Pháp môn vô lượng thệ nguyện học tức là pháp môn nhiều vô lượng vô số nhưng thệ nguyện học hết. Đây cũng là việc hơi khó.
Tứ hoằng thệ nguyện là bốn sự thệ nguyện rộng lớn. Rộng lớn đối với không gian vô cùng, với thời gian vô tận và bao trùm khắp cả vô biên chủng loại chúng sanh và rộng lớn, vì nó bao trùm khắp cả nhân quả thế gian và xuất thế gian.
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.”
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học tức là pháp môn nhiều vô lượng vô số nhưng thệ nguyện học hết. Đây cũng là việc hơi khó. Học hết không bỏ sót pháp nào, tức là không sợ nhiều, không sợ khó, không phải chỉ học chút ít nửa chừng rồi dừng lại cho bao nhiêu đó đủ rồi.
Như kinh nói: “Tám mươi bốn ngàn pháp môn” là còn có số lượng, còn ở đây nói là pháp môn vô lượng nhưng chúng ta vẫn thệ nguyện học hết tức là tâm tinh tấn không có giới hạn, cũng gọi là phát tâm học Phật pháp, nếu còn có một pháp môn nào là còn học.
Bởi vì dù pháp môn nhiều như thế nào đi nữa mà nếu hiểu kỹ rồi thì sao? Cũng từ tâm sanh. Một pháp môn cũng từ tâm sanh mà vô lượng pháp môn cũng từ tâm sanh, gọi là: “Do chúng sanh có tám mươi bốn ngàn phiền não nên Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn để đối trị”. Tám mươi bốn ngàn phiền não đều từ tâm, các pháp môn cũng từ tâm sáng lập.
Do chúng sanh có vô số tâm nên pháp môn có vô số pháp để dẹp trừ vô số tâm của chúng sanh. Nếu người ngộ được tự tâm thì chính đó là pháp gốc, nếu học ngay pháp đó thì liền sáng được mỗi pháp mỗi pháp cũng đều từ tâm đó mà ra không có gì khác nên không sợ không học hết. Như bài kệ truyền pháp của Đức Phật:
Pháp bổn pháp vô pháp,
Vô pháp pháp diệc pháp.
Kim phó vô pháp thời,
Pháp pháp hà tằng pháp.
Dịch:
Pháp gốc pháp, không pháp,
Pháp không pháp cũng pháp.
Nay khi trao không pháp,
Pháp pháp đâu từng pháp.
Pháp gọi là bổn pháp tức là cái pháp gốc đó, vốn là không pháp, nghĩa là nó không có pháp này pháp kia, nó không là gì hết. Để nói lên cái pháp gốc đó chính là tâm thôi. Rồi “Pháp không pháp đó cũng là pháp”. Nếu như người nghe nói đến cái pháp không pháp ấy rồi nghĩ rằng nó cũng là một pháp gì đó thì lại cũng thành mắc kẹt. Tóm lại, pháp gọi là bổn pháp tức là không có pháp thật, nó chỉ là tâm thôi; nếu thấy nó là pháp thì lại mắc kẹt nữa, lại thành có một pháp ngoài tâm.
“Nay khi trao cái không pháp đó”, gọi là nhận được bản tâm thì mới thấy rõ được là: “Mỗi pháp mỗi pháp không có pháp nào thật”. Pháp từ tâm sanh nên gọi là pháp nhưng không phải là pháp. Như vậy thấu rõ được cái pháp gốc, tức là thấu rõ được ngay bản tâm của mình, khi ấy liền rõ mỗi pháp không có cái pháp nào là thật, thì dù cho vô lượng pháp môn mà không có pháp nào thật, vậy đâu có gì phải sợ. Thấy rõ như vậy thì không thấy có một pháp môn nào thật ngoài tâm mà có, thì khi ấy không còn một pháp nào để chúng ta tìm cầu, và như vậy là thấu rõ các pháp rồi.
Khi ấy không còn sợ pháp môn nhiều học không hết mà còn mở sáng trí tuệ giúp chúng ta thấu suốt hết tất cả các pháp khác. Nếu chúng ta thấy có một pháp thật thì còn cần phải học nữa để thấu qua, bởi vì trí tuệ lúc đó chưa viên mãn. Còn ngay đó dừng lại, tức chưa xong việc, chưa gì mà thấy đủ thì còn mắc kẹt, còn tự mãn. Khi đã hiểu kỹ rồi mới thấy, nếu chúng ta còn thấy có một pháp nào thật ngoài tâm mà có, tức mê chướng chưa hết, nên còn phải học nữa, học hoài để cho thấu qua chỗ đó, nếu không thì bị cái pháp đó làm chướng ngại.
Do đó, ở đây dạy phát tâm đối với pháp môn vô lượng đều thệ nguyện học hết, học không dừng, không bỏ sót. Nếu học như vậy thì học hoài không chán, và người tu như vậy là càng tu càng mở cái tâm mình không có giới hạn. Đó là phát nguyện thứ ba.
Nguồn: Thiền Viện Thường Chiếu!