Tạo nghiệp nghĩa là bất cứ gì ta làm, qua thân, lời hay ý, đều sẽ có một hậu quả tương ứng. Mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm, dù nhỏ nhất, cũng đều tạo nên nghiệp thiện ác tương ưng.
1. Tạo nghiệp là gì?
Con người mỗi ngày tạo ra vô biên các loại nghiệp mà chẳng biết. Vậy tạo nghiệp là gì? Tạo nghiệp nghĩa là bất cứ gì ta làm, qua thân, lời hay ý, đều sẽ có một hậu quả tương ứng. Mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm, dù nhỏ nhất, cũng đều tạo nên nghiệp thiện ác tương ưng. Tạo nghiệp thiện thì cảm được phước lành, tạo nghiệp ác thì chiêu lấy tai họa.
Nghiệp không hư hoại như những vật thể ở ngoài. Nó không thể bị thời gian, lửa hay nước phá hoại. Năng lực của nghiệp sẽ không bao giờ biến mất cho đến khi nó chín mùi. Mặc dù những hậu quả của nghiệp chúng ta có thể chưa chín, nhưng chúng chắc chắn sẽ chín khi gặp điều kiện thích hợp.
Người ta thường hiểu lầm nghiệp với định mệnh hay tiền định. Tốt nhất nên hiểu nghiệp là luật nhân quả tất yếu điều khiển vũ trụ. Danh từ karma, nghiệp, có nghĩa là “hành động,” và karma vừa là năng lực tiềm tàng trong hành động vừa là hậu quả mà hành động đem lại. Có nhiều loại nghiệp: Nghiệp quốc tế, nghiệp quốc gia, nghiệp đô thị, và nghiệp cá nhân. Tất cả đều tương quan mật thiết với nhau, và chỉ có một người đã giác ngộ mới hiểu được sự phức tạp của chúng.
Nghiệp lực từ đâu sinh ra? Nghiệp lực được sinh ra từ thân khẩu ý của chúng ta. Trong đó, ý dẫn dắt và nắm phần cốt lõi tạo nên nghiệp lực. Trong cuộc sống hằng ngày, khi chưa hiểu biết Phật pháp và nhân quả, ta thường tạo vô biên các ác nghiệp. Những ác nghiệp này làm cho tâm của ta càng ngày càng tối tăm, lu mờ; như một tấm gương bỏ lâu ngày, không ai chùi rửa, không thể soi được nữa.
Nghiệp ác không ở đâu xa, chúng phát sinh trong thân, khẩu, ý của mỗi chúng ta. Chúng ta phải luôn luôn nhớ nghĩ như vầy: Sát sanh làm hại cho người lẫn vật nên tạo nghiệp tổn thọ. Trộm cướp làm khổ cho người bị nghèo đói, rách rưới, buồn rầu đau khổ không thể kể xiết. Tà dâm là điều không hợp lễ tiết, thường gây sự rối ren trong gia đình; và nhất là mang tiếng xấu, làm mất phẩm giá con người.
Nói dối mất lòng tin cậy. Nói thêu dệt làm chia lìa ân nghĩa. Nói lưỡi hai chiều làm tăng trưởng oán thù. Nói lời hung ác, trước dơ miệng mình, sau chiêu lấy họa. Ham muốn quá sức thì luôn thấy mình thiếu mãi, càng khổ thân nhọc trí. Giận hờn tức tối, lửa sân nổi lên, làm hư công hỏng việc và bao nhiêu rừng công đức đều tiêu tan. Si mê không rõ chánh tà, mờ ám chân lý gây đủ các tội.
Vì chúng sanh tạo nghiệp nên trên thế giới mới thấy xuất hiện bao nhiêu là tai nạn. Có câu nói: “Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo,” ba thứ này liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu không khởi hoặc thì sẽ không tạo nghiệp, và từ đó không có quả báo.
Khởi hoặc là khởi lên sự mê lầm, do thiếu trí huệ chân chánh nên không sáng suốt khi đối diện với sự lý, nghĩa là tâm điên đảo. Nói rõ hơn, đây là trường hợp không biết phân biệt rõ ràng các điều thị phi, thiện ác, ngay đến trắng đen cũng không phân định, chánh tà cũng không biết. Tóm lại, tất cả đều do sự thiếu xét đoán minh bạch mà nguồn gốc chính là sự tác quái của vô minh.
Tạo nghiệp thì phải kể cả tạo thiện nghiệp và tạo bất thiện nghiệp. Tạo thiện nghiệp sẽ được quả sanh ở trên thiên, tạo ác nghiệp thì bị đọa địa ngục. Bởi không phân biệt rõ nên mới tạo ra nào nghiệp trộm cắp, nghiệp tà dâm, nghiệp nói dối, nghiệp uống rượu v.v… nhưng trong các nghiệp này thì cũng có sự khác biệt về mức độ nặng nhẹ.
2. Tạo nghiệp nên phải chịu quả báo
Tạo nghiệp từ Sát sanh
Như hành động giết những con muỗi, con kiến chẳng hạn, đó gọi là sát sanh. Giết bò giết heo là sát sanh. Nhưng trong trường hợp này nghiệp báo không nặng lắm, bởi súc sanh là loài ngu si, nhất thời không kiếm ra được kẻ giết mình, mà có kiếm ra thì cũng không biết phương cách gì để báo thù.
Thế nhưng, trong thế gian, luật nhân quả rất là công bình. Trong sự mông lung của đời sống, chẳng biết từ đâu và do đâu, ta sẽ thấy nhân quả kiếm tới, có thể ta sẽ mắc phải một quái tật, hay sẽ bị bệnh hành hạ, đó là một thí dụ về sự báo cừu có tính cách tiêu cực. Như ngày nay những người mắc bệnh ung thư, phần đông là do kiếp trước hay kiếp này đã tạo ra các nghiệp trọng về sát sanh, nên mới gặp loại bệnh không có thuốc chữa này.
Trong các nghiệp sát sanh thì nghiệp sát nhân là nghiêm trọng nhất. Nạn nhân bị giết biến thành oan hồn, tức khắc theo dõi anh, oan cừu chẳng báo chẳng cam tâm, nên nhất định sẽ chờ, có cơ hội là báo oán xưa. Kẻ sát nhân ắt bị pháp luật trừng trị, hoặc giả tâm thần không an ổn, đứng ngồi không yên, luôn luôn ở trong một hoàn cảnh bị đe dọa, chẳng chóng thì chầy tinh thần sút kém, nếu chẳng chết thì cũng bị điên loạn.
Đọc thêm: Nghề sát sinh và quả báo: Sát sinh phải chịu nỗi khổ ở địa ngục
Tạo nghiệp từ Trộm cắp
Phàm là kẻ trộm cướp, tâm thường phập phồng sợ hãi. Người ta thường nói: “Tặc nhân đởm hư,” kẻ trộm thì gan mật suy yếu. Nếu chẳng có hành vi trộm cắp thì ngửng lên chẳng hổ, cúi xuống chẳng thẹn, có gì đâu mà hãi sợ? Việc ta làm, ta tạo tác, rất là đường hoàng quang minh, còn sợ gì nữa?
Tạo nghiệp từ Tà dâm
Hành dâm là điều cấm tuyệt đối với người xuất gia, còn đối với các đệ tử Phật tại gia thì việc tà dâm chỉ cấm nếu không phải là giữa vợ chồng. Ngoài ra, tư tưởng dâm dục cũng phải giới, không thể nào cứ từ sáng đến tối hồ tư loạn tưởng, suốt ngày để cho tư tưởng dâm dục ám ảnh cho đến bạc cả tóc, rụng cả răng! Có biết đâu, tới kiếp sau những tư tưởng đó vẫn còn theo đuổi, rồi kiếp kế tiếp mãi mãi không thôi, đúng là “vì dâm dục mà sanh, vì dâm dục mà tử.”
Tạo nghiệp từ Nói dối
Người nói dối, không bao giờ tin vào lời nói của bất cứ ai. Bởi chính mình không nói lời chân thực nên cứ nghĩ rằng người khác cũng không nói thực. Có câu nói: “Lấy cái tâm tiểu nhân, đo lòng người quân tử.” Chính mình chuyên nói dối để gạt người khác do đó mới cho rằng người khác cũng nói lời dối gạt như mình.
Tạo nghiệp từ Uống rượu
Phàm người uống rượu dễ bị mất lý trí. Ðương lúc hăng say không kịp nghĩ tới hậu quả nên dễ tạo ra những việc thương luân bại lý. Lý do là “tửu hậu vô đức” lý trí lúc bấy giờ không kềm hãm được tình cảm nữa.
Chúng sanh do khởi hoặc nên tạo nghiệp, thọ báo, trồng nhân nào thì gặt quả ấy, đó là đạo lý rất tự nhiên. Nếu trồng nhân Phật thì đặng quả Phật, trồng nhân Bồ Tát thì gặt quả Bồ Tát, trồng nhân Duyên Giác thì gặt quả Duyên Giác, trồng nhân Thanh Văn thì gặt quả Thanh Văn. Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác là bốn Thánh Ðạo.
Trong sáu đường phàm thì có ba đường thiện là Thiên, Nhân, A-tu-la; còn ba đường ác là Súc sinh, Ngạ quỷ, Ðịa ngục. Nói tóm lại, nếu trồng nhân của ba đường thiện sẽ gặt quả của ba đường thiện, trồng nhân của ba đường ác sẽ gặt quả của ba đường ác. Ðạo lý đó đúng, không sai sót một mảy may và cũng không bao giờ thay đổi; và tuyệt nhiên chẳng có sắc thái mê tín nào cả.
Người si mê thì không biết sự lợi hại của đạo lý nhân quả nên cứ tùy tiện hành động, chẳng tin nhân quả, thậm chí họ còn bác bỏ. Người có trí huệ thì biết nhân quả báo ứng hết sức lợi hại nên sợ làm những điều sai lầm với nhân quả. Bất luận làm chuyện gì đều phải ba lần suy nghĩ rồi mới thực hành.
Bậc thánh nhân xuất thế tu hành là để chấm dứt vòng nhân quả. Kẻ phàm phu thì tạo thêm tội lỗi trong chuỗi nhân quả. Không có tội thì tạo thêm tội; tạo ra tội rồi thì chẳng chịu nhận đó là tội, còn cho là chuyện đương nhiên, chẳng có mảy may hổ thẹn. Thật là chồng chất thêm tội lỗi, chẳng thể tha thứ đặng!
Chúng sanh có nhiều loại dị biệt; bao quát thì chỉ có hai loại là thiện với ác, nhưng mỗi thứ đều khác nhau. Mỗi loại, mỗi thứ tạo những nghiệp riêng, rồi thọ những quả báo riêng; nhưng nói chung thì tất cả chúng sanh đều ở trong pháp Ngũ Uẩn (Tức là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.) mà hình thành nghiệp quả sai biệt của mình. Nếu ta quan sát và thông đạt được nghiệp quả báo ứng sai biệt này thì sẽ thấu suốt tất cả pháp tánh mà chẳng hủy hoại đạo lý của pháp tánh đó:
Trí giả liễu tri chư Phật Pháp,
Dĩ như thị hạnh nhi hồi hướng,
Ai mẫn nhất thiết chư chúng sanh,
Linh ư thực Pháp chánh tư duy.”
Dịch là:
Người trí thấu rõ mọi Phật Pháp,
Vậy nên tu hành để hồi hướng,
Với lòng thương xót mọi chúng sanh,
Khiến họ nghĩ đúng nơi chân lý.”
Kẻ có trí huệ thì liễu giải Pháp của Phật nói ra, cho nên họ tu hạnh Bồ Tát, hồi hướng tất cả thiện căn mà họ tích tập được. Vì sao mà hồi hướng thiện căn cho chúng sanh? Vì họ ai mẫn tất cả chúng sanh! Bồ Tát thấy chúng sanh quá mê muội; những điều chúng sanh làm đều điên đảo. Bất luận là giáo hóa chúng sanh như thế nào thì chúng sanh cũng không lãnh hội được.
Nếu dạy họ phải quên mình vì người, bỏ ngọn theo gốc, ủng hộ Chánh Pháp, làm cho Chánh Pháp trụ thế, thì họ chẳng bao giờ tin tưởng. Chúng sanh thật đáng thương hại. Cho nên các ngài khuyên chúng sanh đừng làm chuyện ác, mà làm chuyện thiện; đối với Pháp chân thật thì phải làm theo cho đúng.
Thế nào là điều chẳng đúng? Các vị hãy tự phản tỉnh và suy nghĩ một cách chi ly, không những một lần mà phải thường thường suy nghĩ, coi thử các vị có phạm lỗi lầm nhân quả không? Ở mọi nơi, mọi lúc, các vị phải hồi quang phản chiếu, phản tỉnh lại phản tỉnh, kiểm thảo rồi kiểm thảo, như vậy thì mới đúng là tín đồ chân chánh của đạo Phật!
Tâm Hướng Phật/TH – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị!