Hãy tạo cho mình một thói quen làm việc trong tỉnh thức. Càng tỉnh thức, càng làm chủ tâm mình tốt hơn, cuộc sống nhờ đó càng an lành và bình yên hơn.
1. Tỉnh thức là gì?
Cuộc sống vốn luôn vận hành, chúng ta thường xuyên chịu nhiều áp lực nặng nề với bao lo toan không hồi kết của kiếp người. Chính vì vậy mà Bùi Giáng đã từng viết: “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc; Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay…”. Những tất bật hối hả với cơm, áo, gạo, tiền làm chúng ta mệt nhoài và căng thẳng, lắm lúc chao đảo đến mất thăng bằng. Tâm trí luôn mệt mỏi vì hoạt động hết “công suất”. Lúc thì một ý tưởng tiếc nuối những kỷ niệm đẹp một thời trong dĩ vãng khởi lên, hoặc một niệm ân hận day dứt với những lỗi lầm không đáng có trong quá khứ gợi về, khi thì những lo nghĩ, toan tính, dự định cho những điều không có gì chắc chắn ở tương lai lại lảng vảng trong đầu. Ít khi chúng ta biết trân quý và sống với hiện tại, để có thể đem tâm về chung sống với thân. Đây là một nghịch lý mà phần lớn chúng ta dễ mắc phải! Ta muốn hạnh phúc và hạnh phúc ấy chỉ có mặt trong hiện tại, sao ta lại bỏ hiện tại đi tìm hạnh phúc hư ảo ở những vọng tưởng xa xôi? Để đời sống mình có thêm nhiều ý nghĩa, chúng ta cần sống và thể nghiệm từng phút giây trong hiện tại nhiệm mầu với chánh niệm tỉnh thức.
2. Rời hiện tại làm gì có tỉnh thức?
Sống tỉnh thức là duy trì ý thức trên mỗi công việc mà mình đang thể nghiệm, đang “sống” với trong từng phút giây hiện tại. Không mua “vé khứ hồi” để tâm quay về bận bịu với quá khứ, không viển vông chắp cánh mơ tưởng đến tương lai mà từng khắc, từng khắc trong hiện tại, chúng ta cần tỉnh thức và biết rõ những gì đang diễn ra nơi mình, với mình và với cuộc sống quanh mình.
Tỉnh thức được đề cập đến ở nhiều hình thái khác nhau bàng bạc trong các bài thuyết giảng tôn giáo, thơ ca và văn chương. Tuy vậy, có thể nói rằng, người đầu tiên thấy rõ vai trò của tỉnh thức trong đời sống và đề xuất nhiều phương pháp khác nhau để đạt đến trạng thái tỉnh thức là Đức Phật lịch sử Gotama. Tên Ngài (Gotama Buddha) nghĩa là Bậc Tỉnh Thức, thật đúng với những gì Ngài thể hiện trong cuộc sống của mình. Suốt cuộc đời 80 năm tồn tại trong kiếp nhân sinh, Ngài chỉ thực hiện một điều duy nhất: sống tỉnh thức và hướng dẫn người khác phương pháp sống tỉnh thức để nhận được trọn vẹn những lợi ích thiết thực do nếp sống tỉnh thức đem lại. Ngài tỉnh thức trong từng động niệm của tâm thức, của cử chỉ hành vi, của lời nói mà trong kinh thường mô tả “khi đi tới, đi lui, đều tỉnh thức, khi co tay, duỗi tay, đều tỉnh giác, khi mang y cầm bát, đều tỉnh thức…”.
Tỉnh thức là một trong những yếu tố quan trọng nhất có tính quyết định sự thành bại trong mọi hoạt động của con người. Những nghiên cứu về phương diện này chỉ ra rằng nếu duy trì và tăng trưởng trạng thái tỉnh thức, chúng ta sẽ chủ động hơn trong công việc, cuộc sống thêm nhiều niềm vui, cơ thể có sức đề kháng tốt hơn, có khả năng chống đỡ bệnh tật tốt hơn, thân thể tráng kiện hơn, tư duy tích cực hơn và đời sống tinh thần lành mạnh hơn. Tỉnh thức là thần dược trị bệnh căng thẳng và lo âu – một căn bệnh thường gặp trong xã hội hiện đại khi con người sống nhanh, sống vội trước sức cuốn khó cưỡng của các cơn lốc xoáy vật chất. Do đó, thực hành tỉnh thức là điều cần thiết để có được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
3. Thực hành tỉnh thức như thế nào?
Một hình thức thực hành tỉnh thức có tính truyền thống và nguyên tắc được nhiều người biết đến là “thiền tỉnh thức”, nghĩa là tập sống tỉnh thức trọn vẹn trong trạng thái trầm tĩnh và minh mẫn của tâm. Người thực hành theo phương pháp này cần tuân thủ một số nguyên tắc căn bản, ví dụ cần phải ngồi yên lặng trong một thời gian đủ dài ở tư thế thoải mái thì tâm mới có thể lắng trong làm nền cho tỉnh thức.
Tư thế bán già (còn gọi tư thế nửa hoa sen, ngồi xếp bằng chân phải đặt lên đùi trái, hoặc chân trái đặt lên đùi phải, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên) phù hợp với người mới tập ngồi. Thế nhưng, cân bằng nhất và đem lại hiệu quả tốt nhất trong thiền tập là tư thế kiết già (còn gọi tư thế hoa sen, ngồi xếp bằng, chân phải đặt lên đùi trái, đồng thời đặt chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên). Thời gian tối thiếu cho người mới bắt đầu là 30 phút mỗi lần, hai lần trong một ngày và duy trì thường xuyên sự thực hành này như là một phần của sinh hoạt thường nhật. Khi quen dần, số lần ngồi trong ngày và thời gian cho mỗi lần ngồi cần được tăng lên để an trú tâm trong sự tĩnh lặng lâu nhất có thể. Trong quá trình ngồi, người thực hành bắt đầu tập trung sự chú ý vào hơi thở. Đồng thời, nên thả lỏng các cơ, không gồng cứng, tâm buông xả, để cho những cảm thọ ra đi, không giữ lại bất cứ ý tưởng nào vẫn không ngớt lên-xuống, vào-ra.
Công việc của người thực tập thiền thở là chú tâm vào hơi thở, đừng để tâm vào bất cứ thứ gì khác. Đầu tiên, sự chú tâm đặt ở điểm xúc chạm giữa luồng không khí và cơ thể khi chúng ta hít vào. Nghĩa là chúng ta chú tâm vào vùng môi trên, ngay dưới chóp mũi để quan sát xem, luồng không khí từ ngoài chạm vào vị trí nào trước khi đi qua hai lỗ mũi. Hãy để tâm theo dõi hơi thở đi vào trong buồng phổi và rồi, khi hơi thở đi ra, hãy dõi tâm theo những cảm thọ của hơi thở cho đến khi nó chạm vào điểm tiếp xúc cuối cùng rồi đi ra khỏi cơ thể mình. Đừng điều chỉnh hay can thiệp vào hơi thở, chỉ cần yên lặng quán sát hơi thở tự nhiên của nó, quán sát cảm thọ, quán sát sự chuyển động ra-vô, lên-xuống của hơi thở mà thôi. Ngoài việc để tâm đến độ ngắn-dài của hơi thở cùng những tính chất nặng, nhẹ, dễ chịu, khó chịu… của hơi thở khi ra-vào cơ thể, khoảng cách gián đoạn giữa hai hơi thở cũng cần dõi tâm. Nói chung, đối tượng chú tâm là hơi thở và những gì thuộc về hơi thở.
4. Sống tỉnh thức có lợi ích gì?
Sống tỉnh thức trước hết là chú tâm trọn vẹn vào những việc đang làm để nhận diện rõ những gì đang diễn ra trong ta và quanh ta, nhờ đó, chúng ta có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo và chỉn chu nhất. Một khi nguồn năng lượng, sự tập trung và nỗ lực được đặt vào một đối tượng duy nhất là việc đang làm, kết quả mỹ mãn nhất trong khả năng có thể là điều hiển nhiên vậy. Đây là cách chúng ta tiết kiệm thời gian nhiều nhất, làm việc hiệu quả nhất vì nguồn năng lượng dành cho công việc cần làm không bị phân tán và lãng phí.
Sống tỉnh thức là luôn quán sát dòng tâm thức đang vận hành và phản ứng của tâm đối với những tác động từ bên ngoài. Theo cách này, tâm trí chúng ta dần dần trở nên tĩnh lặng và sáng suốt hơn. Thực hành tỉnh thức là cách để chúng ta tự hiểu về chính bản thân mình nhiều và rõ hơn. Quá trình thực hành mỗi ngày sẽ tạo cho chúng ta một thói quen kiểm soát sự vận hành ý tưởng và suy nghĩ của mình trong từng giây từng phút khi tiếp xúc với thế giới hiện tượng thông qua các cửa ngõ giác quan. Gặp những gì mình thích, tâm phản ứng ra sao; gặp điều mình không ưa, tâm hành hoạt thế nào; khi gặp người hay cảnh không ưa cũng chẳng ghét, tâm thể hiện ra sao… Nhờ thực hành liên tục, chúng ta hiểu được tâm ý mình muốn gì, đi về đâu và hiểu được những suy nghĩ của mình để kịp thời điều chỉnh chúng.
Những suy nghĩ không trong sáng và tiêu cực, nếu được kiểm soát khi nó còn là ở dạng tiềm tàng trong suy nghĩ, sẽ được ngăn chặn kịp thời trước khi nó hành hoạt và biểu hiện ra lời nói và hành động, nhờ đó chúng ta sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc. Lợi ích sẽ nhiều và bền vững hơn nếu chúng ta thực hành sống tỉnh thức thường xuyên, tập trung và kiểm soát tâm ý trong tất cả các công việc mình làm. Đây là một việc làm không hề dễ dàng, cần phải tập luyện kiên trì trong một thời gian dài. Không có con đường tắt, lại càng không phải cứ muốn là tỉnh thức đến với mình một cách tự nhiên. Từng bước, từng bước một, chúng ta tập giám sát chặt chẽ những ý tưởng và hành động, nhờ đó sẽ giảm đi rất nhiều những lỗi lầm, sai sót để không phải hối hận và nuối tiếc về sau. Một cuộc sống đầy tỉnh thức trong từng phút giây là cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa nhất.
5. Sống tỉnh thức để hiểu và thương
Con nghĩ sao, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy làm nhiều lầm lỗi hay ít lầm lỗi?
– Bạch thầy, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy ít phạm vào lầm lỗi. Mẹ con thường dạy: làm con gái con phải có ý tứ khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười và khi làm việc. Con thấy rằng sống có ý tứ cũng như sống tỉnh thức. Nếu con để tâm vào công việc, nếu con có ý tứ trong khi đi, đứng, nói, cười thì trong đời sống hàng ngày con tránh được những ý nghĩ, những lời nói và những động tác có thể gây nên sự đổ vỡ và làm kẻ khác phiền lòng.
– Đúng như vậy, Sujata. Khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì và vì vậy người ấy có thể tránh được những ý nghĩ, lời nói và động tác có thể gây nên khổ đau cho mình và cho kẻ khác.
Này các con, sống tỉnh thức tức là sống trong giờ phút hiện tại, và biết được những gì đang xảy ra trong bản thân mình và hoàn cảnh mình. Sống như thế ta tiếp xúc được với sự sống, và nếu tiếp tục sống tinh cần như thế ta có thể hiểu biết được bản thân ta và hoàn cảnh ta một cách sâu sắc, và sự hiểu biết đưa tới sự chấp nhận và sự thương yêu. Khi mọi loài hiểu biết nhau, không còn nhiều khổ đau.
Này Svastika, con nghĩ sao? Người ta có thể thương được không, nếu người ta không hiểu?
– Bạch thầy, không hiểu thì khó có thể thương. Xin thầy nhìn em Bhima của con. Có một hôm bé Bhima khóc hoài, khóc cả đêm, làm cho chị nó là bé Bala nổi cáu lên, phát cho nó một cái thật mạnh vào mông. Bhima bị chị đánh lại khóc to hơn. Con đến ẳm Bhima và con biết rằng Bhima đang sốt. Có thể nó khóc vì đang bị nhức đầu. Con gọi Bala mà nói:
“Này Bala, hãy tới sờ đầu em mà xem”. Bala tới sờ đầu em, hiểu ngay. Mặt nó dịu lại. Nó ôm em vào lòng, rồi ru em với tất cả sự thương yêu. Em Bhima nín khóc, dù nó vẫn còn sốt. Bạch thầy, đó là nhờ Bala đã hiểu, cho nên con nghĩ rằng nếu không hiểu thì không thể thương.
– Con nói đúng lắm, Svastika?
Có hiểu mới thương, và có thương mới biết chấp nhận.
“Nầy các con, tập sống cho tỉnh thức các con sẽ từ từ hiểu: hiểu mình, hiểu người, hiểu vạn vật và các con sẽ có lòng thương. – Trích tác phẩm “Đường xưa mây trắng” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh!
6. Sống tỉnh thức để trải nghiệm chân hạnh phúc
Tâm chúng ta như chú ngựa hoang
Tại sao chúng ta cứ để quá khứ ám ảnh và tương lai hù dọa? Tại sao ta cứ dai dẳng đeo bám vào hận thù và đau buồn đã qua, để những xúc tình đó ràng buộc, lấn át tâm mình?
Một câu chuyện Phật giáo kể rằng vị tu sĩ nọ đi cùng một người bạn. Đến đoạn đường bùn lầy rất khó đi, họ gặp một người phụ nữ đang mắc kẹt bên kia đường, không sao qua được. Thấy vậy, vị tu sĩ quyết định giúp đỡ, cõng cô vượt qua đoạn đường lầy lội và cô gái cảm kích vô cùng. Rất lâu sau, thấy người bạn đồng hành tỏ ra hết sức khó chịu, vị tu sĩ liền hỏi điều gì đã khiến anh bạn phiền lòng. Người bạn trả lời rằng anh rất bất bình vì địa vị của một người xuất gia không cho phép vị tu sĩ cõng phụ nữ như vậy. Đó thực sự là điều không nên làm. Vị tăng mỉm cười nhìn bạn và nói rằng: “Này sư huynh, ta đã để cô gái ấy lại bên đường từ rất lâu rồi, cớ sao anh còn mang theo đến giờ?”.
Chúng ta thường lưu giữ trong tâm quá nhiều chuyện đã qua và không cần thiết. Mọi suy nghĩ về quá khứ hay tương lai đều chỉ là vọng tưởng, là mộng huyễn không thực. Dù vậy, giống như khi ngủ mơ, ta chẳng hề biết mình đang mơ mà cứ ngỡ những cảnh trong mơ là hoàn toàn có thật. Tâm ta cũng như một chú ngựa hoang, chúng ta không thể bỏ mặc mà phải điều phục, thuần dưỡng nó.
Hạnh phúc chân thật sẽ được hiển lộ khi tâm bạn lắng xuống, tĩnh tại. Nguồn hạnh phúc ấy có thể bị che lấp bởi vô số điều tiêu cực vô minh trong quá khứ, nhưng chúng chỉ là những thứ giả tạo hời hợt, những lăng xăng tạp loạn bề mặt, tựa như viên đá ném xuống làm xao động hồ nước mà thôi. Giờ đây, hãy để mặt nước tĩnh lặng trở lại và khi đó, bạn có thể nhìn thấu tận đáy hồ, nơi bạn phát hiện một bảo báu vô giá – đó chính là tự tính tâm, là hạnh phúc trong tâm bạn, vốn luôn chân thật, tịnh tĩnh và vô nhiễm cho dù bất cứ điều gì xảy ra.
Tâm an lạc là tinh tuý của bạn
Những oán giận, lo lắng khi không được buông bỏ có thể tích tụ lại thành những khối u ác tính hoặc kết sử phiền não trong góc khuất tâm hồn. Bạn là người duy nhất có toàn quyền lựa chọn hoặc để bệnh tật ngày thêm trầm trọng hoặc chuyển hóa nó.
Bây giờ là lúc bạn cần học cách buông bỏ chúng để viết nên một chương mới trong câu chuyện cuộc đời mình. Mỗi sớm mai thức giấc bạn đều có cơ hội cho một khởi đầu tươi mới và hoàn toàn tự do hân hưởng hạnh phúc nếu muốn. Đã đến lúc phải hành động, đừng trì hoãn vì bất kỳ lý do gì!
Điều quan trọng là bạn cần nhận ra nguồn hạnh phúc vốn luôn hiện hữu ngay bên mình. Hạnh phúc là tinh túy của chính bạn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, bạn luôn có thể tìm về nguồn sức mạnh nội tâm và tự tin vào chính mình. Bạn sẽ cảm nhận được điều đó khi thực sự lắng nghe trái tim mách bảo.
Thi thoảng, chúng ta cũng cảm nhận được hạnh phúc nhưng trải nghiệm đó chỉ thoáng qua giây lát rồi lập tức bị che khuất bởi lớp lớp vọng tưởng chất chồng, tích tụ qua năm tháng. Tất nhiên, những lớp vỏ ấy không dễ dàng tan biến, nhưng nếu bạn nỗ lực thực hành nhìn xuyên qua bản chất của chúng, đó sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp đưa bạn dần quay về tự tính tâm.
Nếu muốn sống hạnh phúc trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại, đồng thời có đủ sức mạnh nội tâm để đối mặt với những chướng ngại trong cuộc sống, chúng ta không thể mong chờ điều đó tự xảy ra như một phép màu, mà cần nỗ lực rèn luyện tâm mình thông qua thực hành thiền định và chính niệm.
Trưởng dưỡng tâm chính niệm tỉnh giác để trải nghiệm an lạc
Thiền không chỉ là một phương pháp thực hành đem lại sự tĩnh tâm, mà còn là cách để chúng ta trưởng dưỡng tâm tỉnh giác và nhận thức rõ hơn về bản thân mình.
Bạn có thể đưa thiền vào cuộc sống thường nhật, thay vì xem nó như một thứ tách biệt. Khi bạn ăn sáng, hãy ăn trong chính niệm, khi đang uống trà hay trò chuyện với bạn bè, hãy chú tâm và cảm nhận sự thay đổi trong cơ thể và từng giác quan của mình. Đừng vội vã chỉ trích hay phán xét khi bạn thấy bản thân còn hành xử không đúng với điều mình muốn. Hãy chỉ đơn giản tập nhận biết từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình. Bạn nhận diện những cảm xúc sinh khởi trong tâm, tăng cường năng lực quán sát những xúc tình đó thay vì để chúng lấn át và nhấn chìm. Việc biết sống tỉnh thức như vậy không những giúp bạn thêm trân quý cuộc sống và các mối quan hệ mà còn giúp bạn khám phá ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.
Hãy để tâm bộc lộ trọn vẹn. Bạn có thể cảm thấy hổ thẹn với một vài suy nghĩ và cảm xúc phát khởi, nhưng bạn cũng nhận ra khi bắt đầu bỏ lại bản ngã phía sau, bạn sẽ không còn thấy xấu hổ, cũng không còn phán xét, bạn không còn bám chấp vào những suy tư bất an, phiền não mà đơn giản chỉ cần quan sát và để chúng tan đi.
Thiền định không phải để chúng ta trở thành người “tốt hơn”, mà đó chính là phương pháp giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân, cả bên trong lẫn bên ngoài. Thay vì để tâm luôn lăng xăng tạp loạn hay tìm cách trốn chạy tránh né, nhờ thực hành thiền định, chúng ta có thể trở về phút giây hiện tại, dần thấy hòa hợp và biết cách sống với chính mình. Rồi chúng ta bắt đầu nhận biết những khoảng lặng vi tế diễn ra tự nhiên, những khoảnh khắc tâm tĩnh lặng và thư giãn giữa những giao tiếp và ồn ào của đời sống. Đó là lúc tự tính tâm hiển lộ. Cùng với việc trưởng dưỡng sự tỉnh giác, chúng ta sẽ nhận biết rõ ràng hơn trạng thái tâm hoàn toàn thư giãn và an lạc, hoàn toàn chú tâm và nhậm vận, tràn đầy tình yêu thương và lòng bi mẫn. Khi đó, tâm ta trong sáng tựa pha lê, mọi vọng tưởng tạp niệm, phiền muộn tức thì tan biến.
7. Gửi người hữu duyên đang học hạnh tỉnh thức
Biết thông tin để tỉnh giác và thấy rõ tiến trình Nhân Duyên Quả để điều chỉnh Nhân sao cho an lành, chứ không phải để thêm sân si, muộn phiền, lo lắng.
Biết điều tốt để thay đổi nhận thức cho có chánh kiến, chứ không phải biến mình thành bản copy không hoàn hảo, cây xoài muốn biến thành cây ổi thì thật là nguy hại.
Biết điều xấu để tránh xa thứ làm mình khổ đau chứ không phải phỉ báng hay chê trách, xấu chỉ là mặt trái của tốt mà thành tên gọi. Khi mặc định vào khái niệm tốt xấu mà không thay đổi Tâm Thức và lối sống để có Trí Tuệ và an lạc lâu dài đó mới là si mê.
Biết cúng dường để gieo nhân duyên với người và pháp thiện lành thanh cao chứ không phải để mong cầu theo tham vọng của mình- Tâm vô cầu thì phước mới vô lượng.
Hành Bố Thí để biết sẻ chia và buông xả chứ không phải để đồng hóa tâm thức mình với họ thành những người đau khổ như nhau.
Biết vô thường để sống tích cực và tỉnh thức ở hiện tại chứ không phải để bi quan, hối tiếc và lo sợ, bất an.
Biết tu dưỡng để an tịnh tâm hồn chứ không phải để biến hóa bản ngã thành nhiều bản sao khác.
Biết giáo pháp để thay đổi tâm thức, nghiệp thức và cuộc đời mình chứ không phải để giao thân tâm mình cho những vị thầy hay đấng thần linh định đoạt.
Biết Nhân Quả để cẩn thận từng lỗi lầm từ thân, khẩu, ý chứ không phải để gieo thêm nhiều ý niệm tham cầu. Làm thiện với tâm mong cầu thì cùng lắm chỉ tái sanh cõi trời, nhưng thanh tịnh thân, khẩu, ý mới có an vui đích thực lâu dài.
Biết cái chết sẽ đến với bất kỳ ai để sống trọn vẹn và ý nghĩa ngay mỗi khắc ngay thực tại chứ không phải để buông lung và phóng dật trong tham dục. Chết chỉ là một sự thay đổi hình thức của sự sống, quan trọng là sống như thế nào, chứ đừng bận tâm chết ra sao. Sống tỉnh giác, thiện lành thì chết an vui, sống mê lầm thì chết đau khổ. Chỉ ai thực sự sống mới không còn lo sợ về cái chết. – “Sư cô Trúc Lan Nhã”!
Tâm Hướng Phật/TH!