Pháp Giới 11 tháng trước

Thất giác chi là gì? Thất giác chi gồm những gì?

Thất giác chi là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho hành giả để đạt đến Niết-bàn an vui giải thoát.

Thất giác chi là hành pháp thứ sáu thuộc bảy hành pháp trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Thất giác chi còn gọi là Thất Bồ-đề phần, Thất đẳng giác chi, Thất biến giác chi, Thất giác phần, Thất giác ý, Thất giác chí, Thất giác chi pháp…

Thất giác chi (Saptabodhyaṅgāni): Sapta ở đây là chỉ cho số bảy thuộc về số điếm; Bodhy có nghĩa là giác ngộ, tỏ rõ, hiểu rõ; aṅgāni là chỉ cho chi phần. Vậy theo nguyên ngữ của Saptabodhyaṅgāni thì được định nghĩa như là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho hành giả để đạt đến Niết-bàn an vui giải thoát.

Bảy yếu tố ấy là:

(1). Trạch Pháp Giác Chi (s: dharma-pravicaya-sambodhyaṅga, 擇法覺支): nghĩa là chọn lựa sự đúng sai của pháp, lấy cái đúng và bỏ đi cái sai.

(2). Tinh Tấn Giác Chi (s: virya-sambodhyaṅga, 精進覺支): là chọn lựa pháp đúng đắn và tinh tấn chuyên tâm tu tập pháp ấy.

(3). Hỷ Giác Chi (s: srīti-sambodhyaṅga, 喜覺支): an trú trong pháp vui đúng đắn.

(4). Khinh An Giác Chi (s: prasrabdhi-sambodhyaṅga, 輕安覺支): là đoạn trước tà ác đạt được sự nhẹ nhàng an lạc của thân tâm và tăng trưởng thiện căn.

(5). Xả Giác Chi (s: supeksā-sambodhyaṅga, 捨覺支): là xả bỏ đi tâm phan duyên với ngoại cảnh và quay trở về sống bình an.

Xem Thêm:   Pháp liễu nghĩa và bước nhảy vô hồn – Mộng thoát luân hồi

(6). Định Giác Chi (s: sammādhi-sambodhyaṅga, 定覺支): là nhập vào thiền định, tâm và cảnh trở thành một, làm cho tâm không tán loạn gọi Định Giác Chi.

(7). Niệm Giác Chi (s: smṛti-sambodhyaṅga, 念覺支): khi tu tập đạo pháp, trú trong chánh niệm và thường làm quân bình trí tuệ.

Khi tâm được bình lặng với 3 Giác Chi Trạch Pháp, Tinh Tấn và Hỷ, hành giả quán sát các pháp khích lệ tâm mình. Khi tâm bị dao động thì dùng tâm Khinh An Giác Chi để nhập vào thiền định và làm cho tâm được an tịnh. Trong khi đó 3 Giác Chi trước thuộc về Tuệ và 3 Giác Chi sau thuộc Định còn Giác Chi cuối cùng thuộc về cả Định và Tuệ.

Theo Kinh Phật Thuyết Pháp Thừa Nghĩa Quyết Định 2, T. 17, p. 0657b đức Đạo sư dạy:

“Thế nào là Thất giác chi? Phật dạy: Đó là Trạch pháp giác chi, niệm giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, xả giác chi, hỷ giác chi.

Thế nào là trạch giác chi? Là đối với các pháp, mà có thể lựa chọn, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là niệm giác chi? Đối các pháp, chính niệm tu tập, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thề nào là định giác chi? Là thường phát khởi diệu huệ thanh tịnh, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Xem Thêm:   12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

Sao gọi là tinh tấn giác chi? Đối với việc hành thiện, siêng năng không giải đãi, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là khinh an giác chi? Đối với các pháp xa lìa thô trọng, điều phục thân tâm, y chỉ ly dục, y chỉ tư duy, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là xả giác chi? Đối với các pháp xa lìa phóng dật, khiến tâm tịch tịnh; y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi.

Thế nào là hỷ giác chi? Đối với các pháp mà sinh hỷ thọ, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch tịnh, nhiếp phục tranh cãi.”

Tâm Hướng Phật!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

26 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog