Pháp Giới 11 tháng trước

Ý nghĩa của Đạo Đế trong Tứ Diệu Đế theo tinh thần đạo Phật

Con đường hướng đến giác ngộ Niết bàn đã được Đức Phật vạch rõ chi tiết trong Đạo đế, là sự thật về con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật.

Tứ Diệu Đế, diệu là cao quý màu nhiệm, đế là sự thật chân lý. Tứ Diệu Đế còn được gọi là tứ chân đế, tứ thánh đế và bốn chân lý mầu nhiệm.

“Tứ” có nghĩa là bốn; “diệu” là quý báu; “đế” nghĩa là sự thật. “Tứ diệu đế” là bốn điều chân thật quý báu mà Đức Phật Thích Ca phát hiện ra, chứng nghiệm sự thật, tuyên bố ra bốn điều này về cuộc sống kiếp nhân sinh của chúng ta. Tứ diệu đế gồm có: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Giáo lý Tứ Diệu Đế là nền tảng của hệ thống giáo lý đạo Phật. Ngay sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như, những người bạn tu khổ hạnh với Ngài trước đây, nội dung bài thuyết giảng đầu tiên ấy là Tứ Diệu Đế. Giáo lý này được coi là pháp tối thắng đưa hành giả đến giác ngộ, giải thoát và niết bàn.

Đọc thêm: Tứ diệu đế là gì? Ý nghĩa sâu sắc bốn chân lý của Tứ diệu đế

Đạo là con đường, là phương pháp; cũng như đạo Phật là con đường để đi đến thành Phật; Đạo đế chính là con đường, phương pháp diệt khổ mà Đức Phật đã tuyên thuyết. Có một sự thật thứ tư Đức Phật đã tìm ra, đó là con đường diệt khổ cho tất cả chúng sinh, gọi là Đạo đế.

Con đường hướng đến giác ngộ Niết bàn đã được Đức Phật vạch rõ chi tiết trong Đạo đế, là sự thật về con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật. Bao gồm:

Trí tuệ nhìn nhận bản chất của cuộc sống

Khi đã được Đức Phật chỉ bày về bản chất khổ đau của cuộc sống cũng như những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, bạn cần suy ngẫm, quán xét để hiểu rõ giáo Pháp. Chỉ khi có được hiểu biết đúng đắn, bạn mới có thể bước tiếp và đi đúng hướng trên con đường tu tập.

Nếu bạn vẫn chưa thể nhận thấy một cách sâu sắc rằng cuộc đời này, vạn pháp trên thế gian này cũng như chính thân tâm bạn đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường, khổ, không và vô ngã thì mọi sự tu tập đều không được lợi ích và bạn sẽ rất khó đạt được tiến bộ trong những thực hành của mình.

Xem Thêm:   Ý nghĩa sáu chữ hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật là gì?

Bởi vậy, trí tuệ hiểu biết đúng đắn này cũng được đề cập tới như là “chính kiến”, yếu tố đầu tiên của Bát chính đạo.

Bát chính đạo

Bát chính đạo là những chỉ dẫn của đức Phật về cách thực hành tu tập nhằm đưa hành giả thoát khỏi mọi bám chấp và vọng tưởng mê lầm, giúp hiển lộ trí tuệ hiểu biết đúng đắn. Tám khía cạnh thực hành khác nhau có mối quan hệ tương hỗ mật thiết và cần được thực hành đồng thời.

Chính kiến là sự hiểu biết, quan kiến đúng đắn. Chính kiến có được khi bạn giác ngộ về Khổ đế, nhìn mọi sự vật hiện tượng như bản chất chân thật của chúng thay vì nhìn qua lăng kính vọng tưởng thông thường của thế gian. Để có được quan kiến đúng đắn này, bạn cần thấu hiểu rằng lý vô thường, khổ, không, vô ngã và quy luật về Nghiệp chi phối mọi sự vật, hiện tượng thế gian. Chính kiến không được xây dựng nên từ những hiểu biết, phân biệt nhị nguyên mà cần được bắt đầu bằng trực giác quán chiếu sâu sắc sự thật về khổ, bản chất của khổ đau. Chính kiến là yếu tố tiên quyết bởi chỉ có chính kiến mới đem lại suy nghĩ và hành động đúng đắn.

Chính tư duy là suy nghĩ đúng đắn, là thanh lọc tâm để loại trừ những tư tưởng bất thiện và chăm bón những hạt giống thiện lành trong khu vườn tâm. Nếu như Chính kiến nói về khía cạnh nhận thức thì Chính tư duy nói về khía cạnh của sức mạnh tinh thần (ý chí) điều khiển mọi hành động của bản thân.

Chính ngữ vô cùng cần thiết bởi lời nói đúng đắn hỗ trợ cho việc trưởng dưỡng tâm linh. Đức Phật dạy rằng chính ngữ chỉ có thể đạt được khi bạn không nói dối, đặc biệt là sự dối lừa có chủ đích, không nói lời xấu ác, không nói lời thêu dệt vu khống, không nói lời vô nghĩa thị phi. Tóm lại, lời nói chính ngữ là lời nói chân thật, hòa nhã, mềm mỏng và có ý nghĩa thực sự.

Chính nghiệp là hành thiện, xa lìa ác hạnh. Chính nghiệp chỉ những tạo tác liên quan đến hoạt động của thân. Để có Chính nghiệp, bạn không được làm tổn hại hay đoạt mạng sống của chúng sinh, dù là bất kỳ hữu tình hàm thức nào, không được chiếm đoạt, trộm cắp bất cứ thứ gì không phải của mình, không được tà dâm tức là hành vi dâm dục bất chính, làm tổn hại tới người khác.

Có thể thấy rằng, hai yếu tố đầu tiên (Chính kiến, Chính tư duy) là sự tu tập, rèn luyện đối với ý. Chính ngữ thuộc về khẩu và Chính nghiệp thuộc về thân. Ba yếu tố này bổ trợ lẫn nhau giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý.

Xem Thêm:   Bệnh viện trả về, Phật Pháp cứu sống trọn bộ file PDF

Chính mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chính mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện. Một cách cụ thể, người tu tập Chính mạng phải xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá…) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chính ngữ, Chính nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chính mạng.

Chính tinh tiến có thể coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thực hành và thành tựu bảy chi còn lại của Bát chính đạo. Nếu không tinh tấn, miên mật một cách đúng đắn, bạn sẽ không thể thành tựu bất cứ chi nào và sẽ bị thoái thất hay sai lệch trong sự thực hành của mình. Chính tinh tiến có được dựa trên sức mạnh nội tâm, chính là những năng lực của tham ái, đố kỵ, sân hận… được chuyển hóa. Một cách cụ thể, bạn cần từ bỏ những điều xấu ác đã lỡ phát sinh, ngăn chặn những niệm xấu ác chưa phát sinh, phát khởi những niệm thiện lành và duy trì, trưởng dưỡng những việc thiện lành đã phát sinh. Vì vậy, Chính tinh tiến phải luôn được dẫn dắt bởi Chính kiến.

Chính niệm là tỉnh giác, chú tâm và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Chính niệm giúp đẩy lùi những vọng tưởng nhị nguyên, mọi so sánh đối đãi để nhìn nhận sâu sa bên trong của sự vật hiện tượng thay vì bị cuốn theo vọng tưởng.

Bước cuối cùng trên con đường Bát chính đạo là Chính định – phương pháp thiền định chân chính. Thiền định được hiểu là sự chú tâm, an định tâm vào một đề mục hay đối tượng nhất định. Khi tâm an định, vững vàng, phiền não tạm thời lắng xuống, tâm trở nên sáng rõ, trí tuệ dần được hiển bày. Chính định chỉ có được nhờ tinh tấn công phu thiền định. Khi đạt được cấp độ nhuần nhuyễn nhất định, bạn có thể định tâm một cách nhậm vận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Như vậy, có thể thấy rằng Bát chính đạo không phải một lý thuyết xa vời mà đó là bản đồ tu tập, kim chỉ nam cho sự thực hành trong cuộc sống của bất cứ cá nhân nào muốn hoàn thiện bản thân, thoát khỏi sự chi phối của khổ đau hướng tới giải thoát, giác ngộ. Bát chính đạo bao hàm cả ba khía cạnh tu tập là Giới, Định, Tuệ.

Xem Thêm:   Lời Phật dạy: 5 điều mà người tu hành cần nên tránh

Ba phẩm chất trí tuệ: lắng nghe, suy ngẫm và thực hành thiền định

Để có thể tiến bộ trên con đường tâm linh, chúng ta cần phải có một nền tảng tu học vững chắc dựa trên việc lắng nghe, suy ngẫm và thực hành giáo pháp. Đầu tiên chúng ta phải bắt đầu bằng việc lắng nghe giáo pháp để có kiến thức. Tiếp đến, chúng ta cần suy ngẫm tư duy về những gì học được cho đến khi nhận hiểu được giá trị của giáo pháp.

Sau khi đã hiểu được ý nghĩa giáo pháp, chúng ta cần thực hành thiền định, quán chiếu sâu sa về giáo pháp để thực chứng giáo pháp. Khi cả ba bước lắng nghe, suy ngẫm và thiền định được thực hiện một cách chính xác và đúng pháp, sự thực hành của chúng ta sẽ tự nhiên trở nên đầy đủ và mang lại lợi ích cho bản thân và cả chúng sinh. Nếu không biết lắng nghe, tư duy rồi thực chứng giáo pháp qua thực hành thiền định, chúng ta sẽ có những hiểu biết sai lệch hoặc tri thức cạn cợt, dẫn đến việc thực hành Phật pháp không đúng đắn, chính xác hoặc không mang lại lợi ích.

Lấy ví dụ Đức Phật dạy rằng con người ai cũng phải chịu đựng khổ đau của sinh, già, bệnh, chết. Khi lắng nghe giáo pháp, chúng ta sẽ có một chút kiến thức về vấn đề này. Sau đó, chúng ta suy ngẫm về các loại khổ đau khác nhau, nhận ra được thế nào là khổ đau, và thấy cần phải thay đổi lại cách sống để loại bỏ những phiền não ngay trong kiếp này và trong tương lai. Chúng ta sẽ quyết định chứng ngộ được tự tính tâm, vượt biển sinh tử, thoát khỏi khổ đau. Sau khi đã hoàn thiện phần văn, tư, thiền định, chúng ta cần phải có trách nhiệm thực hành, áp dụng Phật pháp vào đời sống để đạt được giải thoát.

Phương pháp cốt yếu của con đường đạo là phát triển trí tuệ. Để đạt được mục tiêu này chúng ta cần phải liên tục trưởng dưỡng việc lắng nghe, suy ngẫm, và thiền định. Cả ba phẩm chất này cần phải phát triển đồng đều và thường xuyên thì mới đem lại sự chứng ngộ, làm hiển lộ trí tuệ căn bản và tiêu trừ vô minh.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

8 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog