Pháp Giới 12 tháng trước

Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Ma vương muốn phá Phật thành đạo?

Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Thiên ma Ba Tuần lại phá Phật thành đạo? Để hiểu rõ về câu chuyện này, kính mời quý vị cùng đón đọc bài viết dưới đây!

Từ bỏ lối tu khổ hạnh, Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật Thích Ca sau này) chọn con đường trung đạo để tìm ánh sáng giác ngộ. Bên dòng sông Ni Liên Thiền, dưới cội cây Bồ đề, Ngài phát lời đại nguyện: “Ta sẽ nguyện ngồi tu dưới gốc cây này, nếu không đạt đạo thì dù xương tan, thịt nát cũng không rời khỏi cội cây này”.

Trải qua 7 tuần lễ tu tập thiền định, quán chiếu nội tâm, dứt trừ tất cả phiền não và Ngài thấu tỏ hết tất cả mọi lẽ huyền vi của vũ trụ này. Và cuối cùng, đến đêm thứ 49, trong trạng thái đại định với tâm thanh tịnh, Ngài chuẩn bị bước vào ngôi vị chứng đắc thì Thiên ma Ba Tuần xuất hiện cản trở Ngài đạt đạo. Vậy Thiên ma Ba Tuần là ai? Tại sao Thiên ma Ba Tuần lại phá Phật? Để hiểu rõ về câu chuyện này, kính mời quý Phật tử cùng đón đọc bài viết dưới đây!

1. Thiên ma Ba Tuần là ai?

Thiên Ma Ba Tuần (hay còn gọi là Ma Vương hoặc vua ma). Ma Ba Tuần trú ngụ trên cõi Trời thứ sáu, cõi Trời Lục Dục (hay còn gọi là Dục giới), là thiên chủ của cõi Trời Tha Hóa Tự Tại.

Chúng được coi là thành phần chuyên cản phá thiện Pháp, làm cho thiện Pháp không thể tăng trưởng, dẫn dắt chúng sinh đi theo những ác pháp.

2. Thiên ma Ba Tuần phá Phật như thế nào? Tại sao ông lại phá Phật?

Thiên ma Ba Tuần phá Phật và lời tuyên bố của Đức Phật

Vào đêm thứ 49, khi Thái tử Tất Đạt Đa ngồi thiền dưới gốc cây Bồ đề bên dòng sông Ni Liên Thiền, Thiên ma Ba Tuần đã đến quấy phá. Ma Ba Tuần đã hiện ra các cảnh trong ngũ dục để Thái tử khởi niệm ham muốn, ưa thích với mục đích cản trở Ngài thành tựu đạo quả.

Khi ấy, Ngài chỉ tuyên bố: “Cái đấy ta bỏ rồi. Không cần nữa”; “Cái đấy ta vứt đi rồi. Nó là đờm dãi thôi”. Không chỉ dừng lại đó, Ma Vương còn cho con gái của ông ta đến quấy phá. Khi con gái của Ma Vương hiện đến, Ngài tuyên bố chân lý: “Ái là khổ, tham tài là khổ, tham sắc là khổ, tham danh là khổ”. Ngài tuyên bố rằng Ngài đã rời xa các dục và Ngài chứng đạo chỉ trong sát na. (tức là trong thời gian rất ngắn).

Tại sao Thiên ma Ba Tuần lại phá Phật?

Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia cầu đạo vì Ngài muốn tìm ra con đường chân hạnh phúc cho muôn loài chúng sinh. Và chư Tăng (trưởng tử của Đức Như Lai) chính là trụ cột để chiến đấu, phá trừ, diệt trừ cái ác. Cho nên chư Tăng là chỗ dựa rất quan trọng, là nhân duyên để các thiện Pháp phát khởi. Khi nhìn thấy hình bóng chư Tăng thì những người đang chịu cảnh đau khổ, tuyệt vọng liền được an ủi, những người hành ác chợt bừng tỉnh.

Xem Thêm:   Cách diệt trừ Buồn, Chán nản

Còn về Ma Ba Tuần, tuy rằng ông ta có phước nhưng còn đắm say trong dục lạc, không thích ai hơn mình và không muốn ai thoát khỏi tầm của mình. Bởi khi có một người tu tập theo chính Pháp Phật thì sẽ làm chấn động ma cung, khiến chúng ma kinh hãi, khiếp sợ. Chính vì vậy, Ma Ba Tuần luôn muốn cản phá người tu tập thanh tịnh, khiến cho các thiện Pháp của người tu tập không thể tăng trưởng được. Và khi người tu hành đắm say, ham mê dục lạc thì Thiên ma vô cùng vui mừng, sẵn sàng dẫn họ đi vào chốn ác pháp, xa rời thiện Pháp.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, những người tu tập chính Pháp thật cao quý. Và cao quý hơn cả đó là đệ tử xuất gia – những người đang đi trên con đường thanh cao giải thoát, viễn ly tất cả dục lạc. Để làm phước điền, chỗ nương tựa vững chắc cho muôn loài chúng sinh.

3. Tại sao ma Ba Tuần phá Phật Pháp mà vẫn được sinh làm vua cõi trời Dục giới?

Cõi Trời là một trong 6 cõi của lục đạo sinh tử luân hồi. Người được sinh về cõi Trời đều do nhân tu tập phước báo, trong đó có tu hành mười thiện nghiệp. Theo luật nhân quả, gieo nhân thiện sẽ hưởng quả báo thiện. Gieo nhân ác sẽ chịu quả báo ác. Nếu một vị chư Thiên khởi niệm ác sẽ bị mất phước, bị đọa. Vậy tại sao Thiên ma Ba Tuần làm việc ác là phá Phật Pháp nhưng lại được làm vua cõi Trời Dục giới?

Ma Ba Tuần phá Phật Pháp mà vẫn được sinh làm vua cõi trời Dục giới vì trong tiền kiếp ông ta từng làm rất nhiều việc thiện nên có phước được sinh lên làm vua của cõi trời, đặc biệt gọi là cõi trời Tha Hóa Tự Tại (tầng trời cao nhất của cõi Trời Dục giới). Tuy hành nhiều việc thiện nhưng ông ta không tin Phật Pháp, chưa từng quy y Tam Bảo, tà kiến, chấp ngã, chấp thân kiến, chấp thường, chấp đoạn nên được làm vua cõi trời nhưng luôn ác hại Phật Pháp, phá hoại người tu hành thanh tịnh.

Tuy nhiên, theo góc nhìn đạo Phật, ma giúp chúng ta thành tựu tu tập công đức bởi nếu ma (tượng trưng cho cái ác) không xuất hiện thì chúng ta rất khó thành Phật, không có chướng ngại, chướng nạn thì không thể thành tựu được. Vì thế, có thể nói rằng, sự xuất hiện của Thiên Ma Ba Tuần trong đêm thứ 49 chính là nhân duyên hội đủ để Đức Phật thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mở ra giáo Pháp bất tử, cứu khổ cho hết thảy chúng sinh.

Có thể nói rằng, Ma Vương như “ban giám khảo” để ấn chứng rằng Đức Phật đã thành đạo và ấn chứng cho đệ tử Phật rằng, nếu vượt thoát khỏi dục lạc, cấu uế thế gian thì chắc chắn sẽ thành tựu quả giải thoát.

4. Ma vương từng thất bại khi cám dỗ Thái tử Tất Đạt Đa

Đêm ấy trăng sáng vằng vặc. Thái tử leo lên ngựa. Channa cũng nhẹ nhàng nhảy lên ngồi ở phía sau. Ra khỏi cổng Cung Vui, nhắm cửa thành Đông Nam, thái tử cho ngựa đi nước kiệu, thong dong, nhàn nhã. Kinh thành đang say ngủ, đèn đuốc vẫn còn cháy đỏ bập bùng ở nơi này, nơi khác.

Cổng thành Đông Nam mọi khi đóng chặt, nhưng hôm nay sao được mở rộng? Quân canh mọi lúc canh gác nghiêm ngặt nhưng bây giờ họ đi đâu vắng cả, có lẽ yến tiệc say sưa ngủ mê mệt hết rồi chăng? Ngửng nhìn trời sáng rực hào quang, thái tử biết sự ra đi của mình hôm nay được chư thiên hỗ trợ, nên ý chí xuất gia như được tiếp thêm sức mạnh. Ra khỏi cổng, ngựa Kaṇṭhaka như muốn khoe tài, nó hí một tràng dài rồi tung vó, lướt đi nhẹ nhàng như làn gió mát.

Xem Thêm:   Nghi thức trì chú Dược Sư

Chừng hơn nửa dặm đường, thái tử dừng ngựa, quay lại nhìn kinh thành lần cuối cùng. Kapilavatthu nằm im lìm giữa trời trăng và giữa những đốm lửa bập bùng. Những tháp hoa đăng và những bó đuốc khổng lồ trên bốn bức tường thành như vạch giữa đêm đen một hình chữ nhật lửa vĩ đại. Thái tử mang một cảm giác kỳ lạ, bồi hồi khó tả. Nơi đấy, nơi cổ thành hoa lệ ấy, chàng đã được sinh ra, được lớn lên, được học hành, được nuông chiều, được yêu thương trong ba tòa Cung Vui. Cũng tại đấy, một tuổi thơ hồn nhiên, vô tư vui chơi cùng chúng bạn… Và rồi cũng từ đó mà cùng thao thức và trở trăn. Tất cả những con người thân thiết ấy, có phải thế chăng, hiện giờ đều đang say ngủ? Có phải thế chăng, họ không biết gì đến cái vòng quay nghiệt ngã của luân hồi tử sinh bất định? Có phải thế chăng, họ đang an phận muôn đời trong cái giới hạn vô lượng của đau thương và khổ nạn? Thái tử tự hứa với lòng là phải tìm cho ra con đường bất tử, nếu không, quyết không trở lại kinh thành Kapilavatthu nữa.

Khi thái tử quay ngựa dớm bước đi thì trên hư không, trước mặt, xuất hiện một đài mây sáng. Một vị thiên thần phục sức cao sang, mỹ lệ hiện ra, có vẻ chặn đường.

– Ngài là ai? Thái tử hỏi.

– Ta là vua cõi trời Tha hóa tự tại, thưa thái tử!

– Ngài đến đây có việc gì?

Vị ấy là thiên vương cõi trời Vassavati, chúa cõi trời Dục giới thứ sáu, thế gian thường gọi là Ma ba tuần. Nó chính là vị Đại ma vương nhiều phước báu và nhiều quyền lực. Tất cả mọi chúng sinh, trừ phạm thiên giới đều ở trong sự chi phối của y. Ngay cả Đao-lợi, Đâu-suất cũng không biệt lệ. Thời gian gần đây, Đại ma vương nghe tất cả các cõi thiên giới đều xôn xao; nhất là từ khi chúng chư thiên, phạm thiên đến thỉnh Bồ tát Setaketu giáng sinh cõi trần để tiếp nối con đường bất tử của mình, sẽ đắc quả Chính Đẳng Giác để cứu độ chúng sinh.

Ông ta mang nỗi niềm khó tả, vừa tự ái vừa lo sợ. Đại ma vương vốn là chúa của bóng tối và vô minh, quyền lực của nó chỉ có giá trị khi thế gian sống say mê trong dục lạc ngũ trần. Những chúng sinh tu tập thiền định để lên cõi trời Sắc và Vô sắc, viễn ly dục lạc vật chất là đã thoát khỏi quyền lực của Đại ma vương rồi.

Nhưng nó không lo, khi hết phước báu và năng lực thiền định thì cũng phải rơi trở vào tròng như cũ. Đại ma vương lo ngại nhất là vị thái tử này. Vì dục lạc tối thượng tại ba tòa Cung Vui cũng không giữ chân chàng được. Thái tử muốn thoát khỏi quyền lực của Đại ma vương. Thái tử dám đi tìm ánh sáng và con đường bất tử sao? Quyết không thể được! Do vậy, khi được thái tử hỏi, Đại ma vương cất giọng ngọt ngào:

Xem Thêm:   Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta Ức Phật Niệm Phật

– Ta đến đây hoàn toàn với thiện ý. Ta báo cho thái tử một tin mừng là trong vòng bảy ngày nữa, bảy báu (1) sẽ xuất hiện. Và như vậy thái tử sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương, cai trị bốn châu thiên hạ, giàu sang tột bực, phú quý vô cùng và quyền uy tối thượng.

Thái tử mỉm cười:

– Ngươi dụ dỗ ta ấy à?

– Không, không phải dụ dỗ. Mà đó là sự thật. Ta chỉ nói sự thật. Với thần lực biết quá khứ, vị lai – ta chỉ mách cho thái tử hay đó thôi.

– Thế à! Thái tử thản nhiên nói – Vậy thì ta xin cảm ơn hảo ý của ngươi. Bây giờ thì hãy tránh đường cho ta đi.

– Thái tử đi đâu? Sao không ở lại hoàng thành để đợi chờ bảy báu của Chuyển luân Thánh vương xuất hiện?

– Này, ta báo cho ngươi hay. Ta từ chối mọi vinh quang của thế gian. Ta khước từ mọi cạm bẫy ngọt ngào của ngũ dục. Ta sẽ bước ra khỏi quyền lực của ngươi, này Ma vương! Rồi ta sẽ xóa tan bóng tối của vô minh. Ta sẽ không cam chịu đời sống thấp hèn, si mê và nô lệ. Ta sẽ tìm cho ra ánh sáng của đạo bất tử. Ta sẽ lặn lội kiếm phương thuốc cứu khổ cho muôn triệu sinh linh. Dù chông gai, trở ngại cũng không làm cho gót chân ta lùi bước. Dù bão cuồng, gió giật cũng không lay động được ý chí của ta. Hỏa diệm sơn hoặc hố than hồng hừng hực cũng không đốt cháy được quyết định của ta. Lựa chọn con đường xuất gia là một lựa chọn bất thối. Chẳng ai trên thế gian này cản trở được ta đâu. Ngươi hãy đi đi thôi! Đừng hòng giở trò dối lừa, phỉnh gạt quỷ quyệt nữa. Ngươi là bóng tối thì hãy tan theo bóng tối. Tức khắc tan ngay!

Đại ma vương biết không dễ gì lung lạc thái tử được nữa, một chúng sinh vĩ đại đã từng tu tập Ba-la-mật trong vô lượng kiếp, nhưng rồi y sẽ chờ đợi. Thái tử, khi đang còn thân xác trần tục của một con người, chắc một lúc nào đó ông ta sẽ có một vài lỗi lầm, sẽ có một vài tư tưởng xấu, sẽ có một vài khoảnh khắc mềm yếu; và những khi như vậy, ta sẽ tức khắc xuất hiện, tìm cách cám dỗ trở lại trong vòng quyền lực của ta… Nghĩ thế xong, Đại ma vương biến mất giữa hư không… Và cũng từ giây phút đó, Đại ma vương theo dõi từng bước chân, từng tâm niệm của thái tử… dường như suốt cả cuộc đời!

Chú thích: Bảy báu: Hoàng hậu báu, Tướng quân báu, Ngựa báu, Ngọc báu, Tể tướng báu, Tượng báu và Pháp luân báu.

(Lược trích ấn phẩm: “Một cuộc đời – Một vầng nhật nguyệt”, Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh, NXB Văn Học, 2014)

Mong rằng, với những ai chọn con đường mà Đức Phật đã đi, dẫu bao nhiêu gian nan cũng sẽ luôn kiên tâm vững bước cho đến ngày thành tựu đạo quả Bồ đề! Bởi như Đức Phật đã nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành”.

Tâm Hướng Phật/Tổng hợp!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

39 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog