Pháp Giới 4 tháng trước

Sắc tức thị không, không tức thị sắc có nghĩa là gì?

Từ Sắc trong đạo Phật dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng màu sắc. Chữ Không được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chơn Không Diệu Hữu”.

1. Sắc tức thị không có nghĩa là gì?

Đa số chúng ta đã nghe nhắc đến “sắc tức thị không, không tức thị sắc” nghĩa là sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc.

Nhưng nếu hiểu và lập luận là có cũng như không có, không có cũng như có, vậy là sống cũng như chết, chết cũng như sống, vậy ta đi chết hết ư? Ở nhà cũng như không ở, vậy chúng ta ra bụi ở hết ư? Đấy là một cách hiểu và lý luận sai lạc của những người chưa hiểu đạo.

Sơ lược về thâm nghĩa thì đây là câu nói trong Bát Nhã Tâm Kinh. Nếu đã nói đến Bát Nhã thì đấy là giáo lý tối thượng thừa của Phật giáo, không phải chỉ dựa vào một chút ít Phật Pháp sơ sài là hiểu được diệu lý bên trong. Bằng cớ là ba đời mười phương chư Phật nhờ thông đạt Bát Nhã mà có được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nói như thế không phải là chúng ta không thể nào hiểu được nghĩa lý của kinh Bát Nhã, mà là để cho chúng ta hiểu rằng, sắc tức thị không là nhìn từ cái nhìn của Tuệ Nhãn và Phật Nhãn, chứ không phải là nhìn bằng nhục nhãn của phàm phu.

Từ “Sắc” trong đạo Phật dùng để chỉ vật chất và những gì có hình tướng màu sắc. Chữ “Không” được nhắc đến trong đạo Phật không phải là “Ngoan Không” như lông rùa sừng thỏ, cái mà không bao giờ xẩy ra. Chữ Không được nhắc đến nhiều trong đạo Phật chính là “Chơn Không Diệu Hữu”.

Xem Thêm:   Phương pháp niệm Phật không xen tạp của Ấn Quang Đại Sư

Như vậy, sắc tức thị không là nói đến thật tướng của vạn pháp và đấy chính là vô tướng, cái tướng không của vạn pháp. Đến đây chắc có người thắc mắc sao lại là Vô Tướng, rõ ràng tôi thấy có nhà cửa, xe cộ, sông núi tại sao lại bảo là không?

Xin thưa, nếu nhìn bằng nhục nhãn là như thế. Tuy nhiên, nếu truy nguyên ra nguồn gốc thì chẳng có cái gì là nhà cửa hay xe cộ gì cả. Vì sao thế? Vì những cái có hình tướng đó không có tự tánh chơn thật. Tất cả cũng do nhân duyên tạm bợ nương gá nhau mà thành. Hết duyên thì tan rã rồi trở về với cát bụi hư vô. Không có gì là tự thân riêng biệt của chính nó cả.

Vậy, nếu có vị nào hiểu được từ cái không mà do nhân duyên nương gá nhau để hợp lại thành cái có (ví dụ như là thân này, nhà cửa, xe cộ, sông núi) khi hết duyên mọi thứ tan rã, và từ cái có lại trở về với không, mỗi giây phút chúng ta đang sống thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang dần dần chết…. thì quý vị đã hiểu được ý nghĩa sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc là không, không là sắc. Câu nói “phiền não tức bồ đề” cũng là từ ý này. “Đức Đạt Lai Lạt Ma”!

2. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Quán Tự Tại Bồ Tát, hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ ẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.

Xem Thêm:   Vọng tưởng, vọng niệm là gì? Làm sao để trị vọng tưởng?

Xá Lợi Tử ! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử ! Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận, vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo, vô trí diệt vô đắc.

Dĩ vô sở đắc, cố Bồ đề tát đỏa, y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn. Tam thế chư Phật y Bát nhã Ba la mật đa, cố đắc A nậu đa la Tam miệu tam Bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị Đại thần chú, thị Đại minh chú, thị Vô thượng chú, thị Vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhứt thiết khổ, chơn thiệt bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha!

Tâm kinh Bát nhã, kể từ ngày bản dịch của Ngài Huyền Trang ra đời, đã được tất cả các Phật tử tụng niệm thường xuyên. Ai cũng thuộc lòng và ít nhiều thâm hiểu giá trị cùng vị trí của Kinh này trong lịch sử tư tưởng Phật giáo. Cho đến nay, Tâm Kinh Bát nhã vẫn là một bài nhật tụng được chuyên trì nhiều nhất.

Xem Thêm:   Cách trừ tà ma linh nghiệm nhất

Ngay từ những năm khói lửa của cuộc kháng chiến Nguyên Mông đầy gian khổ nhưng cũng vừa hào hùng, vị anh hùng dân tộc, đồng thời là vị thành lập Thiền Phái Trúc Lâm, vua Trần Nhân Tôn đã viết trong Cư trần lạc đạo:

Dựng cầu đò, xây chiền tháp,
Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Cứng hỷ xả, nhuyến từ bi,
Nội tự tại Kinh Lòng hằng đọc.

Tâm Kinh Bát nhã đã cô kết lại một cách trọn vẹn tất cả giáo nghĩa siêu việt của Phật giáo. Mà muốn hiểu, muốn thực hành phương pháp tu trì của Phật giáo, ta không thể nào không biết, đọc, và hiểu nghĩa của Tâm Kinh.

Đọc thêm: Ý nghĩa thâm diệu của Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh

Tâm Hướng Phật/Th!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

134 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog