Tam minh là ba cảnh giới tu chứng, bao gồm: Thiên nhãn minh, Túc mệnh minh và Lậu tận minh. Ba cảnh giới này, nơi quả vị bậc A La hán gọi là Tam minh, nơi quả vị Phật gọi là Tam đạt.
Tam minh là ba cảnh giới tu chứng, bao gồm: Thiên nhãn minh, Túc mệnh minh và Lậu tận minh. Ba cảnh giới này, nơi quả vị bậc A La hán gọi là Tam minh, nơi quả vị Phật gọi là Tam đạt. Vì không những biết mà còn trong sáng viên mãn nên gọi là Minh. Không những minh là còn thông đạt nên gọi là Đạt.
Tam minh hiểu theo nghĩa ở trên thuộc về phần căn bản. Phần sâu mầu về nghĩa lý thì cách giải thích của Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Tiểu Thừa có khác nhau.
Theo Phật giáo Đại thừa thì Tam minh gồm ba cảnh giới người tu chứng được: Thiên nhãn thông, Túc mệnh thông và Lậu tận thông. Người chứng được Lậu tận thông là đắc quả A La Hán, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi.
Thiên Nhãn Thông
Người chứng được Thiên Nhãn Thông có thể nhìn thấy khắp cả Tam thiên Đại thiên thế giới, không chướng ngại. Từ Địa ngục cho tới Cõi Trời, tất cả rõ ràng như nhìn trong lòng bàn tay. Trong hàng đệ tử của Phật, Tôn giả A Na Luật là bậc đứng đầu về Thiên Nhãn Thông.
Túc Mạng Thông
Người chứng đắc Túc Mạng Thông có khả năng nhìn thấu được quá khứ hiện tại vị lai, cùng các tiền kiếp hậu kiếp của bất kỳ chúng sinh nào. Họ biết hết tất cả việc thiện ác ta đã làm trong vô lượng kiếp trước.
Lậu Tận Thông
Lậu tận thông chính là không còn dục lậu nữa, hoàn toàn không còn lòng dâm dục nữa. Là đoạn trừ tất cả phiền não tham sân si mạn nghi… bao gồm phiền não thô lẫn tế. Theo đó thì Lậu: Gồm tài, sắc, danh, thực, thùy, bạn chấp trước gì, tham ái đều là lậu. Người tu hành đắc được quả vị này trở thành bậc A La Hán.
Ngài Tuyên Hóa bảo: “Nếu đem so xác thân chúng ta với một cái bình nhựa thì: Bạn tham tài giống như dùi vào bình một lổ. Tham danh thì dùi một lổ, tham lợi, sắc, ăn, uống, chơi, ngủ v.v… Mỗi mỗi đều dùi một lổ, như vậy bình này có vô số lỗ.”
Nam nữ hành dâm là đại lậu, gây ra lổ thủng lớn nhất. Cho nên hễ đa hành dâm thì tinh mệt lực tận, sẽ khiến người mau mất mạng. Hãy nghĩ xem, nếu một cái bình có đầy lổ thủng lớn nhỏ chi chít, thì đã thành đồ rỉ chảy, muốn chứa đầy nước cũng không làm sao được, bởi có quá nhiều rò rỉ.
Cho nên Ngài Tuyên Hóa giảng có sáu cách để ngăn ngừa rỉ Lậu gồm: Không tranh, không tham, không cầu, không tự tư, không tự lợi, không vọng ngữ.
Theo Tạng Kinh Nikāya thì Tam minh được định nghĩa như sau.
Túc Mạng Minh
Cũng gọi là Túc mạng trí chứng minh. Túc trụ tuỳ niệm trí tác chứng minh. Túc trụ trí chứng minh. Túc trụ trí minh. Túc mạng minh. Túc mạng trí: Đây là Trí huệ biết rõ tướng trạng của mình và của chúng sinh từ một đời về trước cho đến trăm ngàn vạn ức đời trước, kiếp trước.
Thiên Nhãn Minh
Cũng gọi là Sinh tử trí minh. Sinh tử trí chứng minh. Tử sinh trí minh. Thiên nhãn trí. Tức là trí biết về sinh tử của các loài hữu tình. Chỉ cho trí tuệ sáng suốt, biết rõ tướng trạng sống chết trong tương lai của các loài hữu tình. Tức là đối với lúc còn sống hoặc lúc đã chết, thiện sắc, ác sắc, thượng sắc, hạ sắc của tất cả chúng sinh đều rõ biết.
Đồng thời biết rõ chúng sinh do ba nghiệp thân, miệng, ý mà làm điều thiện, điều ác. Do nhân duyên chính pháp hoặc tà pháp mà sau khi chết sẽ sanh và đường lành hạnh phúc hoặc đường ác khổ đau.
Lậu Tận Minh
Cũng gọi là Lậu tận trí chứng minh, Lậu tận trí minh, Lậu tận trí: Cần phải được chứng ngộ bởi tuệ, dùng trí huệ biết rõ như thật và chứng đắc lý Tứ Đế, giải thoát tâm hữu lậu, diệt trừ tất cả phiền não.
Đức Phật chứng đắc Túc mạng minh và Thiên nhãn minh
Khi Đức Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài chứng Tam minh Lục thông. Đầu hôm, Phật chứng Túc mạng minh biết tất cả các kiếp quá khứ của Ngài. Nửa đêm, Phật chứng Thiên nhãn minh thấy tất cả hiện tượng xảy ra trong trời đất.
Và khi sao Mai mọc, Phật chứng Lậu tận minh thấy tương lai vô cùng tận của Ngài và những người hữu duyên. Như vậy, Phật đã thấy rõ ba đời nhân quả, thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Thật vậy, ngồi nhập định ở cội bồ-đề, Đức Phật đã quán sát sự vật bằng tuệ giác của bậc Toàn giác, tạm ví như dùng cặp mắt khoa học quan sát thấy sự vật khác với mắt thường. Không hiểu thì nói bầu trời trống không, nhưng nhà khoa học nói bầu trời có không khí, không phải trống rỗng.
Ý này đã được thể hiện qua câu chuyện Phật bảo A Nan đổ nước vô bình bát. Phật hỏi A Nan và đại chúng trong bình bát có gì. Mọi người nói có nước, đó là cái thấy của người thường. Và Phật dạy A Nan đổ nước ra, úp bát xuống, hỏi bát có gì. Mọi người nói không có gì. Điều đó đúng, nhưng Phật nói không đúng. Các ông ngạc nhiên, xin Phật mở ra coi. Phật dạy rằng trong bình bát không có nước, nhưng có chứa không khí. Mắt huệ của Phật thấy không khí, mắt thường không thấy không khí.
Thấy bằng tuệ giác ví như mắt khoa học, Phật thấy được trong bình bát có không khí. Và Ngài ngồi dưới cội bồ-đề quán sát chiếc lá rơi thấy sự tác động của không khí. Phật quán sát bằng tuệ giác khác với cái thấy bằng mắt thường của ngoại đạo. Phật thấy lá cây tiếp thu ánh sáng nuôi thân cây và hút được nước, phân trong đất. Vì vậy, Phật xác định rằng chiếc lá đã có ánh sáng, nước và phân. Nghĩa là Phật khám phá trong một vật đã hàm chứa đầy đủ các vật khác, ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả rằng trong một trần có trần số cõi.
Và Phật cũng nói rằng thân người là một tiểu thế giới, nó có quan hệ với sự sống các loài trên trái đất và các loài trên trái đất này cũng ảnh hưởng đến các loài ở thế giới khác.
Quán sát như vậy, Phật thấy suốt quá khứ, từ quá khứ gần Phật Thích Ca có Phật Ca Diếp, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Lưu Tôn… tức có nhiều vị Phật ra đời. Theo Phật giáo Bắc truyền có 7 Đức Phật quá khứ. Nam truyền nói có 3 Đức Phật quá khứ trước Phật Thích Ca, mỗi Đức Phật cách nhau hàng triệu năm. Và giáo pháp Phật diệt thì mới có Phật sau ra đời. Như Phật Thích Ca nhập diệt, nhưng giáo pháp của Phật vẫn còn, còn người biết tu, nên chưa có Phật ra đời. Phải chờ giáo pháp Phật Thích Ca hết, không còn người biết Phật, mới có Phật Di Lặc ra đời. Vì vậy, ngày nay ai tự xưng là Phật, đó là Phật giả.
Với Túc mạng minh, Đức Phật quán sát biết kiếp trước Ngài là Hộ Minh Bồ-tát ở Đâu Suất nội viện khởi tâm đại bi tái sanh trên cuộc đời này, nghĩa là Ngài sanh có chọn lựa ai là cha mẹ Ngài và ở đâu. Đó là Phật quán sát nhân duyên để tái sanh, vì Phật và Bồ-tát theo nguyện mà thọ sanh. Cho nên, Phật sanh chỗ đó, mang thân hình đó theo nguyện thì làm xong việc cứu độ chúng sanh, Ngài rời bỏ thân tứ đại, đi về thế giới vĩnh hằng bất tử của Ngài.
Phật nói chúng sanh bị nghiệp dẫn dắt nên những gì họ muốn thì không tới, cái sợ thì tới. Sợ chết chóc tù đày nhưng không thoát khỏi vì do nghiệp tham lam, bực tức, si mê dẫn tới đó để trả quả báo.
Đức Phật quán sát từng kiếp trước và Ngài thấy đầy đủ rồi, nên sau này Phật dạy Tỳ-kheo rằng Ngài từng làm nai, làm cây hoa sứ…, tức chuyển hóa từ ngũ uẩn thân lần lên quốc độ thân và tới chúng sanh thân. Như vậy, Phật đã quán sát tận cùng từ kiếp xa xưa đến tận ngày nay về sự hiện hữu của Ngài và các loài chúng sanh. Vì vậy, với trí giác siêu đẳng này, Ngài nhận biết được các bạn và người thù từ vô số kiếp để làm tốt thêm tình bạn và tháo gỡ lần các oan trái, nhờ vậy phước đức của Phật cứ tăng thêm mãi, không giảm sút.
Với Túc mạng minh, Phật biết từng kiếp Ngài làm gì, tu gì, được gì, nên Phật vẽ ra con đường tu mà Ngài đã thể nghiệm trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp phải thành tựu pháp tu Thanh văn, pháp tu Duyên giác và pháp tu của Bồ-tát mới tiến đến Phật quả.
Phật chứng Thiên nhãn minh là quan sát Pháp giới, ai thân ai thù, Ngài đều biết rõ nguyên nhân dẫn đến hậu quả hiện đời. Ngài cũng biết cách hóa giải mối oan gia tương báo cũng như làm thăng tiến thêm những điều tốt đẹp với các bạn thân, cho nên Phật dễ dàng thoát khỏi tất cả kiếp nạn cùng phát triển đạo lực của quyến thuộc Bồ-đề. Còn mình không biết người xấu mà tưởng họ tốt, tin họ thì họ hại mình mất sự nghiệp, thậm chí mất mạng.
Đức Phật có Thiên nhãn minh, Ngài an trụ trong thiền định quán sát biết người nào cần giúp để họ vượt qua chướng nạn và thăng hoa trí tuệ, đức hạnh thì Ngài trợ lực, không giúp bừa bãi vô ích. Trong khi chúng ta thiếu hiểu biết đúng đắn của La-hán, nói chi đến Thiên nhãn minh như Phật, nên chúng ta hành đạo rất khó khăn mà không mấy hiệu quả, hay hành đạo chưa an toàn cho sự sống còn của chính mình và người thân.
Kinh Pháp hoa nói câu chuyện Nhà lửa rằng ông trưởng giả vô Nhà lửa để cứu những người con ham chơi trong đó mà không hay biết sự nguy hiểm đến tính mạng. Điều này ẩn dụ rằng những người hữu duyên với Phật đang trôi lăn trong sinh tử, không ra được nên Phật phải hiện thân trên cuộc đời để cứu họ.
Đức Phật hiện thân tu chứng Túc mạng minh và Thiên nhãn minh nên biết rõ họ sanh trên cuộc đời này ở đâu, tên gì, làm gì, Ngài mới đến độ. Nghĩa là Phật biết không sai lầm và làm không sai lầm.
Còn mình không biết, nên người đáng độ, mình không độ, người đáng tránh, mình lại đến khiến mình bị hại.
Đức Phật nhờ có Thiên nhãn minh quan sát trần gian, Ngài biết người đáng độ, biết chỗ nên tới. Vì vậy, suốt 49 năm thuyết pháp giáo hóa, dù gặp khó khăn, nhưng Phật đều vượt qua được.
Tâm Hướng Phật!