Pháp Giới 5 tháng trước

Tỳ Kheo có nghĩa là gì? Năm đặc tính của Tỳ-kheo

Tỳ kheo hay Tỳ khưu, tiếng Phạn là: Bhiksu, hay còn gọi là Bí Sô, nghĩa là Khất sĩ. Người xuất gia theo đạo Phật, thọ giới Cụ túc, nam thì gọi là Tỳ kheo, nữ thì gọi là Tỳ kheo ni.

1. Tỳ Kheo có nghĩa là gì?

Tì-kheo hay Tỳ-kheo (chữ Nho: 比丘) là danh từ phiên âm từ chữ bhikkhu trong tiếng Pali và chữ bhikṣu trong tiếng Phạn, có nghĩa là “người khất thực”, hay còn gọi là Bí Sô (苾芻), Phức Sô (煏芻), Bị Sô (僃芻), Tỷ Hô (比呼); ý dịch là Khất Sĩ (乞士), Khất Sĩ Nam (乞士男), Trừ Sĩ (除士), Huân Sĩ (董士), Phá Phiền Não (破煩惱), Trừ Cẩn (除饉, trừ đói khát), Bố Ma (怖魔, làm cho ma quân sợ hãi); là một trong 5 chúng hay 7 chúng. Từ này chỉ cho người nam xuất gia và thọ giới Cụ Túc. Đối với người nữ thì gọi là Tỳ Kheo Ni (s: bhikṣuṇī, p: bhikkhunī, 比丘尼).

Theo Đại Trí Độ Luận (大智度論) quyển 3, ngữ nghĩa của từ Tỳ Kheo có 5 loại:

  1. Khất Sĩ (乞士): hành trì pháp môn khất thực để làm cho cuộc sống của bản thân được thanh tịnh, trong sạch.
  2. Phá phiền não (破煩惱): đoạn trừ phiền não, hay còn gọi là phá ác (破惡).
  3. Xuất gia nhân (出家人): là người thật sự xuất gia, ra khỏi 3 ngôi nhà của phiền não, thế tục và Ba Cõi.
  4. Tịnh trì giới (淨持戒): hành trì giới pháp thanh tịnh.
  5. Bố ma (怖魔): làm cho ma quân sợ hãi. Đặc biệt, Khất Sĩ là người nuôi sống bản thân bằng việc xin ăn. Sĩ (士) ở đây có nghĩa là người đọc sách.

Tại Trung Quốc, người sinh sống bằng việc ăn xin được gọi là Khất Cái (乞丐), chứ không phải Khất Sĩ, khiến người ta thấy muốn tránh xa, khinh thường. Nhưng trường hợp Khất Sĩ của Ấn Độ thì có học vấn và đạo đức, được mọi người tôn kính.

Đức Phật chế rằng tài sản của người xuất gia là ba y và một bình bát. Hạnh nguyện đi khất thực cũng là một hình thức tu hành, nhằm đoạn trừ tâm tham lam, dẹp bỏ tự ngã, kiêu mạn, cống cao, sân hận, nóng nảy; nuôi dưỡng tâm từ bi, tu tập hạnh bình đẳng, bố thí thiện nghiệp.

Như cổ đức thường dạy rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô tăng vạn lí du, vị liễu sanh tử sự, khất hóa độ xuân thu (一鉢千家飯、孤僧萬里遊、爲了生死事、乞化度春秋, bình bát cơm ngàn nhà, cô tăng vạn dặm chơi, liễu trọn chuyện sanh tử, xin khắp qua tháng ngày).”

Hay như Hòa Thượng Bố Đại (布袋, Futei, ?-916) ở Huyện Phụng Hóa (奉化縣), Minh Châu (明州), được xem như là hóa thân của đức Phật Di Lặc, có bài kệ rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lí du, thanh mục đổ nhân thiểu, vấn lộ bạch vân đầu (一鉢千家飯、孤身萬里遊、青目覩人少、問路白雲頭, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh xem người thế, mây trắng hỏi đường qua).”

Xem Thêm:   Sự tích Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát trọn bộ PDF

Đại Ngu Lương Khoan (大愚良寬, Daigu Ryōkan, 1758-1831), vị tăng của Tào Động Tông Nhật Bản, cũng có làm bài thơ rằng: “Nhất bát thiên gia phạn, cô du vạn lí xuân, tích kinh Tam Giới mộng, y phất cửu cù trần, tự linh vô sự tẩu, bảo dục thăng bình thần (一鉢千家飯、孤游萬里春、錫驚三界夢、衣拂九衢塵、自怜無事叟、飽浴昇平辰, bình bát cơm ngàn nhà, thân chơi vạn dặm xuân, tích chấn Ba Cõi mộng, áo phất chốn hồng trần, tự thân lão vô sự, ăn no hát nghêu ngao).”

Theo quan điểm nguyên thủy, chỉ có những người sống viễn ly mới có thể đạt được Niết-bàn. Hoạt động chính của những vị này là thiền định và giảng dạy giáo pháp, không được thụ hưởng cuộc đời và chịu sống lang thang không nhà. Giới luật của Tỳ kheo là đời sống phạm hạnh, mẫu mực, thiểu dục tri túc, không vợ con và thực hành từ bi, được đề ra trong Luật tạng.

Cuộc sống cơ hàn của Tỳ kheo được thể hiện trong chiếc áo cà-sa của các vị đó, gồm có ba phần (Tam y, (sa. tricīvara) và do vải vụn kết lại. Vật dụng hàng ngày chỉ gồm bát khất thực, dao cạo, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy kinh hành. Tỳ kheo không được nhận tiền bạc hay các vật dụng khác. Thức ăn là do sự cúng dường.

Các vị Tỳ kheo sống chung với nhau trong một đoàn thể gọi là Tăng đoàn, gồm bốn vị Tỳ kheo trở lên. Trong mùa mưa, các vị đó thường buộc phải an trú trong một tịnh xá (zh. 精舍, sa., pi. vihāra), gọi là an cư kiết hạ để tính tuổi hạ. Lý do là vì nếu đi lại trong mùa mưa, các vị có thể gây tai hại cho động vật và cây cối. Vì vậy, các vị chỉ được rời tu viện vì lý do đặc biệt trong mùa này.

Mùa An cư được chấm dứt bằng buổi lễ Tự tứ (zh. 自恣, sa. pravāraṇā), trong đó các vị cùng sống chung trong một trú xứ, trao đổi kinh nghiệm tu tập, hoằng truyền chánh pháp, kiểm điểm lại lỗi lầm hay thiếu sót với nhau.

Qua năm tháng, Tỳ kheo ít đi vân du, các vị sống nhiều trong các tu viện, tuy nhiên, tục đi hành hương chiêm bái vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ngày nay, các Tỳ kheo phần lớn vẫn còn giữ tập tục như hồi đức Phật còn tại thế, đặc biệt là Nam tông, nhưng mặt khác, họ phải thích nghi với đời sống xã hội và điều kiện địa lý.

Ví dụ như các Tỳ kheo Trung Quốc thường hay làm công việc đồng áng, đó là điều mà Tỳ kheo ngày xưa không được làm vì sợ giết hại sinh mệnh côn trùng. Trong một vài trường phái của Tây Tạng và Nhật Bản, Tỳ kheo có thể lập gia đình, có vợ con. Các quy định về khất thực cũng thay đổi nhiều qua thời gian.

Xem Thêm:   Sám hối là gì? Những tội gì cần phải sám hối?

2. Năm đặc tính của Tỳ-kheo

Tỳ-kheo hay còn gọi là Bí Sô, Bí Sô là tên của một loài cỏ thơm mọc trên núi tuyết xứ Ấn Độ, nay vẫn còn loài cỏ ấy. Cỏ Bí Sô thơm cả thân và lá lúc còn non xanh cho đến già úa vẫn còn thơm. Mùi thơm dễ chịu không gay gắt. Thông thường các loài cỏ có thân mảnh khảnh chỉ mọc ở đồng bằng ruộng nương hay núi thấp, không thể mọc trên núi tuyết. Đằng này loài cỏ Bí Sô lại mọc ở núi tuyết quanh năm. Thân của nó chẳng những không bị hao mòn, rục rả bởi tuyết, trái lại luôn nảy nở, mọc tràn lan ra tứ phía suốt 4 mùa tuyết phủ.

Theo sách “Phiên Dịch Danh Nghĩa” có ghi loài cỏ Bhikkhu (Bí Sô) có năm đặc tính, đó là: Thể tánh nhu nhuyến, dẫn mạn bàng bố, hinh hương viễn văn, năng liệu đông thống và bất bối nhật quang.

Thể tánh nhu nhuyến: Là thể chất mềm mại, ví dụ cho việc thân, khẩu, thuần thục, điều phục mọi thô xấu. Thể tánh này được biểu thị cho thể tánh của giới Tăng sĩ Phật giáo một khi đã xuất gia rồi thì tính tình được nhu mì, dịu dàng, luôn khiêm cung, ái ngữ, chánh trực, hoan hỷ, thuận hòa, bao dung, không thô tháo, luôn nhã nhặn, không hung dữ, thật thà, tự nhiên, bình đẳng, không nghi ngờ,… Tất cả đều do thân, khẩu, ý an trú trên dòng tâm chánh niệm, tỉnh thức sau khi đã được tu tập và hành trì giới luật chín chắn.

Dẫn mạn bàng bố: Mạn nghĩa là mọc tràn ra, mọc dài ra. Bàng nghĩa là mọc tràn lan cùng khắp. Hai đặc tính ấy được chỉ cho chư Tăng sĩ trong Phật giáo thường đi khắp đó đây để hoằng dương chánh pháp hóa độ chúng sinh bằng đôi chân của mình; dụ cho vị Tỷ kheo thuyết pháp giáo hóa mọi người không bao giờ mệt mỏi, không tuyệt dứt với hạnh nguyện lợi tha của mình.

Hinh hương viễn văn: Mùi thơm của cỏ Bí Sô bay xa khắp không gian. Được chỉ cho giới xuất gia trong Phật giáo một khi đã thọ Tỷ kheo giới, ai cũng có giới đức trang nghiêm thanh tịnh ở bản thân. Cho nên ai gặp cũng thích, cũng thương mến kính trọng, cúng dường. Nhất hạng là những vị danh Tăng có đạo cao đức trọng, nền văn hóa Phật giáo lớn trong tâm, được quần chúng khắp thế giới nghe đến, liền khởi tâm hâm mộ, ngưỡng vọng và tiếp xúc, lễ bái, v.v…Như Pháp Cú kinh dạy: “Hương của các loại hoa không ngược bay chiều gió, chỉ có hương của người đức hạnh, ngược gió khắp tung bay”.

Xem Thêm:   Chuyện nhân quả: Gieo nhân nào sẽ gặt quả đó

Năng liệu đông thống: Loài cỏ này có tác dụng dùng để chữa bệnh tật, là một vị thuốc chữa trị chứng đau nhức cơ thể. Dụ cho vị Tỷ kheo có khả năng đoạn trừ mọi bất an, đau khổ, phiền não của thân tâm. Tất cả chư Tăng, Ni trong Phật giáo đều có khả năng chữa trị được các thứ bệnh phiền não, tâm thần, cơ thể bằng thần lực tâm thức và các dược thảo.

Bất bối nhật quang: Loài cỏ này không bao giờ bị che khuất bởi ánh sáng mặt trời, nó luôn tìm ánh sáng của mặt trời để hướng đến. Loại cỏ này không mọc ngược lại với ánh sáng mặt trời. Đó là đặc tính của cỏ Bí Sô luôn luôn hướng về mặt trời. Mặt trời ở ngã nào, thân và lá cỏ Bí Sô hướng theo ngã đó. Ở đây được biểu thị cho chư Tỷ kheo thường tư duy chánh kiến, luôn hướng về ánh sáng mặt trời trí tuệ là đạo lý của Đức Phật. Tăng, Ni trong Phật giáo không bao giờ dám đi ngược lại ánh sáng chánh pháp Phật. Thân tâm luôn luôn thấy chơn chánh, nói năng chơn chánh, nhớ nghĩ chơn chánh và lúc nào cũng an trú trong giới và định một cách thường hằng dù cho sống trong môi trường, hoàn cảnh thuận duyên hay nghịch duyên vẫn theo chánh pháp. Bằng không có thể sẽ bị đi ngược lại ánh sáng chánh pháp Phật.

Năm ý nghĩa của loại cỏ Bí sô tương ứng với năm đức của nghĩa Tỳ kheo. Tỳ kheo thành tựu năm đức ấy là thành tựu trọn vẹn ý nghĩa của một người mang trọng trách “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, mang sứ mệnh “tục diệm truyền đăng” đem ánh sáng Phật pháp gieo rắc làm lợi lạc mọi người. Vì đó mà lấy tên Bí sô chỉ cho Tỳ kheo cũng phải có đủ năm đức tính cao quý.

Vì thế cho nên Đức Phật chọn danh từ Tỳ kheo (Bhikkhu) tên của loài cỏ thơm để đặt tên cho các thiện nam, tín nữ xuất gia thành Tăng, Ni ai cũng được gọi là Tỳ kheo sau khi thọ đại giới như vậy, là vì Ngài thấy rằng giới luật và giáo lý của Ngài ai xuất gia tu hành đúng theo giới luật và Phật pháp đều được có đủ 5 đặc tính như loài cỏ thơm Bí Sô.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

30 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog