ niệm đến danh hiệu con, con liền đủ sức thần thông đến cứu độ ngay. Nếu lời nguyện ấy không thành, con thề không chứng quả Bồ đề. Con xin phát đại thệ nguyện tu đạo Bồ Tát cho đến cùng tận đời vị lai, trãi qua vô số kiếp, khi phụ vương con (vua Vô Tránh Niệm) thành Phật hiệu A Di Đà ở thế giới Cực Lạc thì con sẽ làm thị giả hầu hạ Ngài cho đến khi Chánh Pháp Ngài tận diệt con mới chứng quả Bồ đề. Con nguyện xin Đức Thế Tôn và mười phương chư Phật thụ ký cho con như vậy”.

Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký cho thái tử và nói rằng: “Do quán sát chúng sinh trong vô số thế giới đều vì tội nghiệp mà phải chịu quả báu đau khổ nên ngươi phát bi tâm, ngươi lại nguyện quan sát nghe được tiêng kêu cầu đau khổ của thế gian để đến cứu độ. Nay ta thọ ký cho ngươi hiệu là Quán Thế Âm. Ngươi sẽ giáo hoá cho vô lượng chúng sinh thoát khỏi khổ não, trong khi tu đạo, ngươi phải làm mọi Phật sự để lợi ích chúng sinh”.

Do đó, sau khi Phật A Di Đà nhập diệt rồi, cõi Cực Lạc sẽ đổi tên là Nhất Thế Trân Bảo Sở Thành Tựu, càng thêm tốt đẹp hơn trước nữa. Khi ấy, đang lúc ban đêm, trong khoảnh khắc, tất cả mọi thứ trang nghiêm đều hiện ra giữa không trung, tức thì ngươi thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp. Sau khi ngươi diệt độ rồi, chánh pháp sẽ còn lưu truyền lại sáu mươi ba ức kiếp nữa”.

Thái tử nghe Phật thọ ký rồi, lòng vô cùng hoan hỷ và bạch rằng: “như lời nguyện của con được hoàn toàn viên mãn thì đối với con còn hạnh phúc nào bằng. Nay con xin nguyện mười phương chư Phật cũng thọ ký cho con như thế, làm cho tất cả thế giới đều rung chuyển như tiếng âm nhạc, ai nghe cũng được giải thoát”. Thái tử bạch rồi, cúi đầu đảnh lễ Đức Phật.

Bấy giờ, các thế giới tự nhiên rung chuyển, phát ra tiếng hòa nhã như âm nhạc, ai nghe cũng thân tâm thanh tịnh, dục vọng không còn. Tiếp đó là các Đức Phật trong mười phương thế giới cũng đồng thanh thọ ký cho Quán Thế Âm Bồ Tát rằng: “Trong thời kiếp Thiên Trú, ở thế giới Tân Đề Lam có đức Bảo Tạng Như Lai ra đời, thái tử Bất Huyền, con vua Vô Tránh Niệm phát tâm cúng Phật và chúng Tăng ba tháng. Nhờ công đức ấy, trãi qua vô số kiếp về sau, thái tử sẽ thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thế Công Đức Sơn Vương Như Lai” ở thế giới Trân Bảo Sở Thành Tựu.

Xem Thêm:   Vì sao Đức Phật lại chọn Đản sinh ở nơi rừng cây?

Nghe chư Phật thọ ký xong, thái tử hoan hỷ vô cùng. Từ đó, trãi qua vô số kiếp về sau, Ngài tinh tấn tu đạo Bồ Tát, cứu độ tất cả chúng sinh, không bao giờ quên đại bi tâm của Ngài.

Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng và kinh Đại Phương Quảng Như Lai nói rằng: Ngài cùng Bồ Tát Đại Thế Chí vì lòng từ bi, thệ nguyện dấn thân vào con đường phụng sự, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, không chịu vào cảnh giới tối thượng của chư Phật.

Kinh Pháp Hoa, một bộ kinh rất quen thuộc với Phật tử thuộc truyền thống Phật giáo Đại Thừa ghi rằng: Bồ Tát Quán Thế Âm có thể hiện thành thân Phật, thân Bích Chi Phật, thân Đại Tự Tại thiên, thân tiểu vương, thân người nam, thân người nữ … cho đến thân dạ xoa, la sát, phi nhân .v.v… Kinh Ngũ Bách Danh còn đề cập đến 500 loại hóa thân của Ngài để tùy duyên ứng hiện hóa độ thuyết pháp.

Ý nghĩa danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm

2. Ý nghĩa danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm

Quán Thế Âm Bồ Tát – danh xưng Ngài xuất phát từ một truyền thuyết của Phật giáo, tin rằng những người tu hành đạt tới chính quả, thì ngũ giác của họ có thể biến ảo, đa năng. Nghĩa là có thể dùng tai để “nghe” thấy hình ảnh, dùng mắt để “thấy” nghe âm thanh, lưỡi có thể nếm ngửi được mùi,…

Theo lòng tin này, thì danh xưng Quán Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là: Vị Bồ Tát luôn “nhìn thấy” nghe tiếng ai oán, đau khổ trong bến mê của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp hay nói pháp khi cần. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng Phật giáo Đại thừa đã nâng Ngài lên tầm quan trọng, càng làm tăng lòng sùng kính của người theo đạo Phật đối với Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.

Quan hay Quán Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại… Quán Thế Âm Bồ Tát nghĩa là ngài Bồ Tát có thể lắng nghe được tất cả nỗi đau khổ kêu than của thế nhân, quan sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Điều này chỉ có được ở những vị Bồ Tát phát nguyện thậm thâm.

Thực ra, “Avalokiteśvara” không phải là nữ thần, mà là một vị Bồ Tát. Tên phiên âm của Ngài sang tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) là “A bà lô kiết đê xá bà la”. Còn mỹ danh đầy đủ của ngài bằng tiếng Hán là “Đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” (vị Bồ Tát đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn nghe thấu tiếng kêu khổ não của chúng sinh). Mỹ danh này thường được gọi tắt là Quán Thế Âm; đến đời Đường vì kiêng húy của Đường Thái Tông là (Lý) Thế Dân nên bỏ chữ “thế” mà gọi thành Quán Âm, thường đọc trại thành Quan Âm. (Vì vậy trong bài này lúc dùng chữ Quan hay chữ Quán cũng không sai) Y cứ vào trong “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn cho biết như sau: “Quán Âm là một vị đại Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa (q.II, tr.679). Hễ ai thờ ngài, ắt được các sự phúc đức; ai cầu nguyện và niệm tưởng ngài thì được sức lành của ngài chở che và cứu trợ trong các nạn nguy (…). Vì lòng từ bi cứu khổ, cứu nạn cho các chúng sinh và vì sự tuyên truyền Phật pháp, ngài tùy tiện mà hiện thân, khi làm Phật, khi làm Bồ Tát, khi làm Duyên giác, khi làm Thanh văn, khi làm tiên, khi làm quỷ, thần, khi làm quốc vương hoặc đại thần, trưởng giả, tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ thiện nam tín nữ. Và ngài cũng mang thân phụ nữ (chúng tôi nhấn mạnh) mà độ chúng sinh nữa” (q.II, tr.685-686).

Xem Thêm:   Như thị ngã văn là gì? Vì sao đầu Kinh Phật luôn có bốn chữ này?

Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thiết lập tâm đại từ, đại bi để thực hiện đại thệ nguyện độ sinh của Ngài.

Ngoài ra, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Tiền thân đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp tòa, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi. Ngày nay, đức Thích Ca thành Phật, thì Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại: “Một đức Phật ra đời thì hàng ngàn đức Phật phù trì”.

Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! con nhớ vô lượng ức kiếp trước có đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ Như Lai” Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sinh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoađầu con mà bảo: “Thiện Nam Tử! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.” Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa”1.

Còn trong Mật tông thì theo Kinh Đại Bản Như Ý nói có 8 vị đại Quán Âm là:

  1. Viên Mãn Ý, Nguyệt Minh Vương Bồ Tát.
  2. Bạch Y Tự Tại.
  3. Cát La Sát Nữ.
  4. Tứ Diện Quán Âm.
  5. Mã Đầu La Sát.
  6. Tỳ Cầu Chi.
  7. Đại Thế Chí.
  8. Đà La Quán Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).

Ngoài danh hiệu Quán Thế Âm ra, Bồ Tát còn có danh hiệu khác là Quán Tự Tại, danh hiệu Quán Thế Âm nói nhiều về công hạnh, đức từ bi của Bồ Tát. Nói đến Quán Thế Âm là đề cập đến vị Bồ Tát thường quan sát, lắng nghe tiếng gọi của chúng sinh, lắng nghe âm thanh của cõi thế gian để ban vui cứu khổ.

Còn danh hiệu Quán Tự Tại nói nhiều về năng lực, trí tuệ giải thoát, tâm vô quải ngại của Bồ Tát. Khi nói đến Bồ Tát Quán Tự Tại là nói đến vị Bồ Tát có trí huệ thâm sâu, tự tại giải thoát, không còn bị bất cứ điều gì ràng buộc, chi phối, không còn chìm đắm trong biển sinh tử, không còn phiền não khổ đau; là vị Bồ Tát có khả năng làm chủ các pháp, đến đi vô ngại trong cõi Ta bà để làm lợi ích cho chúng sinh.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

6 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog