Niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.
1. Niệm Phật là gì?
Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động.
Khi tâm ta bị chi phối bởi những tạp niệm thì ta sẽ dùng tiếng niệm Phật để lấn áp đi những dòng suy nghĩ tạp niệm ở trong lòng và có thể đặt tâm mình vào trong xâu chuỗi mà khi ta đang hành trì.
Lúc này, tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm ta và bản thân mình cần phải xóa bỏ đi những uế trược, phiền não trong lòng, từ đó ta có thể gạn lọc và chuyển đổi tâm của ta từ cái ác trở thành thiện, từ tạp niệm chi phối đưa đến sự thanh tịnh và giống với cảnh giới của chư Phật.
2. Mục đích của việc niệm Phật
Niệm Phật để đưa đến sự nhất tâm
Làm sao để ta áp dụng niệm Phật trong các vấn đề sinh hoạt hằng ngày? Khi ta đang làm một việc gì đó, không thể nào chúng ta vừa làm rồi miệng lại niệm Phật cùng một lúc được, có khi lại gây ảnh hưởng xấu.
Do vậy, khi làm bất cứ việc gì, chúng ta tập trung nhìn nhận rõ, đâu là đúng, đâu là sai, đâu là cái cần phải gạt lọc, đó là ta đã sống trong giây phút của tỉnh thức rồi, việc này đồng nghĩa với việc chúng ta niệm Phật.
Niệm Phật để được giải thoát
Niệm Phật là để được giải thoát, vậy từ giải thoát là gì? Chữ giải có nghĩa là mở, thoát là ra, nhưng đôi khi chúng ta không hiểu rõ rồi lại nhìn chữ giải thoát này ở một mức độ cao siêu xa vời. Chúng sinh luôn bị Tam độc Tham – Sân – Si chi phối trong lòng, do đó việc niệm Phật là làm sao thoát khỏi sự ràng buộc của ba yếu tố này.
Ví như trong cuộc sống, ta làm ra đồng tiền, có nhiều thì tiêu nhiều, có ít thì tiêu ít, tùy vào khả năng có được mà chúng ta sử dụng hợp lý và không bị đòng tiền lôi cuốn bản thân mình vào những con đường tội lỗi khác. Ta sẽ không bị dính mắc và lệ thuôc vào nó, thì lúc này chúng ta đã thoát khỏi sự ràng buộc của tham và làm chủ bản thân mình, như vậy mới thật sự niệm Phật giải thoát ngay ở trong hiện tại này mà không tìm một sự giải thoát ở đâu xa vời.
Giải thoát nằm ngay ở trong tâm thanh tịnh của mỗi người. Tâm của ta có sự an lạc, giải thoát tâm hồn thì ngay đó ta sống với thế giới thanh tịnh của chư Phật. Chúng sinh ai cũng có Phật tính sáng suốt, nhưng bị vô minh che lấp, nên không nhận ra được tự tính sáng suốt của mình.
Vì vậy, việc niệm Phật giúp ta trở về bản thể thanh tịnh của chính mình. Có nhiều người cũng nghĩ rằng, niệm Phật để được đức Phật tiếp dẫn về một thế giới nào đó. Điều này vô tình lại làm chúng ta thiếu đi niềm tin vững chắc vào khả năng tu tập của chính mình.
Trong kinh Đức Phật dạy, ví như chúng ta trồng một cây nằm ở hướng tây thì khi gió đến, nó sẽ ngã theo chiều của hướng tây. Cũng thế, nếu như hằng ngày ta luôn vun bồi và tạo nhiều công đức lành thì kết quả an lạc sẽ đến với ta và khi mất thân này chúng ta sẽ được tái sinh vào một cảnh giới an lành. Cũng giống như người ăn cơm nếu ăn một bát thì no theo một bát, nếu ăn nhiều thì no nhiều, nhưng tự thân họ cũng có lương thực để an lòng. Do đó, tùy vào mức độ mà ta tu tập nhiều hay ít thì tự thân sẽ được sinh vào cảnh giới thích hợp với quá trình công phu tu tập của mình.
Niệm Phật để được vãng sinh
Vãng sinh là sự kết thúc của cuộc đời này để sinh qua một thế giới khác, hay nói nghĩa rộng hơn, đó là cách chuyển hướng thay đổi từ cách sống này sang một lối sống mới. Ví như trước giờ ta sống trong sự giận hờn, buồn phiền và không làm chủ được tâm hồn. Nhưng khi hiểu được sân là nguyên nhân đưa đến sự đau khổ, lúc này chúng ta liền khắc phục sai lầm và thay đổi tích cực mạnh mẽ, đó là chúng ta đã chuyển đổi từ một cuộc sống sân hận thành một cuộc sống bao dung tha thứ, và đó cũng chính là vãng sinh. Cũng giống như một người ham hút thuốc nhưng khi phát hiện mình bị bệnh nên lập tức bỏ ngay sự ham muốn ấy, có nghĩa là người này đã thay đổi từ một thói xấu chuyển thành một đức tính tốt thì đó cũng gọi là vãng sinh.
Như vậy, không cần phải chết mới được vãng sinh mà ngay trong đời sống hiện tại ta cũng đã được vãng sinh rồi. Vì vậy, vãng sinh là sự thay đổi từ những đức tính xấu ác của con người để trở về con đường thánh thiện, từ một người với thói quen đầy sự ích kỷ, nhỏ nhen trở thành một người có tấm lòng bao dung, độ lượng và cao hơn nữa đó là từ phàm phu bước lên một bậc của thánh hiền.
Hành giả tu tập, niệm Phật cần phải thực tập và áp dụng việc niệm Phật vào trong đời sống hằng ngày để chúng ta tìm được nguồn an lạc hiện thực và luôn luôn trong thế giới của Đức Phật, đoạn dứt những phiền não để trở về bản thể thanh tịnh vốn có của mình, và đó mới là mục đích cao cả của việc niệm Phật.
3. Niệm Phật tiêu tội chướng, phước tuệ sanh
Chúng ta hàng ngày dụng công niệm Phật, tội chướng sẽ được tiêu diệt, thiện căn phước đức trí tuệ cũng từ nơi đó mà tăng trưởng; và bao nhiêu phiền não tri chướng cũng sẽ từ đó mà đứt sạch.
Khi niệm Phật chúng ta tập trung toàn bộ tinh thần vào câu niệm Phật, không phân biệt có người niệm và danh hiệu Phật đang niệm; được như vậy thì mới đạt được tối an lạc của sự niệm Phật.
Tâm chuyên chú vào danh hiệu A Di Đà Phật, thì phiền não nhiễm tình vọng động mới dứt, tâm thanh tịnh mới hiển bày, tội chướng nghiệp lực từ vô thủy dần dần tiêu diệt, trí tuệ phát sanh.
Tâm chúng sanh xưa nay vốn đầy đủ các đức tướng đại từ đại bi, đại nguyện, đại hạnh, đại trí, đại lực… nhưng vì mê theo trần cảnh, nên không thường hay chiếu diện. Các vị Bồ Tát đã nhiều đời tu lục độ vạn hạnh, phá trừ nhiều phần vô minh phiền não nên thường hay hiển bày các đức tướng diệu dụng ấy, mà, độ thoát chúng sanh ra ngoài vòng sanh tử. Ngài Văn Thù Bồ Tát là đại diện cho đại trí, Quán Thế Âm Bồ Tát là đại bi, Địa Tạng Bồ Tát là đại nguyện, Phổ Hiền Bồ Tát là đại hạnh, Di Lặc Bồ Tát là đại hỷ… chúng ta hiện thời vì vô mình dày đặc nên không có khả năng hiển bày các đức tướng như các ngài; nên ngày ngày chúng ta phải nương nhờ công đức năng lực của sáu chữ: “Nam Mô A Di Đà Phật” mà hiển bày các đức tướng vi diệu nơi tâm.
Do vì chúng ta là kẻ phàm phu tội chướng sâu dày không có một chút công đức khả dĩ để tự bố thí cho chính mình, cũng như giúp đỡ cho mọi người chung quanh đang cần các vị Bồ Tát đã và đang làm; nên ta nương nhờ nơi câu thánh hiệu của Phật A Đi Đà đầy đủ công đức trí tuệ vô lượng vô biện, mà, làm người chủ nhân mang phước đức trí tuệ ấy đến với mọi người. Giống như ta vốn không có một đồng xu, nhưng cha mẹ ta là người giàu có nhất vùng; do đó mà ta có thể nương nhờ nơi tài sản của cha mẹ, để làm việc bố thí cơm gạo cho những người khốn cùng.
Công đức của Thánh hiệu Di Đà không lường như hư không, tuy không có hình dạng nhưng tất cả những núi sông, rừng biền, mặt trời, mặt trăng… không một vật nào mà không nằm trong hư không. Cũng vậy, niệm danh hiệu Di Đà là niệm vô lượng hằng sa công đức của lục độ vạn hạnh. Vì sao? Bởi vì Di Đà Như Lai đã từ vô lượng hằng hà sa số kiếp tu hành lục độ vạn hạnh, chứa đầy công đức vô lậu như hư không, trang nghiêm Phật quốc Tịnh Độ.
Hài nhi sanh ra đời bú sữa mẹ để lớn, trong lúc bú sữa mẹ để lớn, trong lúc bú sữa mẹ, hài nhi không biết rằng thân thể mình lớn khôn là do nơi sữa của người mẹ; cũng không biết khi bú như vậy khiến cho thân thể người mẹ bị tổn giảm nên không nhận thức được công khổ khó nhọc của người mẹ nuôi con. Hài nhi phải cần bú sữa mỗi ngày thì thân mới khỏe mạnh và lớn nhanh, không có bệnh hoạn; nếu bú sữa không đủ thì hài nhi sẽ bị bệnh và ốm yếu. Cũng thế, sáu chữ Di Đà Thánh hiệu có năng lực nuôi dưỡng Pháp thân tuệ mạng của ta trưởng thành từng giờ từng ngày, nếu chúng ta niệm Phật thường xuyên không gián đoạn; bằng ngược lại chẳng những trí tuệ không phát sinh mà phiền não tội chướng lại tăng trưởng, như em bé bú sữa không đều sanh ra bệnh hoạn.
Do công đức vô lượng của sự niệm Phật như vậy: thỉnh chư vị cùng niệm Phật để tội chướng từ nhiều đời nhiều kiếp được tiêu diệt và, phước huệ cũng từ nơi đây mà sanh trưởng. Nam Mô A Di Đà Phật! –“Thượng tọa Thích Phước Nhơn”.
4. Niệm Phật là vua trong các Pháp
Dù bạn đang ở bất cứ đâu, đang làm gì cũng niệm được, không có bất kỳ kiêng kị nào hết. ” Không phải kiêng gì hết”. Vì pháp tu này dễ thực hành, nhiều lợi ích, quan trọng là: Ai tu cũng được.
Không phân biệt bạn Quy y hay chưa, thờ Phật hay chưa. Không kể bạn thuộc chủng loại nào: Trời, Người, A Tu La, Súc Sanh, hay Ngạ Qủy.. Không phân biệt bạn giàu hay nghèo, sang hay hèn, giữ giới hay ko giữ giới.
Không phân biệt bạn Bố thí hay không Bố thí, bạn xây Chùa hay không xây Chùa, bạn làm phước hay không làm phước… Đều tu và đều được vãng sinh hết, như Tổ Ấn Quang dạy” Vạn người tu vạn người về”.
Cứ chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật và phát nguyện vãng sinh thì chắc chắn được vãng sinh. Không phải nói nhiều, vì Bổn nguyện của Phật A Di Đà là vậy. Lại niệm Phật vừa được vô vàn lợi ích ở hiện tại và tương lai. Nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng…cuộc sống luôn khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn
Niệm 6 chữ hồng danh “Nam Mô A Di Đà Phật” Niệm ra tiếng hay kim cang trì, niệm thầm đều được.
Dù bạn đang ở bất cứ đâu, đang làm gì cũng niệm được, không có bất kỳ kiêng kị nào hết. ” Không phải kiêng gì hết”. Vì pháp tu này dễ thực hành, nhiều lợi ích, quan trọng là: Ai tu cũng được. – “Ấn Quang Đại Sư”.
5. Thực hành buộc tâm và diệt trừ tạp niệm khi niệm Phật
Mở mắt niệm Phật tâm dễ tán loạn, có thể nhắm mắt mà niệm. Ngay khi niệm Phật, buông bỏ tất cả để lòng rỗng không, rồi đề khởi danh hiệu Phật, vừa nghe vừa niệm, vừa niệm vừa nghe, nối nhau không dứt, hành trì lâu dần tất có lúc tương ưng. Chỉ cần mỗi chữ từ thâm tâm phát ra, mỗi câu tha thiết nhớ mong Tịnh độ. Có phương pháp buộc niệm là khi không niệm Phật đem tâm niệm mình nhớ nghĩ Phật A-di-đà. Tâm thường thanh tịnh không lay động, chính là chỗ dụng công đắc lực.
Hỏi: Tạp niệm từ đâu sinh?
Đáp: Con người chỉ có một tâm, tâm niệm Phật tức là nó, mà tâm tạp niệm cũng tức là nó. Chỉ nhân ta niệm Phật chưa tinh chuyên, nên niệm trần còn vơ vẩn thế thôi.
Hỏi: Làm sao trừ được tạp niệm kia?
Đáp: Chỉ cần tự phấn chấn tinh thần, đem tâm niệm hoàn toàn để trên Phật hiệu, tạp niệm liền mất.
Hỏi: Nhưng nếu tinh thần yếu kém suy mỏi, không thể khiến cho nó tiêu mất thì làm sao?
Đáp: Đạo lực chưa đủ nên tán loạn nhiều, phải cố thâu nhiếp sáu căn, lần lần sẽ được thanh tịnh. Đương lúc tạp niệm dấy khởi, đừng quan tâm đến nó, ta chỉ niệm Phật, mắt nhìn chăm chú tượng Phật, hoặc tâm chuyên chú nơi tượng Phật, tạp niệm sẽ tiêu. Nhưng lâu sau tạp niệm lại khởi, thậm chí ràng buộc không thể mở được.
Không cần vội vàng, chỉ lóng lặng tâm tư, khiến sáu chữ Hồng danh mỗi mỗi từ nơi tâm phát khởi, thành tiếng nơi miệng, nghe rõ ràng nơi tai. Lại từ trong tâm niệm lưu xuất, xuyên suốt xoay vần không để cho gián đoạn thì tạp niệm tự dứt. Còn có người độn căn không làm được, có thể đem sáu chữ Nam mô A-di-đà Phật, khi niệm ghi nhớ rành rẽ tiếng thứ nhất là “Nam”, tiếng thứ nhì là “Mô”, như thế đủ sáu chữ liên hoàn không dứt, thì tất cả tạp niệm không còn chỗ phát sinh. – “Trích 48 Pháp Niệm Phật – Đại sư Diệu Không”.
Tâm Hướng Phật/TH!