Pháp Giới 11 tháng trước

Vì sao phải cúng thất? Cúng thế nào người chết mới được lợi ích?

Trong phong tục tập quán hiện nay có việc cúng thất, tại sao phải cúng thất? Phải cúng thất như thế nào thì người chết mới thực sự được giúp đỡ?

(Nếu sau khi người ấy đã chết, có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người ấy vĩnh viễn xa lìa ác đạo, được sanh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích.)

Đây là nói sau khi người ta chết, trong phong tục tập quán hiện nay có việc cúng thất, nguồn gốc của việc cúng thất là ở chỗ này. Tại sao phải cúng thất? Phải cúng thất như thế nào thì người chết mới thực sự được giúp đỡ? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Trong kinh đức Phật dạy sau khi con người chết đi đa số chẳng đầu thai liền, sau khi chết họ còn một khoảng thời gian, khoảng thời gian này gọi là Trung Ấm.

Lúc người chết chưa đi đầu thai, trong kinh đức Phật nói, khoảng thời gian này đa số con người là bốn mươi chín ngày, bảy cái thất. Đa số con người đều chuyển thế, hạnh nghiệp của họ thuộc vào cõi nào thì họ sẽ đi đến đó thọ báo.

Trong thời gian này, mỗi bảy ngày họ có một lần biến dịch sanh tử, sự sanh tử này đối với họ mà nói cũng tương đối đau khổ, cho nên làm những Phật sự này, giúp họ giảm bớt sự đau đớn, tăng thêm phước báo cho họ, thế nên dạy bạn trong bảy cái thất này rộng tạo phước lành.

Nếu bảy thất, bốn mươi chín ngày, mỗi ngày đều tu phước giùm họ thì phước của họ sẽ lớn. Người thế gian mỗi bảy ngày tu một lần, nói chung thì tốt hơn là không tu, nói thật ra trong vòng bốn mươi chín ngày này, mỗi ngày đều phải tu, đây mới là thực sự giúp đỡ, duyên này sẽ vô cùng thù thắng. Người nhà, quyến thuộc hiện tiền phải hiểu đạo lý này, đây là mình và người cả hai đều được lợi ích.

Còn phương pháp tu phước, phương pháp nói ở phía trước rất tốt, tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, đây là việc làm có lợi ích nhiều nhất.

Tu phước, rộng tạo các việc lành, trong đó bao gồm rất nhiều nhưng tụng kinh, niệm Phật là chính, nếu có khả năng đem tài sản, vật dụng của người mất đi làm các việc bố thí, vậy thì phước báo của họ càng lớn hơn nữa. Chúng ta đều phải hiểu rõ, người nhà, quyến thuộc có thể làm thay cho người mất.

(Vì lẽ đó nên nay con đối trước đức Phật Thế Tôn, cùng thiên long bát bộ, nhân và phi nhân v.v… mà khuyên chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề: Vào ngày lâm chung phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, đừng cúng tế quỷ thần, đừng cầu xin võng lượng.)

Đây là Địa Tạng Bồ Tát đại từ đại bi nói ra những chân tướng sự thật này cho chúng ta. Sau đó chúng ta mới biết có nhiều cách làm trong dân gian vô cùng bất lợi cho người mất, chẳng giúp ích gì cho họ, lại còn tăng thêm tội nghiệp của họ, làm như vậy thì rất tàn ác.

Bồ Tát ở trước Thế Tôn, trong hội còn có “thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng” để cho họ làm chứng, chứng minh lời nào của Địa Tạng Bồ Tát cũng đều chân thật.

Xem Thêm:   Những câu chuyện linh ứng về tượng Phật, tượng Bồ Tát

Tại sao Ngài chẳng nói chư Phật Như Lai và đại Bồ Tát đến chứng kiến? Chư Phật Như Lai, đại Bồ Tát hiểu rõ, biết quá rõ. Để các vị trời, quỷ thần đến chứng minh, khuyên răn hướng dẫn chúng sanh ở Diêm Phù Đề phải cẩn thận trong ngày lâm chung, tuyệt đối không được sát sanh, tuyệt đối không được tạo ác duyên.

Cho nên khi một người qua đời, trong lúc lo hậu sự cho người ấy, người ta mời người nhà, thân quyến, bạn bè của họ, trong lúc tụ hợp lại phần nhiều đều sát sanh, ăn thịt, cúng tế quỷ thần, hết thảy đều là tạo tội nghiệp, đây là việc chúng ta thường thấy ở mọi nơi.

Chúng ta muốn vì người mất cầu phước, nhưng lại sát hại chúng sanh để tế lễ, chúng ta suy nghĩ chính chắn coi, có phải là sợ người mất này lúc còn sanh tiền chưa tạo đủ sát nghiệp, còn phải giúp họ tạo thêm một chút, không phải là có ý nghĩa này hay sao?

Chỉ sợ họ đọa lạc chưa sâu lắm, còn muốn đẩy họ xuống sâu thêm một chút, đều làm những chuyện như vậy, tuyệt đối là hoàn toàn sai lầm, chúng ta nên suy nghĩ thêm về đạo lý này. Phần sau nêu lý do tại sao không thể sát sanh? Tại sao không nên tạo ác duyên?

(Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế lễ đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho sâu nặng hơn thôi.)

Chúng ta dứt khoát không thể coi thường đoạn khai thị này, phải ghi nhớ kỹ càng. Vì việc này chúng ta thường gặp, nhất định phải giảng rõ ràng, nói rành rẽ, làm cho họ giác ngộ.

Cúng tế quỷ thần đích thật chẳng giúp ích mảy may gì cho người mất, tuyệt đối đừng khởi vọng tưởng cho rằng người mất tạo tội nghiệp, chúng ta cúng quỷ thần, quỷ thần sẽ tha thứ cho họ, quỷ thần sẽ xá miễn cho họ, chẳng có đạo lý này.

Trong thế gian có thể có một số người tham lam, ăn hối lộ, làm sai phép, chứ trong cõi quỷ thần không có, sách xưa Trung Quốc có câu “thông minh chánh trực mới làm thần”.

Những việc cấu kết, nịnh nọt quỷ thần, hy vọng quỷ thần có thể tha thứ, xá miễn là một tâm lý sai lầm, thực hiện một hành vi phạm tội, làm sao có thể được giúp đỡ! Cho nên cách làm này chỉ kết tội duyên mà thôi.

Người hiểu đạo lý này thì trong các hôn lễ, đám ma, tiệc vui, ăn mừng trong thế gian, trong những buổi tiệc này tuyệt đối không được sát sanh, sát sanh tức là như hai câu sau đây: “Chỉ kết tội duyên, tăng thêm sâu nặng”, kinh này nói rất nhiều, rất tường tận.

Làm lễ mừng ngày sanh, chúc thọ, bạn hy vọng trường thọ, nhưng lại sát hại những chúng sanh này, bạn có thể được trường thọ hay sao? Con người có cái khổ già, khổ bệnh, lúc lâm chung, chúng ta nhìn thấy tướng trạng đau khổ đó đều chẳng chịu nổi. Tại sao người ta có những tướng trạng đó? Vì họ chẳng hiểu đạo lý, cả đời chỉ biết kết tội duyên với chúng sanh.

Cho dù những người giàu có, trưởng giả trong thế gian cũng không thể tránh khỏi, lúc người giàu chết đi, tạo ra đủ mọi nghiệp chướng, chúng tôi đã từng thấy tận mắt.

Lúc người giàu, quý tộc ở thế gian chết đi thường phải chịu bệnh khổ trong một thời gian dài, hiện nay gọi là chứng người già mất trí nhớ. Đến thời kỳ cuối cùng thì bất tỉnh nhân sự, chẳng nhận ra người nhà, thân thích, mê hoặc điên đảo.

Trong những tình trạng như vậy, họ sẽ sanh về đâu? Đương nhiên sẽ sanh về tam ác đạo. Cả đời có phát đạt, có huy hoàng cách mấy, khi chết đi phải đọa vào tam ác đạo, bạn xem họ có thành tựu gì hay không? Chẳng bằng một người nghèo khổ ở thế gian thật thà niệm Phật, tiền đồ của họ là đến Tây Phương Cực Lạc thế giới làm Phật, làm sao có thể so sánh cùng họ được!

Xem Thêm:   Cách sám hối tại nhà

Dù bạn có được tài sản ức vạn ở thế gian cũng chẳng sánh bằng người nghèo mạt niệm Phật vãng sanh. Chúng ta thấy họ biết trước giờ ra đi, tự tại vãng sanh, chẳng có bệnh khổ, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, đó mới gọi là phước báo chân chánh, đó mới là sự hưởng thụ tối cao trong đời người.

Lúc lâm chung sợ nhất là mê hoặc điên đảo, lúc lâm chung mà mê man thì dù được trợ niệm cũng không giúp được gì. Khi trợ niệm thì nhất định người bệnh phải thần trí sáng suốt, mãi cho đến lúc tắt thở cũng phải tỉnh táo, không mê man, được vậy thì trợ niệm sẽ giúp đỡ rất nhiều, nếu họ có thể nhất tâm niệm Phật thì chắc chắc sẽ được sanh Tịnh Độ.

Cho nên chúng ta phải nghĩ coi tương lai lúc mình lâm chung sẽ mê hoặc điên đảo hay không? Muốn mình lâm chung không bị mê man, rối loạn thì nhất định phải tu phước.

Người Trung Quốc nói đến Ngũ Phước, phước thứ năm trong ngũ phước theo cách nói hiện nay tức là “chết lành”, đó thật là có phước. Chết lành thì chắc chắn sẽ sanh lành, nghĩa là tương lai bạn đầu thai nhất định sẽ sanh đến cõi lành, đây là đạo lý nhất định. Nếu lúc chết bị mê man, rối loạn thì sẽ không sanh đến cõi lành được.

Do đó có thể biết chúng ta trong đời này phải dứt khoát đừng kết oán thù với chúng sanh, nhất định không được làm tổn hại đến một chúng sanh nào cả. Chúng sanh đều là phàm phu, khi bạn gây tổn thương cho họ, họ ôm hận trong lòng vĩnh viễn chẳng quên, đợi có cơ hội liền trả thù, oan oan tương báo dây dưa chẳng dứt.

Không những không được sát hại chúng sanh, mà làm cho chúng sanh khởi phiền não cũng là tội lỗi, khi mình làm cho chúng sanh khởi phiền não thì họ sẽ làm cho mình sanh phiền não, oan oan tương báo.

Do đó nếu muốn trên đường Bồ Đề được thuận buồm xuôi gió thì phải ghi nhớ hai câu, đừng kết oán thù với người ta. Phật dạy chúng ta khi tiếp xúc với đại chúng phải tươi cười, lời nói ngọt ngào, phải thường nghĩ chúng ta dùng thái độ gì đối xử với người, người ta cũng sẽ dùng thái độ đó đối xử với mình, những gì mình không muốn thì đừng đem cho kẻ khác. Hàm ý trong đó rất sâu, rất rộng. Xin xem tiếp đoạn kinh văn sau đây:

(Giả sử người chết đó, trong đời vị lai hoặc đời hiện tại, đắc được phần thánh, sẽ sanh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng chịu ương lụy, phải đối biện, chậm sanh vào chốn tốt lành.)

Đoạn này rất hay và cũng là sự thật. “Giả sử lai thế” là nói người lâm chung đã chết rồi, chết rồi thì thuộc về đời sau. “Hoặc hiện tại sanh” tức là người này vẫn chưa tắt thở. Người này lúc còn sống là một người thiện, người tốt, chẳng tạo tội nghiệp gì nhưng vì người nhà của họ sát sanh cúng tế, cúng tế quỷ thần, cầu chư võng lượng, võng lượng tức là tà thần, tà đạo; lúc bệnh nặng, bệnh nguy ngặt cầu những quỷ thần này lại giúp đỡ, chẳng biết làm vậy là tạo tội nghiệp.

Xem Thêm:   Cách phân biệt các loại Thiền Định

Sát sanh cúng tế, vì người bệnh này mà sát sanh, kẻ ấy vốn có thể sanh vào cõi lành, có thể sanh cõi trời, cõi người, nhưng vì người nhà tạo tội nghiệp, người bệnh phải gánh chịu những tội nghiệp này, phải đến gặp vua Diêm La để biện luận, cho nên đình trệ việc sanh vào cõi lành, “vãn sanh thiện xứ”.

Nếu đã tắt thở rồi, họ phải biện luận với vua Diêm La, đình trệ việc sanh đến thiện đạo. Nếu chưa tắt thở, bạn thấy họ phải chịu nhiều đau khổ trên giường bệnh, thần hồn của họ đang đi biện luận, đây là thật chẳng phải giả.

Thế nên người học Phật [phải biết], lúc lâm chung là thời khắc quan trọng nhất của chúng ta, bạn bè thân quyến, người chăm sóc bạn phải hiểu đạo lý này, nhất định không được làm sai. Cho nên hiện nay cuốn Lâm Chung Nên Biết, hồi xưa sách này có tựa là Sức Chung Tân Lương (Hướng dẫn trọng yếu để giúp đỡ người khác lúc lâm chung) dùng chữ hơi khó hiểu, người hiện đại không dễ hiểu, cho nên có người phát tâm dùng văn Bạch Thoại viết lại, cuốn sách nhỏ này rất quan trọng.

Người nhà, quyến thuộc của người bệnh nặng nhất định phải đọc, phải hiểu rõ cách tiễn đưa người mất, tiễn đưa đúng lý, đúng pháp thì là thực sự giúp đỡ họ. Cách tiễn đưa người mất trong dân gian có rất nhiều vấn đề; chúng ta đọc kinh này rồi tự mình suy nghĩ coi lời Phật dạy có lý hay cách làm thế tục có lý, phải bình tâm tịnh ý, bình tĩnh suy nghĩ, sự lợi ích, được mất trong đó quá lớn.

Một khi bị đọa vào ba đường ác thì thời gian phải dùng kiếp để tính, trong kinh thường gọi là vô lượng kiếp, dễ sợ lắm! Nếu chúng ta thương mến người nhà thì làm sao nhẫn tâm để cho họ đọa vào ba đường ác? Cho dù họ tạo ác nghiệp, chúng ta cũng phải tìm phương pháp để cho họ sớm siêu sanh, thoát khỏi ba đường ác, làm sao nhẫn tâm để cho họ đọa vào ba đường ác? Câu kế tiếp:

(Huống chi là người sắp chết lúc còn sống chưa từng có chút thiện căn, phải y theo bổn nghiệp mà tự đọa ác đạo, quyến thuộc nỡ nào tăng thêm nghiệp tội của người ấy!)

Huống chi người này sắp mất, lúc còn sống làm lành ít, cả đời làm ác nhiều, làm lành ít nên sức ác thì lớn còn sức của thiện căn yếu kém. “Các cư bổn nghiệp tự thọ ác thú”, chúng ta ở thế gian thì thấy mang thân con người, quan sát kỹ càng coi kẻ ấy có phải là một con người hay không?

Sách cổ Trung Quốc Tả Truyện có ghi: “Con người phế bỏ luân thường thì yêu quái hưng thịnh”, phải giải thích câu này như thế nào? Nếu con người đánh mất đạo làm người, thì thân này sẽ là yêu ma quỷ quái, chẳng phải là thân người nữa.

Thường là gì? Thường là ngũ giới, nhà Nho nói Thường là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Người ấy chẳng nhân, chẳng nghĩa, chẳng giữ lễ, chẳng giữ tín dụng thì người ấy là yêu ma quỷ quái, chẳng phải là người.

Hiện nay thì giống hình dáng của một con người, nhưng sau khi chết đi liền vào ba đường ác, cho nên ở đây nói “các cư bổn nghiệp, tự thọ ác thú”, người nhà, thân quyến làm sao nhẫn tâm tạo những ác nghiệp này để cho họ gánh chịu? Như vậy là sai lầm quá đỗi.

Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Giảng Ký – Tập 26!
Hòa thượng Tịnh Không giảng tại Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba, 5-1998!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

10 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog