Pháp Giới 4 tháng trước

Phúc báo là gì? Người Phật tử nên làm gì để nhận được phúc báo?

Phúc báo của một người chính là quả báo tốt đẹp đến với người đó có nguyên nhân xuất phát từ một hành vi lương thiện trong quá khứ.

1. Phúc báo là gì?

Phúc báo của một người chính là quả báo tốt đẹp đến với người đó có nguyên nhân xuất phát từ một hành vi lương thiện trong quá khứ. Nói cách khác ngày hôm nay một người làm một việc làm tốt, trong tương lai một điều tốt đẹp cũng sẽ tự nhiên đến với người đó.

Phúc báo là do tu tập hành thiện bố thí mà có được. Chúng ta nếu biết học từ, bi, hi, xả một cách chân chính tức cũng có thể làm bố thí một cách chân chính, từ đó mới có được phúc báo. Bằng không cho dù có được một chút lợi ích nhất thời thì đó cũng là một loại đau khổ, một loại áp lực chứ hoàn toàn không phải phúc báo đích thực, không thể đem đến cho bạn sự an vui đích thực.

Phúc báo có được từ sự tu tập chân chính nó là tự nhiên mà đến, trong suốt quá trình phúc báo đều không đem đến cho bạn chút áp lực hay phiền não nào. Phúc báo đến tự nhiên mới là lợi ích bền vững.

Phật pháp dạy rằng, nhân quả, phúc báo chính là cái giữ cho tâm linh trong sáng. Nhân quả được nhắc đến ở đây chỉ kết quả của tất cả những gì kiếp này chúng ta làm có liên hệ mật thiết đến kiếp sau.

Có thể kiếp này hoặc kiếp sau hoặc con cháu chúng ta sẽ gặp phải quả báo. Cho nên chúng ta cần chuẩn bị kỹ cho kiếp lai sinh, trân trọng những gì mình đang có, đồng thời cần phải tạ ra nhiều phúc báo hơn nữa cho kiếp sau.

2. Nên làm gì để nhận được phúc báo?

Hiếu thuận với bố mẹ

Trong trăm điều thiện chữ hiếu đứng đầu. Bố mẹ sinh thành dưỡng dục, nuôi ta khôn lớn, ơn cao hơn núi. Dù chúng ta báo đáp bố mẹ tiền tỉ cũng không trả hết công ơn. Những kẻ bất hiếu, trời không dung đất không tha.

Hơn nữa, những người mà ngay cả bố mẹ mình còn không hiếu thuận thì làm sao có thể lãnh đạo người khác, làm sao có thể đem điều tốt lành đến cho người khác để nhận lại phúc báo.

Không tức giận, cáu kỉnh, oán thán

Giận dữ cũng như ngọn lửa thiêu rừng công đức. Chỉ một cơn giận dữ cũng có thể tạo thành ngọn lửa thiêu đốt hết phúc đức tích tụ từ trước đó.

Người xưa có câu: “Oán giận một lần với người bình thường sẽ làm tiêu tan phúc đức tích lũy trong 100 kiếp. Oán giận một lần với cha mẹ, người lớn tuổi, người đại đức sẽ làm tiêu tan phúc đức tích lũy trong 1000 kiếp”.

Không sát sinh

Mỗi một sinh mệnh tồn tại trên đời đều có lý do nhất định và mục đích cuối cùng không phải là dùng để phục vụ hành động giết mổ của con người. Người thường xuyên sát sinh trong lòng thiếu thiện niệm, và điều này sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và cuộc sống.

Không trộm cắp

Khái niệm trộm cắp rất rộng, chỉ cần chiếm hữu những vật không phải của mình, cho dù là một tờ giấy của công ty cũng có thể coi là lấy trộm dù có lúc chúng ta rất quang minh chính đại, rất tự nhiên. Hành vi này sẽ làm tổn hại đến phúc báo của chúng ta và vào một lúc nào đó, chúng ta sẽ chịu một tổn thất tương tự.

Không tham lam, keo kiệt

Người tham lam và keo kiệt, miệng ăn núi lở thường hay bị cái nghèo bủa vây. Không làm việc thiện sẽ không gieo được mầm phúc đức. Kiểu người này không có tấm lòng bác ái, không có nhân duyên, nhất định sẽ chẳng hào phóng giúp đỡ người khác. Như vậy thì làm sao họ có thể gây dựng được sự nghiệp lớn mạnh trong xã hội cần đến sự hợp tác, liên kết như hiện nay?

Xem Thêm:   Sự mầu nhiệm của việc lạy Phật sám hối đúng cách, thường xuyên

Không nói dối

Sự hòa hợp, chân thành giữa người với người không cho phép tồn tại sự giả dối. Bất luận là người nhà hay đồng nghiệp, chỉ cần bạn hằng ngày chân thành, thành khẩn đối đãi với mọi người, bạn sẽ được yêu quý, tín nhiệm và được hỗ trợ.

Thường xuyên thêu dệt chuyện không có thật sẽ chỉ khiến bạn trở thành một kẻ xấu tính, tự đánh mất niềm tin với người xung quanh và trong nhiều tình huống sẽ phải trả giá đắt.

Đức Phật dạy chúng sinh phải thực hành thiện nghiệp cốt là để tạo nhân duyên, có đầy đủ phúc báo để đời này được an vui, và kiếp sau không đọa đường ác. Đây là cội gốc của các pháp lành thế gian và xuất thế gian.

Phúc báo của mỗi con người đều có giới hạn nhất định, nếu dùng hết phúc báo của kiếp này, thì kiếp sau sẽ chẳng còn tích lại được chút nào cả. Giống như những con ma đói khát vậy, có thức ăn không ăn nổi, có nước uống không uống được, đây gọi là luật nhân quả báo ứng ở đời. Không biết coi trọng phúc báo, ngược lại còn lãng phí thì kiếp sau chỉ có con đường sống chung với quỷ đói mà thôi.

3. Phúc báo thế gian và xuất thế gian, bạn mong cầu điều gì?

Thế gian báo

Ðây là những quả báo khổ vui trong ba cõi: Dục, Sắc và Vô-sắc. Nguyên nhân chính của sự lưu trệ trong tam giới, là vì khi gây nhân chúng-sinh còn chấp ngã. Chẳng những thế gian và ngoại đạo mà các vị tu theo chính giáo, nếu chưa dứt hết tâm chấp ngã, còn tham nhiễm lục trần, cũng vẫn còn ở trong vòng luân hồi sáu nẻo. Tuy nhiên, những sở hành theo Phật pháp đều gây nhân duyên đắc độ về sau, nhưng kiếp tương lai trong khi tu, điểm chính yếu của sự giải thoát vẫn là điều kiện dứt ngã chấp.

Trong truyện ký nhà Phật có chép việc một ni cô tụng kinh Pháp Hoa ba mươi năm, nhưng tâm còn nhiễm thanh sắc, nên kiếp sau chuyển làm nàng kỹ nữ thanh sắc vẹn toàn; nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen. Tại Việt Nam, đời nhà Lê, một vị sư tu Tịnh độ ở chùa Quang Minh, bởi tâm lợi danh chưa sạch, nên kiếp sau chuyển sinh làm vua Khang Hy bên Trung Hoa. Khi được biết tiền nhân, nhà vua viết mấy bài thi hoài cảm, trong ấy có hai câu: “Ngã bản Tây phương nhất Phật-tử. Vân hà lạc tại đế vương gia?” (Ta vẫn là con của Phật A-Di-Ðà ở Tây-phương. Tại sao nay lại lạc vào giòng vương thất?)

Ðời Tống bên Trung Hoa, Giới Diễn và Quang Huệ đại sư đồng tu thiền, song Giới Diễn vì còn chút tâm niệm luyến sắc, nên kiếp sau đầu thai làm nhà văn hào lỗi lạc, đa tài mà cũng đa tình, là Tô Ðông Pha. Sau khi được ngài Quang Huệ chuyển kiếp làm Phật Ấn thiền sư để hóa độ Tô Ðông Pha trở lại đường tu; có lẽ nhớ biết những kiếp về trước, nên lúc lớn tuổi, trong cuộc tái du thăm viếng chùa Kim Sơn, ông đã viết mấy câu thi:

Kim Sơn chùa núi gần mây nước
Tóc bạc Ðông Pha lại đến đây.
Tiền kiếp Ðức Vân, nay chính tớ
Mơ màng còn nhớ Diệu Cao đài!

Xuất thế gian báo

Thế gian báo là quả báo thuộc lục phàm. Trái lại, xuất thế gian báo là quả báo của tứ thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Quả báo tứ thánh do bởi khi tu lìa ngã chấp mà được thành tựu. Trong hạnh vô ngã này, hàng Nhị thừa hãy còn hẹp, song Bồ Tát thừa thì rất rộng rãi nhiệm mầu. Bồ Tát chẳng những tu tam vô lậu học của pháp xuất thế gian, mà còn làm tất cả việc từ thiện của thế gian. Tâm của Bồ Tát không thấy có sở đắc sở chứng; không có tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả; tuy độ vô lượng hữu tình nhưng không thấy mình là người hóa độ, chúng sinh là kẻ được độ; tuy quanh mình thị hiện vô biên quyến thuộc, nhưng lòng hằng vắng lặng không thấy có quyến thuộc; tuy tu vô lượng phước đức, nhưng không thấy mình có phước đức. Ðây là hạnh vô tướng. Người biết thực hành hạnh vô tướng, dù là làm việc thiện thế gian, song đều thành kết quả giải thoát. Bằng trái lại, tuy tu thánh đạo, cũng hóa ra phúc báo thế gian. Về hạnh vô tướng này, trong kinh Kim Cương, có đoạn Đức Phật dạy:

Xem Thêm:   Bố thí quý ở tâm chứ không phải ở lượng

– Này Tu-Bồ-Ðề! Như có vị Bồ Tát dùng số lượng thất bảo đầy cả hằng hà sa thế giới để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả pháp đều vô ngã, được thành vô sinh nhẫn, thì công đức của vị Bồ Tát sau này hơn bậc Bồ Tát trước kia. Tại sao thế, Tu-Bồ-Ðề? Bởi thật ra, chư Bồ Tát đều không thọ phúc đức.

Tu-Bồ-Ðề thưa:

– Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bồ Tát không thọ phúc đức?

– Này Tu-Bồ-Ðề! Vì Bồ Tát tuy làm những việc phúc đức, song chẳng tham trước, nên ta nói không thọ phúc đức!

7 phúc báo thế gian

Có tín tâm cúng thí phòng xá, nhà gác cho đại chúng Tỳ-kheo

Có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí giường nằm, đồ ngồi, đệm lông, thảm dệt, chăn len, ngọa cụ trong các phòng xá

Có tín tâm, ở trong các phòng xá, cúng thí y phục mới mẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ

Có tín tâm, ở trong các phòng xá, thường xuyên cúng thí chúng tăng cháo buổi sáng, thức ăn buổi trưa, lại cung cấp người làm vườn để sai bảo; hoặc gió, mưa, tuyết, lạnh, tự mình thân đến khu vườn mà cúng thí chu cấp thêm. Các Tỳ-kheo sau khi ăn, không lo gió, mưa, tuyết lạnh khiến y phục bị ướt át, mà ngày đêm yên vui, tư duy thiền tọa vắng lặng

7 phúc báo xuất thế gian

Có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai đang trú ở nơi nào đó. Sau khi nghe, liền hoan hỷ, trong lòng rất phấn khởi.

Có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi

Có tín tâm, nghe Như Lai hoặc đệ tử Như Lai sẽ từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Với tâm thanh tịnh, đích thân tới thăm viếng, lễ kính, cúng dường. Sau khi cúng dường, thọ pháp ba tự quy, đối với Phật, Pháp và Chúng Tỳ-kheo mà thọ giới cấm.

– Trích “Kinh Trung A Hàm” –

4. Gieo hạt thiện lành từ việc làm thiện tâm ắt có phúc báo

Mỗi việc làm thiện lành bạn gieo cho đời thêm hạt mầm hạnh phúc đồng thời cũng làm cho cuộc sống của mình giá trị hơn.

Lan tỏa năng lượng tích cực

Lan tỏa năng lượng tích cực là một loại hành vi tốt. Trong khi truyền cảm hứng cho người khác, bạn cũng nhận được phước lành.

Một mặt, người có khả năng lan tỏa năng lượng tích cực trước hết là người rất tích cực, khi gặp áp lực, khó khăn luôn có thái độ lạc quan, nỗ lực tìm cách vượt qua khó khăn.

Lảng tránh không thể giải quyết vấn đề. Nếu bạn sợ hãi và trốn tránh một cách mù quáng, bạn chỉ có thể dừng lại và bị mắc kẹt trong một không gian nhỏ. Khi một người có thái độ tích cực, anh ta có thể tập trung phát hiện những rào cản đang bẫy mình, tìm ra chỗ yếu nhất và phá vỡ nó. Hãy dựa vào nỗ lực của bản thân để vượt qua khó khăn và nâng cao tài vận.

Xem Thêm:   Ngũ trược ác thế là gì? Ngũ Trược ác thế thệ tiên nhập là gì?

Những người có năng lượng tích cực có cơ hội nhận được sự giúp đỡ từ quý nhân. Người thường xuyên làm việc thiện sẽ có phúc đức sâu dày.

Mang lại nụ cười cho người khác

Đây là một việc đơn giản mà rất ít người làm được. Ví dụ, bạn nhận tờ rơi của người khác và mỉm cười với họ. Đây là một kiểu tôn trọng, một phép lịch sự và nó cũng tạo cho người khác sự tin tưởng và ủng hộ.

Khi bạn mỉm cười với một người, người ta cũng sẽ mỉm cười lại với bạn. Đúng như như câu nói: “Yêu người khác thì người ta cũng quý mến bạn. Kính trọng người khác thì mọi người cũng sẽ tôn trọng bạn.” Mỉm cười cũng là một cách hữu ích để giao tiếp hiệu quả với người khác. Nụ cười chân thành có thể thúc đẩy sự hòa hợp trong các mối quan hệ.

Hiếu thảo với cha mẹ

Hiếu thảo là đạo làm người cần đặt lên hàng đầu, đây là điều kiện tiên quyết để làm điều tốt. Hiếu kính cha mẹ là phẩm chất cần thiết của một người có tấm lòng nhân hậu.

Cha mẹ là ân phước lớn nhất trên đời. Họ cho chúng ta cuộc sống và nuôi dưỡng chúng ta, họ dành phần lớn cuộc đời và kinh nghiệm của mình cho con cái.

Người sống bất hiếu, bất kính với cha mẹ thì làm sao có thể làm việc thiện, giúp đỡ người khác? Những người như vậy số mệnh không có phúc khí, không những không nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình mà còn bị mọi người xung quanh hắt hủi.

Tích đức bằng lời nói

Tích đức đầu tiên không phải bằng việc đao to búa lớn gì cả, đơn giản chỉ là ngôn từ mình nói ra hàng ngày. Là họa hay cơ hội, là yêu hay ghét cũng từ miệng mà ra. Bạn hoàn toàn có thể khiến người ta nhìn nhận tốt hay xấu về mình thông qua lời nói. Lời nói cũng chẳng mất tiền mua, thì tại sao không thể nói cho vừa lòng nhau. Hãy từ tốn nói chuyện với người khi tháo gỡ vấn đề, đừng lên giọng hằn học, ta đây, đừng trách mắng người khác.

Cách thu phục lòng người không phải bởi của cải, danh vọng mà là cách hành xử giữa người và người. Khi người ta vấp phải sai lầm hãy dùng cách nói giảm, nói tránh và động viên để họ trấn tĩnh, họ sửa sai. Quát tháo chỉ khiến họ ghét mình, đẩy họ tới những suy nghĩ đen tối.

Trong cuộc sống bạn cũng đừng lạnh lùng quá, một vài câu hỏi han đúng người, đúng hoàn cảnh sẽ hâm nóng mối quan hệ. Khích lệ tinh thần họ bằng sự động viên, từ lời nói của chúng ta chính là tích đức.

Tích đức bằng cách giữ thiện trong tâm

Muốn sống bình yên, tâm thanh thản hãy phát triển chữ thiện trong tâm. Giữ cho tâm thiện lành trong sáng, không vẩn đục bởi những ý nghĩ đen tối. Muốn được như vậy hãy theo đuổi chân lý đúng đắn, cách nghĩ lành mạnh, quan điểm, đường lối tốt đẹp, không lệch lạc. Nếu trong đầu luôn tâm niệm một quan điểm sống lành mạnh thì không gì có thể khiến bạn lung lay.

Tích đức bằng sự khiêm nhường

Người có tính kiêu căng, tự phụ hay khoe khoang đi đến đâu cũng sinh ra sự đố kỵ, ghen ghét. Người thực sự tài giỏi không cần nói nhiều, không cần khoe mẽ chỉ cần chứng minh bằng thành tựu, tự khắc người khác sẽ biết tới. Buông bỏ tính kiêu căng, thêm bạn bớt thù chính là cách bạn tích đức.

Giúp người khác trở nên tốt hơn

Sau khi bạn đạt được thành công, điều quan trọng là bạn giúp đỡ những người khác cũng đạt được thành công như bạn. Những người sẵn sàng giúp đỡ người khác thì thường nhận được phúc báo về sau này.

Tâm Hướng Phật/TH!

Nguồn: Tâm Hướng Phật ( https://tamhuongphat.com/ )

9 lượt xem | 0 Bình luận
Nam Mô A Di Đà Phật - Pháp Giới là trang chia sẻ phật pháp, kinh phật, pháp âm, câu chuyện phật giáo. Mong góp chút sức lực bé nhỏ để giúp các bạn tiếp cận được đại trí thức của đức Phật. Đừng hỏi tôi là ai. Hãy chấp trì danh hiệu Phật, gieo duyên với Phật Pháp để giúp bạn an lạc.
Pháp Âm Thần Chú Tu Học Blog